Cơ Sở Toán Học Và Ý Nghĩa Triết Học Của THÁI ẤT THẦN KINH
Có thể bạn quan tâm
Tác phẩm “Thái Ất Thần Kinh” là tên cuốn sách nổi tiếng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), danh nhân văn hóa lớn của Việt nam (sinh trước Galileo Galile 73 năm ) . Đây là tác phẩm nghiên cứu mối quan hệ Thiên văn – Địa lý – Sinh mệnh. Nó thuộc khoa học dự báo, trình bày dưới hình thức vận hành của các sao và được khái quát hoá thành các “Thần”.
Thái Ất Thần Kinh có nguồn gốc từ rất xa xưa và được phát triển bởi những nghiên cứu chiêm tinh học từ thế kỷ thứ V- TCN ở cả các quốc gia Âu cũng như Á. Con người đã cố gắng tìm hiểu mối quan hệ giữa những biến đổi Thiên văn – Thời tiết – Dịch bệnh – Mùa màng và các biến động xã hội.
Trong cuộc sống, con người luôn ngước mắt nhìn bầu trời, và sau này cùng với sự hỗ trợ của các công cụ thiên văn, bắt đầu hiểu rằng sự sống trên Trái Đất không thể tách rời sự vận động của các tinh tú. Con người ngày nay đã phát hiện ra rằng vũ trụ chứa đựng hàng trăm tỉ thiên hà. Còn Thái dương hệ của chúng ta chỉ là một trong số 200 tỉ các nhóm sao nằm trong Thiên hà Milky Way…
Bản thân Thái dương hệ của chúng ta cũng đang liên tục di chuyển tuần hoàn trong Thiên hà Milky Way với chu kỳ khoảng 250 triệu năm (năm của Trái Đất xấp xỉ 365 ngày). Đó chính là nguyên nhân của những biến đổi khí hậu khắc nghiệt diễn ra trên hành tinh xanh của chúng ta với những giai đoạn kéo dài hàng triệu năm.
Với những con số vừa nêu, ta sẽ giật mình tự hỏi: Trái Đất của chúng ta là cái gì? Hạt bụi nhỏ bé đó phải chăng không chịu tác động gì của các thông tin đến từ vũ trụ?
Từ thời Tam Hoàng – Ngũ Đế (thế kỷ XX TCN), chòm sao Bắc đẩu (vì có hình chiếc ghế) đã luôn được con người chú ý quan sát và tìm thấy những thông tin dự báo về thời tiết và mùa màng. Sao Thái Ất được gán với ngôi sao sáng nhất của chòm sao nay và được coi là “Thần Trời”. Sao Thái Ất cũng được xem là biểu tượng của đấng quân vương cai trị thế gian.
Với quá trình “Chiêm” và “Nghiêm” hơn 4000 năm cùng với sự nghiền ngẫm và được tạo lập bởi nhiều bộ óc lỗi lạc qua những tác phẩm như “Kỳ Môn Độn Giáp” của Khổng Minh Gia Cát (181 – 234 TL) và “Thái Nhâm” của Phong Thuỷ Đại Sư Lưu Bá Ôn (1310 – 1375 TL), khiến Thái Ất học ngày càng có chỗ đứng vững vàng trong khoa học “Lý Thiên – Lý Địa – Lý Nhân”. Tiếp thu sự phát triển của Đạo học, Dịch học và học thuyết Âm Dương – Ngũ hành, Trình Quốc Công – Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có sự tổng hợp các kiến thức để cho ra đời “Thái Ất Thần Kinh”. Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 – 1784) đã đánh giá rất cao tác phẩm này. Nguyễn Trãi cũng đã dùng “Thạch Đồ Bàn” là tác phẩm do ông soạn ra từ Thái Ất để giúp Lê Lợi chiến thắng quân Minh. Điều đặc biệt cần nói về Thái Ất đó là tác phẩm này xưa kia chỉ dành cho các bậc quân vương và các tướng lãnh cao cấp mới được đọc vì nó chứa đựng những thông tin liên quan đến khoa học quân sự và vận mệnh quốc gia,sự tồn vong của một vương triều (có thể dự đoán được thời điểm kết thúc của một triều đại). Vì lý do đó khiến khoa học “Thái Ất” được viết một cách rất thâm sâu, khó đọc và chỉ lưu hành trong tay một số rất ít các bậc vương giả.
