Cộng đồng Tin Lành Tại Việt Nam Với Việc Thực Thi Chính Sách Pháp ...

NGUYỄN XUÂN HÙNG*

 

Tóm tắt: Đạo Tin Lành ở Việt Nam hiện nay có hơn 1 triệu tín đồ, hoạt động trên 63 tỉnh thành của cả nước, với hơn 90 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin Lành khác nhau. Việc ban hành và thực thi chính sách pháp luật đối với các tôn giáo nói chung và đạo Tin Lành nói riêng, trong đó bao hàm các khía cạnh về bình đẳng tôn giáo đã được bắt đầu từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tuy nhiên, chỉ từ khi Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo được ban hành vào năm 2004 cùng các Nghị định hướng dẫn thi hành (Nghị định 22, Nghị định 92); Chỉ thị 01/2005/CT-TTg ngày 04/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ Về một số công tác đối với đạo Tin Lành; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, cùng với đó là Nghị định hướng dẫn thi hành (Nghị định 162/2017 NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính Phủ) thì hành lang pháp lý đối với hoạt động của các tôn giáo, trong đó có đạo Tin Lành, được rõ ràng và đầy đủ hơn. Bài viết này đi vào tìm hiểu về nhận thức, thái độ cũng như những hoạt động của giới chức Tin Lành ở Việt Nam đối với việc ban hành và thực thi chính sách, pháp luật về tôn giáo và bình đẳng tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam thời gian qua và hiện nay.

Từ khóa: Đạo Tin Lành; chính sách; pháp luật; tôn giáo; bình đẳng tôn giáo.

Abstract: Protestantism currently has more than one million believers in Vietnam, operates in 63 provinces and cities of the country with more than 90 different organizations, denominations and groups. The promulgation and implementation of policies on religions in general and on Protestantism in particular, which included the aspect of religious equality. It have been started since the establishment of the Democratic Republic of Vietnam. However, since the Ordinance on Beliefs and Religions was enacted in 2004 with the implementing Decrees (Decree 22, Decree 92); Directive No. 01/2005/CT-TTg on February 4, 2005 of the Prime Minister On some tasks regarding Protestantism; The Law on Beliefs and Religions officially executed since January 1st, 2018, along with the Decree guiding the implementation (Decree 162/2017 NĐ-CP dated December 30th, 2017 of the Government), the legal framework for the activities of religions, including Protestantism, has been clearer and more complete. This paper explores the awareness, attitudes and activities of Protestant dignitaries in Vietnam regarding the promulgation and implementation of policies and laws on religion and religious equality of the Party and the State in the past and at present.

Keywords: Protestantism; policies; law; religion; religious equality.

 

1. Nhận thức, thái độ của người theo đạo Tin Lành đối với chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bình đẳng tôn giáo

1.1. Thời kỳ từ 1945 đến 1975

Theo dòng lịch sử, mối quan hệ giữa Nhà nước và giáo hội cũng như cộng đồng Tin Lành đã bắt đầu từ sau khi thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945. Ngay sau khi tuyên bố Độc lập, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố chủ trương Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết. Tinh thần và nguyên tắc đó đã được khẳng định và ghi rõ trong Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946: Nhân dân ta có quyền tự do tín ngưỡng và được quán triệt, thể hiện đầy đủ và cụ thể trong các văn kiện của chính phủ thời kỳ kháng chiến chống Pháp và sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc.

Theo giới chức Tin Lành, trên khán đài lễ tuyên ngôn độc lập, một trong ba đại diện tôn giáo được mời tham dự có đại biểu của đạo Tin Lành, điều đó nói lên việc chính phủ cách mạng lâm thời rất trân trọng và ứng xử bình đẳng tôn giáo dù Tin Lành lúc đó chỉ là cộng đồng nhỏ bé. Cho dù tình hình chính trị trong năm hai năm 1945, 1946 khá phức tạp nhưng Bộ Nội vụ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn cấp giấy phép và tạo điều kiện đi lại tự do giữa các vùng cho Hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam lúc đó là Mục sư Lê Văn Thái cho dù ông ta vẫn khăng khăng lập trường Tin Lành không dính lứu đến chính trị[1].

Năm 1955, sắc lệnh 234/SL ngày 14/6/1955 về vấn đề tôn giáo của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được ban hành với 16 điều, 4 chương. Ngay điều 1 đã khẳng định: “Chính phủ đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân”. Tôn trọng các hoạt động tôn giáo, đồng thời ghi rõ: “Khi truyền bá tôn giáo, các nhà tu hành có nhiệm vụ giáo dục cho các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng chính quyền nhân dân và pháp luật của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”[2].

Năm 1955, sau ngày hòa bình lập lại, thể theo nguyện vọng của chức sắc, tín đồ Tin Lành, Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa đã cho phép thành lập cơ quan giáo hội mới để phục vụ nhu cầu về điều hành, hoạt động tôn giáo của cộng đồng này. Điểm này chứng tỏ cách ứng xử bình đẳng, không phân biệt cộng đồng tôn giáo lớn hay nhỏ của Đảng và Nhà nước.

Cũng vào năm 1955 đã diễn ra Đại Hội Đồng đầu tiên của cộng đồng Tin Lành miền Bắc. Đại Hội Đồng đã biểu quyết thông qua quyết định thành lập Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc với bản Điều lệ mới ghi rõ mục đích của HTTLVN (miền Bắc): “Mục đích của Hội Thánh Tin Lành là một hội họp những người Việt Nam có lòng kính thờ Đức Chúa Trời và có lòng tin cậy Tin Lành Cứu - rỗi của Đức Chúa Jesus Christ để lập thành một Hội Thánh duy nhất” với tôn chỉ bao gồm 2 điểm: 1) Hết lòng kính thờ Đức Chúa Trời Ba Ngôi; 2) Yêu Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, thực hiện công bằng bác ái, tự do, bình đẳng và lao động.

Hội Thánh cũng tuyên bố rõ thái độ của mình đối với xã hội: “Hội Thánh có nhiệm vụ giáo dục cho tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ của công dân, ý thức tôn trọng chính quyền nhân dân và pháp luật của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hội Thánh đoàn kết cùng toàn dân xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”[3].

Đây là một điểm mới phản ánh sự trưởng thành về nhận thức của cộng đồng Tin Lành miền Bắc về vị trí Hội Thánh của mình trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Sự thành lập tổ chức mới, ngang bằng và bình đẳng với các tổ chức giáo hội khác, được thực sự tự trị, tự lập và một đường hướng hoạt động tích cực, tiến bộ đã cổ động và hướng dẫn cộng đồng Tin Lành tại miền Bắc tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các chức sắc, tín đồ Tin Lành ngay từ ngày đầu hòa bình lập lại đã tham gia tích cực vào công việc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh đòi thi hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

1.2. Thời kỳ từ 1975 đến nay

Sau ngày đất nước thống nhất và bước vào giai đoạn xây dựng và bảo vệ tổ quốc, các tôn giáo ở nước ta cũng có nhiều thay đổi. Trong khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Công giáo ở cả hai miền Nam, Bắc được thống nhất tổ chức thì các tôn giáo khác, như: đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành miền Nam, Islam giáo vẫn chưa được nhà nước thừa nhận. Đại hội Đảng lần thứ IV (1976) tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân và để cụ thể hóa quan điểm trên, Nghị quyết 297-CP ngày 11/11/1977 về một số chính sách đối với tôn giáo của Hội đồng Bộ trưởng được ban hành. Nội dung Nghị quyết là sự kế thừa Sắc lệnh 234/SL ngày 14/6/1955 về vấn đề tôn giáo và các văn kiện ban hành trước đó, đồng thời bổ sung một số nội dung mới, như: quy định về sinh hoạt tôn giáo của các nhà tu hành và tín đồ; cơ sở vật chất của giáo hội; việc đào tạo, bổ nhiệm, thuyên chuyển những người chuyên hoạt động tôn giáo, quan hệ quốc tế của các tôn giáo. Tuy nhiên, các quy định vẫn ở dạng nguyên tắc, chưa có văn bản hướng dẫn nên thiếu sự thống nhất thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Về phía cộng đồng Tin Lành: đạo Tin Lành tại miền Bắc cho đến thời điểm năm 1975 do bị tách rời khỏi sự trợ giúp của đạo Tin Lành thế giới, do bối cảnh chính trị, xã hội không phù hợp nên ít phát triển. Sau năm 1975, tại các tỉnh phía Nam, cộng đồng Tin Lành chiếm vị thế chủ yếu, nhưng các tổ chức giáo hội, hệ phái lại hoạt động trong điều kiện chưa được công nhận tư cách pháp nhân. Cùng với sự phát triển nhanh của đạo Tin Lành đã có nhiều vấn đề nảy sinh giữa giới chức Tin Lành trong mối quan hệ với nhà nước và chính quyền.

