Con đường Huyền Nhiệm Trung Dung

CON ĐƯỜNG HUYỀN NHIỆM TRUNG DUNG [1]

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Từ trước tới nay, nói đến Trung Dung, người ta thường quan niệm đó là một cuộc sống không thái quá, không bất cập, nước đôi lấp lửng giữa dòng.

Thậm chí nhà học giả Lâm Ngữ Đường còn đề cao lối sống lừng chừng, trung lập, nước đôi đó, và giới thiệu nó như là một đời sống lý tưởng với các độc giả Âu Châu, qua mấy vần thơ của Lý Mật Am, mà tôi xin tạm dịch như sau:

Ta sống quá nửa đời phù phiếm,

Mới nhận ra huyền nhiệm Trung Dung.

Trung Dung hương vị khôn cùng,

Làm cho lòng dạ tưng bừng niềm vui.

Lúc mà cái con người sướng nhất,

Chính là khi tới cấp trung niên,

Quang hoa dùng dắng triền miên,

Như chờ như đợi gót tiên tạm ngừng.

Cõi trần lọt giữa chừng trời đất,

Giữa tỉnh quê ta cất nhà ta,

Thảnh thơi ta mở trại hoa,

Giữa chừng sông núi la đà nước non.

Biết vừa đủ tiền nong vừa đủ,

Vòng lợi danh vương nửa tấm son,

Không xinh nhưng cũng dễ nom,

Không giàu nhưng cũng còn dòn hơn ai.

Nhà ta xây nửa đài nửa các,

Đồ đạc ta lác đác đủ chơi,

Áo cũ mới chơi vơi,

Uống ăn na ná như người bậc trung.

Vài tôi tớ không thông không dở,

Vợ con ta đơ đỡ ta ưng,

Nửa tiên nửa tục lừng chừng,

Nửa cùng thần thánh, nửa cùng thê nhi.

Nửa bụng dạ lo vì con cái,

Nửa tâm hồn gửi lại Hoàng Thiên,

Để khi thoát xác ta yên,

Biết đường thưa gửi, biết niềm tới lui.

Ngà say là lúc ly bôi,

Đóa hoa hàm tiếu là thời mê ly.

Buồm nửa cánh thuyền đi thong thả,

Cương vừa dong, vó ngựa mới hay.

Quá giàu phiền lụy sẽ dày,

Quá nghèo cuộc sống sẽ đầy truân chuyên.

Trần ai sướng với phiền khó tách,

Trong ngọt ngào pha phách đắng cay.

Hưởng đời đừng quá mê say,

Lừng chừng đại khái tháng ngày tiêu dao. [2]

Nhưng nếu Đức Khổng và các danh nho chỉ đưa ra cho nhân quần một mục phiêu, một lý tưởng tầm thường như vậy thì có gì đáng cho thiên hạ kính tôn?

Nếu Trung Dung đã được các danh nho coi là tâm pháp của Khổng giáo, là tuyệt phẩm thì phải có cái gì cao siêu gấp bội.

Trong bài thuyết trình này, tôi sẽ cố gắng chứng minh Trung Dung, hiểu cho đúng mức sẽ là Thiên đạo, sẽ là đạo Vô Thượng trong thiên hạ, vì chỗ đạt đạo, đạt đích của Trung Dung cũng tương đồng với chỗ đạt đạo đạt đích của các đạo giáo trong thiên hạ.

Tôi sẽ lần lượt:

- Định nghĩa và khai thác hai chữ Trung Dung.

- Trình bày về Thiên đạo với những nét đặc thù, chính yếu của nó, theo Trung Dung.

I. HAI CHỮ TRUNG DUNG

Chữ Trung , theo từ nguyên, là một mũi tên bắn trúng hồng tâm.

Trình tử và Chu Hi giải Trung là bất thiên, bất ỷ, nghĩa là không thiên lệch, không dựa dẫm vào đâu.

Chữ Dung , theo Trịnh Huyền có nghĩa là dùng, là áp dụng, còn theo Trình Tử thì có nghĩa là không biến đổi.

Sau khi hội ý tiên nho, tôi giải hai chữ Trung Dung một cách thông thường như sau:

- Trung là Tâm điểm,

- Dung là bất biến.

Trong vòng biến thiên ảo hóa của vũ trụ vạn hữu, chỉ có một tâm điểm bất biến hằng cửu, ấy là Bản thể, là Tuyệt đối, là Thánh Cực, là Đạo, là Trời.

Chính vì thế, mà Dịch Kinh đã vẽ Thái Cực ở tâm điểm vòng Dịch, còn các hào quái, tượng trưng cho vạn hữu, hình tướng biến thiên bên ngoài thì vẽ lên trên vòng tròn bên ngoài, lên trên vòng Dịch bên ngoài.

Tâm điểm vì ở giữa vòng biến thiên của vạn hữu, nên không hề nghiêng lệch về bên nào. Tâm điểm, vì là cơ cấu, là căn cơ gốc gác muôn loài nên cũng không hề phải dựa nương vào đâu. Vì thế nên Trình tử mới nói Trung là bất thiên, bất ỷ.

Muôn loài, muôn vật biến thiên ắt phải có một căn do bất biến hay hằng cửu, làm chủ chốt. Chính vì thế mà Trình tử giải Trung Dung là bất biến.

Thế tức là với hai chữ TRUNG DUNG, Khổng tử đã vạch cho chúng cả một chương trình hành động, cả một con đường giải thoát.

Nghĩa là :

- Sống trong muôn vàn hiện tượng biến thiên, chúng ta phải tìm cho ra căn cơ bất biến.

- Ở đầu có biến thiên, ở đấy có căn cơ bất biến làm chủ chốt.

- Ở nơi con người ta cũng đày dãy mọi hiện tưởng biến thiên, như vậy trong con người chúng ta, phải có một căn cơ bất biến làm chủ chốt.

- Mà chỉ có Trời, có Đạo, có Thái Cực mới bất biến. Suy ra trong ta, chắc chắn phải có Đạo, có Trời, có Nguồn sống siêu nhiên vĩnh cửu làm chủ chốt.

- Cái gì biến thiên thì còn ở trong vòng sinh tử. Cái gì bất biến mới thoát ra ngoài vòng biến thiên sinh tử, thế nên, nếu con người muốn thoát vòng sinh tử, phải đạt cho tới Tâm Điểm mới bất biến, đạt tới TRUNG DUNG.

