Công Cụ Lao động Xưa ở Nam Bộ

Lão nông miệt Hậu Giang vác phảng đi phát cỏ rẫy. Ảnh: DUY KHÔI

Dao rựa: Đây là công cụ phát quang, chặt đốn cây rất phổ biến, hiệu quả; nên tồn tại đến ngày nay và được cải tiến thành nhiều kiểu dáng để thích nghi với môi trường thực tế của mỗi vùng đất, hệ sinh cảnh. Hình dáng cơ bản của dao rựa là một thanh dao bản lớn mép bén, đầu cong quắm xuống như móc câu, có nơi còn gọi là dao quắm.

Đầu quắm ấy có công dụng móc, kéo các cành, thân cây nhỏ, vừa phát quang vừa dọn dẹp hiện trường. Cán dao rựa dài hay ngắn tùy mục đích sử dụng.

Thép làm nên dao rựa phải là thép tốt, được thợ rèn lành nghề trui khéo; bởi nếu trui già quá thì rất bén nhưng dễ mẻ khi chém trúng vật cứng, còn như non thép thì không bén, hay bị “díu” lưỡi, sức chặt yếu đi.

Do vậy, thép lưỡi dao rựa phải đạt tính năng vừa bén, vừa dẻo dai, chặt cây đứt ngọt nhưng không mẻ miệng hay díu lưỡi... Những yếu tố đó do người thợ rèn có kinh nghiệm quyết định.

Phảng phát cỏ: Theo cố nhà văn Sơn Nam, việc dùng phảng phát cỏ làm ruộng thay cho cày bừa xuất hiện cách nay khoảng 200 năm và chỉ có tại vùng đất Nam bộ.

Trong quá trình lao động sản xuất, nông dân nghĩ đến một kiểu dao để chém cỏ được nhiều hơn. Vì ngồi mà chặt thì thất sách và mỏi lưng; còn đứng chặt thì không sát gốc, cỏ mọc trở lại. Muốn cho cỏ chết, phải chặt ngay gốc, dưới mí nước để gốc cỏ bị úng luôn.

Do đó cần đến một loại dao dài; mà muốn chém cỏ trong tư thế đứng thì cán dao phải bẻ cong lại. Vì thế cây phảng ra đời, vốn có “xuất thân” từ dao, nhưng được hình thành và đúc kết từ kinh nghiệm, sự sáng tạo của tiền nhân ta.

Phảng phải luôn bén thì phát cỏ mới “ngọt”, nhanh, và ít tốn sức. Tư thế đứng và bước của người phát cũng phải được tập luyện. Chân trái phía trước, chân thuận phía sau, chém dao thứ nhất thì bỏ chân sau qua bên trái đồng thời vung cây phảng lên cao để chuẩn bị.

Sau đó bỏ chân trước qua bên trái, chém nhát dao thứ hai ngay khi ngón chân cái vừa đặt xuống đất. Thực hiện thuần thục những động tác này sẽ làm cho hai dao chém xuống liền mí nhau, dọn sạch nhanh chóng một vùng cỏ rộng.

Muốn có một cây phảng ưng ý, người xưa còn kỹ lưỡng chọn thợ rèn phảng. Người thợ rèn có kinh nghiệm, ngoài biết chọn thép thích hợp, còn biết cách trui, đàn sao cho cây phảng không bị quá non hoặc quá già. Rồi chọn loại cây làm cán phảng để khi sử dụng giúp da bàn tay được mát, không phồng…

Theo sách “Đại Nam quốc âm tự vị” của cụ Huỳnh Tịnh Của, thì có ba loại phảng: phảng gai, phảng giò nai và phảng cổ cò. Phảng gai dùng để phát quang ở những vùng đất cao ráo hoặc để phạt cỏ bờ. Phảng giò nai và phảng cổ cò dùng để phát cỏ lác, cỏ năn ở ruộng bưng.

Phảng giò nai thường được sử dụng ở đồng ruộng dọc sông Vàm Cỏ và miền Đông Nam bộ. Còn phảng cổ cò lại phổ biến khắp vùng đất ruộng của ĐBSCL.

Dao phát quang: Có lưỡi khá dài, cán ngắn như thanh kiếm, bản dao vừa phải, mép bén. Dao phát quang được người ta dùng phát cây nhỏ, bụi rậm, chặt nhánh gie, chém dọn dây leo và cỏ dai.

