Cờ Người: Nét Truyền Thống Văn Hóa Thể Thao Dân Tộc - 24H

Cờ Người là một trong số những trò chơi dân gian đặc sắc diễn ra trong các dịp lễ hội của Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng, đặc biệt trong những ngày Tết Nguyên đán của dân tộc. Trò chơi này không đơn thuần chỉ để giải trí mà còn mang đầy tinh thần thể thao trong một cuộc đấu đầy trí tuệ mang đậm bản sắc dân tộc Việt.

Cờ Người thực chất là một môn cờ tướng do người đóng thế thành các quân cờ. Bàn cờ được chọn là sân đất rộng hoặc sân đình, chùa. Mỗi ván cờ lúc bắt đầu phải đủ 32 quân, bao gồm 16 nam và 16 nữ.

Đây là những nam thanh, nữ tú của các gia đình nề nếp được dân làng quý trọng và đồng tình. Hai tướng (Tướng ông và tướng bà) là những người có ngoại hình đẹp nhất và nổi bật nhất trong số 32 quân cờ. Ngoài 32 người chơi trong sân cờ, Cờ Người không thể thiếu người thứ 33 là tổng cờ, tức là trọng tài của bàn cờ. Đây là người trực tiếp giúp Ban giám khảo theo dõi việc thắng, thua của cuộc đấu cờ.

Cờ Người: Nét truyền thống văn hóa thể thao dân tộc - 1

Cờ Người thực chất là một môn cờ tướng do người đóng thế thành các quân cờ

Trang phục trên sân cờ là màu quân đỏ hoặc vàng (16 chàng trai) và màu quân đen hoặc xanh (16 thiếu nữ). Trang phục của “quân cờ” phải chỉnh tề và thống nhất. Tướng được đội mũ tướng soái, mặc triều phục bá quan văn võ, chân đi hài, lọng che. Sĩ đội mũ cánh chuồn có tua vàng. Trước khi cuộc thi diễn ra, các “quân cờ” sẽ tiến hành tập luyện các thế đi, đường võ để khi chuẩn bị xung trận biểu diễn cho từng thế cờ.

Trước khi vào vị trí trên sân, cả đội cờ múa theo tiếng trống, đàn, phách. Sau khi đã vào vị trí, một hồi trống dài nổi lên, hai đấu thủ cờ mặc áo dài, khăn xếp xuất hiện để giới thiệu danh tính; mỗi người cầm một cây cờ đuôi nheo ngũ sắc nhỏ để chỉ huy trận đánh. Theo quy định, đấu thủ cầm quân đỏ được đi trước, sau đó đến quân đen và luân phiên theo thứ tự cho đến hết. Cứ thế, Cờ Người diễn ra trong không khí tưng bừng của ngày hội. Cứ mỗi lần ăn quân của đối phương thì quân cờ thể hiện bằng 1 bài biểu diễn song đấu hoặc một bài tự vệ. Các “quân cờ” phải trải qua sự tập luyện lâu dài và gian khổ vì các đòn thế biểu diễn không phải dễ dàng.

Cờ Người: Nét truyền thống văn hóa thể thao dân tộc - 2

Cờ Người có những nét hấp dẫn đặc biệt

Sự hấp dẫn của cờ người thường là lúc bước vào tàn cuộc. Lúc này các trận chiến của các “quân cờ” cũng quyết liệt và dữ dội nhất. Người nhập vai tướng thua trận là người giỏi võ nhất. Bước vào đường cùng, vị tướng thường trổ hết các tuyệt chiêu của mình để phá vòng vây. Tả xung hữu đột, có khi phải đánh liên tiếp với 2, 3 đối thủ nên các trận chiến thường diễn ra rất hấp dẫn. Dĩ nhiên, mỗi khi tướng bước vào đường cùng thì hai quan văn (người đóng vai quân sĩ) đành phải nhào người ra thế mạng. Ngự lâm quân (quân tượng hay còn gọi là bồ), cũng được giao cho những người giỏi võ nhập vai.