Đức Phật cũng đã nói: «Hỡi các tì khưu, có một thực trạng bất sinh, bất thành, bất ỷ bất tạo, vì nếu không có thực trạng ấy, thì làm sao mà giải thoát được cái sinh thành, ỷ tạp. Nhưng vì có thực trạng ấy, nên có đường thoát cho cái sinh, thành, ỷ, tạp.” [3]

Vivekananda cũng đã viết: «Chúng ta trước hết phải đi tìm cho ra một tâm điểm phát sinh ra mọi bình diện sinh hoạt khác. Khi đã tìm ra được tâm điểm rồi, chúng ta mới mong tìm ra được một giải pháp. Đó là chương trình của ta. Tâm điểm ấy ở đâu? Thưa nó ở ngay trong lòng ta. Các hiền triết cổ thời đã tìm sâu mãi vào tâm con người, cho đến khi khám phá ra rằng tâm khảm con người chính là trung tâm vũ trụ. Tất cả mọi bình diện khác đều xoay quanh tâm điểm duy nhất ấy,và chỉ từ đó, chúng ta mới tìm ra được giải pháp chung cho mọi người.» [4]

Văn Đạo Tử cho rằng: Tâm điểm ấy chính là Thiên đạo. Vào được tâm điểm của lòng người, tức là vào được tâm điểm vòng dịch, thoát luân hồi sinh tử, thế tức là vào được trục Pháp luân theo danh từ Phật giáo.

Ta hãy nghe Văn Đạo Tử trình bày:

«Thiên đạo cư trung, lập cực, nên vận chuyển muôn đời mà không sai thất, cũng như trong bánh xe, các vành xe và tai hoa xe vận chuyển không ngừng là nhờ ở trục xe. Nếu ta giữ vững được Trung điểm, tận dụng được Thái Cực, thì có thể chuyển vần với vạn vật mà vẫn có thể góp phần được với trời đất trong công trình hóa dục.»

«Cho nên người quân tử tu nhân đạo để hợp thiên đạo. Hợp thiên đạo, tức là vào được trục của vòng Dịch, thoát ra ngoài vòng kiềm tỏa của hiện tượng; hỗ trợ muôn vật mà không tơ vương dính bén muôn vật, xoay chuyển vòng biến dịch, mà chẳng chuyển dịch vòng bánh xe biến thiên, luân hồi.

«Hoàng đế nói: «Vũ trụ ở trong tay, vạn hóa sinh trong mình.»

«Phật nói: Thu bể khơi vào trong sợi lông, đem núi Tu Di lồng vào trong hạt cải, đâu phải là thuật lạ. bất quá các Ngài đã nắm được trục của pháp luân. Ôi vi diệu thay, trục của Pháp luân, hỏi mấy ai đã biết? Chẳng rõ được trục mà chỉ biết nói pháp luân luôn vận chuyển, thì chóng chày cũng bị vận chuyển theo pháp luân, làm sao thoát vòng sinh tử được!» [5]

- Như vậy, nếu ta đặt hai chữ Trung Dung vào tâm điểm một vòng tròn, ta sẽ có ngay một chìa khóa thần để mở các chốt then đạo giáo thấu triệt huyền cơ vũ trụ và con người. Thực vậy, nếu ta nhận định rằng, Tuyệt đối hằng cửu bất biến ở tâm điểm mọi vòng biến dịch, ta sẽ định ngay được rằng Tuyệt đối hằng cửu ở ngay tâm điểm, trung tâm não bộ chúng ta, vì đầu ta là một hình trònLão giáo gọi nơi đó là Huyền quan khiếu, là Cốc thần là Nê Hoàn. Phật giáo, với lời chú Oum Mani Padme Hum, đã xác nhận rằng giữa bông Hoa Sen đầu não chúng ta, đã có sẵn Ngọc Châu Viên giác. Học giả Lilian Silburn, trong tác phẩm Instant et Cause đã viết: «Tìm ra được Chân tâm, tương đương với Brahman Thượng đế vừa là Tâm điểm của lòng mình, vừa là Tâm điểm của Vũ trụ, là một khám phá lớn lao của các vị đạo sĩ Bà La Môn, sự khám phá này đã dẫn tới sự hình thành của bộ Áo Nghĩa Thư.» [6]

- Sau khi trình bày hai chữ Trung Dung như là Tâm điểm bất biến của Vũ Trụ và của lòng con người, ta có thể nói một cách chắc chắn như sau: Bất kỳ ở tôn giáo nào, nếu con người chưa tìm ra được Chân tâm, Trung điểm, Trung đạo, chưa tìm ra được Thượng đế ngự trong tâm khảm mình, làm chủ chốt cho mọi tâm tư hành vi trong và ngoài mình, thì con người vẫn còn ở trong vòng mê lạc, chưa thể nào có thể giải thoát được.

Tất cả những lời trình bày, minh biện ở trên chỉ có mục đích đưa tới một nhận xét sơ khởi này là: Trung Dung chính là Thiên đạo.

TRUNG DUNG LÀ THIÊN ĐẠO

Để cho vấn đề được sáng tỏ, chúng ta có thể dựa vào thuyết Tam tài của Nho giáo mà nhận định rằng: Thực ra con người không phải có một thứ đạo, mà là có đến ba thứ đạo:

- Trước hết, vì có xác nên con người cần phải khai thác ngoại cảnh, để nuôi dưỡng, chăm sóc xác thân cho được no ấm, khỏe mạnh. Đó là Địa đạo, hay Vật đạo.

- Thứ đến, vì có tâm hồn, nên con người cần phải ăn ở cho xứng đáng, đối đãi với nhau cho hẳn hoi, để khỏi hổ thẹn với danh hiệu con người. Đó là Nhân đạo.

- Sau hết vì con người có Thiên tính, có Thần, nên con người phải sống siêu việt lên trên bình diện tâm hồn, sống trên bình diện siêu linh, thần thánh hóa mình, để sống phối hợp với Thượng đế ngay từ khi còn ở gian trần này. Đó là Thiên đạo. Người xưa cũng còn gọi đạo ấy là Trung đạo, là đạo Trung Dung, là Chân đạo hay Đại đạo. Thiên đạo thực ra không dạy ta van vái một thần minh nào, dù là siêu việt đến đâu, mà chính là khuyên nhủ, nhắc nhở chúng ta nên nhớ rằng chính mình đã có bản thể thần minh, vì thế nên cần phải trở thành thần thánh.