Điều dặc biệt là dao phát quang còn được sử dụng trong quân đội, kể cả quân đội các nước tiên tiến. Ngày nay máy cưa tay, máy phát cỏ đã dần thay thế phần lớn công việc của dao phát quang.

Cuốc: Có lưỡi bằng sắt, cán gỗ, dùng để đào, xới, bổ, trộn và di chuyển đất. Cuốc thường được dùng trong làm ruộng và làm vườn. Cuốc sử dụng đào và trộn bề mặt đất để loại trừ cỏ dại, vun đất xung quanh gốc cây, tạo luống, đào rãnh, đào đất để thu hoạch củ, đào lỗ để trồng cây, chôn cột…

Xẻng (người Nam bộ hay gọi leng): Là dụng cụ nâng và di chuyển vật chất xốp, rời như đất, cát, sỏi, than... thường dùng trong nông nghiệp, xây dựng và làm vườn. Về cấu tạo, nó gồm một lưỡi rộng với các bờ sắc và được gắn lên một cán.

Lưỡi leng thường được làm từ tấm thép ép dẹp, ở phía sau có đai cắm cán. Cán leng thường làm bằng gỗ mù u, tre, tầm vông, sa bô chê, nhãn.... Phía đầu tay cầm của cán có thể gắn thanh chữ T để giúp cầm và điều khiển. Kích thước lưỡi và chiều dài cán phụ thuộc mục đích sử dụng, tư thế người dùng.

Dùng leng đào chuột là cách làm quen thuộc ở Nam bộ. Ảnh: DUY KHÔI

Cày: Được dùng để lật, xốc lớp đất mặt, phơi ải, nhằm làm cho đất mềm, tơi xốp khi cho nước vào ruộng hoặc khi mưa xuống nhằm chuẩn bị cho sự gieo, cấy, sạ lúa nước... Cày còn nhằm chôn, ém cỏ dại, rơm rạ của mùa trước, làm thông thoáng, giúp đất giữ ẩm...

Lưỡi cày thường được thợ rèn đúc thủ công bằng sắt, có những nơi còn làm bằng gỗ, tre. Cày có thể được kéo bởi sức trâu, bò, ngựa hay máy cày.

Đây là công cụ cơ bản, xuất hiện khá sớm trong lịch sử canh tác, đánh dấu một trong những tiến bộ quan trọng của nông nghiệp. Ban đầu cày dùng sức người, sau có sự trợ giúp sức kéo của trâu, bò... Ngày nay đã có máy móc.

Bừa: Là nông cụ dùng xới bề mặt của đất, thường được dùng sau khi đất đã được cày qua để làm vỡ các cục hay khối đất, giúp đất mịn nhỏ hơn thích hợp cho việc gieo hạt và trồng cây. Người ta cũng có thể bừa thô để loại bỏ cỏ dại và phủ đất lên hạt giống sau gieo sạ.

Bừa ngày xưa là một thanh gỗ dài chừng 2m, được đục lỗ cách nhau khoảng chừng 20cm, tra cắm những thanh sắt dẹp, hoặc tre to bản, bén. Lúc này bừa giống như cái lược chải dầu khổng lồ, kéo trên mặt ruộng đã cày trước đó. Bừa có thể được kéo bởi người hay gia súc như trâu, bò, ngựa, hoặc dùng máy kéo.

Khẩn hoang, cải tạo đất để canh tác, sản xuất, lập làng xóm là công việc vô cùng gian khổ thời tiền nhân ta khai khẩn Nam bộ.

Đó là chưa kể điều kiện môi trường khắc nghiệt, đầy lam sơn chướng khí, nhiều thú dữ. Công cụ lao động vì thế đóng vai trò quan trọng trong đời sống, lao động, sản xuất của người khai hoang. Những cuộc khai quật, khảo cổ sau này cũng chứng minh điều đó khi mô phỏng lại quá khứ qua những di vật, di chỉ.

Có khá nhiều các công cụ lao động truyền thống được trưng bày trong các viện bảo tàng ở Nam bộ, để thế hệ sau hiểu rõ rằng xưa kia tiền nhân ta đầu trần, chân đất với công cụ sản xuất thô sơ, nhưng đã dùng ý chí, sự cần cù, thông minh, sáng tạo để từng bước thuần hóa miền đất mới khắc nghiệt thành vùng đất trù phú nơi phương Nam Tổ quốc.

Theo ĐẶNG HOÀNG THÁM (Báo Cần Thơ)

Từ khóa » Cái Phảng Phát Cỏ