Trước tiên là nhu cầu, mong muốn tổ chức giáo hội có tư cách pháp nhân và được hoạt động hợp pháp bởi đây là điều kiện cần thiết để giải quyết các vấn đề vướng mắc của giáo hội.

Sau kỳ Đại Hội Đồng cuối cùng (trước khi bị gián đoạn) lần thứ 42 năm 1976 tại Thành phố Hồ Chí Minh (13-15/6/1976), Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) (HTTLVN MN) không được Nhà nước thừa nhận như một tổ chức tôn giáo hợp pháp. Tuy nhiên, ngoại trừ vùng Tây Nguyên, tại các tỉnh, thành phố, các chi hội cùng tín đồ vẫn sinh hoạt bình thường. Vai trò lãnh đạo của bộ máy giáo hội từ cấp Tổng hội đến cấp Địa hạt xuống các chi hội bị ảnh hưởng mạnh. Mặc dù vẫn cố duy trì bộ máy hành chính đạo trong tình trạng không hợp pháp, HTTLVN (MN) vẫn rơi vào tình trạng khủng hoảng, không thể giải quyết được những vấn đề tổ chức nội bộ.

Tình trạng bế tắc, khó khăn của giáo hội Tin Lành khiến cho đội ngũ chức sắc của tổ chức này phải trăn trở, suy nghĩ để tồn tại trong môi trường chính trị xã hội mới của đất nước.

Xu hướng, nhu cầu tất yếu của tình hình là phải thích nghi, hội nhập, tìm phương cách để tồn tại và phát triển. Giới chức Tin Lành đã kiên trì, tìm mọi cơ hội thuận tiện với các nhà chức trách để thanh minh, trình bày về giáo hội mình. Đối diện với dư luận, ý kiến xã hội cho rằng Tin Lành là “đạo Mỹ”, “đạo Huê Kỳ”, các chức sắc Tin Lành dẫn chứng lịch sử để cho thấy rằng “Cơ đốc giáo cải cách (Tin Lành) ra đời từ Châu Âu, và là tôn giáo chân chính”. Về quan điểm chính trị, đặc biệt là vấn đề liên quan đến thời kỳ trước năm 1975, họ diễn giải: Lập trường đứng ngoài chính trị có nghĩa là “không ủng hộ chiến tranh, cũng không chống Cộng”. Về nhận định cho rằng, HTTLVN (MN) đứng ngoài công cuộc giành độc lập và chiến thắng, họ thanh minh đó là một sự hiểu nhầm đáng tiếc khi mà các tín đồ Tin Lành không bị ngăn cản tham gia hoạt động chính trị[4].

Cùng với việc trình bày, thanh minh cho giáo hội của mình, giới chức Tin Lành chú trọng tìm hiểu, nghiên cứu về đường lối, chủ trương chính sách của Nhà nước đối với vấn đề tôn giáo. Họ đã tìm hiểu sâu về các vấn đề, như: Cơ chế tổng hợp của sự nghiệp cách mạng Việt Nam với 3 nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ như thế nào? Trong một xã hội như vậy thì nguyên tắc liên hệ giữa nhà nước và giáo hội ra sao? Làm sao thích nghi mà không trái với nguyên tắc Thánh Kinh? (những băn khoăn rất đặc trưng Tin Lành - NXH). Quá trình đổi mới, mở cửa, dân chủ hóa đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực tôn giáo được giới Tin Lành đặc biệt chú ý. Họ đã tiến hành tìm hiểu về chính sách nhà nước và tổ chức giáo hội Tin Lành tại Trung Quốc, Cu Ba, các nước Đông Âu để so sánh với tình hình Việt Nam.

Mô hình Ủy ban Tam Tự yêu nước của Tin Lành Trung Quốc được mổ xẻ và phân tích những yếu tố tương đồng và khác biệt nhằm rút kinh nghiệm cho HTTLVN (MN). Tổ chức giáo hội anh em HTTLVN (MB) vốn cùng gốc Tin Lành C.M.A cũng được giới Tin Lành miền Nam đặc biệt chú ý, thúc đẩy quan hệ thăm viếng, tìm hiểu về cách thức sống đạo của tổ chức này trong lòng chế độ xã hội chủ nghĩa để có những bước đi phù hợp[5].

Liên tiếp trong thời kỳ này, các chức sắc trong HTTLVN (MN) kiên trì đề đạt đến các cấp chính quyền nguyện vọng của cộng đồng Tin Lành như sau:

1) Xin phép mở lại các nhà thờ bị đóng cửa và bổ sung, phong chức, thuyên chuyển các mục sư, truyền đạo.

2) Xin mở lại cơ sở đào tạo cũ là Thánh Kinh Thần Học Viện tại Hòn Chồng - Nha Trang để đào tạo đội ngũ mục sư, truyền đạo bổ sung nhân sự.

3) Mong muốn được Nhà nước cho phép tổ chức Đại Hội Đồng Tổng Liên Hội để giải quyết công việc trong giáo hội, cụ thể là tu chính hiến chương, điều lệ của Hội Thánh do phù hợp với xã hội hiện tại.

4) Xin phép được nối lại các quan hệ đồng đạo quốc tế với các tổ chức Tin Lành thế giới.

5) Xin phép được thừa nhận như một tổ chức tôn giáo hợp pháp.

….

Một chức sắc cao cấp của HTTLVN (MN) đã nhận định về thời kỳ này với sự so sánh đối chiếu các quy chuẩn về dư luận xã hội, đạo đức, luật pháp trong sự tương quan bình đẳng tôn giáo như sau: “Sau năm 1975, nhiều người có cái nhìn không đúng và không thiện cảm đối với tôn giáo. Riêng đối với Tin Lành không ít người cho rằng đây là đạo của Mỹ hay ít nhiều liên hệ với Mỹ nên rất dè dặt. Quan điểm giữa hữu thần và vô thần cũng không được hiểu đúng cách như chính sách của Nhà nước về tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng đã quy định. Có nhiều cái nhìn lệch lạc về tôn giáo nói chung và đạo Tin Lành nói riêng, nên việc truyền giảng gặp nhiều khó khăn. Trong lý lịch, chứng minh nhân dân, nhiều người ngại khi phải khai có theo tôn giáo nào đó vì điều này gây bất lợi cho việc làm ăn, học hành, tiến thân”[6].

Chính sách mới về tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và với đạo Tin Lành nói riêng, quá trình thực thi đường lối và chính sách về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bình đẳng tôn giáo của Đảng và Nhà nước đã bắt đầu được triển khai và đi vào đời sống từ thập niên 1990 đã được giới Tin Lành đánh giá như sau: “Kể từ thập niên 1990, chính quyền có một số chính sách thông thoáng hơn đối với tôn giáo (nhưng không phải tất cả). Hơn nữa, một số cán bộ Nhà nước hiểu Tin Lành hơn trước nên việc tổ chức một số sinh hoạt của Hội Thánh tương đối thuận lợi hơn. Theo Hiến Pháp, Nhà nước quy định về quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo nhưng cần có sự giải thích thông qua các văn bản dưới luật. Trước đây có những Nghị định từ thời Quân quản (sau năm 1975) cần phải có sự sửa đổi cho thích hợp. Thời gian gần đây theo sự đổi mới và để thích hợp hơn, Nhà nước có những Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, Văn bản giải thích, v.v… của Chính phủ để làm rõ hơn về chính sách của Nhà nước đối với tôn giáo. Nhờ vậy mà sinh hoạt của Hội Thánh sau này tương đối thông thoáng hơn vì có những quy định cụ thể. Dẫu vậy, trên thực tế, một số chính quyền địa phương chưa thực hiện đúng, nên đã gây khó khăn không ít cho công việc đạo.

