Kéo Cổ Phảng - Báo Đồng Khởi Online

Cảnh tái hiện phụ nữ Bến Tre tham gia đấu tranh trong phong trào Đồng khởi năm 1960. Ảnh tư liệu

Cảnh tái hiện phụ nữ Bến Tre tham gia đấu tranh trong phong trào Đồng khởi năm 1960. Ảnh tư liệu

Buổi tối, sau giờ học thêm từ nhà cô giáo về, vừa ăn cơm xong, đứa cháu gái hỏi tôi:

- Nội ơi nội, hồi sáng này, tới giờ học lịch sử ở lớp, cô con giảng chuyện về lịch sử Đồng khởi hồi năm 60 trên quê hương Bến Tre mình. Cô kể về cái chuyện kéo cổ phảng gì mà tụi con chưa hiểu hết. Vì vậy, cô biểu con về hỏi nội vì nội rành lắm, bởi ông nội có tham gia Đồng khởi hồi đó nữa. Nội kể cho con nghe đi nội.

Tôi nói với cháu, muốn biết chuyện kéo cổ phảng ra sao, cháu phải tìm hiểu lai lịch thời đó nữa, tức là thời cha ông của thế hệ các cháu bây giờ. Riêng đối với nội, mỗi lần nghe ai nấy rục rịch chuẩn bị kỷ niệm ngày Đồng khởi ở Bến Tre mình là nội nhớ đủ thứ chuyện thời đó của nội, nào là đêm đêm cùng mấy bác, mấy chú vác mã tấu (bằng phảng đã kéo cổ) bí mật đi trừng trị ác ôn, tề làng, phá lộ, đốt cầu không cho xe giặc lưu thông, rồi đốt phá đồn bót của giặc. Ngày thường, bây giờ cũng vậy, hễ thấy ai vác phảng đi phát cỏ, phát năng ngoài ruộng, trong vườn, đi ngang nhà mình là nội nhớ liền hồi ấy. Vì người ta thường nói “tuổi già sống bằng kỷ niệm” là vậy đó. Chuyện trong ngày có khi quên khi nhớ chứ còn những gì xảy ra gắn liền với cuộc đời mình, dù xa cách mấy nội cũng nhớ hoài.

Kéo cổ phảng là chuyện có thật ở xứ Bến Tre mình cách đây gần 60 năm (1960 - 2018) nên các cháu thời bây giờ không hiểu hết cũng phải. Trước tiên phải hiểu về cây phảng. Nó là nông cụ đã có từ hồi xửa hồi xưa mà người nông dân sáng chế ra dùng để phát quang cây cỏ dại mọc ngoài ruộng, trong vườn. Hình dáng nó cong như chữ L vậy. Thợ rèn khéo tay đúc từ sắt thép mà ra. Lưỡi phảng trước khi vác ra đồng ruộng được người cầm mài bén ngót như gươm. Cỏ tranh, ô rô, cóc kèn, lau, sậy… không sống nổi với nó. Vì vậy, phảng là vũ khí vô cùng lợi hại trong những ngày Đồng khởi ở Bến Tre mà đặc biệt là ở đất Bình Đại này.

“Bến Tre là quê hương Đồng khởi!” Đó là khẩu hiệu lịch sử mà thế hệ các cháu từ bây giờ và mãi mãi về sau phải tự hào. Cao trào Đồng khởi đã nổi dậy từ năm 1960 với toàn là vũ khí tự sáng chế - gọi là vũ khí thô sơ, gồm các loại như: súng ngựa trời, chông hầm, chông tre, chông đinh, chông hom, chông bãi, súng bập dừa, mìn xi-măng, mã tấu, chỉa, rựa, mác vót, ong vò vẽ… Vậy mà đã làm cho kẻ thù mặc dù có đầy đủ vũ khí tối tân do Mỹ trang bị phải hoang mang khiếp sợ. Làm vẻ vang lịch sử của quê hương xứ Dừa.

Trở lại chuyện kéo cổ phảng. Cũng là chuyện không lạ gì ở Bến Tre lúc bấy giờ. Người viết bài này cũng là một nhân vật trong cốt truyện thời ấy.

Đầu năm 1960, lúc cao trào Đồng khởi nổi dậy nhiều nơi ở Bến Tre, thì ở xã Tân Phú Trung, huyện Bình Đại cũng đồng loạt nổi dậy bằng nhiều hình thức diệt ác ôn, phá kiềm kẹp của giặc. Hầu hết cán bộ bí mật ở lại đều từ căn cứ, hầm bí mật “trồi lên”, từ các nơi đi điều lắng cấp tốc trở về, cả cán bộ thoát khỏi nhà lao của giặc đã cùng mọi gia đình cách mạng, gia đình nòng cốt trong từng xóm ấp bí mật lo mọi thứ vũ khí tự tạo để chờ lệnh tấn công.

Khi lòng căm thù giặc cao độ đã bừng dậy trong lòng từng người dân, bà con chuyền tai nhau nghe nơi này nơi khác bọn tề về làng, do thám tay sai giặc bị trừng trị đích đáng bằng vũ khí tự tạo, còn chỗ mình sao êm quá, nên ai cũng muốn tự mình xách dao búa đi khử tên này, tên nọ cho thỏa lòng.