Trung đạo hay Thiên đạo, thực đúng như lời Hegel đã nói, là sự cao cả mà con người đạt được, sau khi đã tháo gỡ được mọi phiền trược, trở ngại, để đi vào đời sống vô cùng.[7] Chân đạo chính là sự vươn mình lên cho tới bình diện thần linh.[8]

NHỮNG NÉT ĐẶC THÙ CỦA ĐẠO TRUNG DUNG

A. Con người với Trời có đồng một bản tính

Trung Dung với mấy chữ vắn vỏi «Thiên mệnh chi vị Tính” đã cho chúng ta thấy rằng: Con người nếu muốn bước vào Thiên đạo, trước hết phải có một nhận thức nghiêm chỉnh và chính xác về bản thể mình, bản tính mình.

Trung Dung cho rằng Bản tính con người chính là Thiên tính. Nói nôm na: Bản tính con người và Bản tính Trời là một. Thế tức là sau những bộ mặt nạ hóa trang mà sân khấu đời đã bắt ta phải mang, phải giữ, sau những lớp bùn đất thời gian ngoại cảnh dơ bẩn bên ngoài của những con người thực tại (moi empirique) còn đang luân lạc trong chốn bụi hồng của trần ai tục lụy, còn có bộ mặt vô cùng xinh đẹp của con người lý tưởng (le moi idéal) ẩn khuất bên trong. Bộ mặt đó người Á đông theo Phật giáo thường gọi là Bản lai diện mục.

Từ khi tôi khám phá ra được điều quan trọng này, tôi đã dùng nó như là một kim chỉ nam để tìm cho ra đại đạo khuất lấp trong các cánh rừng sâu tôn giáo và triết học trên thế giới.

Gần đây, có dịp đọc quyển Lịch đại cao tăng cố sự, tôi thấy hoà thượng Đạo Sinh, sống vào thời đại Nam Bắc triều bên Tàu, đời Lưu Văn Đế (424-453) cũng có chủ trương y hệt như tôi. Đạo Sinh bình rằng: Nhà Nho gọi là Thiên mệnh, thì nhà Phật gọi là Phật tính, mà Phật tính tức là Thiên tính.[9]

Bà La Môn cũng cho rằng: con người chân thực trong ta chính là Atman, là Brahman.

Phật giáo, nhất là nơi kinh Đại Niết Bàn, chủ trương rằng mọi người đều có Phật tính.

Thánh kinh Công giáo cũng có một câu làm cho tôi hết sức sung sướng. Đó là: «Thượng đế chính là sự sống của bạn.» [10]

Nếu Thượng đế chính là sự sống của chúng ta, thì chắc chắn Ngài chính là Bản thể của ta vậy.

Hội Nghị Thông Thiên học họp tại Salzbourg nước Áo, năm 1968 mới đây, cũng có những lời tuyên ngôn hết sức nảy lửa. Ví dụ:

- Trong ta có một Vô cùng.[11]

- Giác ngộ tâm linh sẽ mặc khải cho thấy yếu tố thần linh duy nhất trong tâm thần mọi người.[12] Thời buổi này cần phải nhận chân rằng trong mọi con người có một tàn lửa thiên chân, và những khả năng vô biên vô tận.[13]

- Tôn giáo xưa cho rằng Trời và người xa cách nhau, Phẩm và Chất xa cách nhau. Thông Thiên ngày nay dạy rằng: Trời người là một.[14]

B. Nhân tâm thuận tòng Thiên lý thế là ĐẠO (Suất tính chi vị đạo)

Theo Trung Dung đạo Trời thật là chí giản, chí dị. Muốn theo đạo Trời, muốn theo Thiên lý, con người chỉ cần lắng nghe tiếng gọi của lương tâm. Trung Dung gọi thế là Suất tính.

Lương tâm luôn luôn dạy ta làm những điều cao đại minh chính luôn luôn dạy ta từ bi, hỉ xả, coi người như mình, trọng nghĩa khinh lợi.

Còn tư tâm của chúng ta, thì luôn luôn muốn làm những điều tà ngụy, bất trung, bất chính, ích kỷ hại nhân, luôn luôn muốn vọng hành vọng niệm.

Như vầy, thuận tòng Thiên lý, tức là gạt bỏ những điều tà ngụy, để tiến tới công chính, từ bỏ mọi điều ti tiện, cục cằn để vươn lên tới tinh hoa cao đại.

Vương Dương Minh nhận định về Lương tâm, Lương tri như sau: «Lương tâm ở trong tâm người ta, ví như cái ánh sáng của mặt trời ở trong không gian. Khi ta ngồi vào chỗ tối, ta tưởng là không có ánh sáng nữa, nhưng kỳ thực nó vẫn vằng vặc trong khoảng trời đất. Chỗ tối ấy là vọng niệm, là tư dục, nó chỉ che được cái sáng, chứ không làm mất được cái sáng… Sự học cốt bỏ cái tối, cái che đi, để thấy rõ cái sáng của lương tri vậy…» [15]

Bà H.P. Blavatsky, trong quyển Mật giáo (Doctrine secrète) đã viết: «Chỉ có Nguyên Lý tuyệt đối, bất khả tư nghị, căn nguyên vạn hữu mới đáng có đền thờ và bàn thờ trong khu đất thiêng liêng và u tịch của lòng ta. Nguyên lý ấy, nhìn không thấy, bắt không được, mung lung huyền ảo, (nhưng ta vẫn có thể cảm thấy được) qua trung gian tiếng nói thầm lặng của lương tâm. Kẻ nào thờ phượng Nguyên lý tuyệt đối ấy, phải thờ trong yên lặng và trong sự u tịch thiêng liêng của tâm hồn mình.» [16]

Bà Blavatsky còn viết: «Atman, Đại Ngã… sẽ tỏ quyền năng cho kẻ nào có khả năng nghe được tiếng nói thầm lặng của lương tâm. «Từ thủa ban sơ, cho đến thời hiện đại, không có một triết gia chân chính nào mà không mang trong đền đài u tịch của tâm hồn mình Chân lý cao đại và huyền diệu đó. Nếu là trường hợp người được điểm đạo, thì sự học biết về lương tâm, lại trở thành một khoa học thiêng liêng…» [17]

C. Trời, luật Trời, Đao Trời chẳng hề rời con người một phút giây

Đọc câu «Đạo bất khả tu du ly» , nơi đầu sách Trung Dung tôi đã tìm ra được 3 nhận định hết sức là quan trọng của người xưa.

