Có Nên Cho Trẻ Bú đêm? Khi Nào Nên Tập Cho Trẻ Bỏ Bú đêm?

Cho trẻ bú đêm sẽ đem lại nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, đây có thể là công việc vất vả đối với mẹ, đặc biệt là những người mới làm mẹ lần đầu. Vậy có nên cho bé bú sữa đêm hay không và khi nào nên tập cho trẻ bỏ bú đêm?

Mỗi bà mẹ và mỗi đứa trẻ đều là những cá thể khác nhau, do đó thời gian bú của mỗi đứa trẻ cũng sẽ khác nhau. Bé cưng nhà bạn có thể bú khoảng 6 đến 8 cữ trong một ngày. Một số bé có thể chỉ bú vào ban ngày, trong khi một số khác lại bú cả vào ban đêm. Việc thức dậy và cho trẻ bú đêm có thể khiến không ít bà mẹ bỉm sữa mệt mỏi. Hello Bacsi sẽ giải đáp thắc mắc bé bú đêm có tốt không, khi nào nên tập cho trẻ bỏ bú đêm và chia sẻ với bạn một số lời khuyên để vượt qua tình trạng này dễ dàng nhé!

Có nên cho trẻ bú đêm khi ngủ?

Có rất nhiều ý kiến ​​khác nhau về việc có nên cho trẻ sơ sinh bú khi đang ngủ. Điều này khiến các mẹ bỉm sữa lo âu liệu việc cho trẻ bú đêm có hại không. Một số người tin rằng đây là điều bắt buộc, trong khi một số khác lại cho rằng cho trẻ bú đêm là không an toàn, vì:

  • Việc cho trẻ bú đêm có thể khiến cả mẹ và bé chỉ ngủ được khoảng 3 đến 4 giờ mỗi đêm.
  • Ngoài ra, việc cho trẻ bú đêm cũng có thể làm tăng nguy cơ khó thở ở trẻ sơ sinh.
  • Bên cạnh đó, đôi lúc trong quá trình cho trẻ bú đêm, người mẹ dần kiệt sức, mệt mỏi hơn và ngủ quên, có thể vô tình gây chèn ép trẻ, dễ gây nguy hiểm. Những nguy cơ này sẽ cao hơn đối với trẻ sinh non, trẻ thiếu cân và trẻ dưới bốn tháng tuổi.

Vậy có nên cho trẻ bú đêm? Với các bé mới sinh, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuần tuổi, hầu hết trẻ đều có nhu cầu bú đêm nhiều bởi lúc này dạ dày của con còn nhỏ, bé cần ăn liên tục để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Do đó, với những trẻ háu ăn nhưng ham ngủ, bé thường bú đêm nhiều hơn ngày. Trong trường hợp này, câu trả lời cho vấn đề có nên cho trẻ bú đêm không là khi đến cữ bú, mẹ có thể cho bé bú mà không cần đánh thức con dậy. Mẹ có thể nhấc bé ra khỏi cũi, cho bé ăn, thay tã và đặt bé ngủ trở.

Lưu ý:

  • Khi cho con bú trong trạng thái bé còn ngủ, mẹ nên để ý lực mút của bé.
  • Nếu lực mút quá nhẹ thì khả năng cao là con không thực sự bú, chỉ mút ti mẹ vì quán tính nên lượng sữa mà con nhận được sẽ rất ít.
  • Do đó, mẹ có thể cho bé bú bù vào cữ bú sau hoặc tăng số lần bú trong thời gian con thức.

Nhiều mẹ còn thắc mắc “Trẻ 2 tháng đêm bú mấy lần?” hay “Bé 5 tháng tuổi bú đêm bao nhiều lần?”. Câu trả lời là mẹ nên đảm bảo mỗi đêm con bú được khoảng 3 – 4 cữ. Bằng cách này, bé sẽ thấy no và ngủ mỗi đêm ít nhất được khoảng 5 giờ.

Vậy trẻ bú đêm đến khi nào? Trẻ mấy tháng không cần bú đêm? Từ 6 tháng trở đi, khi bé đã bắt đầu bước vào thời kỳ ăn dặm thì mẹ nên cho trẻ 6 tháng tuổi bỏ bú đêm hoặc giảm số cữ cho bú đêm xuống. Điều này sẽ có lợi cho quá trình ăn dặm cũng như ăn sữa vào ban ngày của bé.

Có nên cho trẻ bú khi ngủ?

Cho trẻ bú đêm có tốt không?

