TÌM HIỂU VỀ QUÁ TRÌNH DU NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN ĐẠO TIN ...

Khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đạo Tin lành mới được truyền vào nước ta. So với các tôn giáo khác từ bên ngoài du nhập vào thì đạo Tin lành đến nước ta muộn hơn; quá trình hình thành và phát triển của đạo Tin lành ở Việt Nam gắn với hệ phái Tin lành Truyền giáo CMA (tiền thân sáng lập ra Tổng liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam) thể hiện qua các sự kiện sau:

Năm 1887, Mục sư Tiến sĩ A.B.Simpson - người sáng lập Hội Truyền giáo CMA khi đến truyền giáo ở vùng Hoa Nam (Trung Quốc) đã sang nghiên cứu tình hình ở Việt Nam. Sau khi ở Việt Nam về, Simpson đã viết trên một tạp chí rằng " Miền bán đảo Đông Dương đã bị lãng quên quá nhiều. Đại vương quốc An Nam phải được vâng phục cho Đấng Ki-Tô. Tại sao Vương quốc An Nam này cùng với Tây tạng lại không được dân sự của Đức Chúa trời xem như một trong những khu vực truyền giáo đầu tiên của cuộc tiến hành mới".

Năm 1893, Mục sư A Leclacheur, một cộng sự của Mục sư Tiến sĩ A.B.Simpson đã đến Sài Gòn để khảo sát tình hình. Khi về ông báo cáo với Mục sư Tiến sĩ A.B.Simpson rằng: "Cánh cửa tại Việt Nam cũng như toàn sứ Đông Dương thuộc Pháp đã mở cho việc rao giảng Tin lành". Tuy nhiên từ năm 1983 đến năm 1911, nhiều Mục sư hệ phái Tin lành CMA ở nước ngoài đã tìm cách đến để truyền bá đạo Tin lành vào Việt Nam nhưng đều không có kết quả.

Đến năm 1911, Mục sư R.A Jaffray cùng với hai cộng sự là Hosler và G.L Hugles đã đến được Đà Nẵng và nhờ ông Bornet (thuộc tổ chức Thánh Kinh Hội) giúp đỡ đã xây dựng được cơ sở truyền giáo đầu tiên tại Đà Nẵng và năm 1911 được xem là cột mốc để xác định việc truyền bá đạo Tin lành vào Việt Nam. Việc đặt được cơ sở truyền giáo đầu tiên tại Đà Nẵng đã làm cho lãnh đạo Hội truyền giáo CMA hết sức phấn khởi và Mục sư Tiến sĩ A.B.Simpson đã tiếp tục bổ sung lực lượng giáo sĩ vào Việt Nam để phát triển đạo (nếu năm 1914 có 09 giáo sĩ thì năm 1921 có 18 giáo sĩ và năm 1927 có gần 30 giáo sĩ).

Từ Đà Nẵng, các giáo sĩ Hội Truyền giáo CMA đã mở rộng việc truyền đạo qua các vùng lân cận và cử người đi truyền đạo đến miền Bắc và miền Trung. Sau 07 năm truyền giáo, đến năm 1918, Hội Truyền giáo CMA đã thành lập được 05 Chi hội ở Bắc Kỳ, 06 Chi hội ở Trung kỳ và 05 Chi hội ở Nam kỳ. Thời điểm này tất cả các Chi hội đều có giấy phép hoạt động của Khâm sứ Pháp, Chính phủ Nam triều và đều lấy tên gọi là "Hội thánh Tin lành Đông Pháp".

