Có Nên Thụt Rửa âm đạo Không? - Suckhoe123

Thụt rửa âm đạo là gì?

Thụt rửa là phương pháp làm sạch âm đạo bằng cách bơm nước hoặc dung dịch chuyên dụng vào bên trong. Phương pháp này được rất nhiều chị em phụ nữ sử dụng.

Theo một cuộc khảo sát thì cứ 5 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44 thì có một người có thói quen thụt rửa âm đạo thường xuyên. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc này không đem lại lợi ích như nhiều người vẫn nghĩ mà thậm chí còn tiềm ẩn một số rủi ro.

Hãy cùng tìm hiểu xem tại sao lại như vậy và cần vệ sinh vùng kín bằng cách nào.

Mục đích

Để thụt rửa âm đạo thì cần chuẩn bị dụng cụ bơm, dụng cụ này có hình quả bóng hoặc hình ống dài. Có thể sử dụng nước sạch hoặc dung dịch thụt rửa. Dùng dụng cụ bơm hút nước và bơm trực tiếp vào bên trong âm đạo. Sau đó nước sẽ chảy ra ngoài.

Phụ nữ thụt rửa âm đạo vì nhiều lý do khác nhau. Một số lý do phổ biến nhất là:

  • Làm sạch âm đạo
  • Khử mùi khó chịu
  • Ngừa thai
  • Rửa sạch máu kinh còn sót lại sau kỳ kinh nguyệt hoặc tinh dịch sau khi quan hệ tình dục
  • Phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Tuy nhiên, trên thực tế thì thụt rửa không có bất cứ tác dụng nào trong số này.

Thụt rửa có an toàn không?

Các chuyên gia về sức khỏe đều không khuyến khích phụ nữ sử thụt rửa âm đạo. Âm đạo vốn đã có khả năng tiết dịch để tự làm sạch và duy trì sự cân bằng pH một cách tự nhiên. Bên trong âm đạo có một hệ vi sinh vật, gồm có vi khuẩn có lợi, vi khuẩn có hại, nấm… tồn tại ở thế cân bằng giúp ngăn ngừa viêm nhiễm và kích ứng.

Việc thụt rửa sẽ loại bỏ hoặc làm giảm đáng kể số lượng vi khuẩn có lợi và tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại cùng với nấm sinh sôi, phát triển quá mức. Điều này sẽ dẫn đến viêm nhễm, kích ứng và các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Rủi ro khi thụt rửa

Thụt rửa sẽ làm đảo lộn môi trường tự nhiên bên trong âm đạo và điều này sẽ dẫn đến rất nhiều vấn đề.

Tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ

Theo một số nghiên cứu, những phụ nữ thường xuyên thụt rửa âm đạo có nguy cơ cao bị sinh non, sảy thai và gặp phải các biến chứng thai kỳ khác. Thụt rửa cũng có thể dẫn đến mang thai ngoài tử cung và thậm chí khó thụ thai.

Nhiễm trùng

Những vi khuẩn có lợi có vai trò kiểm soát sự phát triển của nấm trong âm đạo. Khi thụt rửa, số lượng vi khuẩn có lợi sẽ giảm và từ đó, nấm men có thể phát triển mạnh. Điều này sẽ dẫn đến nhiễm nấm âm đạo.

Tương tự, khi số lượng hại khuẩn lấn át số lượng lợi khuẩn thì sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn âm đạo. Những phụ nữ thường xuyên thụt rửa có nguy cơ gặp phải vấn đề này cao gấp 5 lần so với những phụ nữ không thụt rửa.

Một số phụ nữ bị viêm âm đạo mới bắt đầu thụt rửa vì cho rằng làm như vậy sẽ loại bỏ được vi khuẩn, nấm gây hại và điều trị được vấn đề. Tuy nhiên, thụt rửa sẽ chỉ làm cho tình trạng viêm nhiễm thêm trầm trọng hơn. Việc bơm nước vào trong khi đang bị viêm âm đạo sẽ khiến cho vi khuẩn hoặc nấm lây lan sang các bộ phận khác của đường sinh dục.

Bệnh viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu là bệnh nhiễm trùng xảy ra ở các cơ quan sinh dục như tử cung hay ống dẫn trứng. Hầu hết các trường hợp viêm vùng chậu đều xảy ra do các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục.

Tuy nhiên, thụt rửa âm đạo sẽ làm tăng nguy cơ viêm vùng chậu ở phụ nữ lên đến 73%. Viêm vùng chậu sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, ví dụ như vô sinh hiếm muộn.

Viêm cổ tử cung

Giống như viêm vùng chậu, viêm cổ tử cung cũng thường là hậu quả của các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng những phụ nữ thụt rửa âm đạo sẽ có nguy cơ gặp phải vấn đề này cao hơn. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm cổ tử cung sẽ lây lan đến tử cung và ống dẫn trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Cách vệ sinh vùng kín an toàn

Cách đơn giản và an toàn nhất để vệ sinh vùng kín là rửa bằng nước trong khi tắm. Không nên dùng xà phòng. Nếu muốn thì có thể dùng các sản phẩm dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, không mùi. Hương liệu và hóa chất có thể gây kích ứng vùng da nhạy cảm quanh bộ phận sinh dục.