Mãi đến năm 2004, Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo ra đời, trong đó quy định nhiều điều thông thoáng hơn”[7].

Những thay đổi lớn về mặt nhận thức và hành động của giới chức Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam thời điểm được nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, được bình đẳng hoạt động tôn giáo như các tổ chức tôn giáo khác.

Chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước đối với đạo Tin Lành là nhìn nhận và từng bước bình thường hóa về tổ chức giáo hội của một số hệ phái Tin Lành lớn đã có mặt từ trước năm 1975 với điều kiện có Hiến chương (Điều lệ phù hợp với luật pháp), có đường hướng hành đạo tiến bộ, có nhân sự lãnh đạo của giáo hội đảm bảo tư cách công dân và có uy tín trong tín đồ.

Theo đường lối đó, tháng 10/2000, Ban Tôn giáo của Chính phủ đã có thông báo số 378/TB/TGCP, thông qua danh sách Ban Vận động của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam (HTTLVN MN), gồm 25 mục sư, chuẩn bị cho việc tổ chức Đại Hội Đồng Tổng Liên Hội, kiện toàn bộ máy tổ chức giáo hội để Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân và cho phép hoạt động hợp pháp.

Đối với tín đồ, chức sắc của HTTLVN (MN) thì đây là một tin vui, được họ mong chờ từ lâu, liền sau đó mọi hoạt động trong cộng đồng này diễn ra hết sức sôi động và náo nhiệt.

Tại khắp các tỉnh, thành phía nam, nơi có các chi hội Tin Lành (hợp pháp và chưa hợp pháp) công việc hướng về chuẩn bị cho kỳ Đại Hội Đồng Tổng Liên Hội sắp được tổ chức thu hút sự chú ý và tham gia của đông đảo chức sắc, tín đồ. Cụ thể, đó là các vấn đề sau:

1) Soạn thảo, lấy ý kiến góp ý về dự thảo bản Hiến Chương mới của HTTLVN (MN).

2) Bầu đại biểu đi dự Đại Hội Đồng Tổng Liên Hội.

3) Vấn đề nhân sự lãnh đạo giáo hội và đường hướng hoạt động của HTTLVN (MN) trong bối cảnh hiện tại.

Về bản Hiến Chương mới của HTTLVN (MN)

Việc phải soạn thảo, hoàn thiện được Hiến Chương mới của tổ chức giáo hội là điều kiện tiên quyết để có thể tiến hành họp Đại Hội Đồng Tổng Liên Hội. Đây là yêu cầu đặt ra từ hai phía: Nhà nước và giáo hội:

 Về phía Nhà nước: Để được công nhận tư cách pháp nhân và hoạt động hợp pháp, giáo hội phải có Hiến chương điều lệ tiến bộ, phù hợp với luật pháp và đời sống xã hội hiện đại.

 Về phía giáo hội: sự phát triển của Hội Thánh trong hơn 20 năm qua đặt ra nhiều vấn đề nan giải trong nội bộ mà bản điều lệ cũ đã tỏ ra lạc hậu, không phù hợp đối với việc quản lý, điều hành nên nhất thiết phải thay đổi. Tuy nhiên, đây là công việc phức tạp rất khó hoàn thành trong một thời gian ngắn đối với giới chức Tin Lành vì những nguyên do sau:

 1. Xu hướng bảo thủ, quen với những nguyên tắc của bản điều lệ cũ còn khá phổ biến.

 2. Do các kỳ Đại Hội Đồng bị gián đoạn khiến việc đưa ra thảo luận không thể tiến hành, thêm vào đó là nguyên tắc thảo luận, bỏ phiếu của giáo hội quá dân chủ khiến nhiều vấn đề khó đạt được sự đồng thuận, nhất trí trong một kỳ họp.

Cho đến trước Đại Hội Đồng Tổng liên Hội lần I (lần thứ 43 theo lịch sử giáo hội) năm 2001, HTTLVN (MN) vẫn tuân thủ theo bản Điều lệ cũ. Đây là bản Điều lệ từ năm 1936, được tu chính, sửa đổi vào các năm 1952, 1957, 1958.

Từ năm 1966 HTTLVN (MN) đã thấy sự cần thiết phải sửa đổi bản Điều lệ cho phù hợp với tốc độ phát triển của tổ chức giáo hội. Một ủy ban tu chính đã được lập ra nhưng suốt 8 năm (cho đến 1974) vẫn chưa hoàn thành công việc do nhiều ý kiến tranh cãi kéo dài.

Công việc này bị đình trệ khi năm 1975, khi đất nước được thống nhất và HTTLVN (MN) trong hơn 20 năm qua ở vào tình trạng chưa được công nhận tư cách pháp nhân chính thức. Theo ý kiến của người viết, chính tâm lý, nhận thức chín muồi, sự mong đợi được công nhận hoạt động hợp pháp đã thúc đẩy giới chức Tin Lành mau chóng hoàn thiện và thông qua bản Hiến Chương năm 2001. Những yêu cầu, định hướng cụ thể của Nhà nước đối với đường hướng hoạt động của HTTLVN (MN) như: thái độ của giáo hội đối với xã hội, đất nước, tổ chức giáo hội đối với xã hội, đất nước, hệ thống tổ chức giáo hội phải phù hợp với việc quản lý, v.v… đều được tiếp thu và thể hiện trong Hiến Chương mới.

Hiến Chương năm 2001 của HTTLVN (MN) bao gồm 10 chương, 79 điều, được Đại Hội Đồng Tổng Liên Hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày được phê chuẩn theo pháp luật của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong Lời mở đầu, bản Hiến chương đã nêu rõ: “Ngày nay, đất nước đang thực hiện xây dựng xã hội mới trong điều kiện hoà bình. Hiến chương này được soạn thảo trên cơ sở kế thừa các Điều lệ, Hiến chương trước đây, đồng thời tôn trọng truyền thống dân tộc, đời sống xã hội, phù hợp với hiến pháp và luật pháp nước CHXHCN Việt Nam”[8].

Những điểm mới của Hiến chương 2001

Đối với xã hội, đất nước và quan hệ Nhà nước - giáo hội:

Trong bản Điều lệ cũ, chỉ có một điều duy nhất: Hội Thánh đối với Chính phủ (Điều 7 - Mục III) ghi: “HTTLVN giữ lòng trung thành với Chính phủ, chẳng hề chịu sự cổ động gì ở trong Hội thánh nghịch cùng Chính phủ. Về những việc can thiệp đến chính trị hoặc việc gì khác ở ngoài mục đích của Hội Thánh thì Hội Thánh nhất quyết không bàn đến”[9].

Đây là một vướng mắc lớn trong quan hệ Nhà nước - giáo hội, do tính bảo thủ của giới Tin Lành. Nhà nước Việt Nam không chấp nhận lập trường trên sau các kỳ họp Đại Hội Đồng năm 1975, 1976.

Hiến chương mới đã thay đổi triệt để lập trường cũ. Ngay trong chương I. Những quy định chung, Điều 5. Đường hướng nhấn mạnh: “Đường hướng hoạt động của HTTLVN (MN) là Sống Phúc Âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”.

Ngoài ra trong Chương VII: Quan hệ xã hội, Điều 51. Trách nhiệm đối với xã hội, ghi rõ thêm: “Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (MN) hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chấp hành các quy định của các cơ quan Nhà nước.

Giáo dục tín hữu về lòng yêu nước, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng pháp luật, đoàn kết cùng toàn dân xây dựng Tổ quốc, bảo vệ hòa bình”.

Phần Trách nhiệm đối với xã hội còn được nhấn mạnh thêm trong Chương IX. Tín lý:

Mỗi Cơ Đốc nhân có trách nhiệm xây dựng xã hội mình đang sống.

Tham gia các công tác xã hội tại địa phương, giữ tình đoàn kết, hết lòng phục vụ an sinh xã hội và cầu sự bình an cho mọi người.

Mỗi Cơ Đốc nhân cần vâng phục vụ nhà cầm quyền tôn trọng luật pháp hiện hành[10].