Bé bú sữa đêm có tốt không? Cho trẻ bú đêm có thể khiến mẹ vất vả, nhưng đây là việc cần làm vì cho con bú vào ban đêm có rất nhiều lợi ích:

  • Cho trẻ bú đều đặn sẽ giúp cơ thể bạn nhận được tín hiệu tạo thêm sữa. Nếu cho bé bú bình vào ban đêm, nguồn sữa của bạn có thể bị ảnh hưởng.
  • Vào ban đêm, nồng độ prolactin, một loại hormone giúp tạo sữa trong cơ thể rất cao. Do đó, cho con bú vào ban đêm sẽ giúp cơ thể mẹ có thể điều tiết nguồn sữa trong thời kỳ cho con bú.
  • Trẻ sơ sinh bú đêm nhiều có tốt không? Vào ban đêm, trẻ sơ sinh chỉ bú khoảng 20% lượng sữa so với lượng sữa mà trẻ bú ban ngày. Dù ít nhưng lượng sữa này rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh.
  • Khi bé lớn lên, ban ngày bé sẽ bú ít hơn do mải chơi và tìm hiểu về thế giới xung quanh. Lúc này, cho trẻ bú đêm sẽ giúp cung cấp đủ lượng sữa mà bé cần.

Trẻ không bú đêm có ảnh hưởng gì?

Trẻ không bú đêm có sao không? Điều này còn tùy thuộc vào độ tuổi phát triển của bé.

  • Đối với trẻ trước khi bước vào độ tuổi ăn dặm: Không ít người thắc mắc “Trẻ 2 tháng tuổi không bú đêm có sao không?”. Thực chất, trước khi trẻ bắt đầu ăn dặm, nguồn dinh dưỡng chủ yếu của bé là sữa mẹ. Do đó, việc cho bé bú đầy đủ cữ sữa hay cho bé bú đêm là rất quan trọng cho sự tăng trưởng của bé. Trẻ sơ sinh không bú ban đêm có khả năng tăng cân thấp hơn và sức khỏe yếu hơn so với các bé được uống sữa mẹ đầy đủ, và trẻ cũng dễ gặp tình trạng suy dinh dưỡng hơn.
  • Đối với trẻ đã bắt đầu ăn dặm: Sau khi bé bắt đầu ăn dặm, nguồn dinh dưỡng của bé đã không còn tập trung chủ yếu vào sữa mẹ, nhưng sữa mẹ vẫn rất cần thiết. Vì vậy, vấn đề bú đêm không còn tác động quá mạnh mẽ vào sự tăng trưởng của bé, chỉ cần đảm bảo bé nhận đủ chất và năng lượng để tăng cân tốt.

Bạn có thể tham gia thảo luận trên cộng đồng của Hellobacsi về những nguyên tắc quan trọng khi nuôi con bằng sữa mẹ nhé.

Lời khuyên khi cho trẻ bú đêm dành cho các bà mẹ

giấc ngủ ngon

Dưới đây là một số lời khuyên mà bạn có thể thử để việc cho con bú vào ban đêm diễn ra thoải mái hơn:

  • Cho bé bú trong tư thế nằm nghiêng: Bạn nên làm quen với tư thế nằm nghiêng càng sớm càng tốt. Bạn chỉ cần nằm nghiêng về một phía với 2 chiếc gối kê dưới đầu. Bế bé nằm nghiêng sao cho cằm bé chạm vào ngực.
  • Cho bé bú ở tư thế ngồi: Ngồi ở tư thế thoải mái với vài chiếc gối dựa sau lưng. Sau đó, bế bé lên gần bầu ngực và cho bé bú.
  • Cho bé ngủ gần với bạn: Bạn có thể đặt cũi của bé trong phòng ngủ của mình. Việc ở gần bé không chỉ dễ cho bé bú mà còn giúp bạn tránh khỏi những rắc rối khi bé tỉnh giấc và bé không chịu ngủ trở lại.
  • Tránh nhìn vào đồng hồ: Việc nhìn vào đồng hồ thường xuyên sẽ khiến bạn cảm thấy bực bội vì thời gian trôi lâu. Một số bà mẹ nhìn đồng hồ thường xuyên còn có cảm giác cô đơn, buồn bã. Thay vì vậy, hãy quên chiếc đồng hồ đi và hãy tập suy nghĩ tích cực.
  • Không mở đèn: Không bao giờ bật đèn sáng trong phòng khi cho trẻ bú vào ban đêm. Giữ phòng tối hoặc chỉ mở đèn ngủ và yên tĩnh để bé có thể ngủ lại ngay sau khi bú no. Nếu cần ánh sáng, hãy chuẩn bị một chiếc đèn pin nhỏ hoặc sử dụng đèn có ánh sáng dịu.
  • Quần áo ngủ thoải mái: Bạn cũng nên mặc một chiếc váy ngủ thoải mái với phần ngực có thể mở ra dễ để cho bé bú.
  • Chuẩn bị một ít đồ ăn nhẹ và các vật dụng cần thiết: Chuẩn bị sẵn một chai nước, đồ ăn nhẹ, tã cho trẻ và bất cứ thứ gì bạn có thể cần đến trong đêm trong tầm với. Bằng cách này, bạn có thể tránh được việc phải lọ mọ đi kiếm những thứ lặt vặt trong đêm. Nếu ngực bị rỉ sữa, hãy để sẵn một chiếc khăn sạch để dễ vệ sinh.
  • Ngủ vào ban ngày: Hãy ngủ bất cứ lúc nào có thể trong ngày. Nếu có thể tranh thủ ngủ khi bé ngủ trưa, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều khi phải thức dậy cho trẻ bú đêm.

