Có Nên Uống Nước Lá Tía Tô Trước Khi Cho Bé Tiêm Phòng? - Hello Bacsi

Để giúp bé không sốt, không sưng đau sau khi tiêm phòng, nhiều mẹ đã rỉ tai nhau tuyệt chiêu mẹ uống nước lá tía tô trước khi con chủng ngừa. Vậy sự thật là gì? Tại sao nước lá tía tô lại có công dụng “thần kỳ” này?

Mặc dù đây là một bí quyết dân gian nhưng đã có nhiều mẹ áp dụng và cho biết việc này khá hiệu quả. Tuy nhiên, đối với các mẹ chưa từng dùng cách này sẽ có nhiều thắc mắc như có nên áp dụng hay không? Vì sao nước lá tía tô có thể giúp con tránh được một số tác dụng phụ của vaccine như sốt, đau, bú kém…? Nhũng thông tin tổng hợp được trong bài viết sau sẽ giúp mẹ cân nhắc tốt hơn về việc có nên uống nước lá tía tô trước khi cho bé tiêm phòng hay không?

Một số tác dụng phụ sau khi tiêm phòng phổ biến ở trẻ

Trước khi biết mẹ có nên uống nước lá tía tô trước khi cho bé tiêm phòng, cùng điểm qua một số tác dụng phụ sau chủng ngừa.

Tiêm vaccine cho trẻ là hoạt động cần thiết để bảo vệ con trước nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác nhau. Hầu hết các loại vaccine đều rất an toàn nhưng đối với một số bé, vaccine vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Đau, sưng đỏ tại chỗ tiêm
  • Sốt với nhiệt độ thường trên 38 độ C
  • Nôn mửa
  • Khóc, cáu gắt
  • Bú kém.

Ngoài ra, bé có thể gặp một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn nhưng rất hiếm khi xảy ra, bao gồm:

  • Sốc phản vệ: Đây là phản ứng dị ứng xuất hiện ngay lập tức sau khi tiêm. Tình trạng này rất nguy hiểm nhưng cũng rất hiếm gặp. Bé vẫn có thể hồi phục sau khi sốc phản vệ nếu được bác sĩ hoặc nhân viên y tế điều trị nhanh chóng và kịp thời.
  • Sốt co giật: Tình trạng này xảy ra khi cơn sốt của trẻ tăng cao và thường kéo dài 1 đến 2 phút. Nếu không biết cách xử lý, tốt nhất là bạn gọi tổng đài cấp cứu và làm theo hướng dẫn của nhân viên trong đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để được điều trị. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm rằng các cơn co giật này sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé về lâu dài.
  • Tắc ruột: Đây là tác dụng phụ của vaccine chủng ngừa rotavirus sau khi trẻ được uống liều đầu tiên và liều thứ hai. Tác dụng phụ này rất hiếm gặp nên mẹ không cần lo lắng.

Thực hư việc mẹ uống nước lá tía tô trước khi tiêm phòng để bé không bị sốt

1. Vì sao uống nước lá tía tô được cho là giúp bé tránh tác dụng phụ sau tiêm chủng?

mẹ có nên uống nước lá tía tô trước khi tiêm phòng cho bé

Trẻ bị sốt, sưng đau chỗ tiêm sau khi chủng ngừa là phản ứng thường gặp, cho thấy hệ miễn dịch của bé phản ứng mạnh để chống lại kháng nguyên của virus, vi khuẩn có trong vắc xin. Cơ chế này diễn ra tương tự như phản ứng dị ứng, khi hệ miễn dịch xác định thành phần của vaccine là một sự xâm nhập nguy hiểm sẽ tiết ra các kháng thể để chống lại tác nhân này. Từ đó gây ra các triệu chứng được xem như tác dụng phụ của vaccine.

Để hạn chế tình trạng này, nhiều mẹ truyền tai nhau về cách uống nước lá tía tô trước khi tiêm phòng cho bé để phòng ngừa sốt và đau cho trẻ.

Theo Đông y, lá tía tô có hương vị pha trộn giữa hồi hương, cam thảo, quế và bạc hà, có tác dụng sát khuẩn. Không những thế, tía tô còn được y học cổ truyền xếp vào loại giải biểu, thuộc nhóm phát tán phong hàn, chữa bệnh bằng cách cho ra mồ hôi, giúp giải cảm, trị sốt.

Mặt khác, trong lá tía tô còn chứa axit rosmarinic có tác dụng kiểm soát dị ứng rất mạnh, và đã được chứng minh bằng thử nghiệm hiệu quả trên cơ thể loài chuột.