Ngoài ra, lần đầu tiên, Hiến chương cũng đưa vào một điều (mục) về bảo vệ môi trường sống (Điều 73).

Đại Hội Đồng lần thứ I (lần thứ 43 theo lịch sử giáo hội của HTTLVN (MN) đã khai mạc ngày 08/02/2001 tại Nhà thờ Tin Lành Sài Gòn (155 Trần Hưng Đạo, Quận I, Tp. HCM) trong không khí vui mừng của toàn thể tín đồ, chức sắc. Từ thời điểm này, HTTLVN (MN) đã bước vào một thời kỳ mới: là tổ chức giáo hội Tin Lành lớn nhất tại Việt Nam hoạt động hợp pháp, bình đẳng như mọi tổ chức tôn giáo khác trong khuôn khổ pháp luật.

Như vậy, từ sau năm 1975, sau giai đoạn suy thoái, khủng hoảng, đạo Tin Lành đã bước vào thời kỳ phục hồi và phát triển từ thập niên 1990 trở lại đây. Rất đáng lưu ý là bối cảnh chính trị - xã hội mới đã tác động nhiều mặt đến nhận thức, thái độ của giới chức Tin Lành. Từ mong muốn tổ chức giáo hội, tôn giáo mình được thừa nhận hợp pháp, được công nhận tư cách pháp nhân, được hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo bình đẳng như các tổ chức tôn giáo khác trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, giới chức Tin Lành đã có sự hòa nhập vào đời sống xã hội của đất nước. Từ trình bày, đối thoại cho đến tìm hiểu cơ cấu, nguyên tắc vận hành các thể chế chính trị, xã hội, văn hóa, con người ngoài đời để điều chỉnh cách ứng xử cho phù hợp. Đây là những nét mới, khẳng định sự trưởng thành về mặt nhận thức của giới chức Tin Lành trong đường hướng cùng phát triển, bình đẳng với các tôn giáo khác đang hiện diện tại Việt Nam.

2. Giới chức Tin Lành với việc thực thi chính sách, pháp luật về bình đẳng tôn giáo hiện nay

Chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được cụ thể hóa bằng việc ban hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2004 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI; được hướng dẫn thực hiện bằng Nghị định số 22 (2005) của Chính phủ và Nghị định 92 (thay thế Nghị định 22) có hiệu lực từ 01/01/2013; Chỉ thị số 01(2005) của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin Lành.

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam thông qua ngày 18/11/2016 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 cùng với đó là Nghị định 162/2017 NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ hướng dẫn thị hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Từ đây, hành lang pháp lý đối với hoạt động của các tôn giáo trong đó có đạo Tin Lành rõ ràng hơn và đầy đủ hơn.

Vậy trên thực tế, thời gian qua và hiện nay, chính sách, pháp luật về tôn giáo, bình đẳng tôn giáo liên quan đến cộng đồng Tin Lành diễn ra như thế nào? Có điểm gì đặc biệt, đáng chú ý?

2.1. Bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa công dân theo tôn giáo và công dân không theo tôn giáo, bình đẳng giữa các công dân theo các tôn giáo khác nhau

Điều 3 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định:

1. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi người; đảm bảo để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

Điều 6 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định:

 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.

Điều 5 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định các hành vi bị nghiêm cấm:

1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

4. Hoạt động tín ngưỡng tôn giáo:

a) Xâm hại quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;

b) Xâm hại đạo đức xã hội, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;

d) Chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo.

Như vậy tại Việt Nam, hiện tại, việc kỳ thị hay phân biệt vì lý do tôn giáo chính thức bị pháp luật ngăn cấm. Đối với các tín đồ Tin Lành, đây là một bước ngoặt căn bản từ khi có Chỉ thị 01, Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo và nay là Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đi vào đời sống. Một giáo sĩ ngoại quốc đã từng có thời gian dài truyền giáo tại Việt Nam nay cũng thừa nhận: “Sự thay đổi và tiến bộ đáng chú ý nhất nằm trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2004 và Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin Lành năm 2005. Các văn bản này cho phép đăng ký tư cách pháp nhân đối với tổ chức Tin Lành và đăng ký điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo cho tín đồ. Đã có 10 tổ chức Tin Lành được công nhận và hàng ngàn điểm nhóm đã đăng ký sinh hoạt. Sự chuyển biến về đời sống tôn giáo nói chung và đạo Tin Lành nói riêng sẽ được ghi nhận khi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 có hiệu lực từ tháng 1 năm 2018. Điều quan trọng là Chính quyền đã chính thức chấp nhận rằng, tôn giáo đang và sẽ còn là nhu cầu của một bộ phận người dân và có thể đóng góp cho công tác xây dựng xã hội”[11].

Tuy nhiên, trên thực tế, trong cộng đồng cư dân, đặc biệt vùng đồng bào các dân tộc, vẫn còn xảy ra những trường hợp kỳ thị hay phân biệt đối xử mà nguyên nhân chủ yếu là sự phản ứng của gia đình, họ tộc, cộng đồng trước sự truyền giáo của đạo Tin Lành, nhất là khi tân tín đồ thể hiện đức tin, va chạm với tín ngưỡng và tôn giáo khác. Một mục sư đã viết: “Tại Việt Nam, các tôn giáo và tín ngưỡng cổ truyền đã tồn tại lâu đời trong quá trình lịch sử và gắn bó với đời sống xã hội. Các thành viên trong gia đình, họ tộc họ có chung đối tượng thờ cúng chứ không chọn theo niềm tin cá nhân. Cho nên khi một người quyết định theo đạo Tin Lành thường gây mâu thuẫn quyết liệt ngay trong gia đình, gia tộc. Nhiều tín hữu bị mất công ăn, việc làm, mất chồng, mất vợ, cha mẹ đánh đập, bị đuổi khỏi nhà, mất quyền thừa kế…”[12].

Những trường hợp như trên vào thời kỳ đầu truyền giáo xảy ra khá phổ biến giờ đây đã ít đi. Đây là chuyện trong gia đình, họ tộc, cộng đồng mà rất ít khi những người có liên quan nhờ đến pháp luật can thiệp. Bởi vậy, cần có sự lưu ý và nhìn nhận, rút ra cách ứng xử cho phù hợp, đặc biệt đối với tín đồ đạo Tin Lành khi truyền giáo, cải đạo và huấn luyện tín đồ.

2.2. Bình đẳng về công nhận tổ chức tôn giáo

Công nhận tổ chức tôn giáo là công việc pháp lý quan trọng đặc biệt liên quan đến tư cách pháp nhân, đến sự tồn tại và quy chế hoạt động của các giáo hội, hệ phái Tin Lành. Do đặc tính đa dạng về mặt tổ chức và do tình hình bùng phát phong trào “Hội Thánh tư gia” tại Việt Nam từ những năm 1990 nên phần lớn các hệ phái Tin Lành chưa có tư cách pháp nhân là thực tế tồn tại.

Đối với giới chức Tin Lành, sau khi HTTLVN (MN) được công nhận tư cách pháp nhân vào năm 2001, liền sau đó, khi Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo (năm 2004), và Nghị định hướng dẫn thi hành: Nghị định 22/2005/NĐ-CP, sau là Nghị định số 92/2012/NĐ đã hướng dẫn và cấp đăng ký tổ chức tôn giáo cho 08 tổ chức hệ phái với thủ tục ngày càng thông thoáng, đơn giản hơn, cụ thể:

Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam được cấp chứng nhận tổ chức tôn giáo ngày 22/10/2007;

Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam được cấp chứng nhận tổ chức tôn giáo ngày 5/12/2008;

Tổng hội Báp-tít Việt Nam (Ân Điển-Nam Phương) ngày 07/5/2008;

Hội thánh Báp-tít Việt Nam (Nam Phương) ngày 03/10/2008;

Hội thánh Tin Lành Trưởng lão Việt Nam; Hội thánh Tin Lành Mennonite Việt Nam ngày 05/02/2009;

Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam, tháng 6/2010;

Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam; Ban Đại diện Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô Việt Nam (tên quốc tế là The Church of Latter - Day Saints, viết tắt là LDS, trong nước thường gọi Giáo hội Mặc Môn) ngày 30/5/2014.