Đồng thời từ những năm 1914 đến 1925, dưới sự giúp đỡ của một số văn sĩ người Việt; các giáo sĩ Hội Truyền giáo CMA đã cho dịch kinh thánh ra chữ Quốc Ngữ để hỗ trợ cho việc truyền giáo. Trong khoảng thời gian này, hoạt động của đạo Tin lành cũng có một số dấu ấn nhất định, cụ thể như: năm 1921, một nhà thờ đạo Tin lành đã được xây dựng tại Hà Nội và trường Kinh thánh cũng đã được mở ở Đà Nẵng; trong 03 năm liên tiếp (1924, 1925, 1926), tại Đà Nẵng Hội Truyền giáo CMA đã tổ chức bồi linh hiệp nguyện có tính chất như Đại hội đồng để giải quyết các công việc của đạo. Đến năm 1927, Hội Truyền giáo CMA tổ chức Đại hội đồng (được xác định là lần thứ IV) để chính thức bầu ra Ban Trị sự Tổng Liên hội do Mục sư Hoàng Trọng Thừa làm Hội Trưởng và đặt tên là Hội Tin lành Việt Nam Đông Pháp. Đến Đại hội đồng lần V (1928) đã thông qua Điều lệ và đến Đại hội đồng lần thứ VIII (1936) Điều lệ mới chính thức được phê duyệt và thi hành. Riêng về tên gọi, mãi đến năm 1945, mới đổi tên thành Tổng liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam.

Trải qua một thời gian hoạt động, đến năm 1954, khi đất nước ta bị chia cắt làm 02 miền thì Hội thánh Tin lành Việt Nam cũng bị chia làm 02 tổ chức đó là Tin lành Việt Nam (miền Nam) và Tin lành Việt Nam (miền Bắc); 02 tổ chức này sau khi bị chia, tách đã có quá trình hình thành và phát triển khác nhau, cụ thể:

Đối với Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam).

Những năm 1954-1975, Hội Truyền giáo CMA đã đầu tư tiền của, phương tiện, đội ngũ giáo sĩ để giúp Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng tổ chức, mở rộng các cơ sở tôn giáo, kinh tế, văn hóa, xã hội. Thời kỳ này cả Hội Truyền giáo CMA và Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) đều rất chú trọng đến việc sử dụng phương tiện truyền thông để biến thành lực lượng truyền giáo quan trọng, cụ thể như: trong giai đoạn này, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) đã phát hành rất nhiều ấn phẩm truyền giáo (như: năm 1955 có khoảng 5 triệu trang in; năm 1958 có khoảng 17 triệu trang in; năm 1963 có khoảng 23 triệu trang in; năm 1966 có khoảng 42 triệu trang in...); xuất bản tờ Thánh kinh báo (sau đổi thành Thánh kinh nguyệt san), tờ Niềm tin và tờ Đuốc thiêng; năm 1954, phát hành 130 đĩa nhựa ghi 436 bài giảng kinh thánh và 354 bài thánh ca; có chương trình phát thanh hàng tuần trên đài phát thanh của chính quyền Sài Gòn....

Về tổ chức, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng cơ cấu tổ chức gồm có 03 cấp là Tổng liên hội, Địa hạt và Chi hội. Năm 1962, Đại hội đồng Tổng Liên hội lần thứ 30 đã xác định Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) có 04 địa hạt là: Bắc Trung hạt, Nam Trung phần, Nam phần và Thượng du (Tây nguyên). Năm 1969, Đại hội đồng Tổng liên hội lần thứ 36 chia địa hạt Nam phần thành hai địa hạt: Đông Nam phần và Tây Nam phần; chia địa hạt Thượng du thành hai địa hạt là Trung thượng du và Nam thượng du. Đến năm 1973, Hội đồng Tổng liên hội lần thứ 39 đã chia địa hạt Tây Nam phần thành hai địa hạt: Trung Nam hạt và Tây Nam hạt; các địa hạt này tồn tại cho đến ngày miền Nam giải phóng. Năm 1976, Đại hội đồng tổng liên hội lần thứ 42 họp tại thành phố Hồ Chí Minh đã chia lại các địa hạt thành 05 địa hạt và đặt tên gọi mới cho các địa hạt, cụ thể như sau: Địa hạt liên hội Trung Trung bộ; Địa hạt liên hội Nam Trung bộ; Địa hạt liên hội Đông Nam bộ; Địa hạt liên hội Trung Nam bộ; Địa hạt Liên hội Tây Nam bộ.

Bên cạnh việc kiện toàn về tổ chức, trong giai đoạn này, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) cũng rất quan tâm đến việc đào tạo Mục sư, Truyền đạo cho giáo hội. Năm 1960, trường Kinh thánh Đà Nẵng chuyển ra Hòn Chồng (Nha trang) và đổi tên là Thánh kinh thần học viện với chương trình đào tạo cử nhân (05 năm) và hàm thụ (03 năm). Với hoạt động trên, đến năm 1975, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) trở thành tổ chức Tin lành lớn ở Việt Nam với 146.000 tín đồ; 190 Mục sư; 167 Truyền đạo; 155 Truyền đạo sinh; 530 chi hội.

