Có Phải Chế độ Một đảng Cầm Quyền Là Cản Trở Sự Phát Triển Của đất ...

“Chế độ một đảng cầm quyền là cản trở sự phát triển của đất nước”, chỉ là phiên bản lỗi của luận điệu kêu gọi, cổ súy cho đa nguyên, đa đảng, đòi chia quyền lãnh đạo, dẫn tới tiếm quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Mục đích của họ là phủ nhận vai trò duy nhất cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam.

Đẩy là một loại luận điệu hết sức nguy hiểm, bởi nó cố tình đánh đồng giữa vấn đề một đảng hay đa đảng với vấn đề phát triển. Vậy có phải một đảng thì cản trở, còn đa đảng thì tạo điều kiện cho sự phát triển đất nước? Cho đến nay, vẫn chưa có cơ sở khoa học nào chứng tỏ được điều này. Còn thực tế cho thấy, sự phát triển của một nước không hoàn toàn phụ thuộc vào việc nước đó có bao nhiêu đảng chính trị, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố: sản xuất, điều kiện tự nhiên, tình hình dân số, v.v. Có nước một đảng cầm quyền vẫn bảo đảm dân chủ, phát triển và giàu có; có nước nhiều đảng cầm quyền vẫn kém phát triển, vẫn mất dân chủ, vẫn là nước nghèo. Rõ ràng, một đảng không phải là cản trở và nhiều đảng không phải là cứu cánh cho sự phát triển của đất nước. Dưới góc độ đảng chính trị, vấn đề thuộc về bản chất của các đảng, lý tưởng mà các đảng theo đuổi, lợi ích xã hội mà nó đại diện, bảo vệ; uy tín và năng lực tập hợp, liên kết, lãnh đạo các lực lượng xã hội cùng thực hiện mục tiêu chung của quốc gia - dân tộc.

Trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, có hai khả năng phải tính đến: Thứ nhất, một đảng cầm quyền có lợi ích riêng thì đa đảng trong hệ thống chính trị là cần thiết. Trong trường hợp này, nếu chỉ có một đảng là độc tài. Thứ hai, một đảng không có lợi ích riêng khi cầm quyền, cầm quyền vì lợi ích chung thì đa đảng dễ gây bè phái, phân tán.

Hiện nay, ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo chính trị, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vậy Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm gì để không rơi vào độc tài, cản trở sự phát triển đất nước? Để làm rõ vấn đề, chúng ta cần phân tích trên các khía cạnh sau:

Một là, bản chất và mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam là lãnh đạo đất nước phát triển. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”1. Ngoài lợi ích trên, Đảng Cộng sản Việt Nam không còn lợi ích nào khác. Bản chất của Đảng là sự thống nhất hài hòa giữa tính giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc làm cho Đảng thực sự được nhân dân kính trọng, tin yêu gọi là “Đảng ta”. Mục tiêu của Đảng là xây dựng một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”2 - là mục tiêu, lý tưởng cao cả không bao giờ thay đổi trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Hai là, Đảng ta đã tìm ra định hướng phát triển và trực tiếp lãnh đạo các cuộc cách mạng để phát triển đất nước. Trong những năm 20 của thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam rơi vào bế tắc, tưởng như không có đường ra. Giữa lúc đen tối ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chỉ ra con đường duy nhất đúng đắn để giải phóng dân tộc. Trong Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng (tháng 10/1930) xác định phương hướng chiến lược của cách mạng là: lúc đầu là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, sau đó tiếp tục phát triển, bỏ qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa. Hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là đánh đổ đế quốc và phong kiến có quan hệ khăng khít với nhau. Với đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn đó, Đảng lãnh đạo nhân dân làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công lật đổ ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, thiết lập nên Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên độc lập, tự do. Nhưng sau khi vừa mới ra đời, chính quyền cách mạng non trẻ đã phải đối phó với hàng loạt nguy cơ, thách thức tưởng chừng khó có thể vượt qua. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết sách đúng đắn, sáng suốt, kịp thời để ứng phó với những thách thức đe dọa sự tồn vong của chính quyền cách mạng non trẻ, xây dựng chế độ mới, đưa cách mạng đi lên.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp với thắng lợi thuộc về nhân dân ta, Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền, với hai chế độ chính trị khác nhau. Trong khi miền Bắc hoàn toàn được giải phóng (10/10/1954), bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thì ở miền Nam, Mỹ vào thay chân Pháp, đưa Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam lúc này được Đảng ta xác định là tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Với Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chúng ta đã kết thúc thắng lợi 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975), chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân trong cả nước, thống nhất Tổ quốc; mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau khi thống nhất Tổ quốc, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, Đảng đã lãnh đạo nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế, vừa tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời, tập trung xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, việc duy trì lâu dài mô hình, cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp không còn phù hợp và đã bộc lộ những hạn chế, nhược điểm; việc hoạch định và thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, có lúc, có nơi còn chủ quan, duy ý chí. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở đánh giá tình hình đất nước và qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm, Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Ba là, đất nước đạt nhiều thành tựu to lớn và phát triển không ngừng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức độ khá cao. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược có bước chuyển biến tích cực, đạt một số kết quả đáng khích lệ. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được xác lập theo hướng đầy đủ, hiện đại và hội nhập. Giáo dục và đào tạo có bước đổi mới, đóng góp tích cực vào xây dựng con người, phát triển nguồn nhân lực. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng hiện đại được xây dựng, đưa vào sử dụng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Giảm nghèo nhanh, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội từng bước được nâng cao. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng; quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và cả hệ thống chính trị có nhiều tiến bộ, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; tổ chức lập pháp, hành pháp và tư pháp tiếp tục được hoàn thiện. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, dần trở thành ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đây là niềm tự hào, động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Đại hội XIII của Đảng xác định chủ đề: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là những định hướng lớn, tư tưởng chỉ đạo, động lực chính và mục tiêu phát triển đất nước; những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 và những năm tiếp theo.

Rõ ràng là, hơn 91 năm, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã hồi sinh và không ngừng thay da đổi thịt. Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến nghèo nàn, lạc hậu và không có tên trên bản đồ thế giới đã vươn lên tiến cùng thời đại, làm rạng danh non sông dòng giống Lạc Hồng. Với những thành tựu to lớn đã đạt được, cùng với phẩm chất, năng lực, đạo đức và uy tín của mình, sự tin yêu của nhân dân, chắc chắn rằng: hiện tại và tương lai, sự lãnh đạo của Ðảng ta vẫn sẽ là sự lựa chọn duy nhất, sự ủy thác tín nhiệm cao nhất của Nhân dân và Dân tộc dành cho Đảng. Đó là niềm tự hào, là trọng trách lớn lao của Đảng trước Đất nước, Nhân dân và Dân tộc, đây điều mà không một đảng chính trị nào khác có được. Vì thế, Đảng Cộng sản Việt Nam quyết không từ bỏ quyền độc tôn lãnh đạo đất nước và xã hội mà nhân dân đã ủy thác; Nhân dân và Dân tộc Việt Nam không cần, không chấp nhận đa đảng đối lập như các thế lực thù địch thường rêu rao.

PGS, TS. PHAN TRỌNG HÀO, Hội đồng Lý luận Trung ương ______________

1 - Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 04.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 70.

Từ khóa » Chế độ Quả đầu Là Gì