Việc đăng ký và công nhận tổ chức tôn giáo hiện tại theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo hiện nay đã quy định căn cứ vào tình hình thực tiễn hoạt động của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, cụ thể:

1) Về đăng ký hoạt động tôn giáo (đăng ký hoạt động về tổ chức - bước chuẩn bị cho công nhận tổ chức tôn giáo), tổ chức tôn giáo phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

2) Về công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo (pháp nhân phi thương mại) là bước thứ hai sau khi tổ chức tôn giáo đăng ký hoạt động và nếu đủ các điều kiện theo quy định bao gồm hiến chương (điều lệ) và các hồ sơ liên quan khác.

Sau khi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đi vào cuộc sống, đã có 02 tổ chức hệ phái Tin Lành đã đăng ký hoạt động tôn giáo chính thức, đó là: Hội Thánh Liên hiệp Truyền giáo, đã đăng ký hoạt động tôn giáo tháng 12/2018 và Hội Thánh Phúc Âm Toàn vẹn Việt Nam đã đăng ký hoạt động tôn giáo ngày 11/9/2018.

Nếu như trước đây, theo Nghị định 22 của Chính phủ (2005) Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo đã giới hạn thời gian từ khi đăng ký hoạt động về tổ chức cho đến khi xem xét công nhận về tổ chức là 20 năm thì nay, theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo chỉ còn 05 năm, kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký tôn giáo. Ngoài việc đã hoạt động liên tục và ổn định từ 05 năm, tổ chức tôn giáo phải đáp ứng một số điều kiện khác, như: Có hiến chương; Có cơ cấu tổ chức theo hiến chương; Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; Nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Theo thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay Việt Nam có hơn 40 tổ chức tôn giáo được công nhận, trong đó có 12 tổ chức Tin Lành. Vậy có thể nói về khía cạnh đăng ký và công nhận tổ chức tôn giáo, các tổ chức hệ phái Tin Lành được đối xử hoàn toàn bình đẳng và đúng luật như các tôn giáo khác tại Việt Nam.

2.3. Bình đẳng về điều kiện sinh hoạt tôn giáo: đất đai tôn giáo, cơ sở thờ tự tôn giáo, trường đào tạo tôn giáo, quan hệ quốc tế tôn giáo, xuất bản, nhập khẩu kinh sách và đồ dùng tôn giáo

Đối với các tổ chức giáo hội hay hệ phái Tin Lành có thể nhận thấy đặc điểm là chỉ có HTTLVN (MN) và HTTLVN (MB), cùng Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm là có bề dày lịch sử truyền giáo, tạo dựng được một số các cơ sở thờ tự (gắn liền cùng đất đai sử dụng) từ trước năm 1975. Còn lại, đa phần các tổ chức giáo hội, hệ phái mới xuất hiện từ thập niên 1990 và được công nhận sau này ít có những tài sản như vậy và sinh hoạt tôn giáo tại tư gia “Hội Thánh Tư gia” hoặc đi thuê văn phòng làm trụ sở, nơi sinh hoạt đạo.

Đối với HTTLVN (MN), từ sau năm 1975 đến nay, những vấn đề trên luôn là mối quan tâm của giáo hội này. Sau khi đã được Nhà nước thừa nhận tư cách pháp nhân vào năm 2001, HTTLVN (MN) đề ra những mục tiêu sau để thực hiện:

Thành lập đại diện và Ban Đại diện các Tỉnh, Thành phố;

Phục hồi những chi hội chưa được sinh hoạt bình thường;

Xây dựng nhà thờ, nhà nguyện cho những nơi có đông tín hữu ở xa Hội Thánh chính;

Xin mở Thánh Kinh Thần Học Viện và các lớp Kinh Thánh tại địa phương để đào tạo người hầu việc Chúa;

Xin phong chức mục sư thực thụ và giải quyết vấn đề chủ tọa cho các chi hội chưa có chủ tọa chính thức;

Xin thuyên chuyển mục sư, mục sư nhiệm chức có yêu cầu;

Xin xuất bản văn phẩm Cơ Đốc;

Vấn đề nơi ở cho các mục sư hưu trí và các quả phụ mục sư, truyền đạo;

Nghiên cứu và đẩy mạnh phương hướng phát triển Hội thánh;

Tích cực góp phần làm giàu đẹp xã hội[13].

Về vấn đề đất đai tôn giáo, cơ sở thờ tự tôn giáo

Nếu như trước thời điểm 1975, HTTLVN (MN) có tới hơn 500 cơ sở thờ tự cùng một số cơ sở đào tạo, xã hội, từ thiện thì sau đó tình hình đã thay đổi nhiều. Theo thống kê của giáo hội, cho đến thời điểm được công nhận tư cách pháp nhân đã có hơn 200 nhà thờ và cơ sở không còn hoạt động vì bị đóng cửa hay trưng dụng vào các mục đích khác: “Hầu hết các trường học Tin Lành trong khuôn viên các nhà thờ đều bị nhà nước trưng dụng, nên sinh hoạt của các Hội Thánh ấy bị ảnh hưởng rất lớn. Hội Thánh bị mất cơ sở luôn cả đất đai gắn liền với các cơ sở trên và mất đi các phòng học vốn được sử dụng cho các lớp Trường Chúa nhật trước đó. Một điều đáng lưu ý là tất cả nhà thờ và cơ sở của Hội Thánh đã được xây dựng trong những năm 1950, 1960 nên sau 1975 chúng cũng từ từ xuống cấp cộng với số tín hữu gia tăng nên không đủ chỗ cho sự thờ phượng Chúa và sinh hoạt”[14].

Có lẽ vì những nguyên do trên mà ngay sau Đại Hội Đồng lần thứ 44 năm 2005, Ban Trị sự Tổng Liên hội HTTLVN (MN) đã     “Gửi kiến nghị lên Thủ tướng và các cấp để xin trao trả cho Giáo hội 265 nhà thờ và cơ sở của giáo hội”[15].

Sự thực là sau năm 1975, ngoài các cơ sở thờ tự của HTTLVN (MN) tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn được sử dụng sinh hoạt tôn giáo, phần lớn các cơ sở còn lại đều có quy mô nhỏ (như nhà thờ làm bằng gỗ, lợp bằng tôn ván,…), bị chiến tranh tàn phá hoặc bị xuống cấp do tín đồ tan lạc, không còn sử dụng, hoặc đã chuyển đổi mục đích sử dụng; một số cơ sở văn hóa, từ thiện, cứu trợ, y tế được trưng dụng theo chủ trương của Nhà nước phục vụ lợi ích chung. Từ năm 1976 đến trước năm 2001, HTTLVN (MN) chưa được Nhà nước chính thức công nhận tư cách pháp nhân một tổ chức giáo hội, cho nên việc điều hành, duy trì, bảo tồn các cơ sở vật chất gặp khó khăn, từng xảy ra các vụ chiếm cứ, sang nhượng từ các tín đồ chức sắc trong nội bộ Hội thánh. Sau hơn 30 năm, các cơ sở vật chất đó hầu như không còn giá trị sử dụng (trừ một vài cơ sở lớn), và đòi hỏi của giáo hội Tin Lành thực chất là vấn đề “quyền sử dụng đất” liên quan tới các cơ sở đó. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề phức tạp khác, như: sở hữu, đền bù, di dời… khiến các cấp chính quyền gặp nhiều khó khăn, không thể giải quyết nhanh chóng. Hiện nay, sau khi giáo hội đã có tư cách pháp nhân, nhu cầu chính đáng về cơ sở thờ tự, đất đai,... đã và đang được Nhà nước quan tâm xem xét, giải quyết. Chính quyền Tp. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương, trong đó có các tỉnh ở Tây Nguyên, đã trả lại khá nhiều cơ sở tôn giáo do Nhà nước mượn trước đó, hoặc cấp đất, cấp phép, hỗ trợ rất nhiều tổ chức giáo hội, hệ phái đã đăng ký tổ chức tôn giáo tiến hành xây dựng cơ sở thờ tự.