Tác phẩm “Thái Ất Thần Kinh” được Trình Quốc Công – Nguyễn Bỉnh Khiêm viết thành sách vào những năm cuối đời, khi cụ về sống và dạy học tại quê nhà với “Bạch Vân Am” bên bờ sông Tuyết Giang (nay gọi sông Hàn, thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Với 94 năm sinh tồn trên cõi trần thế, với trí thông minh “Thiên bẩm”, cụ Trạng là người có học vấn uyên thâm, đã tập hợp các kiến thức Đạo Học, Dịch Học và toán học để viết ra tác phẩm “Thái Ất Thần Kinh”. Xin độc giả nhớ rằng ở thế kỷ XVI việc thực hiện các phép tính số học là hết sức khó khăn và chỉ có số ít các nhà thông thái có thể làm được. Cụ Vũ Hữu (Mộ Trạch, Bình Giang, Hải Dương) đỗ Hoàng Giáp khoa Quý Mùi (1463 – lúc 27 tuổi) được mệnh danh là Cụ Tổ Toán học của Việt Nam, với tác phẩm “Lập Thành Toán Pháp” là một ví dụ hiếm hoi. Chính vì vậy Thái Ất Thần Kinh luôn được coi là một tác phẩm “Triết Học Toán”. Trên thực tế khi đọc “Thái Ất” chúng ta luôn phải “làm toán” để xác định vị trí các sao trên “ bầu trời Thái Ất “
Phần ý nghĩa Triết học của Thái Ất gắn liền với Dịch lý và học thuyết Âm Dương – Ngũ Hành. Sự vận hành của các sao dẫn tới sự biến đổi giá trị tương tác của các sao và những thay đổi của sinh và mệnh. Sự thay đổi của sinh mệnh gắn liền với sự tương tác của Vũ Trụ Tuyến với các sao. Vì vậy Thái Ất Thần Kinh là một khoa học cung cấp cho chúng ta một cách lý giải đối với bài toán “Gene mở và Mở gene”. Sự vận động của các sao tương ứng với sự biến đổi của ngũ hành, dẫn tới sự cảm ứng khác nhau lên Không gian topo di truyền học và từ đó tác động đến hành vi và sinh mệnh của con người.
Sự đam mê, sự can đảm, sự giận dữ (hỷ, nộ, ái, ố) đều liên quan đến quá trình tổng hợp các hóc môn trong cơ thể .
Vấn đề Gene Mở và Mở Gene là vấn đề đang chứa đựng nhiều bí ẩn của sinh học phân tử ở cấp độ vật lý lượng tử, nó cũng đặt ra cho Triết học câu hỏi hóc búa: Sự sống là gì, vận mệnh là gì? Nền tảng khoa học của thế giới sinh học là sự điều hành của các đại phân tử DNA và RNA. Với đại dịch COVID-19 làm cho con người từ các nhà chính trị, kinh tế, khoa học và kẻ thất nghiệp buộc phải đụng chạm, buộc phải đi sâu vào khái niệm “virus”. Người thường không nhìn thấy nó nhưng đều nhìn thấy sự bất trị và sự chết chóc ghê gớm do nó gây ra. Có bao nhiêu loài, có bao nhiêu chủng virus đang tồn tại trên hành tinh xanh của chúng ta, có thể nói: không có câu trả lời! Chúng đang hiện diện ở những vật chủ nào, chúng sẽ hành động như thế nào, ở điều kiện không gian, thời gian nào v.v… Dễ mà tìm được câu trả lời chăng: Cái hộp đen khó mở này chính là ở vấn đề “Gene Mở và Mở Gene”, nằm ở sự tương tác của vũ trụ tuyến với không gian di truyền học
“Thái Ất Thần Kinh” là một tác phẩm nhằm tìm một góc độ tiếp cận vấn đề này dưới hình thức nghiên cứu sự vận hành của các sao (còn được gọi là các Thần) và sự tương tác của Vũ trụ tuyến với các sao.
Bầu trời Thái Ất được biểu diễn bởi một Ma trận vuông bậc 5 – chứa đựng cửu cung, hậu thiên bát quái và 16 chính tinh (các sao chủ chốt). Sự vận hành của các sao được biểu diễn bởi sự thay đổi các phần tử của ma trận.
