Có Phải ếch Nhái Và Bò Sát Chỉ Sống ở Trên Cạn Hay Không???

Lớp bò sát – Reptilia (gồm rắn, thằn lằn, rùa và cá sấu) và Ếch nhái – Amphibia có số lượng loài khá đa dạng trong nhóm động vật có xương sống. Phần dưới đây trình bày về các dạng môi trường sống của ếch nhái và bò sát. SỐNG CHUI LUỒN TRONG ĐẤT Để thích nghi với đời sống chui luồn trong đất, ở ếch nhái có đầu cứng rắn do da đầu có ngấm muối khoáng hay có một phần hoá xương làm cho đầu cứng thích ứng việc đào hang trong đất, gặp chủ yếu ở họ Cóc bùn Megophryidae và một số loài thuộc họ Cóc Bufonidae. Ở bò sát: đầu thường có cấu tạo dẹp theo chiều trên-dưới. Mắt tiêu giảm chỉ còn là một chấm nhỏ. Miệng hẹp, nằm mặt dưới của đầu, thường có thân dài. Không chân hoặc có chân nhưng đã tiêu giảm đi nhiều (rắn giun, thằn lằn chân ngắn, rắn mống…). Đuôi của chúng rất ngắn, tận cùng là một tấm vảy nhọn dùng làm điểm tựa đẩy con vật về phía trước (điển hình là các loài rắn giun).

Da có nhiều tuyến nhờn tạo cho con vật dễ chui luồn trong đất, ở Việt Nam điển hình là loài ếch giun Ichthyophis glutinosus SỐNG DƯỚI NƯỚC Ếch nhái tuy có có cấu tạo thích nghi với đời sống nửa nước nửa cạn, song thực tế thời gian chúng sống trên cạn nhiều hơn ở nước. Tuy nhiên những loài thuộc nhóm ếch nhái có đuôi Caudata gần như hòan toàn sống trong nước. Sự thích nghi với đời sống trong nước thể hiện ở chỗ các loài đều có đuôi dẹp bên, vừa có tác dụng giữ cân bằng cho con vật khi di chuyển, khi uốn lượn có tác dụng như một mái chèo đẩy con vật đi. Còn bò sát, các loài rắn thuộc phân họ Rắn bồng Homalopsinae, phân họ Rắn biển Hydrophiinae có đời sống gắn liền với môi trường nước. Do đó các loài này đã có cấu tạo thích nghi sống trong nước thể hiện ở chỗ: lỗ mũi chuyển lên đầu mõm và có “van” che, nhờ đó mà chúng có thể lặn lâu trong nước. Ngoài ra màng nhầy ở miệng rắn và mạng lưới mao mạch giúp cho rắn có thể tiếp nhận ô-xy ngay trong nước. Thân hơi dẹp bên và đuôi dẹp có vai trò như một bơi chèo. Các loài rùa biển, ba ba chân có màng bơi và rất linh hoạt, khi di chuyển chân là mái chèo giúp con vật bơi lên xuống và tiến về phía trước hoặc sang hai bên dễ dàng.

Ở cá sấu lỗ tai và lỗ mũi có van; nếp khẩu cái ở đáy miệng, trước họng có thể khép kín làm con vật có thể há miệng thở trong nước; chân sau có màng bơi.

SỐNG TRÊN MẶT ĐẤT Phần đông các loài ếch nhái sống trên mặt đất nên cấu tạo cơ thể có nhiều thay đổi so với hai nhóm đã trình bày. Thứ nhất và chủ yếu về cấu tạo: có chân khoẻ để nhảy được xa và nhanh, không chỉ để trốn tránh kẻ thù mà còn săn lùng con mồi nhanh chóng…. Điển hình là các loài ếch nhái không đuôi Salientia. Số loài sống trên mặt đất đông nhất. Để thích nghi với lối sống trên mặt đất nên chúng có những thay đổi. Trước hết, cấu tạo cơ thể thường thuôn dài giúp cho con vật di chuyển nhanh (điển hình là các loài rắn, thằn lằn), các loài rắn, thằn lằn thuộc bộ Có vảy Squamata

SỐNG TRÊN CÂY Để phù hợp với lối sống trên cây nên cơ thể có những thay đổi so với các loài ở những nhóm đã trình bày trên. ếch nhái có thân thường mảnh, chân dài, có màng bơi đầy đủ, đĩa bám lớn và chân rất dính. Điển hình là nhóm ếch cây thuộc họ Chẫu cây Rhacophoridae. Ở bò sát, cơ thể thường mảnh và dài, đuôi dài có khi dài tới 1/3 chiều dài cơ thể (điển hình như loài Dendrelaphis pictus, Ahaetulla prasina …) hay đuôi có thể cuộn lại được (các loài thuộc giống rắn lục Trimeresurus), một số loài chân thường có vuốt sắc (ở kỳ đà) hay các bản mỏng dưới các ngón giống như giác bám (các loài thuộc họ Tắc kè). Một số loài có khẳ năng “bay” từ cây này sang cây khác nhờ có màng da bên thân khi sườn dang rộng như “cánh” giúp con vật lướt nhẹ nhàng từ cây này sang cây khác xuống thấp hơn (gặp ở thằn lằn bay giống Draco),

Nhái cây bụng đốm Kurixalus baliogaster Ảnh: Phùng Mỹ Trung

hay ở một số loài rắn cũng có khả năng “bay” như vậy bằng cách những chiếc xương sườn dãn ra, bụng thóp lại và các vảy bên thân nhô lên làm cho cơ thể dẹp giống như một chiếc thắt lưng, sức cản của không khí sẽ giúp con vật không phải rơi xuống mà lượn xuống dần (gặp ở giống rắn roi Ahaetulla, rắn cườm Chrysopelea ornata. Đồng thời mầu sắc trùng khớp với mầu sắc môi trường sống cũng là một sự thích nghi bảo vệ nòi giống.

Tóm lại: để bảo tồn sự đa dạng của các loài sinh vật trong đó có các loài ếch nhái và bò sát thì điều quan trọng nhất chính là bảo vệ môi trường sống của chúng và hạn chế việc khai thác không bền vững. Sự tồn tại và phát triển của các loài sinh vật trong tự nhiên cũng phụ thuộc rất lớn vào các hoạt động ảnh hưởng hay tác động của con người.

Tài liệu tham khảo:

– Harold G. Cogger, Richard G. Zweifel, 2003. Encyclopedia of Reptiles and Amphibian. Fog City Press, San Francisco: 240 pp.

– Nguyễn Văn Sáng, Hồ Thu Cúc, Nguyễn Quảng Trường, 2005. Danh lục ếch nhái và bò sát Việt Nam. Nxb Nông Nghiệp, Hà Nội, 180 trang.

– Tim Halliday and Kraig Adler, 1994. The Encyclopedia of Reptiles and Amphibians. Facts and File Inc. 143 + 16 pp.

http://www.vncreatures.net/event19.php

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Filed under: Bài 35, EM CÓ BIẾT! |

Từ khóa » ếch Là Loài Bò Sát