Cờ Người trong văn hóa miền Bắc

Trẩy hội mừng xuân, nếu có dịp dừng chân ở một đình làng nào đó ở các tỉnh phía Bắc, bạn sẽ được dịp chứng kiến những ván cờ người mang đậm nét văn hóa truyền thống. Đây là một hội vui của cả làng, nên 32 quân cờ thường được tuyển chọn từ các nam thanh nữ tú là con cháu trong làng. Tiếng chiêng, tiếng trống khua liên hồi. Cờ xí, võng lọng bay phấp phới trong nắng xuân hồng, cùng với áo mão của “ba quân tướng sĩ” đã làm sống lại hình ảnh triều đình vua quan thời phong kiến. Các quân cờ người thường mặc áo rực rỡ có thêu biểu tượng quân cờ mình thủ vai ở trước ngực và sau áo để người xem dễ theo dõi diễn tiến ván đấu. Cứ mỗi nước đi, các quân cờ thường múa các điệu múa dân gian truyền thống, kèm các bài vè đặc trưng quen thuộc.

Cờ Người và nét văn hóa miền Nam

Khác với miền Bắc, cờ người ở miền Nam được lồng ghép võ thuật nên rất hấp dẫn. Lúc đầu, các quân cờ chỉ múa vài chiêu võ thuật chiếu lệ như diễn tuồng. Đến năm 1987, cờ người miền Nam mới bắt đầu thăng hoa. Từ ý tưởng mong muốn các ván đấu thật sự cuốn hút, hai vị đứng đầu làng cờ TP.HCM là Quách Anh Tú và Lê Thiên Vị đưa ra đề nghị, 32 quân cờ biểu diễn phải là 32 võ sinh có đẳng cấp, giỏi võ thuật. Ý tưởng này được 2 HLV võ cổ truyền VN Lê Văn Vân (môn phái Bình Định Sa Long Cương) và Hồ Tường (môn phái Võ lâm Tân Khánh Bà Trà) cùng bắt tay dàn dựng và thực hiện.

Cờ Người: Nét truyền thống văn hóa thể thao dân tộc - 3

Cờ Người là một trò chơi dân gian đầy tính trí tuệ, mang đậm bản sắc văn hóa Việt

Trong buổi khai sinh cờ người võ thuật hôm đó, 32 quân cờ đều là những cao thủ có thâm niên hơn 8 năm khổ luyện. Những đòn thế được các cao thủ tung ra biểu diễn đã chinh phục người xem. Từ thành công ở Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM vào dịp Tết năm 1987, tiếng tăm đội cờ người của Lê Văn Vân và Hồ Tường đã bay xa. Lịch diễn của các đội cờ người môn phái Bình Định Sa Long Cương và môn phái Võ lâm Tân Khánh Bà Trà thường dày đặc trong 3 ngày Tết. Không chỉ biểu diễn ở TPHCM, mà họ còn truyền bá các đội cờ người độc đáo này từ Nam chí Bắc trong các đợt lưu diễn. Điều không thể thiếu của hội cờ người võ thuật là sự sắc sảo của các nhà bình luận. Các nhân vật được công chúng ưa chuộng và có tiếng tăm trong lĩnh vực này là: “Trương Thúy Sơn” Quách Anh Tú, “Thiên hạ đệ nhất sát” Lê Thiên Vị, “Độc hành đại đạo” Hoàng Đình Hồng… Tuy nhiên, mặt hạn chế của cờ người võ thuật là chưa thể biểu diễn các “ván cờ sống” mà thường phải diễn theo các ván cờ hay được chuẩn bị sẵn. Nguyên nhân chủ yếu là các võ sĩ thường không đủ sức để có thể đánh nhiều trận liên tiếp.

Trong không khí tưng bừng của những ngày đầu xuân, Cờ Người góp phần tô điểm thêm cho các lễ hội. Đây là một trò chơi dân gian đầy tính trí tuệ, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, thể hiện nét văn hóa cộng đồng cũng như tái hiện lại kiểu đấu trí thời xưa. Tiến trình diễn ra Cờ Người mang đậm dấu ấn diễn xướng dân gian thông qua các điệu múa kèm theo những bài vè đặc trưng. Có thể nói, đây là một loại hình thể thao dân gian đặc sắc đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong các lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Từ khóa » đấu Cờ Người Là Gì