Cơ Sở Tái Chế Dầu Từ đốt Lốp Cao Su Gây ô Nhiễm? - Báo Tuổi Trẻ

Cơ sở tái chế dầu của Công ty TNHH sản xuất thương mại Vạn Xuân đặt trên đồi ở xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Cơ sở tái chế dầu của Công ty TNHH sản xuất thương mại Vạn Xuân đặt trên đồi ở xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Sự việc diễn ra tại xã Vạn Xuân, huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa).

Nội dung đơn thư của bạn đọc phản ánh như sau: cơ sở tái chế dầu thủ công của công ty nêu trên được xây dựng giữa khu rừng đặc dụng rộng khoảng 1.000m2, chuyên đốt lốp cao su để lấy dầu gây ô nhiễm môi trường. 

Khói thải của lò thủ công này không qua xử lý nào mà xả trực tiếp ra ngoài môi trường, gây ảnh hưởng cho người dân trong phạm vi vài kilômet.

Đặc biệt là khu vực đền Cửa Đạt, người dân và du khách thường xuyên phải hít khí thải có mùi rất khó chịu của lốp cao su bị đốt.

Theo tìm hiểu, ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ Online tại thực địa, cơ sở tái chế dầu thủ công từ đốt lốp cao su của doanh nghiệp nêu trên được đặt tại một khu đồi trồng cây keo, cách đền Cửa Đạt gần 2km, cách thôn Thác Làng (xã Vạn Xuân) - nơi có khu dân cư của xã này hơn 5km.

Khi cơ sở tái chế dầu này hoạt động, đốt lốp cao su, khói từ lò đốt trên cao tỏa ra nghi ngút, bay lan khắp cả một vùng rộng lớn.

Những ngày gió mạnh, mùi khói từ lò tái chế dầu này bay xuống cả khu vực đền Cửa Đạt.

Về nguồn gốc đất rừng, nơi đặt cơ sở tái chế dầu của Công ty TNHH sản xuất thương mại Vạn Xuân, Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân khẳng định diện tích rừng nơi đây không phải là rừng đặc dụng, mà là diện tích rừng sản xuất của người dân địa phương, được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ, khai thác nguồn lợi từ rừng.

Diện tích rừng này đang được người dân trồng cây keo và một số cây hỗn giao. Cơ sở tái chế dầu này nằm trên một quả đồi, chưa có dấu hiệu xâm phạm đến an ninh rừng.

Chiều 10-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quốc Hoàn, chánh văn phòng HĐND, UBND huyện Thường Xuân, cho biết: sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc cơ sở tái chế dầu từ đốt lốp cao su của Công ty TNHH sản xuất thương mại Vạn Xuân gây ô nhiễm môi trường, lãnh đạo UBND huyện đã yêu cầu Phòng tài nguyên và môi trường huyện kiểm tra, xác minh.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy Công ty TNHH sản xuất thương mại Vạn Xuân được Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép hoạt động kinh doanh về tái chế dầu.

Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thanh Hóa có đánh giá tác động môi trường và cấp phép cho cơ sở tái chế dầu của doanh nghiệp này hoạt động.

Trên thực tế, cơ sở tái chế dầu này được xây dựng trên diện tích rừng sản xuất, cách xa khu dân cư, chưa có dấu hiệu vi phạm về bảo vệ môi trường.

Còn ông Cầm Bá Thuần, chủ tịch UBND xã Vạn Xuân, nói rằng chính quyền xã chưa nhận được đơn thư của người dân nào phản ánh về cơ sở tái chế dầu của Công ty TNHH sản xuất thương mại Vạn Xuân gây ô nhiễm môi trường.

Ông Thuần nói rằng diện tích đất xây dựng của cơ sở tái chế dầu nằm trên diện tích rừng sản xuất của người dân, chứ không phải rừng đặc dụng.

Từ khóa » Tái Chế Lốp Cao Su Thành Dầu