Cùng với quá trình đổi mới đất nước, Nhà nước ta đã cho phép Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) chuẩn bị các mặt để lập lại giáo hội. Tháng 10 năm 2000, một Ban vận động Đại hội đồng đã được thành lập với 24 Mục sư để lo công việc chuẩn bị lập lại giáo hội. Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 02/2001, tại thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Đồng Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) đã được tổ chức với sự tham dự của 382 đại biểu chính thức gồm các mục sư, truyền đạo và các đại biểu được tín đồ lựa chọn từ các chi hội. Đại hội đồng này được tính là Đại hội đồng lần thứ 43 theo lịch sử của giáo hội; Đại hội đã thông qua một bản Hiến chương mới (gọi là Hiến chương năm 2001) và xác định tên gọi chính thức của tổ chức là Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam); đồng thời đại hội bầu ra Ban Trị sự Tổng liên hội gồm có 23 Mục sư, Truyền đạo do Mục sư Phạm Xuân Thiều làm Hội trưởng, Mục sư Dương Thiều và Mục sư Tăng Văn Hy làm Phó Hội trưởng, Mục sư Thái Phước Trường làm Tổng thư ký, Mục sư Phan Quang Thiệu làm Tổng thủ quỹ. Tiếp sau đó, đến Đại hội đồng lần thứ 44 và Đại hội đồng lần thứ 45 đã bầu Mục sư Thái Phước Trường làm Hội trưởng. Tại các Đại hội đồng đều xác định: “đường hướng hoạt động của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) là sống phúc âm, phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc; Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chấp hành quy định của các cơ quan Nhà nước; giáo dục tín hữu lòng yêu nước, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng pháp luật, đoàn kết cùng toàn dân xây dựng Tổ quốc và bảo vệ hòa bình”.

Về mặt tổ chức, với bản Hiến chương năm 2001, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng giáo hội gồm hai cấp là Tổng liên hội và Chi hội; ở các tỉnh có Ban đại diện hoặc Nhân sự đại diện; nhiệm kỳ của Ban trị sự Tổng liên hội là 04 năm, nhiệm kỳ của Ban đại diện hay Nhân sự đại diện là 02 năm, nhiệm kỳ của Ban Trị sự Chi hội là 02 năm. Ngoài cơ cấu Ban Trị sự, Hội thánh còn duy trì cơ chế Hội đồng Giáo phẩm hoạt động mang tính chất độc lập tương đối với Ban Trị sự tổng Liên hội. Lãnh đạo Hội đồng Giáo phẩm là các chức danh như: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và Hội đồng Giáo phẩm có nhiệm kỳ hoạt động là 03 năm. Cùng với việc hình thành cơ cấu tổ chức mới, Hiến chương 2001 còn xác định phải xây dựng một tổ chức giáo hội độc lập, không phụ thuộc vào nước ngoài.

Mục sư Thái Phước Trường – hiện là Hội trưởng Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam)

Đối với Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc)

Sau hiệp định Genever (1954), đạo Tin lành ở hai miền có sự khác nhau. Ở miền Bắc, số đông tín đồ, giáo sĩ di cư vào Nam nên miền Bắc chỉ còn lại hơn 1.000 tín đồ và 10 Mục sư, giảng sư. Sau 03 năm duy trì cơ cấu tổ chức địa hạt, đến năm 1958 miền Bắc đã lập ra Giáo hội riêng lấy tên gọi là Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc). Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) xây dựng cơ cấu tổ chức gồm có 02 cấp là Tổng hội và Chi hội ở cơ sở. Đại hội đồng năm 1958 quyết định xúc tiến soạn thảo điều lệ riêng; qua thời gian soạn thảo, tu chỉnh, bản Điều lệ chính thức của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) được chính thức thông qua tại Đại hội đồng lần thứ VII (năm 1962) và bản điều lệ này được nhà nước chấp thuận với tên gọi là bản Điều lệ 1963.

