Cõi Ta Bà Là Gì - Đại Thiên Thế Giới Và Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới.

Cõi Ta Bà còn gọi là Ta Bà Thế giới hay Đại Thiên Thế Giới, và cõi mà hiện chúng ta đang sinh sống đây thuộc về Ta Bà Thế Giới. Ta Bà nguyên là tiếng Phạn, dịch nghĩa là “kham nhẫn”. Như vậy, Cõi Ta Bà là cõi giới mà nơi ấy chúng sanh có  khả năng nhẫn nhịn và chịu đựng mọi sự thống khổ. Sự thống khổ ấy ở đâu ra? Sự thống khổ ấy nằm trong Bát Khổ và lưu chuyển trong lục đạo luân hồi. Bởi đa phần chúng sanh không nhận thức được Bát khổ của kiếp nhân sinh nên nhiều vị chẳng biết tại sao mình khổ. Hễ nghe bảo đời là bể khổ thì ngơ ngơ bảo: Ai chứ tôi nào thấy mình có khổ gì đâu?! 

Lục Đạo Luân Hồi bao gồm Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới, gọi tắt là Tam giới. Tam giới gồm có sáu nẻo chúng sanh, gọi là Lục Đạo Luân Hồi, gồm: Trời, Người, A tu la, Súc sanh, Ngạ quỷ và Địa ngục. Chúng sanh nơi cõi Ta bà tùy nghiệp thiện ác mà vô lượng kiếp đến nay luẩn quẩn lên xuống trong sáu nẻo luân hồi sanh tử: Sanh ra rồi chết đi, chết đi rồi lại sanh ra, lang thang bất tận trong sáu đường!

  • Cõi Trời của Chư Thiên Nhân.
  • Cõi A lu la
  • Cõi Ngạ quỷ.
  • Cõi Địa ngục
  • Chuyện về Hồ ly tinh.
  • Thập thiện nghiệp là gì
  • Nền văn minh Atlantis qua lăng kính Luân Hồi.
Cõi Ta Bà và Đại Thiên Thế giới
Cõi Ta Bà và Đại Thiên Thế giới
*

Đại lược về Cõi Ta Bà: Đại Thiên Thế Giới

Cõi Ta Bà bao gồm Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Theo Phật Học Tinh Yếu: “Kể theo phần chánh yếu, Một Tiểu thế giới có một Lục Dục-thiên, một nhật nguyệt, một núi Tu-Di và một Tứ-đại-châu. Một ngàn Tiểu-thế-giới hợp lại thành một Tiểu-thiên-thế-giới. Một ngàn Tiểu-thiên-thế-giới hợp lại thành một Trung-thiên-thế-giới. Một ngàn Trung-thiên-thế-giới hợp lại thành một Đại-thiên-thế-giới. Đại-thiên-thế-giới có nơi gọi là Tam-thiên-đại-thiên-thế-giới. Danh từ nầy chỉ cho Đại-thiên-thế-giới do ba lần ngàn thế-giới kết hợp, chớ không phải có ba ngàn cõi Đại-thiên.

Hoa-Nghiêm-Sớ-Sao nói: “Về Tiểu-thiên-thế-giới, chỉ kể Sơ-thiền; về Trung-thiên-thế-giới, phải kể Nhị-thiền; về Ðại-thiên-thế-giới, thì kể Tam-thiền”. Luận Bà-Sa nói: “Bề rộng của trời Sơ-thiền che bốn châu thiên hạ. Bề rộng của trời Nhị-thiền che một cõi Tiểu-thiên. Bề rộng của trời Tam-thiền che một cõi Trung-thiên. Bề rộng của trời Tứ-thiền che một cõi Đại-thiên”. Thế thì Tiểu-thiên-giới có 1.000 cõi Sơ-thiền, Trung-thiên giới có 1000 cõi Nhị-thiền, Đại-thiên giới có 1.000 cõi Tam-thiền.

*

Theo Kinh Thế Ký thì “đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Như trong chỗ mà một mặt trời, mặt trăng vận hành khắp quanh bốn thiên hạ, tỏa ánh sáng chiếu; có một ngàn thế giới như vậy.

Trong ngàn thế giới có một ngàn mặt trời, mặt trăng; có một ngàn núi chúa Tu-di, có bốn ngàn thiên hạ, bốn ngàn đại thiên hạ, bốn ngàn biển, bốn ngàn biển lớn, bốn ngàn rồng, bốn ngàn rồng lớn, bốn ngàn chim cánh vàng, bốn ngàn chim cánh vàng lớn, bốn ngàn đường dữ, bốn ngàn đường dữ lớn, bốn ngàn vị vua, bốn ngàn vị vua lớn, bảy ngàn cây lớn;

tám ngàn địa ngục lớn, mười ngàn núi lớn, ngàn Diêm-la vương, ngàn Tứ thiên vương, ngàn trời Đao-lị, ngàn trời Diệm-ma, ngàn trời Đâu suất, ngàn trời Hóa tự tại, ngàn trời Tha hóa tự tại, ngàn trời Phạm. Đó là Tiểu thiên thế giới. Như một Tiểu thiên thế giới, ngàn tiểu thiên thế giới như thế là một Trung thiên thế giới.

“Như một Trung thiên thế giới, một ngàn Trung thiên thế giới như vậy là một Tam thiên Đại thiên thế giới. Phạm vi thế giới thành hoại như thế là nơi chúng sinh cư trú, gọi là một cõi Phật.”

Đức Phật Thích Ca thị hiện thành Phật nơi cõi Ta Bà này để độ sanh, nên trong kinh ta hay thấy chư Phật mười phương khen ngợi đức Thích Ca: “Ở trong cõi Ta Bà trược ác mà có thể thành Vô thượng Chánh đẳng chánh giác”. Nghĩa là Ngài thành đạo và giáo hóa chúng sanh trong cõi Ta Bà đầy trược ác này vậy!

Đại lược về Chúng sanh trong cõi Ta Bà

Như đã nói ở trên, chúng sanh trong cõi Ta Bà là chúng sanh trong sáu nẻo luân hồi. Đại lược nếu xếp từ cao xuống thấp thì nó như vầy:

Chúng sanh Cõi Ta Bà: 1. Thiên nhân

Sao gọi là Thiên thú? Thiên thú là nẻo trời, chữ Thiên có nghĩa: Thiên nhiên, tự nhiên. Đây là chỉ cho chúng sanh ở các cõi trời do tu thượng phẩm Thập thiện và các thiền định. Nên được hưởng phước thiên nhiên, sự ăn mặc thọ dụng đều tùy niệm hóa hiện, không cần phải tạo tác. Lại chữ Thiên ở đây còn có bốn ẩn nghĩa: tối thắng, tối thiện, tối lạc, tối tôn.

Sáu hạng trời ở cõi Dục đều có hình tướng nam nữ, dục nhiễm tùy theo cao thấp mà có nặng nhẹ. Mười tám hạng trời ở cõi Sắc, không hình tướng nam nữ, không có sự dục nhiễm. Tất cả đều dùng thiền định để trưởng dưỡng sắc thân. Còn bốn hạng trời ở cõi Vô sắc thì không hình tướng sắc thân. Duy có tâm thức, vì là báo thể của không định.

Chúng sanh Cõi Ta Bà: 2. Người 

Sao gọi là Nhơn thú? Nhơn thú là nẻo người. “Nhơn” có nghĩa là nhẫn, chỉ cho loài người khi gặp cảnh thuận nghịch có năng lực nhẫn nại an chịu với duyên phần. Lập Thế Luận nói: “Loài người do tu trung phẩm Thập thiện mà được sanh. Trong sáu nẻo luân hồi chỉ có nhơn thú là nhiều kiêu mạn. Nhưng về phần trấn định tâm ý lại hay hơn các nẻo kia”. Chúng sanh thuộc nẻo nầy có hình tướng nam nữ, ở rải rác khắp bốn đại châu.

Chúng sanh trong bốn châu phần nhiều theo đường nhiễm dục. Song cũng có người trọn đời giữ nếp sống tu hành thanh tịnh. Luận về phước báo, người ở ba châu: Tây Ngưu Hóa, Đông Thắng Thần, Bắc Câu Lư thù thắng hơn. Nhưng về nhân duyên giải thoát thì họ lại kém thua người ở Nam Thiệm Bộ Châu. Vì nơi đây có ba điều đặc biệt: con người trí lanh lợi nhớ dai. Nhiều kẻ siêng tu phạm hạnh; thường có Phật ra đời.

Chúng sanh Cõi Ta Bà: 3.  A Tu La

Sao gọi là A tu la? A tu la là loại chúng sanh nhiều sân hận, đa số có hình tướng không đoan chánh. A tu la cũng gọi A tố lạc, dịch là Vô đoan chánh, Phi thiên. Hai danh từ nầy có nghĩa: Không xinh đẹp, có phước trời mà đức không bằng trời.

