Con Nít, Nhít, Xít Hay Sít? - Tuổi Trẻ Online

Chẳng hạn, bài hát Trống cơm có câu: "Một đàn tang tình con nhít (/nít/ xít/ sít)/ Ố mấy lội, lội, lội sông". Xin hỏi nếu đúng phải là con nào?

Con nít, nhít, xít hay sít? - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Dư, tác giả quyển Khơi lại dòng xưa chọn con nhít với lập luận: "Chữ Nhít được Génibrel viết bằng chữ Niết + chữ Tiểu (nghĩa là nhỏ). Nít và Nhít có nghĩa giống nhau, có âm (Niết) giống nhau. Nhít (miền Bắc) hay Nít (miền Nam) là một, tương đương với chữ Nhi (chữ Hán, nghĩa là trẻ con)".

Sự lựa chọn này không phải đã "chốt hạ" cuộc tranh luận, thiên hạ vẫn đang còn bàn cãi râm ran.

Từ điển Việt - Bồ - La của A. De Rhodes (1651), ở mục từ "nhít" được giải thích theo nghĩa là "nhất" - "Thứ nhít: thứ nhất". Đại Nam quấc âm tự vị (1895) ghi nhận: "Nhít là tiếng trợ từ: Nhỏ nhít". Còn nếu "Con còn nhỏ tuổi. Tiếng gọi chung các đứa còn nhỏ dại" phải là "con nít".

Ta chọn xít chăng? Cũng theo từ điển trên, "xít" (xem xüít) và được giải thích như nghĩa hiện nay ta hiểu là "suýt": "Vật gì vừa đi qua mà không chạm tới". Xét theo ngữ cảnh của bài hát, không thể là nhít (nhất)/ xít (suýt).

Ta chọn qua từ "sít" chăng? Trong truyện ngắn Ngày cuối năm, nhà văn Tô Hoài viết: "Lão nhìn cái bờ rào cúc tần. Để những thức ăn sống sít này chỗ cao ráo cho khỏi con kiến bò vào…".

Từ sít/ sống sít, từ thuở A. De Rhodes đã được giải thích như nay ta đã hiểu: "Vật gì bị giảm bớt như khi nấu cơm gạo mới", tức sống sít, chưa chín.

Tuy nhiên, sít còn nhiều hàm nghĩa khác. Chẳng hạn, là sát liền nhau. Anh chàng nọ sau khi "thả thính" mùi mẫn đến độ con kiến trong hang phải chui ra, những tưởng người đẹp xuôi lòng bèn liền sấn tới ngồi sát sàn sạt.

Cô gái nhích ra, bảo: "Ngồi sít thế, thiên hạ cười cho". Sít sịt là rất sít, gần như liền nhau, rất sát, chặt chẽ, khó chen vào được. Từ "sít" ấy có thể thay thế bằng "khít".

Nếu cô gái này bảo: "Anh ngồi xít/sít lại đây", từ ấy cũng có thể thế bằng "xích". Mà "xích" còn hiểu là xịch, xê, nới ra, nhích ra tùy ngữ cảnh.

Một người khoe: "Lũy tre làng mình ken dày sít sìn sịt" là nhằm chỉ mức độ cao hơn của sít sịt.

Một khi cảm cúm, lúc đang ngồi với người đẹp mà nước mũi chực chảy lòng thòng, ta lấy khăn mù xoa ra lau chăng? Hành động này e "thất lễ" với giai nhân, ta bèn sịt ngay một cái. Sịt là hít mạnh để nước mũi thụt vào, khỏi chảy ra ngoài lỗ mũi. Nhưng sịt mũi còn hiểu là bị nghẹt mũi, phải thở, hít mạnh.

Nhân đây xin nói luôn, theo nghĩa vừa nêu trên, nếu tra từ điển ta thấy vẫn chưa thống nhất trong cách ghi nhận X/S trong sít/xít.

Trở lại với bài Trống cơm. Qua các dẫn chứng vừa nêu trên theo phương pháp loại trừ, xét trong ngữ cảnh cụ thể: "Một đàn tang tình con nhít (nít/ xít/ sít)/ Ố mấy lội, lội, lội sông", chỉ có thể con sít.

Việt Nam từ điển do Hội Khai Tiến Đức khởi thảo năm 1931 ghi nhận: "Sít (chim): Giống chim ở ruộng nước, lông xanh, mỏ đỏ, hay ăn lúa".

Trong lúc, "Một bầy tang tình con nhện/ Ô mấy giăng tơ/ Giăng tơ ố mấy đi tìm/ em nhớ thương ai" thì tại sao con sít lại lội sông, chứ không là con nhít/nít?

Để trả lời câu hỏi này, ta hãy đọc lại một đoạn ngắn trong Từ điển bách khoa Việt Nam: "Trống cơm được dùng nhiều trong dàn nhạc bát âm, trong nhạc hiếu", tức diễn ra trong lúc kẻ ở người đi mà ở bài dân ca này cụ thể là "Duyên nợ khách tang bồng".

Do tính chất đó, hình ảnh con nhện xuất hiện và giăng tơ là hợp lý quá. Không gì bàn cãi nữa.

Con nhện trong Trống cơm cho biết là vẫn tìm mối cũ: "Giăng tơ ố mấy đi tìm, em nhớ thương ai". Trong khi đó, con sít không gì khác con nhện, cũng "Ố mấy đi tìm, em nhớ thương ai" nhưng bằng cách "Ố mấy lội, lội, lội sông".

Như đã nói về tính cách của cái trống cơm đóng vai trò như trên thì con nhít/nít không "có cửa" trong trường hợp này. Hơn nữa, mấy chú nhóc hỉ mũi chưa sạch làm gì trải qua tâm cảnh "Duyên nợ khách tang bồng", vậy hà cớ gì lội sông đi tìm?

Từ khóa » Xê Xít