BẦU TRỜI THÁI ẤT
(KHUÔN HUYỀN CÔ LẠI)
Như vậy “Bầu trời Thái Ất” là một “Không gian trạng thái” (theo cách nói của các nhà vật lý). Sự biến đổi của không gian trạng thái là biểu hiện của sự tương tác của các bức xạ vũ trụ (vũ trụ tuyến) lên “không gian di truyền học” (trong các bài viết năm 2019 đã bàn về khái niệm “Không gian Topo di truyền học – Không gian của các đại phân tử Nucleid Acide ,ở con người chúng ta chứa khoảng 100.000 genes và mỗi gene là một tổ hợp thứ tự của hàng chục ngàn nucleotid)). Sự tương tác này sẽ dẫn đến sự đóng-mở của các gene dưới một hình thức tổng quát là “sự trao đổi thông tin”. Thái dương hệ của chúng ta nằm trong một thiên hà chứa khoảng 200 tỷ ngôi sao, Bản thân Thái dương hệ này cũng vận hành trong thiên hà, còn bản thân Trái Đất của chúng ta cũng quay quanh Mặt trời với một trục nghiêng từ 220 đến 240, tạo ra sự chuyển động tuế sai với chu kỳ 41.000 năm (kết quả là khái niệm Sao bắc cực (Polaris) cũng sẽ thay đổi theo chu kỳ tuế sai đó). Nhiều người chúng ta thường không chú ý đến những sự biến động tuần hoàn của các tinh tú, nó là nguồn cội của khái niệm “vô thường” trong Đạo học .
Vấn đề then chốt nhất là tính được vị trí các sao ở thời điểm cần dự báo (tìm vị trí “an sao “) do đó dẫn tới việc xác định “Gốc toạ độ”. Thái Ất Thần Kinh nguyên thuỷ sử dụng gốc toạ độ tính thời gian là “Thượng cổ Giáp Tý”, nó tương ứng với thời điểm trước năm thứ nhất của Tây lịch là 10.153.917 năm. Đây là thời điểm đặc biệt có 7 ngôi sao đứng ngang hàng (vạch xuất phát). Người xưa cũng có dùng các mốc thời gian gần hơn như Trung cổ Giáp Dần, là năm 12.601 TCN. Việc xác định vị trí của một ngôi sao trong số 30 phụ tinh trên bầu trời Thái ất được gọi là “Toán”. Toán có 4 phép khác nhau gọi là “Tư Kể” bao gồm:
“Tuế Kể” là tính cho năm dự báo
“Nguyệt Kể” là toán cho tháng cần dự báo
“Nhật Kể” là toán cho ngày cần dự báo (ví dụ ngày sinh của một người ứng với sao nào)
“Thời Kể” là toán cho giờ cần dự báo (ví dụ giờ xuất trận)
Các phép toán nhằm tính ra “Số tích tuế” và “Vòng kỷ dư”. Các số tích tuế và vòng kỷ dư sẽ được thể hiện bằng một con số. Đây là việc dùng các phép tính số học để trừ dần các năm, tháng đã qua để tìm ra con số hiện tại của năm, tháng, ngày, giờ cần dự báo. (ngày xưa chưa biết làm phép tính chia. nên dùng phép tính trừ )
Ví dụ năm 1972 (Nhâm Tý) có vòng kỷ dư là 1, năm đó sao Thái Ất an tại cung Kiền (1). (Vị trí 1 trên bầu trời Thái Ất)
Ví dụ năm Đinh Mão (1987)
– Vòng kỷ dư có số dư là 16, còn lớn ta rút theo 3: (16/3) = 5 và dư 1
– Vậy sao Thái Ất đang nằm ở năm thứ nhất của cung 6 (đã qua 5 cung). Những Thái Ất không nhẩy vào trung cung (cung số 5) nên Thái Ất lại an vào cung số 7 là cung khôn.
(Việc tính toán thực ra còn nhiều chi tiết tạm lướt qua)
Việc xác định vị trí sao Thái Ất tính theo năm như ví dụ trên được gọi là “Tuế Kể”. Tuỳ theo việc dự báo có sự việc cần biết vị trí sao Thái Ất theo tháng được gọi là “Nguyệt Kể”. Nếu cần xác định chính xác đến ngày sẽ phải tính “Nhật Kể”. (Nếu tính đến giờ sẽ phải xác định “Thời Kể”).