Trong Kinh luận có chỗ cho rằng loài A tu la do gây nhân hạ phẩm Thập thiện mà được sanh. Nhưng đó chỉ là nói riêng về một phương diện mà thôi, cho đến danh từ Phi thiên cũng như thế. Sự thật, phần chánh nhân là loài nầy do hay nóng giận, hiếu thắng ưa tranh cãi mà được sanh.

A tu la chia thành bốn bậc: Loài ở cõi trời thì giống trời, loại ở cõi người thì giống người. Loài ở cõi quỷ thì giống quỷ, loài ở cõi súc thì giống súc. Vì họ không có chủng loại và trụ xứ nhất định, có thể nhiếp về các nẻo khác. Nên trong kinh có chỗ chỉ gọi là ngũ đạo hoặc ngũ thú. A tu la ở cõi trời cũng có cung điện thất bảo, sự ăn mặc tự nhiên hóa hiện như chư thiên. Nhưng do nhân sân hận họ có ba sự kiện kém hơn người, nên ở sau loài người:

Dù loài nầy có ăn các món trân vị, song miếng sau rốt tự nhiên hóa ra bùn. Ở cõi trời mưa hoa hoặc châu báu, nơi cõi người mưa nước. Cõi A tu la mưa xuống những binh khí dao gậy. Loài người tâm điềm tĩnh nên dễ thực hành theo chánh pháp của Như Lai. Loài A tu la tâm sôi nổi hơn thua, nên khó tu đạo giải thoát.

Chúng sanh Cõi Ta Bà: 4. Ngạ Quỷ

“Quỷ” có nghĩa là “úy”, là hay khiếp sợ; “Thần” có nghĩa linh thông biến hóa. Trong kinh có nói loài quỷ do nhân trung phẩm thập ác mà được sanh, và sắp quỷ đạo sau súc đạo. Nhưng đó là chỉ nói riêng về phương diện Ngạ quỷ. Sự thật, nếu nói rộng, phải gọi là Quỷ thần thú, vì loài nầy chia làm hai hạng: hạng có uy phước và hạng không uy phước. Đây là do những nghiệp nhân thiện ác bất định từ thuở tiền sanh.

Loại Quỷ thần uy phước cũng có cung điện, thân tướng trang nghiêm, nhiều kẻ tùy thuộc. Hoặc thọ dụng những trân vị cam lồ, hoặc được người thờ cúng. Loại nầy lại chia ra làm hai hạng: Chánh thần và tà thần. Bậc chánh thần thì giữ lòng chân chánh hay giúp đỡ nhơn gian. Hạng tà thần tâm niệm quỷ quyệt không chân thật. Hoặc đa dâm đa sát, thường làm tổn hại cho người. Loại quỷ không uy phước thì vất vả, ở chỗ âm u. Thường đói khát, hoặc ăn những đồ bất tịnh.

*

Xứ sở của Ngạ quỷ có hai nơi: Chánh trụ và biên trụ. Chánh trụ là như trong kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Có thành Diêm La, nơi ở chánh thức của vô số Ngạ quỷ do Diêm La Vương thống lãnh. Thành nầy ở dưới châu Diêm Phù Đề, chu vi rộng 7.500.000 dặm. Nơi đây không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng”.

Biên trụ là những chỗ như mé biển, triền núi, rừng bụi, đình miếu, hang hố, đồng trống, mồ mả. Cho đến vườn nhà cùng các nơi bất tịnh. Chánh trụ là xứ sở riêng của loài quỷ nghiệp nặng, thuộc về thế giới Ngạ quỷ. Biên trụ là xứ sở của các Quỷ thần nghiệp nhẹ hoặc có phước nghiệp, thuộc về hạng ở lẫn lộn trong loài người.

Chúng sanh Cõi Ta Bà: 5. Súc sanh (Bàng sanh thú)

Sao gọi là Bàng sanh? Bàng sanh là loại chúng sanh có xương sống nằm ngang. Lại chữ “bàng” còn có nghĩa “biến mãn”. Vì Bàng sanh có nhiều chi loại, và ở các nẻo kia đều có loài nầy. Trong sách Phật có chỗ gọi nẻo nầy là Súc sanh đạo. Nhưng danh từ Súc sanh chỉ ở trong phạm vi loài sanh vật được người nuôi dưỡng. Không rộng rãi và đầy đủ bằng danh từ bàng sanh. Chủng loại bàng sanh tuy nhiều, song đại ước có ba: Loại bay trên hư không, loại ở mặt đất và loại sống dưới nước.