1. Một là Trời chẳng hề xa con người.

2. Hai là Luật Trời chẳng hề có ở ngoài con người, mà đã được ghi tạc trong lương tâm con người.

3. Ba là Chân đạo hay là con đường dẫn tới Trời đã có sẵn trong tâm thần mọi người.

Tôi tin rằng đó là những quan niệm hết sức xác đáng, hết sức phổ quát, cần được bàn bạc, học hỏi, suy tư cho tận tường.

Trước hết ta hãy bàn về quan niệm TRỜI CHẲNG XA NGƯỜI.

Quan niệm này chẳng những đã được trình bình nơi đoạn I, đoạn XVI sách Trung Dung, mà còn được trình bày trong Kinh Thi.

Trung Dung vì tin rằng Trời đã tiềm ẩn sẵn trong lòng con người và nhìn thấy tỏ rõ mọi tâm tư, niệm lự của chúng ta, nên đã khuyên người quân tử phải luôn luôn e dè, kính sợ, phải luôn luôn thận trọng dẫu là khi một bóng, một mình.

Trung Dung viết:

«E dè cái mắt không nhìn,

Tai nghe không nổi cho nên hãi hùng.

Càng ẩn áo lại càng hiện rõ,

Càng siêu vi càng tỏ sáng nhiều,

Nên dù chiếc bóng tịch liêu,

Đã là quân tử chẳng xiêu lòng vàng…» [18]

Kinh Thi viết:

«Chái Tây bắc góc nhà thanh vắng,

Đừng làm chi đáng để hổ ngươi,

Đừng rằng tăm tối chơi vơi,

Đừng rằng tăm tối ai người thấy ta.

Thần giáng lâm ai mà hay biết?

Nên dám đâu khinh miệt dễ ngươi.» [19]

- LUẬT TRỜI CHẲNG LÌA XA CON NGƯỜI

Chương XII Trung Dung viết:

Đức Khổng nói:

«Đạo luôn gần gũi người đời,

Những ai lập đạo xa rời chúng dân,

Hiếu kỳ lập dị là nhầm.»

Kinh Thi viết:

«Đẽo cán rìu, có liền bên cán mẫu,

Trông lại nhìn cố dấu cho in.

Ngắm đi ngắm lại liền liền,

Đẽo lui, đẽo tới, mắt xem chưa vừa.

Nên quân tử khi lo giáo hóa,

Sửa trị người sẵn có khuôn người.

Thấy người giác ngộ thời thôi,

Đã chiều cải hóa liễu bài ta ngưng.»

Cụ Phan Bội Châu bình giải câu «Dĩ nhân trị nhân» của đoạn Trung Dung này như sau:

«Chữ Nhân (trong câu dĩ nhân trị nhân) ở trên là chân lý của người tức là đạo, chữ nhân ở dưới là thân thể của người tức là nhân. Lấy đạo người trì người, chính là kiểu mẫu không xa, lại thiết tha hơn phạt kha (tức là đẽo rìu có sẵn cán mẫu bên cạnh mà theo) kia nữa.» (Khổng học đăng, I, 332).

CON ĐƯỜNG TỪ NGƯỜI TỚI TRỜI ĐÃ CÓ SẴN TRONG TÂM THẦN CON NGƯỜI

Nhận định này chỉ là một sự suy diễn tự nhiên của quan niệm TRỜI CHẲNG XA NGƯỜI đã đề cập tới nơi trên.

Thực vậy đạo chẳng qua là sự tìm ra được Trời ngự trị trong lòng mình, tìm lại được bản tính thần minh sang cả của mình; bắt được nhịp cầu giữa lòng mình với Thần Trời trong mình, phạt quang được gai góc lách lau của thất tình, lục dục, phá tan được lớp sương mù dày đặc của sự ngu si, mê vọng, tức là sẽ tìm lại được Trời, được Đạo nơi tâm.

Mới hay:

Trời tuy thị vô biên vô tận,

Nhưng mà Trời vẫn lẩn trong tâm.

Thật là kỳ ảo khôn cùng,

Không hơi không tiếng, vẫn lừng uy danh.

Khuôn phép Trời chí thành, chí thiện,

Tiếng của Trời là tiếng lương tâm,

Mới hay trong chốn cát lầm,

Muôn ngàn đã sẵn vô ngần ngọc châu.

Mới hay giữa sông sân núi thẳm,

Vốn có đường bằng phẳng thênh thênh

Đường Trời rong ruổi mặc tình,

Không xiên, không vẹo, không vênh, không tà.

Đường Trời nọ bao la thảng đãng,

Không quanh co, không vặn không xiên.

Đường trời phẳng lặng êm đềm,

Không hề tráo trở đảo điên vạy vò,

Đường trời nọ thẳng vo, thẳng tắp,

Vút một lèo tới cực cao minh

Đó là duy nhất duy tinh,

Đó là Thái cực tinh thành xưa nay,

Cuộc phù thế chớ say danh lợi,

Bả lợi danh phất phới hão huyền,

Chớ mê những cái đảo điên,

Mà quên mất cái vững bền ngàn thu.

Sông thế sự hãy ưa chèo ngược,

Chèo ngược dòng lên tuốt căn nguyên.

Căn nguyên chính là thanh thiên,

Vô biên vô tận, triền miên khôn cùng.

Bỏ phù phiếm tìm tông tìm tích,

Dương cung thần ngắm đích thâm tâm.

Bắn vào trung điểm tâm thần,

Ấy là thoát cõi hồng trần lầm than.

Như trăng sáng băng ngàn trần thế,

Rẽ Đẩu, Ngưu đượm vẻ thần tiên.

Đó là tâm pháp thánh hiền,

Đó là Trung đạo tương truyền xưa nay…

(Xem Trung Dung yếu chỉ của tác giả)

Thông Thiên Học cũng chủ trương phải tìm Đạo, tìm Trời ngay trong lòng mình.

