Cơ Sở đào Tạo đại Lý Bảo Hiểm Là Gì? - Luật Hoàng Anh

Cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm

Một trong các điều kiện để một cá nhân và tổ chức trở thành đại lý bảo hiểm là cá nhân phải được cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm do cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm cấp (hoặc nhân viên của tổ chức cũng phải được cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm do cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm). Theo đó, cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm là cơ sở đào tạo các cá nhân để đủ điều kiện, khả năng, nghiệp vụ để thực hiện các hoạt động đại lý bảo hiểm.

Các điều kiện đối với cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm

Theo Điều 87 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ, cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm phải thỏa mãn các điều kiện sau:

a. Có đủ chương trình đào tạo theo quy định

Chương trình đào tạo này bao gồm:

- Phần kiến thức chung:

+ Kiến thức chung về bảo hiểm

+ Trách nhiệm của đại lý, đạo đức hành nghề đại lý

+ Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm

+ Kỹ năng bán bảo hiểm

+ Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, đại lý bảo hiểm tỏng hoạt động đại lý bảo hiểm

- Phần sản phẩm:

+ Nội dung cơ bản của sản phẩm bảo hiểm doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài được phép kinh doanh

+ Thực hành hành nghề đại lý bảo hiểm

Mỗi cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm có thể triển khai chương trình một cách khác nhau (về thời gian thực hiện chương trình, cụ thể thực hiện nội dung chương trình) nhưng phải thỏa mãn các đề mục nội dung trên trong chương trình đào tạo của mình. Đồng thời, khi các cơ sở đào tạo tự xây dựng chương trình đào tạo, các cơ sở cần phải được Bộ Tài chính chấp thuận chương trình đào tạo (tức phải gửi hồ sơ lên Bộ Tài chính để được chấp thuận).

b. Cán bộ đào tạo đại lý bảo hiểm phải có đủ kiến thức chuyên môn về bảo hiểm, kiến thức pháp luật và kỹ năng sư phạm

Theo đó, cán bộ đào tạo đại lý bảo hiểm phải có đủ bằng cấp về chuyên môn bảo hiểm, cũng như đã qua đào tạo về trình độ sư phạm và kỹ năng chuyên môn, kiến thức pháp luật, do cán bộ đào tạo đại lý bảo hiểm là chủ thể truyền thụ kiến thức đối với các đại lý bảo hiểm, có thể ảnh hưởng đến kiến thức chuyên môn cũng như thực tiễn của các chủ thể này trong quá trình hoạt động đại lý bảo hiểm.

c. Có đủ cơ sở vật chất để bảo đảm cho việc đào tạo

Cơ sở vật chất đầy đủ áp dụng đối với cả đào tạo chuyên môn lý thuyết và đào tạo chuyên môn thực hành (đầy đủ phòng học, phòng thực hành và các thiết bị, vật tư phục vụ cho thực hành).

Hồ sơ đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm

Theo Khoản 2 Điều 87 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ, hồ sơ đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm bao gồm các thành phần sau:

- Văn bản đề nghị theo mẫu do Bộ Tài chính quy định

- Tài liệu giải trình về kiến thức của cán bộ đào tạo đại lý bảo hiểm bảo đảm cho việc đào tạo

Thủ tục đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm

Bước 1: Cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm nộp hồ sơ đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm lên Bộ Tài chính

Bước 2: Bộ Tài chính xem xét và chấp thuận hoặc không chấp thuận chương trình đào tạo

Trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính có văn bản giải thích lý do không chấp thuận.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về Luật kinh doanh bảo hiểm

Luật Hoàng Anh

Từ khóa » Chứng Chỉ đại Lý Bảo Hiểm Là Gì