Coi Chừng Viêm Phổi Lúc Trời Chuyển Lạnh
Có thể bạn quan tâm
Bệnh viêm phổi được xác định là bệnh của phổi, chủ yếu do nhiễm vi khuẩn và virút gây nên. Thực tế có hai dạng viêm phổi là viêm phổi thùy và viêm phổi đốm, vì vậy cần biết vấn đề này để phát hiện, chẩn đoán và điều trị phù hợp; đồng thời cũng lưu ý các biện pháp cần thiết để phòng bệnh.
Hai thể bệnh viêm phổi
Viêm phổi thùy: thường do loại phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) gây ra. Những tổn thương viêm phổi thùy thường khu trú ở một phần của thùy phổi hay cả thùy phổi, có thể ở một bên phổi hay cả hai lá phổi. Trong giai đoạn sung huyết, vùng phổi bị tổn thương có dấu hiệu sung huyết với các mạch máu giãn ra; thoát hồng cầu, bạch cầu, tơ huyết vào phế nang, cấy dịch thấy có nhiều phế cầu khuẩn. Ở giai đoạn gan hóa đỏ thường sau 1 - 2 ngày, thùy phổi viêm có màu đỏ và chắc như gan, dịch phế nang có nhiều hồng cầu và bạch cầu, cấy dịch thấy có nhiều phế cầu khuẩn. Vào giai đoạn gan hóa xám, khi bạch cầu thay thế dần hồng cầu thì màu đỏ chuyển sang màu xám, phổi chắc như gan, màu nhạt; trong phế nang có nhiều đại thực bào và bạch cầu, ít hồng cầu. Cuối cùng giai đoạn gan hóa vàng là giai đoạn lui bệnh, phổi trở lại màu nâu, hơi vàng, bạch cầu thoái hóa bị phân hủy, các đại thực bào dọn sạch phế nang.
Viêm phổi đốm: còn gọi là viêm phế quản phổi có đặc điểm là viêm từng ổ, vùng phổi lành xen kẽ với vùng phổi bị tổn thương. Các ổ tổn thương xuất hiện sớm hay muộn khác nhau, tiểu phế quản cũng bị viêm. Nguyên nhân gây bệnh cũng khác nhau. Nét đặc trưng của loại viêm phổi này là có tiết dịch phế nang, tổ chức nhu mô phổi như tiểu phế quản tận cùng, ống và túi phế nang cũng bị viêm nhiễm, khối nhu mô phổi bị đông đặc. Một thuật ngữ viêm phổi cũng đã được dùng để chỉ tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở phổi. Tổn thương xảy ra rải rác ở cả hai lá phổi, vùng phổi bị tổn thương xen kẽ với vùng phổi lành và dấu hiệu tổn thương không xuất hiện cùng một thời gian, phế quản thường bị thương tổn nặng, chung quanh là những ổ viêm phổi rộng hẹp thất thường.
Triệu chứng bệnh lý và chẩn đoán viêm phổi
Viêm phổi thùy: bệnh nhân có triệu chứng đau ngực đột ngột, đau vừa phải hoặc đau dữ dội, đau ở vùng dưới vú, đau ở bên phổi bị tổn thương hay ở phía đối diện; cơn đau có thể lan xuống vùng dưới gan, ruột thừa; đau tăng lên khi vận động, ho, thở mạnh. Kèm theo là triệu chứng khó thở với mức độ vừa phải, tần số thở trên 25 lần mỗi phút, bệnh nhân không dám thở sâu vì đau ngực, môi có thể tím tái nhẹ. Triệu chứng ho lúc đầu là ho khan, sau đó có đờm; ho làm triệu chứng đau ngực tăng lên; dấu hiệu khạc đờm lúc đầu là đờm nhầy, quánh dính, khó khạc ra; có khi đờm màu hồng, màu gỉ sắt, thường là chất nhầy mủ. Người bệnh có cơn rét run xuất hiện đồng thời với triệu chứng đau ngực, đây là biểu hiện không có thường xuyên. Trái lại triệu chứng sốt rất hay gặp, có thể xuất hiện cùng cơn rét run, nhiệt độ tăng nhanh có khi tới trên 400C; nếu không điều trị thì sốt kéo dài nhiều ngày, mạch nhanh. Đôi khi có dấu hiệu tâm thần như: lú lẫn, mau quên, chán ăn. Nước tiểu ít và có màu sẫm. Cần phát hiện dấu hiệu bệnh lý sớm nếu bệnh nhân bị sốt dù sốt nhẹ hoặc có triệu chứng cơ năng không rõ ràng. Khi nhìn có thể thấy dấu hiệu lở mép miệng, gò má đỏ, giảm giãn nở lồng ngực bên bị thương tổn. Khi sờ có dấu hiệu rung thanh âm tăng ở một vùng phổi. Nếu nghe ở vùng gõ đục phát hiện 3 triệu chứng cơ bản như mất tiếng rì rào phế nang, có ran nổ, tiếng thổi ống luôn có tiếng ran nổ và nghe rõ nhất ở thì thở vào; những triệu chứng này không rõ khi có kèm theo tràn dịch màng phổi, lúc đó có thể nghe tiếng cọ của màng phổi, nếu tổn thương nhỏ và ở sâu thì không nghe thấy gì. Trên phim chụp X-quang thấy một hình mờ đậm không đều, điển hình là thấy rõ giới hạn của một thùy phổi, không có dấu hiệu co kéo; hình ảnh thường thấy là hình tam giác mà đỉnh hướng vào phía bên trong rốn phổi và đáy hướng ra ngoài; nếu chụp nghiêng thấy bóng mờ có giới hạn rãnh liên thùy; hiện nay do sử dụng rộng rãi thuốc kháng sinh nên có thể làm thay đổi các hình ảnh trên phim chụp X-quang điển hình của viêm phổi thùy.
Viêm phổi đốm: thường xảy ra ở trẻ em dưới 1 tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Người già yếu cũng có khả năng bị viêm phổi đốm hay viêm phế quản phổi sau bệnh sởi, cúm, ho gà, hôn mê hoặc có bệnh mãn tính phải điều trị lâu. Nguyên nhân gây bệnh thường do các loại phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae), liên cầu khuẩn (Streptococcus), tụ cầu khuẩn (Staphylococcus), trực khuẩn gram âm, virút cúm, Adenovirus... Bệnh xảy ra từ từ, có khi đột ngột lúc bệnh tiên phát rút lui, sốt trở lại khoảng 39 - 400C; ở trẻ sơ sinh và người già triệu chứng sốt không rõ rệt, thân nhiệt có thể hạ. Người bệnh ho có đờm, có thể ho nhiều hoặc ít. Khó thở nông và khó thở cả hai thì, nhịp thở nhanh, cánh mũi phập phồng, các cơ hô hấp co rút nhiều hoặc ít; ở trẻ sinh non, trẻ sơ sinh có thể có cơn ngừng thở ngắn, trường hợp nặng có rối loạn nhịp thở. Dấu hiệu tím tái ở mức độ nhẹ và rất kín đáo; ở trẻ em biểu hiện tím tái xuất hiện khi khóc, khi bú; trường hợp nặng thì tím môi, tím đầu các chi và mặt. Khi sờ phát hiện dấu hiệu rung thanh âm từng vùng. Nếu gõ nghe đục từng vùng xen kẽ với vùng phổi không bị tổn thương. Nghe hai phế trường có ran nổ hoặc ran ướt. Nhịp tim nhanh, mạch nhanh và nhỏ, có thể trụy tim mạch hoặc suy tim. Trẻ em có thể bỏ bú, nôn mửa, tiêu chảy. Ở người lớn thường có hội chứng đau bụng cấp tính, có thể có vàng da và vàng mắt... Triệu chứng thần kinh cũng được ghi nhận như co giật, li bì, hôn mê... Trên phim chụp X-quang thấy đặc điểm hai phế trường có những đám mờ không đều. Xét nghiệm thấy bạch cầu tăng 10.000 - 15.000/mm3 máu, đặc biệt bạch cầu đa nhân trung tính tăng 80 - 90%, thực tế cũng có thể bạch cầu không tăng cao do bệnh nhân đã dùng thuốc kháng sinh trước đó; tốc độ lắng máu cao, fibrinogen huyết tăng trong giai đoạn cấp tính. Xét nghiệm vi khuẩn trong đờm rất cần thiết để chọn thuốc kháng sinh thích hợp vì dùng kháng sinh thích hợp khi chẩn đoán sớm sẽ có tiên lượng tốt. Cấy máu là kỹ thuật cần làm, nên lấy máu lúc bệnh nhân sốt, kết quả cấy máu rất có ý nghĩa về tiên lượng và điều trị. Việc chọc dò màng phổi thực hiện khi có dấu hiệu tràn dịch màng phổi. Kỹ thuật soi phế quản cần làm khi viêm phổi mạn tính để chẩn đoán loại trừ ung thư phổi.