Theo kinh Chánh Pháp Niệm, Bàng sanh có đến 40 ức chi loại khác nhau. Duyên phận của loại nầy cao thấp không đồng. Cao như Kim súy điểu vương, Long vương, có uy phước thần thông. Thấp như giòi, đỉa, côn trùng, sống một khung cảnh nhơ nhớp tối tăm, ngắn ngủi. Bàng sanh cũng có nghiệp nhân thiện ác bất định như Quỷ thần và A tu la. Nhưng nếu lấy phần đại khái về đa số, thì loài nầy do nhân hạ phẩm thập ác mà được sanh.

Chúng sanh Cõi Ta Bà: 6. Địa Ngục (Địa ngục thú)

Sao gọi là Địa ngục? Danh từ nầy do người Trung Hoa y theo nghĩa mà lập danh, để chỉ cho lao ngục ở dưới đất. Chữ “ngục” có  nghĩa là bó buộc không được tự do. Nhưng theo Luận Bà Sa, thì Địa ngục thú không phải đều ở dưới đất. Có khi ở trên mặt đất, hoặc dưới nước, hoặc trên hư không. Vì thế bổn kinh Phạm văn không gọi Địa ngục, mà gọi là Nại lạc ca có những nghĩa: Khổ cụ, phi đạo, ác nhơn. Chỉ cho nơi người tội ác làm điều trái đạo ở, nơi có đủ sự khốn đốn khổ đau.

Địa ngục tuy nhiều, nhưng đại ước có hai loại: Chánh ngục và biên ngục. Chánh ngục vị trí ở dưới châu Diêm Phù Đề và giữa núi Thiết Vi. Chánh ngục lại có hai thứ: Hàn ngục và nhiệt ngục. Hàn ngục và nhiệt ngục mỗi thứ có tám nơi, mỗi nơi có 16 ngục phụ. Mỗi ngục phụ lại có nhiều tiểu ngục khác nữa. Biên ngục cũng gọi là độc ngục, thì ở lẻ loi trên núi, nơi mé biển, dưới nước, chỗ đình miếu, giữa đồng trống, hoặc trong hang sâu.

Ở châu Nam Thiệm Bộ có đại Địa ngục, còn ba châu kia chỉ có biên, độc Địa ngục mà thôi. Theo kinh Nghiệp Báo thì Địa ngục là nơi thác sanh của loài hữu tình tạo mười điều ác về thượng phẩm. Tóm lại, y báo và chánh báo của sáu nẻo luân hồi đều như huyễn. Chúng sanh do nghiệp duyên lành dữ mà đổi thay hình dạng, chịu sự khổ vui lên lên xuống xuống, luân chuyển không cùng.

Ba Đại Kiếp Của Cõi Ta Bà

Trong một đại-kiếp, ba trung-kiếp thành, hoại, không đều không có chúng-sanh ở. Khí-thế-giới, và hữu-tình giới duy thể hiện đầy đủ trong kiếp-trụ. Cứ theo ba thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai thì đại-kiếp vừa qua tên là Trang-Nghiêm, đại-kiếp hiện nay gọi là Hiền hay Thiện-Hiền, đại-kiếp sẽ đến tên là Tinh-Tú. Trong ba đại-kiếp nầy, mỗi kiếp đều có 1.000 vị Phật ra đời vào trung-kiếp-trụ.

Sao gọi là kiếp Trang-Nghiêm? Kinh Trang-Nghiêm-Kiếp-Thiên-Phật-Danh nói: “Đại-kiếp của thời quá khứ tên là Trang-Nghiêm. Trong kiếp nầy có 1.000 đấng chánh giác ra đời, vị đầu tiên là Hoa-Quang Như-Lai, vị sau rốt là Tỳ-Xá-Phù-Phật. Vì một ngàn Ðức Thế-Tôn ra đời làm cho y-báo và chánh-báo của kiếp nầy được trang nghiêm, nên gọi là Trang-Nghiêm-kiếp”.

*

Sao gọi là kiếp Hiền hay Thiện-Hiền? Từ-Ân-Kiếp-Chương nói: “Kiếp hiện tại tên là Hiền-Kiếp vì có ngàn Đức Phật ra đời và rất nhiều bậc hiền-thánh”. Trong kinh Bi-Hoa có đoạn nói: “Thế-giới của Đức Phật ấy gọi là Ta-Bà, đang ở vào đại-kiếp tên là Thiện-Hiền. Vì trong đại-kiếp nầy có 1.000 Ðức Thế-Tôn đã thành tựu đại bi tâm, xuất hiện ra đời.