Vấn đề cơ sở tôn giáo liên quan đến đất đai trải qua một thời gian dài với các chính sách áp dụng qua các thời kỳ, ví dụ như đưa giáo dục và y tế do nhà nước thống nhất quản lý nên là vấn đề lịch sử phức tạp. Thật sự ra thì Tin Lành cũng chỉ có một số lượng cơ sở khiêm tốn so với các tôn giáo khác trước 1975 và bị ảnh hưởng chung. Không thể quy kết cho chính quyền phân biệt đối xử, bất bình đẳng riêng với Tin Lành về vấn đề này. Tuy nhiên, cho đến nay, những vấn đề tồn đọng liên quan đến đất đai tôn giáo vẫn còn phức tạp và chưa thể giải quyết dứt điểm trong một thời gian ngắn được.  

Về việc mở trường đào tạo chức sắc

Do một thời gian dài hoạt động không có tư cách pháp nhân, không được mở trường đào tạo chức sắc nên số chức sắc, chức việc của  HTTLVN (MN) bị thiếu hụt trầm trọng. Quá trình truyền giáo, phát triển đạo trong những năm qua càng làm gia tăng nhu cầu về đào tạo chức sắc.

Việc đáp ứng nhu cầu này, theo đường hướng Chỉ thị 01 của Thủ tướng đã khiến cho giới chức Tin Lành hết sức phấn khởi nhưng liền sau đó là những bỡ ngỡ từ các yêu cầu hành chính đặt ra, như: Đội ngũ giáo sư giảng dạy phải có học vị, học hàm, có quy chế, được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận, v.v…

Tuy nhiên, cuối cùng thì được sự trợ giúp tích cực của các ngành, các cấp, đầu  năm 2003, Nhà nước đã chính thức cấp phép cho HTTLVN (MN) mở lại Viện Thánh Kinh Thần Học để đào tạo mục sư, truyền đạo. Khoá I của Viện Thánh Kinh Thần Học đã bắt đầu năm 2003 với 50 sinh viên từ khắp các tỉnh, thành trong đó có 08 sinh viên từ các tỉnh Tây Nguyên là người dân tộc. Mục sư Hội Trưởng HTTLVN (MN) đã viết: “Như vậy sau 27 năm từ ngày Thánh Kinh Thần học Viện Nha Trang bị đóng cửa (1976), nay Viện Thánh kinh Thần học đã được tái lập (2003) trong niềm vui mừng rất lớn của Hội Thánh chung, mở ra một giai đoạn mới trong sự đào tạo chính thức, chính quy, hầu chuẩn bị những mục sư, truyền đạo tương lai cho Hội Thánh đang quá thiếu”[16].

Cho dù mới trở lại hoạt động trong năm 2003, đến năm 2017, Thánh Kinh Thần học Viện Nha Trang đã tổ chức đào tạo nhiều nhân sự cho giáo hội với nhiều chương trình khác nhau, cụ thể đối với chương trình cử nhân thần học:

Khóa I (2003-2006): với 50 sinh viên đầu tiên đã ra trường và đang hầu việc Chúa tại các Hội Thánh.

Khóa II (2005-2009): 100 sinh viên, tốt nghiệp vào tháng 3 năm 2009.

Khóa III (2007-2011): 115 sinh viên hiện đang thực tập tại các Hội Thánh.

Khóa IV (2009-2013): 100 sinh viên nam, nữ đã tốt nghiệp

Khóa V (2011-2015): 100 sinh viên trong đó có 19 sinh viên từ Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc đã tốt nghiệp và đi làm mục vụ.

Khóa VI (2013-2017): 48 sinh viên đã tốt nghiệp.

Khóa VII (2015-2019): 101 sinh viên đang học.

Khóa VIII (2017-2021): 107 sinh viên đang học.

Ngoài giáo hội Tin Lành lớn nhất là HTTLVN (MN), nay HTTLVN (MB) cũng đã được phép mở, chiêu sinh các khóa chương trình trung cấp thần học, bổ túc thần học, đào tạo nhân sự cho giáo hội trong đó có cả chức sắc trẻ người dân tộc thiểu số.

Về vấn đề bình đẳng, đáp ứng nhu cầu Kinh sách, ấn phẩm kinh sách và đồ dùng tôn giáo

Hiện tại, theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Điều 54 về “Hoạt động xuất bản, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm” đã ghi rõ là các tổ chức tôn giáo được thực hiện hoạt động xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tín ngưỡng, tôn giáo; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm tín ngưỡng, tôn giáo, đồ dùng tôn giáo theo quy định của pháp luật về xuất bản và quy định khác của pháp luật.

Về lĩnh vực này, từ trước khi có Luật, đã là vấn đề rất được giới chức Tin Lành quan tâm và nhìn nhận như sau:

“Các văn phẩm Cơ Đốc như Kinh Thánh, Thánh Ca, các sách giải nghĩa Kinh Thánh, các sách bồi linh, các sách tạp chí - là những thức ăn tinh thần để bồi dưỡng phần thuộc linh của các tín hữu trong Hội Thành, sẽ được BTS TLH đặc biệt lưu tâm và xin phép xuất bản để phổ biến rộng rãi trong Hội Thánh”…[17].

Từ trước năm 2001, vấn đề Kinh sách cho cộng đồng Tin Lành vẫn được Nhà nước cho phép nhập, in để phục vụ cho chức sắc, tín đồ.

“Năm 1992-1994: Chương trình xuất bản Kinh Thánh Việt Nam được chính quyền cho phép nhập 33.000 Kinh Thánh và 20.000 Thánh Ca (cuốn). Năm 1994-2000: Chính quyền cho phép in 65.000 cuốn Kinh Thánh Tân Cựu Ước, 85.000 cuốn Tân Ước, 25.000 Thánh Ca, 80.000 sách Tin Lành và 120.000 chuyện tích Kinh Thánh”[18].

Theo số liệu của Nhà xuất bản Tôn giáo năm 2004, đã có tổng cộng 45 ấn phẩm Tin Lành với số trang rất lớn được in ấn và phát hành.

Ngoài vấn đề Kinh, sách, nhu cầu về xin phép được tái xuất bản tạp chí (Nguyệt san) nội bộ cũng được HTTLVN (MN) đặt ra. Cho đến nay, 02 bản tin nội bộ của hai tổ chức Tin Lành đã định kỳ xuất bản. Trong thời gian tới, nhu cầu về ấn phẩm đối với giới chức Tin Lành còn gia tăng theo thời gian. Thêm nữa, cần phải hiểu rằng ấn phẩm, Kinh sách đối với giới Tin Lành không chỉ để thỏa mãn nhu cầu tín đồ mà còn là công cụ và phương tiện truyền giáo đặc biệt quan trọng.

Hiện tại, đối với giới chức Tin Lành, các ấn phẩm in ấn như Kinh Thánh và Thánh ca đã đáp ứng đủ nhu cầu. Với hơn chục bản dịch Kinh Thánh của các tổ chức, cá nhân, được sự yểm trợ, trợ giá từ các tổ chức Tin Lành quốc tế, chưa bao giờ nguồn Kinh Thánh và Thánh ca dồi dào như ngày nay. Ngoài ra, còn có các văn phẩm Cơ đốc khác, như: sách bồi linh, nghiên cứu, giải nghĩa Kinh Thánh, bài học Trường Chúa nhật, truyền đạo đơn, sách mỏng để làm chứng đạo, v.v… Với số lượng in ấn lớn, có thể nói trong lĩnh vực này đạo Tin Lành không những bình đẳng mà còn nổi trội so với các tôn giáo khác, và câu chuyện mở cửa như vậy không hẳn đã là tốt, như nhận định sau đây của Hội trưởng HTTLVN (MN): “Ngược lại, từ khi sách vở được phổ biến, bên cạnh ích lợi cũng có những tai hại vì những sách không chỉ đến từ nguồn chính giáo. Đây là lúc những giáo lý không đáng có dịp xen vào, ảnh hưởng không tốt hoặc làm mất niềm tin của một số con cái Chúa”[19].