Tất cả những điều này là cơ sở để nhiều người tin rằng việc mẹ uống nước lá tía tô trước khi tiêm phòng cho trẻ có thể giúp phòng ngừa sốt và giảm đau đớn, khó chịu sau khi tiêm phòng.

2. Có nên uống nước lá tía tô trước khi cho bé tiêm phòng?

Bởi vì quá lo lắng và quan tâm đến vấn đề làm sao để giúp bé không sốt và khó chịu sau khi tiêm phòng, nên không ít mẹ đã truyền tai nhau về cách uống nước là tía tô trước khi cho con đi chích ngừa để bé không sốt, không đau sau khi tiêm.

Mặc dù bí quyết dân gian này được cho là khá hiệu quả, nhưng vẫn chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh rõ ràng công dụng hạ sốt, giảm đau sau tiêm phòng của lá tia tô.

Do đó, trước khi áp dụng, mẹ nên cân nhắc và tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn, chẳng hạn như hỏi ý kiến bác sĩ đông y, từ đó mới có cơ sở quyết định có nên uống nước lá tía tô trước khi cho bé tiêm phòng hay không.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không nên quá lo lắng nếu trẻ bị sốt hay khó chịu sau tiêm chủng. Tình trạng sốt hay đau tại vết tiêm là hoàn toàn bình thường và an toàn, chỉ kéo dài 1-2 ngày là tự biến mất.

Cách nấu nước lá tía tô trước khi tiêm phòng cho bé

Để nấu nước lá tía tô uống trước khi tiêm phòng cho bé, mẹ làm theo hướng dẫn sau đây.

Nguyên liệu

  • 200g lá tía tô
  • 500ml nước sạch

Cách nấu nước lá tía tô để uống trước khi tiêm phòng cho bé

  • Bước 1: Rửa sạch lá tía tô rồi để ráo
  • Bước 2: Cho lá tía tô vào nồi, thêm nước, đậy nắp nồi rồi đun sôi
  • Bước 3: Nước sôi thì tắt bếp, vẫn tiếp tục đậy nắp kín cho tinh chất có trong lá tía tô tiết ra hết.
  • Bước 4: Khi nước nguội bớt thì chắt lấy nước uống.

Cách uống tía tô trước khi tiêm phòng cho bé

Tía tô là một loại thảo dược lành tính, được nấu lấy nước uống, khá an toàn với mọi người. Cần lưu ý rằng, người sử dụng nước lá tía tô trước khi tiêm phòng cho bé dưới 1 tuổi là mẹ.

Trước khi bé tiêm phòng 3-5 ngày, mẹ hãy nấu nước lá tía tô theo cách trên và uống thường xuyên, rồi cho bé bú sữa. Lưu ý rằng mẹ không nên uống thay thế nước lọc nhé.

Đối với trẻ từ 1 tuổi trở lên, mẹ có thể nấu nước lá tía tô cho bé uống trực tiếp. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi cho trẻ uống nước lá tía tô trước khi tiêm phòng.

Cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm phòng

bé gặp tác dụng phụ sau tiêm phòng

Mặc dù trẻ bị sốt, đau, hay quấy khóc sau tiêm phòng thường không phải là tình trạng nghiêm trọng, nhưng cha mẹ cũng có thể giúp trẻ hạ sốt, giảm đau bằng biện pháp an toàn sau:

  • Cho bé mắc quần áo rộng rãi, thoáng mát.
  • Đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho bé để trẻ có sức đề kháng tốt sau tiêm phòng.
  • Nếu bé sốt trên 38,5 độ C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol theo liều phù hợp cân nặng và độ tuổi của bé.
  • Không nên chạm vào, đắp hay chườm vết tiêm vì điều này có thể gây nhiễm trùng.
  • Không cho trẻ dùng Aspirin vì có thể gây đột tử ở trẻ và nhiều biến chứng khác.
  • Nếu trẻ bị sốt trên 39 độ C, kèm co giật, khó thở, tím tái… thì cần đưa bé đi cấp cứu ngay.

Đọc thêm

Có nên tắm cho trẻ sau khi tiêm phòng hay không? Đừng bỏ lỡ!

Nói tóm lại, mặc dù uống nước lá tía tô trước khi cho bé đi tiêm phòng chỉ là bí quyết mà các mẹ bỉm sữa rỉ tai nhau nhưng nhiều mẹ chia sẻ rằng bản thân áp dụng và thấy hiệu quả. Hơn nữa, dựa trên nghiên cứu Đông y và công dụng của những hợp chất có trong lá tía tô thì mẹ vẫn có cơ sở để yên tâm khi sử dụng loại thảo dược này nhằm giúp bé giảm sốt, giảm đau sau khi tiêm phòng.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Từ khóa » Cách Tiêm Phòng Về Không Sốt