Ông Jey Mills, trong một bài thuyết trình tại Đại Hội Thông Thiên quốc tế ở Salzbeurg, có trích dẫn một đoạn Upanishads như sau:

«Có một ánh sáng chiếu soi cùng khắp trời đất, đó là ánh sáng chiếu soi trong lòng chúng ta. Có một nhịp cầu nối liền thời gian và vĩnh cửu, và nhịp cầu ấy là Thần con người. Trên cầu ấy, chẳng có ngày đêm, chẳng có lão, tử, chẳng có sầu muộn ưu tư…

«Một khi đã tìm thấy nhịp cầu ấy, con người sẽ nhìn thấy rõ tương lai, và sẽ khỏi hết thương tích, bệnh tật. Đối với ai đã vượt được cầu ấy, đêm sẽ trở thành như ngày, vì trong thế giới thần linh, có một ánh sáng vĩnh cửu…» [20]

Đại hội Thông Thiên quốc tế ở Salzbourg cũng còn nhận định rằng: «Người ta thấy được Thượng đế trong tạo vật Ngài… Ngay trong lòng mình, con người có thể tìm thấy đời sống Thượng đế. Về phương diện đạo giáo, sự khám phá này cũng vĩ đại như sự khám phá ra nguyên tử năng. Nó cho con người một quyền lực tinh thần không bờ bến, cũng như nguyên tử năng đã cho con người một sức mạnh vật chất kỳ diệu…» [21]

Nếu vậy thì các vị giáo chủ xưa nay thực ra không tạo ra được đạo mà chỉ là những ngón tay chỉ cho ta thấy đạo đã sẵn có nơi ta, chỉ là những người có công giúp chúng ta phạt quang gai góc, phạt quang lau lách đã mọc um tùm trong tâm hồn ta, làm cho mất hết dấu vết của đại đạo ấy mà thôi.

Cũng một lẽ chân đạo, không thể xuất cảng được từ nước này sang nước nọ, và cũng không phải là cái gì tự trên trời xa lắc rơi tòm xuống tâm hồn ta.

Năm 1961, nhân dịp ghé qua Pháp, một buổi tối, tôi đứng trên tháp Eiffel ngắm cảnh trời mây ban đêm ở Paris với những cảnh đèn rực rỡ như muôn vì sao óng ánh trên các căn nhà và các nẻo đường của Paris.

Tôi hết sức xúc động khi nhận thấy rằng mặt trăng và những làn mây trên bầu trời Paris cũng y hệt mặt trăng và những làn mây trên bầu trời Việt Nam, mà tôi thường xuyên có dịp thưởng ngoạn ngay từ khi còn tấm bé.

Tôi chợt suy ra rằng nếu mặt trời, mặt trăng cần yếu cho tôi, thì Thượng đế chẳng hề tỏ ra xẻn xe và đã ban cho tôi mặt trời, mặt trăng y thức như là cho mọi người trên thế giới. Nếu không khí cần cho con người, thì ai sinh ra cũng được hít thở một bầu không khí như nhau. Như vậy, nếu đạo giáo cần cho con người, thì ai sinh ra ở đời cũng đã đều mang sẵn như nhau chân đạo ấy ở trong tâm, dẫu là người thời ban sơ, hay là người thời thế mạt…, chứ không phải nghểnh cổ ngóng trông tới một thời nào đó, mới có những người đem chân đạo nhập cảng vào để mà ban phát cho. Và tôi cũng nhớ lời Thiên Chúa phán cùng dân Do Thái, nhân dịp ban truyền 10 điều răn Thiên Chúa. Chúa đã phán rằng: «Thực vậy, lề luật mà ta truyền dạy ngươi hôm nay, không có ở ngoài tầm kích ngươi. Nó không ở trên trời, để ngươi phải nói: ‘Ai lên trời cho chúng tôi để tìm luật đó, để chúng tôi được nghe biết và được thi hành.’ Nó cũng chẳng ở cách trùng dương để ngươi phải nói: ‘Ai sẽ vượt biển cả cho chúng tôi, để tìm luật đó, để chúng tôi được nghe biết và được thi hành.’ Đạo kề bên ngươi, Đạo ở trong miệng trong lòng ngươi, để ngươi có thể đem thực hiện.» (Deutéronome, 30, 11-14)

NHỮNG PHƯƠNG PHÁP TỔNG QUÁT ĐỂ TIẾN TỚI TRUNG DUNG, TIẾN TỚI THIÊN ĐẠO

Sau khi đã vạch rõ cho người thấy rằng mình có một căn cơ hết sức là sang cả, đó là Thiên tính, sau khi đã cho con người thấy rằng Trời, Đạo, và định luật Trời đã sẵn có trong tâm linh con người, Trung Dung đề ra 3 phương pháp chính yếu để giúp con người tiến tới hoàn thiện:

- Mở mang trí tuệ để đi đến chỗ đại trí, đại giác. Đó là TRÍ.

- Luôn luôn thực thi những điều hay, điều phải để tiến tới nhân đức thực sự. Đó là NHÂN.

- Cố gắng không ngừng để phát triển năng lực tinh thần để tiến mãi cho tới chỗ tinh vi, cao đại. Đó là DŨNG.

Trung Dung viết:

Muốn thông thái không ngoài học vấn,

Muốn tu nhân phải gắng công lao,

Muốn nên hùng dũng anh hào,

Hai câu liêm sỉ ghi vào thâm tâm.

Trí, nhân, dũng tu thân ấy lý,

Biết tu thân ắt trị nổi người.

Trị người hiểu biết khúc nhôi,

Con thuyền thiên hạ âu tài đẩy đưa… (Trung Dung, 20)

Muốn phát huy những năng lực nội tại, những đức tính nội tại, con người không cần phải đi vào thâm sơn cùng cốc, bè bạn cùng hùm beo, khỉ vượn, mà chỉ việc vui sống trong mọi hoàn cảnh mình gặp trên bước đường đời. Trung Dung viết:

Người quân tử sống theo địa vị,

Không mơ ước suy nghĩ viễn vông.

Sang giàu sống lối giàu sang,

Nghèo nàn sống lối nghèo nàn ngại chi.