Sau khi xác định được vị trí của Thái Ất, việc tiếp theo là xác định được vị trí của các sao khác trên bầu trời Thái Ất. Vì thời gian “An Cung” (lưu lại) của các sao trên một cung là khác nhau nên việc xác định vị trí của các sao phải sử dụng các vòng kỷ dư khác nhau. Khi đó người dự báo phải đi vào các cách tính cụ thể của từng sao
Ví dụ khi tìm vị trí của sao Ngũ Phúc vào năm Nhâm Tí (1972 dương lịch) ta phải lấy số tích tuế của trung cổ Giáp Dần tới năm 1972 là 14.579 năm mà chia cho 225, rồi tiếp tục rút nhỏ theo 45 ta sẽ tìm được số dư là 39. (Thời gian An cung của sao Ngũ Phúc là 45 năm).
Vậy ngũ phúc đã đi qua 3 cung, hiện đang ở trên cung 4 được 44 năm. Ngũ phúc khởi từ cung 1 (Kiền), vậy đang an tại cung Khôn (Kiền – Cấn – Tốn – Khôn (7)).
Ở một thời điểm nào đó (ví dụ năm 2000) khi các sao đã an cung trên bầu trời Thái Ất thì sự tương tác của các sao trên ma trận trạng thái (bầu trời Thái Ất) được thể hiện bằng những kết cục tốt-xấu về thời tiết, về xã hội, về sự hưng vọng, phúc-hoạ … Độc giả có thể so sánh sao Thái Ất với một Đại cường quốc và các phụ tinh khác như các quốc gia còn lại trong quan hệ toàn cầu. Khi đó chúng ta sẽ nhận ra sự diễn biến phức tạp theo quy luật tuần hoàn (Thường Biến) và bất thường (Vô Thường) diễn ra trên hành tinh cả về mặt khí hậu, thời tiết, dịch bệnh, xã hội và thân mệnh con người.
Theo thời gian các sao di chuyển và có những giai đoạn có thể có hai hoặc ba sao cùng nằm trên một cung nào đó. Lúc đó sự tương tác của các sao rất mạnh mẽ, quy luật tương sinh tương khắc thể hiện rất rõ rệt. Vị trí tương quan của các sao trên bầu trời Thái Ất cũng dẫn đến những tương tác làm cho tác dụng Cát-hung của các sao cũng thay đổi. Sự tương tác này dẫn đến các trạng thái “Ếm”, “Kích”, “Ép”, “Giam” hoặc “Đối”.
Tính chất của các sao biểu hiện thuộc tính Âm-Dương và Ngũ Hành. Có thể nêu một vài sao làm ví dụ:
1. Sao Ngũ Phúc (Thổ): (Hiền, Đức, An, Khang, Thọ)
Ngũ Phúc có thời gian an cung là 45 (ngày, tháng, năm).
Ngũ Phúc đến đâu nơi ấy sẽ không xảy ra bình biến, đói khổ, đó là thời mưa gió thuận hoà, dân yên, nước mạnh ,kiệt xuất anh hùng.
Nếu Ngũ Phúc vào các cung Dần, Mão, Ngọ, Tuất, Tỵ cùng với Thuỷ Kích đời sẽ lao đao, khốn khó.
2. Văn Xương (Thổ):
Văn Xương là tên của sao nằm ở phần Khôi (Đầu) của chòm sao Bắc đẩu, là sao Cát: Quyền, Oai, Quý Tướng, Tư Lệnh, Thái Sư.
Thân mệnh gặp được Văn Xương thì học vấn uyên thâm, có tài kinh luân quán thế, đức độ nhân nghĩa.
Nếu gặp Thần cơ, Dân cơ: sớm phú quý, song toàn từ nhỏ
Thái Ất ở cung 1, Văn Xương ở cung 9 là đối. Điềm báo sẽ có biến.
3. Thuỷ Kích (Hoả):
Thuỷ Kích là sao báo tai hoạ (tỷ như Sao Chổi), có Binh đao, đói khổ, tang tóc, giặc cướp, sóng thần, lụt lội.
Thuỷ Kích ở chính cung Mệnh: sớm lìa cha mẹ.
Thuỷ Kích đồng cung với Quân Cơ: Ếm – Dù được cũng không lâu, sẽ chết.
Tương quan giữa Thái Ất với các sao được thể hiện qua các “Khuôn Huyền Cô Lại”, gồm 72 Khối Âm và 72 Khối Dương. Sau đây là một ví dụ, ta xét khối 69 thuộc Dương:
Với Khối này:
Thái Ất cung 8, Văn Xương tới Ngọ, Đại chủ cung 6, Phát
Tham chủ cung 8, giam. Đại Khách cung 2, Thái Âm, cách
Thần Kể Ngọ, Thuỷ Kích tới Hoà Đức, ngoại kích
Khối này Thái Ất trợ chủ, Khách Mục chịu kích
Đại tiểu tướng khách đều giam, chết
Khối này ứng vào năm Kiến An 20, Giáp Thân .