Quan hệ quốc tế tôn giáo

 Điều 48 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã quy định về hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, trong đó nêu rõ: Trong quá trình giảng đạo, chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài phải tôn trọng quy định của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo ở Việt Nam và tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

Cùng với quá trình mở cửa, bang giao quốc tế, các tổ chức tôn giáo trong đó có Tin Lành được phép mở rộng quan hệ với các tổ chức Tin Lành thế giới, qua các mối quan hệ viện trợ, giúp đỡ, đào tạo và gần đây là yểm trợ truyền giáo. Có thể nói, đây là một nguồn lực không nhỏ giúp cho các tổ chức hệ phái Tin Lành hoạt động, đời sống của các chức sắc và tín đồ đã được cải thiện và nâng cao, ví dụ, HTTLVN cả miền Nam và miền Bắc đã hầu như xây mới, khôi phục, nâng cấp được phần lớn cơ sở vật chất (nhà thờ, trụ sở) của mình nhờ phần lớn trợ giúp từ các nguồn lực của  Tin Lành thế giới. Thêm nữa, nhu cầu về Kinh Thánh và Thánh ca cho tín đồ cũng được đáp ứng như đã đề cập.

Mặt khác việc mở rộng quan hệ quốc tế của giới chức Tin Lành ngoài các yếu tố tích cực đã nêu cũng đã biểu hiện một số mặt mà luật pháp chưa chế tài tốt được, ví dụ, các hệ phái, nhóm Tin Lành không xây dựng hội thánh trên cơ sở tự lực của cộng đồng tín đồ của mình mà hoạt động nhờ vào nguồn ngoại viện, bị chi phối bởi các giáo hội bên ngoài; việc xâm nhập của các giáo phái cực đoan quá khích (trong giới chức Tin Lành thường gọi là “tà giáo”) vào cộng đồng Tin Lành tại Việt Nam như tình hình được phản ánh thời gian qua và hiện nay.

2.4. Bình đẳng trong việc tham gia vào các hoạt động thế tục (giáo dục đào tạo, dạy nghề; y tế; bảo trợ xã hội; từ thiện nhân đạo; quản lý xã hội)

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, Điều 55 về hoạt động giáo dục, y tế,

bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo đã ghi rõ: Các tôn giáo được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan.

Hai tổ chức giáo hội Tin Lành lớn nhất Việt Nam nhiều năm qua đã có những hoạt động tích cực về lĩnh vực từ thiện, y tế, cứu trợ thông qua hai cơ quan là Ủy ban Y tế - Xã hội thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc. Ủy ban Y tế - Xã hội thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam trong thời gian qua đã tiến hành các công việc sau:

Công tác cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi: được tiến hành hàng năm tại nhiều khu vực dân cư, các vùng bị thiên tai lũ lụt, bão, mất mùa. Trong 4 năm từ 2014 đến 2017, Ủy ban đã tổ chức 11 đợt cứu trợ với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng.

Hoạt động y tế chăm sóc sức khỏe: như tổ chức các đoàn y bác sĩ đến tận các vùng sâu, vùng núi, hải đảo khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người bệnh và tặng quà người nghèo. Trong 4 năm từ 2014 đến 2017 đã tổ chức 45 chuyến khám bệnh từ thiện cho 21.000 người với kinh phí lên đến 1,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, những việc làm cụ thể như kêu gọi và tổ chức thực hiện các dự án nhỏ cung cấp nước sạch, hoạt động trợ giúp trẻ em nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình cũng được giáo hội triển khai.

Số liệu tổng hợp trong nhiệm kỳ gần đây nhất (2014-2017), Ủy ban Y tế - Xã hội thuộc HTTLVN (MN) như sau: “Tổng chi phí cho hoạt động của các dự án liên quan là gần 46 tỷ đồng. Trong đó kinh phí đến từ các tổ chức và hội thánh nước ngoài chiếm gần 70% (gần 32, 5 tỷ đồng), từ các cá nhân và hội thánh trong nước chiếm gần 26% (khoảng 12 tỷ đồng)”[20].

Ủy ban Y tế - Xã hội thuộc HTTLVN (mb) cũng triển khai các dự án hoạt động tương tự, như: khám chữa bệnh miễn phí, túi thuốc, tủ thuốc, nước sạch, xây - sửa nhà, học bổng cho sinh viên, học sinh, hỗ trợ mổ tim, cứu trợ bão lụt miền Trung. Ủy ban Y tế - Xã hội của Tổng hội đã tổ chức những đợt khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí tại nhiều nơi như: Nam Định, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Sơn, Bắc Giang, Thanh Hóa, Thái Bình, Đồ Sơn,… với tổng số lượt người đến khám, nhận thuốc năm 2010 là 3.721 lượt, năm 2011 là 5.148 lượt và năm 2012 là 5.323 lượt. Tổng hội và Ủy ban cũng tham gia tích cực vào việc cứu trợ thiên tai lũ lụt miền Trung qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và hợp tác với các cấp chính quyền địa phương trong nhiệm kỳ vừa qua.

Ngoài hoạt động của hai tổ chức giáo hội Tin Lành lớn nhất thì thời gian qua, các tổ chức, hệ phái, nhóm Tin Lành khác cũng đã có những hoạt động khá sôi nổi trong lĩnh vực này. Một số hệ phái, nhóm còn đi sâu vào các lĩnh vực thế mạnh của mình, như: cai nghiện ma túy (các hệ phái, nhóm Ngũ Tuần), xe lăn cho người tàn tật (các nhóm Báp tít, Mennonite), v.v…

Hy vọng thời gian tới đây, sẽ có những quy định cụ thể, thông thoáng hơn để khơi dậy nguồn lực này từ phía các giáo hội, hệ phái Tin Lành để họ có thể huy động được thêm nhiều nguồn lực, đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Thời gian qua đã ghi nhận sự tham gia tích cực của giới chức Tin Lành vào các hoạt động xây dựng thể chế và quản lý xã hội. Cả hai tổ chức giáo hội Tin Lành lớn là HTTLVN (MN) và HTTLVN (MB) đều tham gia tích cực vào việc thảo luận, đóng  góp ý kiến (do Mặt trận Tổ Quốc các cấp tổ chức) vào Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016, đặc biệt là những điều liên quan trực tiếp đến việc phê duyệt, bầu chức sắc, chức việc của các tổ chức tôn giáo mà chưa phù hợp với đặc tính bầu cử dân chủ trong đạo Tin Lành. Điều này thể hiện sự trưởng thành, có trách nhiệm của giới Tin Lành trong việc xây dựng các thể chế xã hội, vị thế bình đẳng của mình dù cộng đồng tôn giáo Tin Lành vẫn chỉ là thiểu số.

2.5. Bình đẳng trong sự hiện diện của tôn giáo trong không gian công cộng

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã quy định rõ ở Điều 46 về những “Cuộc lễ, giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp”, hay nói cách khác là một cách thức hiện diện hay tác động trực tiếp (truyền giáo) trong không gian công cộng. Theo đó, trước khi tổ chức cuộc lễ ngoài cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp đã đăng ký, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có trách nhiệm gửi văn bản nêu rõ nội dung, hình thức để xin phép. Nếu được chấp nhận thì được tổ chức sự kiện.

Thời gian qua, trước khi có Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, với tinh thần mở cửa, hội nhập, đặc biệt sau sự kiện bình thường hóa bang giao Việt-Mỹ, chính quyền nhiều nơi đã cho phép giới chức Tin Lành tổ chức nhiều sự kiện, truyền giảng nơi công cộng.

Mục sư Thái Phước Trường, Hội Trưởng HTTLVN (MN) đã nhận định về các sự kiện này như sau: “Có một bứt phá rất đáng vui mừng đối với Hội Thánh suốt thời gian dài mong đợi từ năm 1975 đến nay là được phép giảng Tin Lành nơi công cộng như những chiến dịch Tin Lành trước đây. Đến năm 2005, chính quyền đã cho phép tổ chức 02 đêm truyền giảng tại nhà thi đấu Bến Vân Đồn”[21].

 Từ năm 2009 cho đến gần đây, trong các dịp Giáng sinh, Phục sinh, các tổ chức, hệ phái Tin Lành liên tiếp xin phép, hoặc có nơi là tự ý tổ chức các cuộc truyền giảng rầm rộ tại các nơi công cộng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mời những nhà truyền giáo nổi tiếng trên thế giới đến để truyền giảng.

