Hướng Dẫn ôn Thi Cấp Chứng Chỉ Đại Lý Bảo Hiểm Nhân Thọ

Trước thực trạng hiện nay nhiều đại lý bảo hiểm (ĐLBH) đang xem nhẹ phần nội dung kiến thức được giảng dạy trong khóa học cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhân thọ (BHNT). Thư viện bảo hiểm xin gửi đến các ĐLBH một series bài viết “Hướng dẫn ôn thi cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhân thọ”.

Nắm vững nội dung được chia sẻ trong series bài viết này, các đại lý BHNT sẽ chuẩn bị cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc để làm nghề. Một khi nắm vững kiến thức nền tảng này, các đại lý sẽ hiểu rõ cơ sở của các kỹ năng xử lý từ chối mà các thầy/trainer đưa ra trong các khóa đào tạo kỹ năng bán bảo hiểm.

Format của series sẽ dựa trên bộ câu hỏi trắc nghiệm ôn tập được bộ tài chính/trung tâm nghiên cứu và đào tạo ĐLBH thông qua. Từ các câu hỏi trắc nghiệm này, Thư viện bảo hiểm sẽ phân tích, làm rõ cơ sở của từng đáp án, giúp các đại lý hiểu thật kỹ các nội dung liên quan.

Mời các bạn vào phần 1, nội dung “Ôn tập kỳ thi cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhân thọ”

Câu hỏi phần kiến thức cơ bản về bảo hiểm

1. Bảo hiểm là phương pháp quản trị rủi ro nào sau đây:

A. Chấp nhận rủi ro. B. Chuyển giao rủi ro. (ĐÁP ÁN ĐÚNG)C. Kiểm soát rủi ro. D. Né tránh rủi ro.

Câu hỏi đặt ra là người tham gia bảo hiểm chuyển giao rủi ro cho ai? Có phải là cho doanh nghiệp bảo hiểm không?

Thực ra các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đóng vai trò như một “nhà cái” đứng ra để làm trung gian chuyển giao rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm với nhau. Nhà cái này có nhiệm vụ nghiên cứu các thống kê về rủi ro, từ đó tính toán để đưa ra các sản phẩm bảo hiểm dựa trên kết quả thống kê đó. Trong một điều kiện lý tưởng, khi số lượng khách hàng tham gia bảo hiểm đủ lớn, thì các DNBH sẽ tiến tới vai trò trung gian và sẽ không bao giờ phải bỏ tiền túi của mình ra. Mà chính là số đông khách hàng may mắn đã san sẻ rủi ro cho số ít khách hàng gặp rủi ro.

2. Phát biểu nào dưới đây đúng:

A. Rủi ro được bảo hiểm là những rủi ro về thiên tai, tai nạn, sự cố bất ngờ được người bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm trên cơ sở yêu cầu của người được bảo hiểm. B. Rủi ro bị loại trừ là những rủi ro mà người bảo hiểm không chấp nhận bảo hiểm, không chấp nhận bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. C. Ngoài phạm vi bảo hiểm theo đơn tiêu chuẩn, người bảo hiểm có thể thỏa thuận với người được bảo hiểm mở rộng các điều kiện, điều khoản bảo hiểm với điều kiện người được bảo hiểm phải trả thêm phí bảo hiểm cho người bảo hiểm. D. Cả A, B, C. (ĐÁP ÁN ĐÚNG)

Trong nội dung câu hỏi này chỉ có một số điểm cần lưu ý như sau. Người bảo hiểm chính là Doanh nghiệp bảo hiểm hay tổ chức nhận bảo hiểm. Người được bảo hiểm chính là khách hàng tham gia bảo hiểm. Phát biểu C trong câu hỏi này xuất hiện nhiều trong bảo hiểm phi nhân thọ mà hầu như không xuất hiện trong bảo hiểm nhân thọ.

3. Phát biểu nào sau đây đúng về đặc điểm của lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm:

A. Bảo hiểm là một sản phẩm vô hình. B. Bảo hiểm có chu trình sản xuất ngược. C. Bảo hiểm vừa mang tính bồi hoàn vừa mang tính không bồi hoàn D. Cả A,B,C. (ĐÁP ÁN ĐÚNG)

Bảo hiểm có chu trình sản xuất ngược là như thế nào? Nếu như sản xuất một chiếc bàn, người ta có thể tính được chi phí đầu vào (nguyên liệu, nhân công, marketing…) để rồi từ đó quyết định giá thành đầu ra để có được lợi nhuận. Còn bảo hiểm thì khác. Sản phẩm bảo hiểm là kết quả của quá trình tính toán giả định, dựa trên các con số thống kê trong quá khứ. Các rủi ro thực tế chưa xảy ra cho nên chưa biết được chi phí đầu vào thực tế. Vì vậy gọi đây là một chu trình sản xuất ngược!

Bồi hoàn hay không bồi hoàn là gì? Khái niệm bồi hoàn áp dụng cho bảo hiểm phi nhân thọ. Có nghĩa là bồi thường hay hoàn lại giá trị của tài sản như trước khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Ví dụ như bảo hiểm thân vỏ xe, bảo hiểm cháy nổ… Đối với bảo hiểm con người thì không áp dụng bồi hoàn, hay còn gọi là không bồi hoàn. Lý do đơn giản là vì, không thể định giá được tính mạng cũng như sức khỏe của một con người. Số tiền mà người thụ hưởng nhận được trong BH con người gọi là tiền bảo hiểm chứ không phải là tiền bồi thường. Trong thực tế thì mọi người hay nhầm lẫn giữa hai khái niệm này.