Tuế Tích 10.154.101. (năm này Phù Kiên xuất quân đánh Tấn nhưng thất bại vì Thái Ất trợ chủ).
VÀI SUY NGẪM
Nền tảng khoa học của Thái Ất Thần Kinh được xây dựng trên Dịch Lý (Bát Quái) và học thuyết Âm Dương – Ngũ Hành. Những cơ sở này đều có cấu trúc Topology. Cấu trúc này cho phép sử dụng các “Độ đo”, thông qua các tích phân Lebesgue, như vậy nó có một độ xác định nhất định để đưa vào các dự báo.
Sự sống nói chung và con người nói riêng là những cấu trúc được xây dựng trên Tiên Đề Thứ Tự, đó là những “Hệ thứ tự”. Xác xuất tồn tại của một cấu trúc thứ tự là rất thấp so với các hệ vô cơ, nó chỉ tồn tại trong các điều kiện cân bằng âm dương nhất định. Nếu sự cân bằng âm dương bị phá hoại, sự sống sẽ không có khà năng tồn tại. Điều này giải thích tại sao một học thuyết trừu tượng như Âm Dương – Ngũ Hành,không dễ gì khi vận dụng vào cơ thể con người lại hết sức thành công suốt mấy ngàn năm và được công nhận như một nền y học hiện đại với các khái niệm “Lục Phủ – Ngũ Tạng”. Ngũ Tạng là phép làm tương ứng với Mười Thiên Can. Lục Phủ là phép làm tương ứng với Mười Hai Địa Chi. Mỗi phủ, mỗi tạng tương ứng với một tập hợp con của ngũ hành. Sự cân đối của các giá trị ngũ hành được Thái Ất Thần Kinh gọi là “Hoà”. Khi toán được “Hoà” ta gặp được “Phúc”, khi toán không Hoà đó là dấu hiệu sẽ gặp “Hoạ”, cần đề phòng,chính điều đó liên quan mật thiết tới nhân mệnh .
Thái Ất Thần Kinh là một môn học “Dự báo” được ứng dụng đặc biệt thành công trong việc nhà binh. Các lĩnh vực thuộc nhân sinh, Thái Ất thần kinh cũng được vận dụng để dự báo những biến cố quan trọng theo “tuế kể” mà phần nào đã thể hiện qua “Sấm Trạng Trình”. Các nhà khoa học cần có thái độ trân trọng, nghiêm túc, công phu khi nghiên cứu Thái Ất thần kinh, một tác phẩm uyên thâm trong kho tàng văn hóa Việt Nam.
Chia sẻ:
- Chia sẻ
- In
Có liên quan
Từ khóa » Bói Thái ất Thần Kinh
-
Thai At Than Kinh
-
Thái Ất Thần Quẻ Hữu Cầu Tất Ứng Đức Năng Thắng Số
-
Thái Ất – Wikipedia Tiếng Việt
-
Thái Ất Thần Kinh - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Tủ Sách Của Bạn
-
GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ THÁI ẤT THẦN KINH
-
Tìm Hiểu Về Thái Ất Thần Kinh Của Tác Giả Nguyễn Bỉnh Khiêm
-
THÁI ẤT THẦN KINH - Tử Vi Cổ Học
-
MÔN THÁI ẤT THẦN KINH CỦA TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH ...
-
Lấy Quẻ Dịch Tìm Hiểu Cuộc đời Theo Thái ất - Lý Số Việt Nam
-
(PDF) Thai At Than Kinh - Cuon 7 - Tap 2 | Nam Dalat
-
(PDF) Thai At Than Kinh - Cuon 6 | Nam Dalat
-
Thái Ất Thần Kinh | Tiki
-
[PDF] Thai At Than Kinh - TuviGLOBAL
-
Bói Thái ất Thần Kinh - Nông Trại Vui Vẻ - Shop
-
Sách Thái Ất Thần Kinh - FAHASA.COM
-
Thái Ất Thần Kinh: Cửu Cung - PHONG THỦY KỲ BÁCH
-
Thái Ất Thần Quẻ - Lã Quán Như - Tủ Sách Tâm Linh