Streptococcus pneumoniae - phế cầu khuẩn thường gây viêm phổi
Trong thực tế, việc chẩn đoán viêm phổi thùy và viêm phổi đốm hay viêm phế quản phổi được xác định cơ bản căn cứ vào hội chứng nhiễm trùng và kết quả phim chụp X-quang. Tuy vậy cũng cần chẩn đoán phân biệt với tràn dịch màng phổi, viêm phổi dưới màng, tràn khí màng phổi, hội chứng Loeffler, ápxe phổi, lao phổi, tắc mạch phổi, ung thư phổi, viêm phổi không điển hình do virút, viêm phổi kẽ do nhiễm Pneumocystis carinii...
Điều trị viêm phổi do nhiễm vi khuẩn
Việc điều trị bệnh viêm phổi do nhiễm vi khuẩn nói chung có khi rất đơn giản nhưng cũng có những trường hợp rất phức tạp vì có loại vi khuẩn còn nhạy cảm với các kháng sinh phổ rộng và một số vi khuẩn khác lại đề kháng với kháng sinh sử dụng nhất là đối với bệnh nhân nặng.
Điều trị viêm phổi cấp tính thể nhẹ trong lúc chưa có kháng sinh đồ thường sử dụng các loại kháng sinh cổ điển như penicilline G, ampicilline, lincomycine, cephalosporine, sulfamide... và cần điều trị trong khoảng thời gian 2 tuần cho đến khi tình hình khả quan và hình ảnh bệnh lý trên phim chụp X-quang bị xóa đi. Nếu bệnh nhân không khả quan hơn và khi đã có kháng sinh đồ thì nên xử trí điều trị theo kết quả ghi nhận là điều cơ bản. Cần chọn một hoặc nhiều kháng sinh còn nhạy cảm với vi khuẩn. Trường hợp lần đầu tiên dùng kháng sinh có hiệu quả thì nên duy trì kháng sinh đó và phối hợp thêm với một loại kháng sinh khác vì tác dụng của kháng sinh trên người không phải khi nào cũng giống như trên kết quả xét nghiệm, vì vậy cần xét nghiệm lại kháng sinh đồ nếu cần. Ngoài ra nên phối hợp các phương pháp khác làm tăng tác dụng của kháng sinh và làm cho bệnh nhân dễ chịu. Sử dụng thêm thuốc làm long đờm, thuốc giảm ho khi bị mất ngủ, ho khan kéo dài. Bệnh nhân phải nằm nghỉ ngơi tại chỗ, tránh nhiễm lạnh.
Điều trị viêm phổi nặng cần lưu ý vì thể bệnh này thường xảy ra ở cơ thể suy nhược, sức đề kháng kém hoặc vi khuẩn có độc lực mạnh nên sẽ có nhiều biến chứng và đòi hỏi phải có sự chăm sóc đặc biệt vì trên thực tế việc điều trị viêm phổi ở những bệnh nhân gầy yếu, suy nhược khó hơn là viêm phổi ở các người bệnh khác. Nên sử dụng kháng sinh liều cao và phối hợp các loại kháng sinh có hiệu lực, cho thở oxy ngắt quãng, không nên dùng thuốc an thần ức chế hô hấp, bổ sung nước và chất điện giải cho bệnh nhân tuổi cao nhất là nước hoa quả; khi có dấu hiệu mất nước cần truyền dịch. Theo dõi tình trạng tim mạch, công tác hộ lý phải chu đáo, chống loét do nằm lâu; xoa bóp, gõ, rung lồng ngực để gây ho, khạc đờm; nếu có suy hô hấp phải điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu. Đối với bệnh nhân nghiện rượu, cần dùng kháng sinh liều cao và phối hợp kháng sinh. Đối với trẻ sơ sinh, cần hút đờm dãi và dùng liệu pháp oxy. Nếu bị suy hô hấp, trụy tim mạch cần dùng thêm corticoides. Việc điều trị viêm phổi do nhiễm vi khuẩn kháng thuốc cần làm kháng sinh đồ để sử dụng loại kháng sinh thích hợp, đáp ứng có hiệu quả.