Sao gọi là kiếp Tinh-Tú? Phật-Tổ-Thống-Kỷ nói: “Đại-kiếp của thời vị lai gọi là Tinh-Tú. Trong kiếp nầy có 1.000 đấng Điều-Ngự ra đời, vị đầu tiên là Nhật-Quang, vị sau rốt là Tu-Di-Tướng. Một ngàn vị Phật xuất hiện sáng rỡ như các ngôi sao lớn trên trời, nên gọi kiếp sẽ đến là Tinh-Tú-kiếp.

Trên đây đã nói lược qua về ba đại-kiếp theo ba thời gian, kế tiếp xin kể thêm một vài chi tiết trong kiếp hiện tại của chúng ta đang là Hiền-Kiếp.

*

Trong Hiền-kiếp có 1.000 Đức Phật ra đời, vị đầu tiên thành danh Câu-Lưu-Tôn, vị sau rốt hiệu là Lâu-Chí. Về túc nhân của 1000 đấng Thế-Tôn, kinh Hiền-Kiếp đã nói: “Đời quá khứ lâu xa về trước, có Phật hiệu là Vô-Lượng-Tinh-Tấn Như-Lai ra đời. Thuở ấy, một ngàn người con của vua Đức-Hoa nghe Phật thuyết pháp, liền phát tâm bồ-đề, tu theo chánh đạo. Một ngàn vương-tử đó, chính là ngàn Đức Phật trong Hiền-kiếp nầy vậy.”

Đại-kiếp Thiện-Hiền hiện nay, chư Phật đều ra đời trong kiếp-trụ. Trong hai mươi tiểu-kiếp của kiếp-trụ, tám tiểu-kiếp trước không có Phật ra đời. Ðến tiểu-kiếp thứ chín, lúc nhơn thọ giảm còn sáu muôn tuổi, khởi thỉ có Đức Phật Câu-Lưu-Tôn xuất hiện. Khi nhơn thọ giảm xuống còn bốn muôn tuổi, có Phật Câu-Na-Hàm-Mâu-Ni xuất hiện; nhơn thọ giảm xuống còn hai muôn tuổi, có Phật Ca-Diếp xuất hiện; nhơn thọ giảm xuống còn 100 tuổi, có Phật Thích-Ca Mâu-Ni xuất hiện. Như thế trong tiểu-kiếp thứ chín có bốn vị Phật ra đời. Sang tiểu-kiếp thứ mười lúc nhơn thọ từ 84.000 giảm còn 80.000 tuổi, có Phật Di-Lặc ứng thế độ sanh.

*

Từ tiểu-kiếp thứ 11 đến tiểu-kiếp thứ 14, trong thời gian nầy không có Phật ra đời. Qua tiểu-kiếp thứ 15, có 994 vị Phật nối nhau xuất thế. Trong bốn tiểu-kiếp thứ 16, 17, 18, 19 không có Phật ra đời. Đến tiểu-kiếp thứ 20, lúc nhơn thọ 84.000 tuổi đức Lâu-Chí Như-Lai xuất thế, thuyết pháp độ sanh. Sau khi Phật Lâu-Chí niết-bàn, mãn tiểu-kiếp cuối cùng, thế-giới nầy bắt đầu vào giai đoạn tiêu hoại để chuyển sang sự thành lập của kiếp Tinh-Tú tương lai.

Phật-giáo đồ khi sám hối, có vị lễ tam thiên Phật, đó chính là lạy 3000 Ðức Thế-Tôn trong ba đại-kiếp quá khứ, hiện tại, vị lai. Về sự ứng thế trước sau của 3000 vị Phật, có bài kệ tổng quát rằng:

Trang-Nghiêm Hoa-Quang, Tỳ-Xá-Phù

Hiền-kiếp Câu-Lưu, Lâu-Chí Phật

Tinh-Tú, Nhật-Quang, Tu-Di-Tướng

Như thế, chư Phật độ chúng sanh.

(Cõi Ta Bà là gì – Theo Phật Học Tinh Yếu)

Tuệ Tâm 2021.

5/5 - (4 bình chọn)
  • Share on Facebook
  • Tweet on Twitter
  • Share on LinkedIn

Từ khóa » Cõi Ta Bà Là Cái Gì