Cách vệ sinh như sau:

  1. Dùng ngón trỏ và ngón cái nhẹ nhàng tách hai bên âm đạo ra
  2. Nhẹ nhàng xối nước ấm nhiều lần. Có thể dùng dung dịch vệ sinh nếu muốn và làm theo chỉ dẫn của sản phẩm. Không chà xát mạnh để tránh gây tổn thương cho vùng mô nhạy cảm.
  3. Nhẹ nhàng rửa sạch lại bằng nước nếu dùng dung dịch vệ sinh cho đến khi hết bọt.
  4. Dùng khăn sạch hoặc giấy thấm nhẹ cho khô.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Âm đạo khỏe mạnh không có mùi hoặc chỉ có mùi nhẹ. Màu và lượng khí hư thay đổi theo từng thời điểm trong chu kỳ kinh nguyệt nhưng thường có màu trắng ngà hoặc trong suốt và không mùi. Nhưng đôi khi, khí hư và mùi vùng kín có sự thay đổi, báo hiệu đang có vấn đề bất thường. Khi chị em nhận thấy những dấu hiệu dưới đây thì cần đi khám bác sĩ phụ khoa:

  • Vùng kín có mùi hôi tanh khó chịu
  • Khí hư có màu trắng đục, trắng xám hoặc vàng xanh
  • Khí hư ra nhiều, loãng như nước, nổi bọt hoặc vón cục
  • Nóng rát, ngứa ngáy, mẩn đỏ hoặc sưng tấy ở trong hoặc xung quanh âm đạo
  • Đau rát khi quan hệ tình dục
  • Ra máu sau quan hệ tình dục
  • Đau đớn, nóng rát khi đi tiểu
  • Chảy máu âm đạo bất thường

Cách ngăn mùi vùng kín

Ở trạng thái khỏe mạnh, vùng kín chỉ hơi có mùi nhẹ hoặc không mùi. Mùi ở mỗi phụ nữ là khác nhau và cũng có thể thay đổi theo từng thời điểm trong tháng. Ngoài ra, một số hoạt động như tập thể dục hoặc quan hệ tình dục cũng có thể tạm thời làm thay đổi mùi tự nhiên của vùng kín.

Tuy nhiên, nếu không cẩn thận thì vùng kín sẽ rất dễ có mùi hôi khó chịu. Có thể ngăn ngừa điều này bằng một vài biện pháp đơn giản dưới đây.

Vệ sinh đúng cách

Nhẹ nhàng rửa sạch vùng kín mỗi ngày vào buổi sáng và trong khi tắm bằng nước hoặc dung dịch vệ sinh. Không sử dụng xà phòng hay sữa tắm vì những sảm phẩm này có tính kiềm, sẽ làm thay đổi độ pH âm đạo, dẫn đến viêm nhiễm và gây kích ứng vùng da nhạy cảm. Khi đi vệ sinh cần lau từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào âm đạo. Ngoài ra, không nên ngâm mình trong bồn nước để tránh vấn đề tương tự. Cuối cùng, không nên thụt rửa. Điều này sẽ phá vỡ sự cân bằng pH và hệ vi sinh vật bên trong âm đạo, dẫn đến kích ứng và nhiễm trùng.

Mặc quần lót bằng cotton

Độ ẩm tích tụ xung quanh âm đạo sẽ gây mùi khó chịu và tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn, nấm, dẫn đến viêm nhiễm. Nên mặc quần bằng chất liệu 100% cotton để thoáng khí, ngăn hơi ẩm tích tụ và thấm hút mồ hôi. Các chất liệu khác như satin, lụa hay polyester đều gây bí và dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn, nấm men.

Cần thận khi sử dụng các sản phẩm khử mùi

Các loại nước hoa vùng kín giúp khử mùi nhưng có thể gây kích ứng, dị ứng cho vùng da mỏng manh ở khu vực này. Do đó, cần cẩn thận khi sử dụng. Nếu dùng thì chỉ xịt ở vùng bên ngoài, tuyệt đối không sử dụng ở bên trong âm đạo và theo dõi phản ứng. Khi có biếu hiện kích ứng thì dừng ngay.

Tóm tắt bài viết

Âm đạo có khả năng tự làm sạch bằng cách tiết dịch tự nhiên. Do đó, không cần thiết phải can thiệp bằng cách thụt rửa. Thụt rửa sẽ làm tăng nguy cơ viêm âm đạo cùng nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.

Khi nhận thấy vùng kín có mùi hoặc khí hư bất thường thì cũng không nên thụt rửa để khắc phục. Thay vào đó, hãy đi khám bác sĩ. Thụt rửa không những không điều trị được vấn đề mà còn làm cho tình trạng thêm trầm trọng hơn và thậm chí có thể dẫn đến các biến chứng về lâu dài.

Từ khóa » Thụt Rửa La Gi