4. Phát biểu nào sau đây đúng khi nói về đặc điểm của hoạt động bảo hiểm:

A. Tâm lý chung của người tham gia bảo hiểm là không muốn sự kiện bảo hiểm xảy ra. B. Thực hiện biện pháp “né tránh rủi ro”. C. Thực hiện theo nguyên tắc “Sự đóng góp của số đông bù vào sự bất hạnh của số ít”. D. A, C đúng. (ĐÁP ÁN ĐÚNG)

Phát biểu C đã được giải thích ở câu hỏi số 1 ở trên liên quan đến quản trị rủi ro.

5. Phát biểu nào sau đây dúng khi nói về đặc điểm của hoạt động bảo hiểm:

A. Thực hiện biện pháp “chuyển giao rủi ro”. B. Bảo hiểm vừa mang tính bồi hoàn vừa mang tính không bồi hoàn. C. Thực hiện theo nguyên tắc “Sự đóng góp của số đông bù vào sự bất hạnh của số ít”. D. A, B, C đúng. (ĐÁP ÁN ĐÚNG)

6. Phát biểu nào sau đây đúng khi nói về đặc điểm của hoạt động bảo hiểm:

A. Thực hiện biện pháp “chấp nhận rủi ro”.B. Bảo hiểm chỉ mang tính bồi hoàn, không có trường hợp không bồi hoàn.C. Thực hiện theo nguyên tắc “Sự đóng góp của số đông bù vào sự bất hạnh của số ít”. (ĐÁP ÁN ĐÚNG)D. Tâm lý chung của người tham gia bảo hiểm là muốn sự kiện bảo hiểm xảy ra để được nhận tiền bảo hiểm.

7. Phát biểu nào dưới đây là đúng khi nói về vai trò của bảo hiểm:

A. Chia sẻ rủi ro B. Giảm gánh nặng cho xã hội C. Bình ổn cuộc sống D. Cả A, B, C (ĐÁP ÁN ĐÚNG)

8. Phát biểu nào dưới đây không đúng khi nói về vai trò kinh tế của bảo hiểm:

A. Cung cấp tiền vốn cho người gặp rủi ro thay cho vay ngân hàng. (ĐÁP ÁN SAI)B. Đóng vai trò trung gian trong việc huy động vốn cho nền kinh tế quốc dân. C. Góp phần ổn định ngân sách quốc gia. D. Góp phần ổn định tài chính của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.

Bảo hiểm đóng vai trò trong việc huy động vốn cho nền kinh tế bởi phần lớn phí bảo hiểm thu từ khách hàng sẽ được dùng để mua trái phiếu chính phủ, đầu tư ngược lại cho quốc gia mà DNBH đang hoạt động. Xét về mặt này, bảo hiểm có vai trò kinh tế khá giống với ngân hàng.

Bảo hiểm góp phần ổn định ngân sách quốc gia bởi nó giúp giảm gánh nặng của hệ thống an sinh xã hội khi người dân chẳng may gặp rủi ro về sức khỏe, tính mạng và tài sản.

Bảo hiểm góp phần ổn định tài chính của tổi chức, cá nhân tham gia. Điều này dễ hiểu bởi bảo hiểm sẽ thực sự phát huy tác dụng khi chẳng may người được bảo hiểm mất/giảm thu nhập do rủi ro bệnh tật, tai nạn…

9. Vai trò xã hội của bảo hiểm là:

A. Góp phần đảm bảo an toàn cho nền kinh tế – xã hội. B. Tạo thêm việc làm cho xã hội. C. Tạo nếp sống tiết kiệm và mang đến trạng thái an toàn về mặt tinh thần cho xã hội. D. Cả A, B, C đúng. (ĐÁP ÁN ĐÚNG)

Bảo hiểm góp phần đảm bảo an toàn cho xã hội là vì: Chính bởi các DNBH cũng không muốn rủi ro xảy ra với khách hàng của mình nên họ cũng tích cực tham gia/đầu tư vào các hoạt động hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn cho người dân.

Tạo thêm việc làm cho xã hội chính là lực lượng đại lý bảo hiểm đông đảo hiện nay cùng các dịch vụ phụ trợ xung quanh đó.

Bảo hiểm thường là một kế hoạch tài chính trung và dài hạn. Vì thế bảo hiểm góp phần tạo nên một nếp sống tiếp kiệm trong xã hội.

Phiên bản video dành cho các bạn:

Giới thiệu về chương trình “Đào tạo đại lý bảo hiểm nhân thọ”
Tags: chứng chỉ đại lý bảo hiểm

Continue Reading

Previous: Lưu ý khi giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ tại Aviva Việt NamNext: Chi trả bệnh hiểm nghèo nhiều giai đoạn Aviva, hỏi Bộ Tài Chính

Từ khóa » Chứng Chỉ đại Lý Bảo Hiểm Là Gì