Những điều liên quan đến vấn đề cho trẻ bú đêm mẹ cần biết

1. Có nên đánh thức bé để cho trẻ bú đêm không?

Nhiều mẹ thắc mắc rằng có nên đánh thức trẻ sơ sinh dậy bú? Trẻ sơ sinh thường tự thức dậy và đòi bú. Đây là quá trình rất tự nhiên của trẻ. Thế nên việc đánh thức bé dậy bú là không cần thiết. Nhưng nếu bé có thói quen ngủ một giấc dài từ 4 đến 5 giờ, bạn cần theo dõi chặt chẽ. Chỉ khi nào bác sĩ khuyên bạn phải cho bé bú đúng cữ thì bạn mới đánh thức bé dậy và cho bé bú. Trường hợp này thường gặp ở các bé sinh non hoặc trẻ sơ sinh nhẹ cân.

2. Có nên cho bé bú bình khi ngủ?

Nhiều cha mẹ cho con nằm ngủ với một bình sữa trong tay và núm ti trong miệng mà không ngờ rằng nhiều mối nguy có thể xảy đến.

Cho con uống sữa trước khi ngủ thì được, tuy nhiên đừng bao giờ để bé ngủ với bình sữa đang bú dở. Vì nếu con bạn vừa nằm ngủ vừa bú bình, sữa có thể chảy vào tai bé, từ đó gây nhiễm trùng tai nặng. Thay vào đó, bạn nên cho con bú sữa xong trước khi bé ngủ, hoặc có thể cho bé thử núm vú giả. 

Ngoài ra, cho trẻ bú bình khi ngủ khiến trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh sâu răng ở trẻ, da bị kích ứng (do sữa rỉ ra và bị chảy xuống má trẻ, làm làn da bé bị ẩm ướt, kích ứng và ngứa), trẻ bị sặc sữa, hoặc các bệnh lý về phổi.

3. Có nên cho bé bú để dỗ con ngủ không?

khi nào cai sữa đêm cho bé

Trẻ sơ sinh ngủ trong khi bú là điều khá bình thường. Trẻ sơ sinh thường ngủ cả ngày và đêm. Vì vậy, việc bé ngủ trong lúc bú hay bú no rồi ngủ là điều dễ thấy. Thực tế, hầu hết các bà mẹ đều cảm thấy việc cho bé bú để dỗ con ngủ là cách giúp bé thư giãn hiệu quả. Nhưng khi bé lớn, bạn không nên làm điều này thường xuyên vì sẽ dễ trở thành thói quen.

4. Làm thế nào để bé ngủ mà không cần cho trẻ bú đêm?

Để làm cho bé ngủ mà không cần bú mẹ vào ban đêm, bạn có thể xây dựng cho bé các thói quen đi ngủ và tập cho bé đi ngủ đúng giờ. Bạn chỉ cần cho bé ăn trước khi bé buồn ngủ, sau đó đặt bé lên giường và ở gần đó để bé cảm nhận được sự có mặt của bạn.

5. Uống sữa bột có giúp bé có ngủ ngon hơn không?

Chất lượng giấc ngủ của trẻ sơ sinh không phụ thuộc vào loại sữa mà bạn cho bé bú. Việc bú mẹ có thể khiến bé nhanh đói và thức dậy đòi bú, còn bú sữa bột, bé có thể ngủ lâu hơn một chút vì bé sẽ no trong thời gian dài hơn. Tuy nhiên, bạn vẫn nên cho bé bú sữa mẹ thay vì cho bé uống sữa bột. Nguyên do là sữa mẹ rất giàu dưỡng chất quan trọng cho bé, không những vậy bạn cũng không mất công pha sữa và rửa bình nhiều lần trong đêm.

6. Khi nào nên tập cho trẻ bỏ bú đêm?

Nếu bạn đang thắc mắc “khi nào nên cai sữa đêm cho bé?”, thì như đã đề cập, khi bé được khoảng 6 tháng tuổi, bạn có thể cai sữa ban đêm cho bé dần dần. Hãy cho bé ăn no suốt cả ngày để bé không cảm thấy đói vào ban đêm. Nếu cần, bạn có thể cho bé ăn thêm trước khi ngủ để đảm bảo bé không bị đói. Ngoài ra, bạn có thể nhờ chồng phụ dỗ bé vào ban đêm khi bé thức dậy và đòi bú. Các ông chồng sẽ không cảm thấy hơi bị bỏ rơi trong giai đoạn này và điều này sẽ giúp tình cảm cha con được thắt chặt hơn.

Bài viết trên đã giải đáp được thắc mắc trẻ bú đêm nhiều có tốt không, và bí quyết giúp mẹ và bé cảm thấy thoải mái khi bú đêm. Hy vọng các mẹ bỉm sữa sẽ cảm thấy việc cho trẻ bú đêm không còn quá khó khăn bằng những bí quyết này!

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Từ khóa » Khi Nào Trẻ Bỏ Bú đêm