Ngoài mọi loại vũ khí thô sơ đã kể, ai cũng thấy các tranh ảnh “Tứ thời” thuở xưa như gươm, mã tấu… bèn nghĩ ra cách dùng lưỡi phảng sẵn có ở nhà là số một vì nó là loại bén nhất. Lưỡi phảng có phần giống như đao, mã tấu thời tổ tiên ta đánh giặc. Song ngặt có cái là cánh phảng lại cong một bên, chỉ thuận một chiều cho người cầm cán khi phát quang lùm bụi mà thôi.

Hồi thời Bến Tre đồng khởi, tôi chỉ mới 14 tuổi. Sau khi ra tù (13 tuổi) vì giặc kết tội còn con nít mà làm Việt cộng, đi giao liên (giao liên CK - công khai) cho Việt cộng, chứa Việt cộng trong nhà… Tôi với hai người cùng xóm là Quận và Ngoan (sau đều là liệt sĩ) sắm đe, búa, cưa sắt… để làm vũ khí cho cán bộ bí mật tại địa phương. “Công trường” của ba đứa chúng tôi lúc bấy giờ chỉ mới cắt cụp làm mấy chuyện như: chặt dao yếm ra để làm ba nha (dao găm), làm chông đinh, chông bàn. Mới vài đêm dưới ánh đèn dầu thì bà con trong xóm bí mật rỉ tai nhau gợi ý gia đình nào có phảng cùn mang tới, có người chỉ có cây phảng duy nhất trong nhà đang phát cỏ để kịp cày bừa vì tới ngày cấy cũng tự mình vác tới, người không có cũng ra chợ mua giao cho chúng tôi cả chục cây để làm mã tấu.

Khi thấy tôi vừa cười vui vừa thủ bộ, cầm cây phảng quất tới quất lui coi bộ trở ngại, má cười, mẹ liệt sĩ kêu tôi dừng tay lại. Má nói:

- Chưa được, má thấy còn cản trở, mất thế lắm. Chi bằng mấy con lấy búa tạ đập kéo cổ phảng cho nó ngay ra giống như cái mã tấu trong tranh “Tứ thời” vẽ quân của vua Quang Trung cầm mã tấu vậy đó. Làm theo má đi rồi chém con cọp cũng đứt làm hai nữa, chém đám Diệm, Nhu cũng đứt làm mười, chớ đừng nói tới cái đám chó săn do thám, tề làng ác ôn ở đây.

Khi mấy cây phảng được chúng tôi dùng búa đập kéo cổ ngay ra, tôi cầm một cây “múa” thử, má nói:

- Vậy được rồi. Tụi con kéo cái cổ phảng nào miễn ngay ra rồi giao cho má mài. Cái cục đá mài dao của má tuy lâu năm nhưng nó không có lỳ như mấy cục đá khác của bà con ở đây. Ai cũng thích cái cục đá mài của má có từ thời ông nội sắp nhỏ lận đó.

Nói xong má bắt đầu lần lượt đem từng cây phảng ra sau hè, chong đèn bong bóng bí mật mài sáng đêm.

Nhân kể về chuyện kéo cổ phảng thời đồng khởi ở Bến Tre, người viết xin kể lại cùng bạn đọc một chuyện mà mình không bao giờ quên. Đó là một buổi sáng cũng trong năm 1960. Bọn lính bảo an huyện Bình Đại đi càn quét, cướp phá nhà dân ở vùng đình Đầu Trâu. Song trước đó, bộ đội cùng du kích địa phương ta biết trước nên dàn quân ra phục kích giữa mí đồng bằng cách đào công sự, dùng rơm rạ đậy lên trên nắp ngụy trang. Bọn giặc quen thói như mọi khi. Chúng đua nhau rượt bắt gà, vịt của đồng bào đang ăn ngoài đồng. Một thằng lính mang khẩu súng FM đầu bạc (trung liên) vừa đặt xuống đất định nhả đạn vô chòm tre, bỗng một chiến sĩ ta cầm cây phảng đã kéo cổ sáng ngời đội rơm đứng phắt dây, tay vung lưỡi phảng. Tên lính tá hỏa tâm tinh vừa quăng súng quăng đạn vừa la:

- Bớ làng xóm ơi, bộ đội chém tôi. Trời ơi, ai đó cứu tôi với… Tôi xin đầu hàng.

Tên lính thì không ai cứu. Đồng bọn hắn thì lớp bị ta bắt, lớp nhảy xuống rạch trốn, có tên bị chết chìm. Gà vịt chúng bỏ lại đầy đường.

Chuyện kéo cổ phảng xuất hiện tuy không nhiều, song đã có nhiều chiến sĩ ta lập thành tích từ loại vũ khí tự tạo này đã góp phần vào một chặng đường lịch sử chiến tranh nhân dân trên quê hương Đồng khởi Bến Tre.

Tiền Phong

Từ khóa » Cái Phảng Phát Cỏ