Bản điều lệ 1963 xác định đường hướng hoạt động có nội dung xã hội tiến bộ là “Kính Chúa, yêu nước” mà sau này khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới thì Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) vẫn thực hiện tiếp nối. Đến năm 2004, Hiến chương Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) xác định: “Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) hoạt động theo Hiến pháp và Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Giáo dục tìm hiểu lòng yêu nước, nghĩa vụ công tác, ý thức tôn trọng pháp luật, đoàn kết cùng xây dựng đất nước, bảo vệ hòa bình…”

Mục sư Nguyễn Hữu Mạc – hiện là Hội trưởng Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc)

Đối với các hệ phái Tin lành khác

Thời kỳ những năm 1954 - 1975, ở miền Nam, bên cạnh Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) đã có từ trước thì còn có nhiều tổ chức, hệ phái Tin lành khác, hoặc được tách ra từ Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) hoặc từ bên ngoài (chủ yếu từ các nước Bắc Mỹ) truyền giáo vào như: Cơ đốc Phục lâm An thất nhật (1929), Mennonai (1954), Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam (1956), Hoàn cầu khải tượng (1959), Môn đệ đấng Christ (1963), Chứng nhân Giê Hô Va (1965), Hội chúng của Chúa thuộc phái Ngũ tuần (1970), Trưởng Lão, Thánh kinh hội….

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các tổ chức, hệ phái Tin lành quốc tế rút khỏi miền Nam làm cho các Hội thánh Tin lành trong nước mất đi chỗ dựa quan trọng nên lực lượng có sự suy giảm đáng kể. Đa số các hệ phái mới truyền vào hoặc tự tan rã hoặc hoạt động cầm chừng. Đến khi đất nước thực hiện việc mở cửa và hội nhập, nhiều hệ phái Tin lành bắt đầu có sự xâm nhập và phục hồi lại. Đến năm 2005, ở nước ta có khoảng hơn 50 tổ chức, hệ phái Tin lành hoạt động, trong đó chia làm 03 nhóm khác nhau: nhóm 01 là các hệ phái có trước năm 1975 hiện vẫn hoạt động bình thường cho đến hiện tại (như Cơ đốc Phục lâm, Truyền giáo Cơ đốc, Môn đệ đấng Christ…); nhóm 02 là các hệ phái sau năm 1975 ngừng hoạt động một thời gian nay hoạt động trở lại (như Mennonai, Ngũ tuần, Trưởng lão, Giê Hô va…); nhóm 03 là các hệ phái mới truyền vào hoặc tách ta từ các hệ phái cũ (như Liên hữu Cơ đốc, Moóc Mông, Hội thánh bốn phương, Hội thánh anh em….).

Hiện nay, ở nước ta có trên 80 tổ chức, hệ phái Tin lành, trong đó có 13 tổ chức, hệ phái đã được công nhận, cấp đăng ký hoạt động gồm: (1) Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc); (2) Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam); (3) Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam; (4) Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam; (5) Tổng hội Báp tít Việt Nam (Ân Điển – Nam phương); (6) Hội thánh Menonite Việt Nam; (7) Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam; (8) Hội thánh Tin lành Trưởng lão Việt Nam; (9) Hội thánh Báp tít Việt Nam (Nam phương); (10) Ban đại diện các thánh hữu ngày sau của chúa Giê- Su Kitô Việt Nam; (11) Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam; (12) Hội thánh Phúc âm toàn vẹn Việt Nam; (13) Hội thánh Tinlành Liên hiệp truyền giáo Việt Nam.

Từ lịch sử hình thành và phát triển của đạo Tin lành ở Việt Nam cho thấy, ở nước ta đạo Tin lành không lập ra một tổ chức giáo hội mang tính chất phổ quát toàn đạo như đạo Công giáo mà đi theo hướng xây dựng các giáo hội riêng lẻ, độc lập với những hình thức khác nhau theo từng hệ phái khác nhau. Trong những năm qua phần lớn chức sắc, tín đồ các hệ phái Tin lành đã luôn phát huy, thực hiện tốt phương châm "tốt đời, đẹp đạo", “sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phụng sự Thiên Chúa, phục vụ tổ quốc”; chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung về tín ngưỡng tôn giáo nói riêng; thực hiện các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tuân thủ quy định của pháp luật, hiến chương, nội quy của giáo hội; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo và các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động.

Từ khóa » Tin Lành ở Việt Nam