Tới man di sống y man mọi,

Gặp gian lao vui nỗi gian lao,

Bất kỳ sống ở cảnh nào,

Lòng người quân tử ra vào thỏa thuê. (Trung Dung, 14)

Gần đây, Edgar Cayce, trong giấc thôi miên, cũng đã nói: «Bạn hãy sống cho xứng đáng trong nơi chốn bạn ở. Khi bạn đã chứng minh được điều đó, Thượng đế sẽ tìm cho bạn những con đường tốt hơn.» [22]

Trung Dung cho rằng, theo đạo trời không phải là để mong làm được những điều quái dị, cho hậu thế ngợi khen, mà chính là bền vững theo con đường đạo đức, công chính cho đến cùng. Trung Dung viết:

«Tìm bí ẩn làm điều quái dị,

Cốt mong cho hậu thế ngợi khen,

(Xá chi chuyện ấy nhỏ nhen,

Đã là quân tử chẳng thèm quan tâm.

Làm trai quyết chí tu thân,)

Đường đường quân tử ta tuân đạo trời.

Giữa đường dứt gánh trở lui,

«Bán đồ nhi phế» có đời nào đâu.

Trung Dung quân tử trước sau,

Dẫu không tăm tiếng không rầu lòng ai,

Thánh nhân, ấy thánh nhân rồi.» (Trung Dung, 11)

Về công cuộc tu thân, sách Bhagavad Gita của Ấn Độ giáo, cũng đả kích những cách hành hạ xác thân phi lý, và chỉ khuyên những lời ý vị như sau: «Thanh tịnh, khiết trinh, từ bi, chính trực, đó là luyện thân. Nói lời cho lành, cho đúng, cho khéo, cho hay, đó là luyện khẩu. Giữ cho tinh thần được thanh tịnh, tĩnh lãng, thái hòa, tự chủ được mình, đó là luyện thần.» [23]

Tóm lại đối với Trung Dung, bí quyết để tiến tới tinh hoa cao đại chính là học hỏi cho tinh tế, biện luận cho rạch ròi, tìm hiểu cho rốt ráo; khi đã nắm vững được chân lý rồi, nhất quyết đem thi hành cho tới kết quả thành toàn. Trung Dung viết:

«Hoàn toàn là đạo của Trời,

Trở nên hoàn thiện đạo người xưa nay.

Người hoàn thiện cất tay là trúng,

Chẳng cần suy cũng đúng chẳng sai.

Thung dung Trung đạo tháng ngày.

Ấy là vị thánh từ ngay lọt lòng,

Còn những kẻ cố công nên thánh,

Gặp điều lành phải mạnh tay co,

Ra công học hỏi thăm dò,

Học cho uyên bác, hỏi cho tận tường.

Đắn đo suy nghĩ kỹ càng,

Biện minh thấu triệt, quyết mang thi hành.

Đã định học, chưa thành chưa bỏ,

Đã hỏi han, chưa tỏ chưa thôi.

Đã suy, suy hết khúc nhôi,

Chưa ra manh mối chưa rời xét suy.

Biện luận mãi tới khi vỡ lẽ,

Chưa rõ ràng, không thể bỏ qua.

Đã làm làm tới tinh hoa,

Tinh hoa chưa đạt, việc ta còn làm.

Người một chuyến thâu toàn thắng lợi,

Ta tốn công dở dói trăm khoanh,

Người làm mười bận đã thành,

Ta làm nghìn thứ ta ganh với người.

Đường lối ấy nếu ai theo được,

Dẫu u mê, sau trước sẽ thông.

Dẫu rằng mềm yếu như không,

Sớm chày cũng sẽ ra lòng sắt son.» (Trung Dung, 20)

ĐẠT ĐẠO TRUNG DUNG TỨC LÀ THÀNH THẦN THÁNH

Sau khi đã dùi mài học hỏi, suy tư đến mức khai thông được trí huệ, sau khi đã tha thiết đem thực thi những điều hay điều phải đến mức nhân đức vẹn toàn; sau khi đã phát huy được năng lực tinh thần, để có thể tiến tới chỗ quảng đại tinh vi, đến chỗ chí cao, chí mỹ, chí thành, chí thiện, lúc ấy con người sẽ đạt tới Trung cung, Trung điểm, Trung đạo. Người xưa gọi thế là thung dung Trung đạo, là «phối Thiên», là «sống hợp nhất với Thượng đế». Đó là đạt đích của chân đạo. Bất kỳ một hiền thánh nào trên hoàn vũ, lúc đạt đạo, cũng chỉ tới lằn mức đó mà thôi.

Đại học gọi thế là: Chỉ ư chí thiện.

Phật giáo gọi thế là Chính kiến, chính giác.

Pháp sư Đạo Sinh, thời Nam Bắc triều, đã nhận định về sự đắc đạo của đức Phật như sau: «Thưa Phật tổ, Ngài được chính kiến, chính giác, thực ra là tại vì Ngài đã khế hợp được với Thiên Tâm. Thế nhưng tất cả những đệ tử Ngài chỉ biết giữ những qui luật thấp kém chẳng cần thiết, những tập tục chẳng ra gì, rút cuộc là họ đã đem những chính hạnh, chính niệm của Ngài, đem những điều quan trọng, hết cả thiết yếu của giáo lý Ngài tung hê lên chín tầng mây biếc.» [24]

Trung Dung bình về đấng thánh nhân đạt đạo Trung Dung như sau:

«Chỉ có đấng chí thánh trong trần thế,

Mới có đầy đủ thông minh trí huệ,

Y như thể có Trời ẩn áo giáng lâm.

Mới khoan dung hòa nhã ôn thuần,

Y như thể có dung nhan trời phất phưởng.

Phấn phát tự cường, kiên cương hùng dũng,

Y như là đã cầm giữ được sức thiêng.

Trang trọng, khiết tinh, trang chính, triền miên,

Y như thừa hưởng được đôi phần kính cẩn.

Nói năng văn vẻ rỡ ràng cẩn thận,

Y như là đã chia được phần thông suốt, tinh vi,

Mênh mang sâu thẳm ứng dụng phải thì,

Mênh mang như khung trời bao la vô hạn,

Sâu thẳm như vực muôn trùng sâu thăm thẳm

Thấy bóng Ngài dân một dạ kính tôn,

Nghe lời Ngài dân tin tưởng trọn niềm,

Ngài hành động muôn dân đều hoan lạc.

Nên thanh danh Ngài vang lừng Trung Quốc,

Vượt biên cương lan tới các nước ngoài.