Tuy nhiên, sự hiện diện hay truyền giáo huyên náo nơi công cộng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến quyền của các cộng đồng tôn giáo khác, dễ gây ra các phản ứng và hệ lụy phức tạp. Ví dụ, trong đêm truyền giảng ngày 20/12/2009 tại quảng trường sân động Mỹ Đình, đã có diễn giả lên tuyên bố một “Tuyên ngôn thuộc linh” với các lời lẽ như sau: “Dân tộc Việt Nam chắc chắn thuộc về Đức Chúa Trời. Mọi xiềng xích tội lỗi và rủa sả của các thế hệ trước đã bị tuyên bố cắt đứt, hình ảnh con rồng, tức con rắn xưa là ma quỷ kể từ nay không còn tiếp tục được ảnh hưởng trên dân tộc Việt Nam. Việt Nam thuộc về Đức Chúa Trời, từ nay dân tộc Việt Nam sẽ được phước, Hội Thánh Việt Nam sẽ bước vào một cơn phấn hưng chưa từng có và trong một tinh thần hiệp một khăng khít trước mặt Đức Chúa Trời”[22].

Như vậy, việc truyền giáo nơi không gian công cộng có nơi có lúc đã mang những nội dung và ý nghĩa cực đoan, tiềm ẩn sự tuyên truyền gây mâu thuẫn với các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo khác và cần sự điều chỉnh, chế tài cho phù hợp.

Kết luận

Như vậy, từ sau năm 1975 đến nay, trải qua giai đoạn khủng hoảng, đạo Tin Lành đã bước vào thời kỳ phục hồi và phát triển từ thập niên 1990 trở lại đây. Điều đáng lưu ý là hoàn cảnh xã hội đã tác động nhiều mặt đến nhận thức, thái độ của giới chức Tin Lành. Từ mong muốn tổ chức giáo hội, tôn giáo mình được thừa nhận hợp pháp, được công nhận tư cách pháp nhân, được hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo bình đẳng như các tổ chức tôn giáo khác trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, giới chức Tin Lành đã khẳng định sự hòa nhập vào đời sống chính trị, xã hội của đất nước. Từ trình bày, đối thoại cho đến tìm hiểu cơ cấu, nguyên tắc vận hành các thể chế chính trị, xã hội, văn hóa, con người ngoài đời để điều chỉnh cách ứng xử cho phù hợp. Kết quả là giới chức Tin Lành đã cởi bỏ những quan niệm và quy tắc cũ, khẳng định đường hướng mới của giáo hội là đồng hành cùng dân tộc, xây dựng đất nước giầu mạnh và văn minh.

Chủ trương, chính sách mới về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam ban hành, trong đó khẳng định quyền bình đẳng giữa các tôn đã được đông đảo chức sắc tín đồ Tin Lành vui mừng đón nhận. Thời gian qua, giới chức Tin Lành đã tích cực tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội và đã có những đóng góp thiết thực, đáng ghi nhận trong lĩnh vực văn hóa, đạo đức, lối sống, an sinh xã hội, phát triển cộng đồng.

Hướng về tương lai là đường hướng tích cực, tiến bộ, hướng đến sự phát triển hài hòa giữa tôn giáo và xã hội, cần được khẳng định và phát huy. /.

 

Ghi chú:

* Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

CHÚ THÍCH:

1. Xem: Lê Văn Thái (1971), Bốn mưới sáu năm trong chức vụ, Hồi kí, Cơ quan xuất bản Tin Lành, Sài gòn .

2. Sắc lệnh 234/ SL ngày 14/6/1955 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

3. Điều lệ Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc, Hà Nội, 1963, tr. 3.

4. Mục sư Lê Văn Thiện (2001), “Phương hướng phát triển Hội Thánh”, Người Chăn Bầy, số 9, tr. 13-20 (Lưu hành nội bộ trong cộng đồng Tin Lành).

5. Mục sư Lê Văn Thiện (2000), Hướng về Đại hội Tin Lành toàn quốc, Nha Trang. (Tài liệu lưu hành nội bộ trong cộng đồng Tin Lành).

6. Mục sư Thái Phước Trường (2011), Hội Thánh Tin Lành Việt Nam 100 năm hình thành và phát triển, Lưu hành nội bộ, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 102.

7. Mục sư Thái Phước Trường, Sđd, tr.130.

8. HTTLVN(MN), Hiến chương, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2002, tr. l.

9. HTTLVN, Điều lệ của HTTLVN, Nhà in Tin Lành, Sài gòn, 1958, tr. 25.

10. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam, Hiến Chương 2001, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2002.

11. Giáo sư Reg Reimer, “Động thái mới tôn giáo và xã hội”, in trong sách Đạo Tin Lành những dấu ấn lịch sử và hiện tại (Tọa đàm kỷ niệm 500 năm cải cách Tin Lành), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2019, tr. 270.

12. Mục sư Mã Phúc Thanh Tươi (2019), “Những thách thức cho công việc truyền giáo của đạo Tin Lành: Phản ánh tích cực và tiêu cực tại một số khu vực”, trong Đạo Tin Lành những dấu ấn lịch sử và hiện tại (Tọa đàm kỷ niệm 500 năm cải cách Tin Lành), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 225.

13. Xem: HTTLVN (MN) (2011), Kỷ niệm 90 năm Tin Lành đến Việt Nam (1911-2001), Kỷ yếu. Tp. HCM, lưu hành nội bộ.

14. Mục sư Thái Phước Trường, Sđd, tr. 180.

15. Mục sư Thái Phước Trường, Sđd, tr. 180.

16. Mục sư Thái Phước Trường, Sđd, tr. 170.

17. HTTLVN(MN), Kỷ niệm 90 năm… Tài liệu đã dẫn, tr. 26.

18. HTTLVN(MN), Kỷ niệm 90 năm… Tài liệu đã dẫn, tr. 26.

19. Mục sư Thái Phước Trường, Sđd, tr. 125.

20. Sống trong lẽ thật. Tài liệu Đại Hội Đồng Tồng Liên hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam lần thứ 47, Tp. HCM, 2017, tr. 69.

21. Mục sư Thái Phước Trường, Sđd, tr. 187.

22. Trang mạng: giaopham.com ngày 30/12/2010.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (1958), Điều lệ của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, Nhà in Tin Lành, Sài Gòn.

2. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc (1963), Điều lệ của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), Hà Nội.

3. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc (2005), Điều lệ Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

4. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) (2019), Đạo Tin Lành những dấu ấn lịch sử và hiện tại, tài liệu Tọa đàm kỷ niệm 500 năm cải cách Tin Lành, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

5. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam (2001), Kỷ niệm 90 năm Tin Lành đến Việt Nam (1911-2001) - những sự kiện và hình ảnh, Lưu hành nội bộ, Tp. Hồ Chí Minh.

6. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam (2002), Hiến Chương, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

7. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam (2005), Khai trình của Ban Trị Sự Tổng Liên Hội nhiệm kỳ 2001-2005 tại Đại Hội Đồng Tổng Liên Hội lần thứ 44 (1-4/3/2005), Lưu hành nội bộ, Tp. Hồ Chí Minh.

8. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam (2005), Kỷ yếu 2005, Lưu hành nội bộ, Tp. Hồ Chí Minh.

9. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam (2017), Sống trong lẽ thật, Tài liệu Đại Hội Đồng lần thứ 47 năm 2017.

10. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.

11. Lê Văn Thái (1971), Bốn mươi sáu năm trong chức vụ, Hồi ký, Cơ quan Xuất bản Tin Lành, Sài Gòn.

12. Lê Văn Thiện (2000), Hướng về Đại Hội Tin Lành toàn quốc, Tài liệu lưu hành nội bộ.

13. Lê Văn Thiện (2001), “Phương hướng phát triển Hội Thánh”, Người Chăn Bầy, (9), tr. 13-20, Lưu hành nội bộ.

14. Thái Phước Trường (2011), Hội Thánh Tin Lành Việt Nam 100 năm hình thành và phát triển, Lưu hành nội bộ, Tp. Hồ Chí Minh.

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 12 (192), 2019, 35-63

 

Từ khóa » Tin Lành ở Việt Nam