Điều trị viêm phổi do nhiễm virút
Đối với thể bệnh nhẹ, không cần phải điều trị triệu chứng mà chủ yếu là nghỉ ngơi, ăn uống các chất dễ tiêu hóa, sử dụng kháng sinh khi có bội nhiễm bằng biểu hiện ho, khạc đờm. Đối với thể bệnh nặng, có dấu hiệu suy hô hấp cần điều trị tăng cường như thở oxy, điều chỉnh thăng bằng kiềm toan, dùng nước và chất điện giải theo nhu cầu và theo dõi tại khoa hồi sức cấp cứu. Về điều trị đặc hiệu, virút không hoạt động được khi ở ngoài tế bào do đó chúng bắt buộc phải xâm nhập vào trong tế bào, các nhà khoa học đã nghiên cứu những chất ức chế sự xâm nhập của virút vào trong tế bào bằng chất enzym làm vô hiệu hóa các chất cảm thụ của tế bào, ngăn cản virút dính vào tế bào. Có thể sử dụng kháng sinh trong các trường hợp viêm phổi do nhiễm virút có bội nhiễm vi khuẩn. Lưu ý trong thời gian có dịch bệnh lây lan phải dự phòng bằng phương pháp cách ly bệnh nhân và tẩy uế nhưng rất khó thực hiện vì bệnh có thể lây lan nhanh như virút cúm. Việc tiêm chủng vắcxin phòng bệnh rất cần thiết nhất là đối với trẻ em nhưng trên thực tế khó đạt được yêu cầu vì môi trường có nhiều ổ chứa virút. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh tốt nhất đối với các trường hợp viêm phổi do nhiễm virút là cách ly, tẩy uế và tiêm chủng vắcxin.
Lời khuyên của thầy thuốc Để phòng bệnh viêm phổi, cần giữ ấm cổ và ngực, tránh bị lạnh đột ngột. Điều trị tích cực các ổ nhiễm trùng vùng mũi họng như viêm xoang có mủ, viêm amiđan có mủ, viêm sùi vòm họng VA (végétation adénoides) ở trẻ em. Điều trị hiệu quả các đợt diễn biến cấp tính của bệnh viêm phế quản mạn tính, tiêm phòng vắcxin chống cúm; cách ly, tẩy uế là biện pháp cần thiết. Sau khi phẫu thuật các bệnh ở vùng tai mũi họng, cần sử dụng kháng sinh để đề phòng viêm phổi. Đối với trẻ em bị ho gà, sởi, thủy đậu... phải theo dõi biến chứng phế quản-phế viêm; lưu ý sử dụng kháng sinh thích hợp khi có dấu hiệu nhiễm trùng như ho, khạc đờm.Từ khóa » Chẩn đoán Viêm Phổi Thùy
-
Viêm Phổi Thùy Là Gì? Cách Nhận Diện Và Phòng Tránh - Vinmec
-
Viêm Phổi Thùy - Bệnh Viện Quân Y 103
-
Viêm Phổi Thùy Là Gì? Phác đồ điều Trị Viêm Phổi Thùy Tại Nhà
-
Bạn Biết Gì Về Viêm Phổi Thùy? - Hello Bacsi
-
Những điều Cần Biết Về Bệnh Viêm Phổi Thùy | TCI Hospital
-
Điều Dưỡng Chăm Sóc Bệnh Nhân Viêm Phổi Thùy - Dieutri.Vn
-
CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ VIÊM PHỔI MẮC PHẢI Ở CỘNG ĐỒNG
-
Viêm Phổi Thuỳ
-
Viêm Phổi Mắc Phải Tại Cộng đồng - Rối Loạn Chức Năng Hô Hấp
-
VIÊM PHỔI THÙY Ở TRẺ EM VÀ TÁC NHÂN VI KHUẨN GÂY BỆNH
-
VIÊM PHỔI - SlideShare
-
Viêm Phổi Mắc Phải ở Cộng đồng
-
[DOC] Viêm Phổi Thùy Do M. Pneumoniae Có Suy Hô Hấp