Đâu xe có thể đi, người có thể tới lui,

Đâu có được trời che, và đất chở,

Đâu còn có nhật nguyệt hai vừng tở mở,

Đâu có móc đọng, đâu có sương rơi,

Đâu còn có dòng máu nóng con người,

Ở nơi đó, Ngài vẫn được tôn sùng quí báu,

Thế nên gọi là «Cùng Trời phối ngẫu».

Trung Dung cho rằng đạt điểm của Thiên đạo là phối Thiên, là Sống hợp nhất với Thượng đế. Khảo sách Mật giáo của bà Blavatsky và giáo lý Thông Thiên, ta sẽ nhận thấy rằng niềm tin then chốt của Thông Thiên là con người, khi đã đạt tới chỗ toàn chân toàn thiện cũng sẽ thông phần toàn trí, toàn năng của Thượng đế.[25]

KẾT LUẬN

Trên đây, tôi đã cố gắng chứng minh rằng Trung Dung có mục đích dạy chúng ta Thiên đạo. Tôi cũng đã cố gắng chứng minh rằng Thiên đạo không phải là sản phẩm riêng tư của đạo này đạo nọ, mà chính là của chung của mọi người. Cái kho tàng vô giá ấy Trời dành cho bất kỳ ai có lòng thành khẩn tìm cầu. thiên đạo chẳng qua là những chặng đường tiến hóa của tâm linh con người, từ lúc còn là một mầm mộng thần linh, cho đến khi đạt đạo, tiến tới cùng cực tinh hoa cao đại, trở thành Chí thánh, Chí thiện.

Tôi cũng đã lấy những quan điểm của Trung Dung, đem so sánh với quan niệm của các bậc thánh triết cổ kim để cho thấy rằng con người chúng ta ai cũng đã có một bản chất hết sức là sang cả, một định mệnh hết sức là sang cả.

Nếu vậy thì chúng ta sinh ra ở cõi đời này, sau trước cũng phải thực hiện một cuộc hành trình không phải là một cuộc hành trình thiên sơn, vạn thủy nơi ngoại cảnh, mà chính là một cuộc hành trình nội tâm để tìm Đạo, tìm Trời.

Chúng ta chính là những vị thần minh, những vị thiên tử đã lạc xuống hồng trần, rồi vì va chạm với những cảnh đời éo le, gian khổ, nên đã quên lãng mất cả dòng dõi cao sang của mình, lạc lõng lao lung trên muôn nẻo đường trần ai ngoại cảnh, và quên mất hẳn con đường trở về thiên quốc.

Như vậy, đôi lúc, chúng ta cũng nên cắm sào lại trên dòng sông thời gian, dành để ít phút suy tư về thân thế và định mệnh của mình, và cũng là để hồi tưởng lại con đường trở về Thiên quốc. Tôi xin nhắc nhở rằng con đường trở về Thiên quốc của chúng ta không thể nào tìm kiếm thấy được trên muôn vạn nẻo đường của trần ai ngoại cảnh, mà chính là đã có sẵn ở trong tâm thần chúng ta.

Con đường ấy, vì lâu ngày ta chẳng ngó ngàng tới nên đã để cho lau lách dục tình che khuất mất, để cho mây mù vọng niệm bao phủ mất, chúng ta hãy dùng ánh sáng mặt trời tuệ giác, hãy dùng lưỡi kiếm bén của sự hùng dũng tinh thần, để trông cho tỏ hướng đi, để phạt cho quang con lộ, nhiên hậu ta sẽ thảnh thơi rong ruổi trên con đường tìm đạo, tìm trời, và một ngày nào đó, ta sẽ được diễm phúc trực diện với thiên nhan.

Và để kết thúc bài này cũng như toàn khóa học về Khổng giáo, tôi xin mượn lời kinh Vệ Đà, mà tôi đã mạo muội dịch thành mấy câu thơ lục bát sau đây:

Đường trời cao vút tầng mây,

Ai ơi đừng có một ngày lui chân,

Đức Trời lồng với kinh luân,

Ta đem ta sẻ, ta phần cho ai,

Hãy lên rong ruổi xe trời,

Băng miền cực lạc muôn đời trường sinh.

Răng long đầu bạc mặc tình,

Đừng bao giờ nói rằng mình già nua.

Thần thông Trời đã phú cho,

Bạc đầu, lòng vẫn phởn phơ nhẹ nhàng.

Vén mây, vượt núi băng ngàn,

Đường Trời chót vót chớ màng lui chân. [26]

CHÚ THÍCH

[1] Bài thuyết trình tại CQPTGL.

[2] Cf. Lâm Ngữ Đường (Lin Yu Tang) L’Importance de vivre, p. 123-124.

[3] «O moines, il y a un état non-né, non-devenu, non-conditionné, non-composé. S’il n’y avait pas un tel état qui soit non-né, non-devenu, non-conditionné, non-composé, il n’y aurait aucune évasion possible pour ce qui est né, ce qui est devenu, ce qui est conditionné. Puisqu’il y a un tel état, il y a une évasion de ce qui est né, de ce qui est devenu, de ce qui est conditionné, et de ce qui est composée.» (Présence du Bouddhisme, p. 268. - Udanâ, p.129, Colombo, 1929.)

[4] Nous devons donc d’abord trouver quelque part un centre d’où partent pour ainsi dire tous les autres plans de l’existence une fois là, nous devons esayer de trouver une solution. Voilà la programme.

Où est ce centre? Il est au dedans de nous. Les anciens sages ont cherché de plus en plus profondément jusqu’à ce qu’ils aient trouvé qu’au coeur le plus intime de l’âme humaine est le centre de l’univers tout entier. Tous les plans gravitent vers seul point; il est leur terrain commun et c’est seulement en ... là que nous pourrons trouver une solution commune.

[5] Xem Văn Đạo Tử giảng đạo tinh hoa lục (chữ Hán), tr. 36b.

[6] «La découverte du centre du Soi qui coincide avec Brahman, et qui correspond au centre de l’espace et au centre du temps, ces deux centres qui permettent au sacrificiant d’échapper à l’espace et au temps, est la grande découverte des Bramanes, celle qui mène à l’orée de l’Upanishad.» Lilian Silburn, Instant et Cause, p. 103.

[7] Cette grandeur que l’homme a acquise par lui-même, en se dégageant de ses entraves pour entrer dans la vie de l’infini, c’est cela le Religion. – Robert Tucker, Philosophie et Mythe chez Karl Marx, Paris, Payot, p. 32.

[8] La Réligion consiste à s’élever au niveau de la vie divine. Ib. 32.

[9] Sở vị Phật tính, tựu thị Thiên tính. Dã tựu thị Nhu gia chi sở vị Thiên mệnh, sở vị Đạo liễu. Nan quái Khổng phu tử thuyết: Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ. Lịch đại cao tăng cố sự, quyển 7, tr. 30.

[10] Dieu, dit l’Ecriture est la vie de l’homme: Ipse est vita tua (Deutéronome XXX, 20. Texte de la Vulgate cité par Saint Thomas d’Aquin, Summa Theologica, Ia-IIae, q.110 a.I, obj.2.) et Saint Augustin a souvent affirmé au Dieu est la vie de l’âme, comme l’âme elle-même est la vie du corps. Il est donc la vie de notre vie. (Saint Augustin, Confessions, VII, 1,2 et X,6,10). Cf. Etienne Gilson, Théologie et histoire de la spiritualité, Paris, Librairie philosophique, J. vrin, 1943, p.10.

[11] Il y a un infini en nous. (Florilège de la pensée théosophique moderne, Lotus Bleu, 71 Année, No 11, Novembre 1967, p. 293.)

[12] L’Illumination spirituelle rélève l’élément unique qui est dans l’esprit et le coeur de tout être humain. (Florilège de la pensée théosophique, in Lotus Bleu, 72 è Année, Aout Septembre 1967, p. 235.)

[13] Notre temps a besoin de reconnaitre en tout homme une étincelle divine et de possibilités infinites. (Ib. 235).

[14] Pour la religion, Dieu et l’homme, la qualité et la forme étaient séparées, elle enseigne maintenant qu’ils sont un. (Lotus Bleu, 72 è Année, Decembre 1967, p. 326).

[15] Trần Trọng Kim, Vương Dương Minh, Tân Việt xuất bản, tr. 43.

[16] Madame Blavatsky, dans la Doctrine Secrète, fait allusion à cette mystérieuse voix intérieure, dans ce beau passage (I, 277 édition, I, 270, 7e édition): «Seul, l’inconnaissable et incognoscible Kârana, la Cause sans Cause de toutes les causes, devrait avoir son sanctuaire et son autel sur le terrain sacré et solitaire de notre coeur – invisible, insaisissable, indistinct, sauf par la «petite voix silencieuse» de notre conscience spirituelle. Ceux qui l’adorent devraient le faire dans le silence et la solitude sanctifiée de leurs âmes …» Lotus Bleu, 75e Année, Janvier, 1968, p. 17.

[17] «L’Atman, Le Soi… montrait toute sa puissance à celui qui était capable de reconnaitre la «petite voix silencieuse». Depuis les jours de l’homme primitif… jusqu’à notre âge moderne il n’y a pas eu un philosophe digne de ce nom qui n’ait pas porté dans le sanctuaire silencieux de son coeur la grande et mystérieuse vérité. Si c’était un initié, il l’apprenait comme une science sacrée …» (Doctrine Secrète, Volume 5, p. 67. – Lotus Bleu, 73e Année No 1, p. 18).

[18] Xem Trung Dung chương 1.

[19] Kinh Thi, Đại Nhã, ức thiên.

[20] «Il est une Lumière qui brille au-delà de toutes, su terre au-delà de nous tous, au delà des cieux vraiment les plus hauts. C’est une lumière qui brille dans nos coeurs. Il y an un pont entre le temps et l’éternité, et ce pont est l’Esprit dans l’homme. Ni le jour, ni la nuit ne traversent ce pont, ni la vieillesse, ni la mort, ni le chagrin… Quand on a trouvé ce pont, les yeux de l’avenir peuvent voir, les blessures du blessé guérissent, et le malade guérit de sa maladie. Pour celui qui franchit ce pont, la nuit devient comme le jour, parce que, dans le monde de l’Esprit, il y a une Lumière qui est éternelle.»

Lotus Bleu, 72e Année, No 4, Avril, 1967, p.115.

[21] On trouve Dieu dans sa création… Dans le coeur même de l’homme on peut trouver la vie Divine. En religion, cette découverte est aussi révolutionnaire que la découverte atomique. Elle place dans la main de l’homme un pouvoir spirituel sans limite, comme l’énergie atomique lui a donné un prodigieux pouvoir physique. Lotus Bleu, 72e Année No 12, Décembre 1967, p. 327.

[22] Soyez ce que vous devriez être à l’endroit où vous vous trouvez! Et quand vous aurez fait vos preuves, Il vous trouvera des voies meilleures. (Cina Cerminara, De nombreuses demeures, Adya Paris, 1966, p. 287).

[23] La pureté, la droiture, la chasteté, la mansuétude sont appelées austérités du corps. Un langage dépourvu de malveillance qui est vérédique, agréable, bienfaisant… est appelé l’austérité de la parole. Le calme de l’esprit, l’équilibre, le silence la maýtrise de soi-même, la pureté de l’être, telle est l’austérité de l’esprit. (Bhagavad. XVII, 14-16) (Leadbeater, l’Occultis dans la Nature, p. 164).

[24] Xem Lịch đại Cao tăng cố sự, Đạo Sinh, tr. I, tr. 2.

[25] Et ainsi, nous sommes installés dans notre schéma planétai et réalisons qu’il est une partie de la Doctrine Secrète que l’attributs de Dieu «Omniprésence, Omnisoience et Omnipotence» peuvent être réalisés par l’homme dans sa plénitude comme homme et humanité, les réalisant et les libérant en lui-même (E. L. Gardner, Le Jeu de la Connaissance, p.10). C’est ce que nous voulons dire quand nous parlons de la Divinité de l’homme. (Wallace V. Slater, in Lotus Bleu, Décembre 1967, p. 318).

[26] Steep and high is your path of pilgrimage, o mana never descending low. I have equipped thee with the divine wisdom and power to live a full and vigorous life. Come and enter in the divine chariot of immortal bliss. Never say you are old o my traveller, with the advancing age, blessed with the weal of wisdom, you shall ever remain young and vigorous. Up and high goes your path never descending low. Atharvaveda.

Từ khóa » Thuyết Trung Dung Là Gì