Cộng Nghệ Thi Công Bê Tông Toàn Khối

Cộng nghệ thi công bê tông toàn khối nhà nhiều tầng và cao tầng.

Công nghệ thi công lắp đặt khuôn đúc (cốp pha) cột, vách, dầm và và sàn cùng lúc và đổ bê tông toàn bộ cùng một lần (công nghệ đúc bê tông kết cấu một lần hay công nghệ thi công bê tông toàn khối một đợt). Trình tự thi công gồm: Lắp buộc cốt thép cột, vách cứng –> đặt các đường ống chôn sẵn trong cột và vách cứng –> dựng khuôn đúc cột, vách cứng, dầm, sàn –> đổ bê tông cột, vách, dầm và sàn –> bảo dưỡng bê tông –> sau khi cường độ đạt yêu cầu, tháo dỡ khuôn đúc cột, vách, dầm, sàn.Trong công nghệ này, do trên đầu cột (hay vách) cốt thép của dầm chính, dầm phụ và sàn đan dầy đặc che lấp, khiến việc đổ bê tông cột không thể tiến hành theo phương pháp rút ống được, nên thường phải để cửa đổ bê tông ở lưng chừng chiều cao cốp pha cột (hay tường) để giảm chiều cao rơi tự do của vữa bê tông tươi xuống còn 1,5-2,0 m < 2,5 m (tránh hiện tượng phân tầng). Đổ bê tông gián tiếp qua cửa đổ (phần dưới) và đỉnh cột (phần trên), vữa bê tông tươi được chứa tạm trên sàn tầng dưới hay cốp pha sàn tầng đang thi công. Để cho ván khuôn đáy và thành dầm được liên kết với cốp pha cột thì cần phải để cửa đón dầm trên ván khuôn cột ở cao độ từ đáy dầm chính hay phụ lên tới cao độ đáy ván sàn (cao độ đỉnh cốp pha cột, cốp pha cột được cấu tạo cho đến đáy sàn). Việc văng chống định vị cho cốp pha cột được thẳng đứng, không thể tỳ xuống sàn vì vướng cột chống đáy dầm chính hay phụ và làm mất không gian công tác, nên thường được văng xiên ngược lên trên cố định vào cốp pha thành dầm. Do có cốp pha cột làm gối đỡ (của đón dầm) nên ta có thể chốn bớt được hai cột chống đỡ đáy dầm chính ở hai đầu mỗi nhịp dầm.

Cốp pha cột, dầm, sàn trong thi công bê tông toàn khối
Cốp pha cột, dầm, sàn trong công nghệ thi công bê tông toàn khối một đợt.

Công nghệ thi công tách rời cột và vách với dầm và sàn (công nghệ đúc bê tông kết cấu hai lần hay công nghệ thi công bê tông toàn khối hai đợt). Trình tự thi công gồm: Lắp buộc cốt thép cột, vách –> dựng khuôn đúc cột, vách –> đổ bê tông cột và vách đến dưới đáy dầm 3-5 cm –> tháo dỡ khuôn đúc vách, cột (để lại ván khuôn đầu cột phía trên đáy dầm) –> dựng đà ngang, giáo chống đỡ ván khuôn dầm –> lắp dựng ván khuôn đáy dầm –> lắp dựng ván khuôn thành dầm –> lắp dựng cốp pha (khuôn đúc) sàn –> lắp đặt cốt thép dầm –> lắp đặt cốt thép sàn, chôn sẵn các đường ống kỹ thuật chìm trong sàn –> đổ bê tông dầm sàn –> bảo dưỡng bê tông –> sau khi bê tông đạt cường độ để có thể tháo dỡ ván khuôn, thì tháo cốp pha (khuôn đúc) dầm và sàn (có thể tháo cốp pha thành dầm trước khi tháo cốp pha đáy dầm và cốp pha sàn, hay cũng có thể tháo dỡ chúng đồng thời với nhau).

Quy trình lắp và tháo cốp pha-thi công bê tông toàn khối
Quy trình lắp và tháo cốp pha cột công nghệ 1 đợt trên tầng thi công bê tông toàn khối

Công nghệ này, cốp pha cột được cấu tạo đến cao độ đáy dầm chính. Có thể tùy chọn giữa biện pháp đổ bê tông gián tiếp (bán thủ công) qua cửa đổ bê tông với biện pháp đổ bê tông trực tiếp bằng ống dẫn theo phương pháp rút ống (miệng ống đặt trên đỉnh cột, không phải làm cửa đổ). Đổ theo phương pháp rút ống có ưu điểm là ít tốn nhân lực, không phải thêm công đoạn trung gian chuyển vữa thủ công từ dưới sàn bê tông lên miệng cột, nhưng nhược điểm là nếu dùng cần trục tháp để cẩu thùng đổ bê tông có gắn ống dẫn thì cần trục bị kéo dài chu kỳ làm việc vì phải giữ nguyên một chỗ trên đỉnh cột cho tới khi đổ bê tông cột xong, và thứ nữa là nếu như đường kính tiết diện cột quá nhỏ (< 300) thì có thể không luồn được ống đổ xuống tận đáy khuôn cột vì mắc cốt thép cột. Để đổ bê tông cột bằng phương pháp rút ống thì đường kính ống mềm đổ bê tông D phải được chọn thỏa mãn điều kiện: Dđai > D > 4dmax (với Dđai là đường kính trong của cốt đai, và dmax là đường kính cốt liệu lớn nhất).

thi công bê tông toàn khối Khuôn đúc bê tông cột, dầm, sàn nhà
Thi công bê tông toàn khối. Khuôn đúc bê tông cột, dầm, sàn nhà nhiều tầng thi công theo công nghệ một đợt trên một tầng.

Công nghệ thi công lần lượt cột và vách, tiếp theo đến dầm, cuối cùng là sàn, riêng rẽ nhau (công nghệ thi công bê tông toàn khối ba đợt). Trình tự thi công gồm: Lắp buộc cốt thép cột, vách –> Lắp dựng khuôn đúc cột, vách –> đổ bê tông cột và vách đến dưới dầm 3-5 cm –> tháo dỡ khuôn đúc vách, cột (để lại ván khuôn đầu cột phía trên đáy dầm) –> dựng giá đỡ ván khuôn dầm –> lắp dựng ván khuôn đáy dầm –> lắp buộc cốt thép dầm –> lắp dựng ván khuôn thành dầm và gia cố văng chống xiên –> đổ bê tông dầm đến dưới đáy sàn 2-3 cm –> tháo dỡ ván khuôn thành dầm –> lắp dựng khuôn đúc sàn –> buộc cốt thép sàn, chôn sẵn các đường ống kỹ thuật chìm trong sàn –> đổ bê tông sàn –> bảo dưỡng bê tông –> sau khi đạt cường độ để có thể tháo dỡ khuôn đúc, thì tháo khuôn đúc dầm và sàn.

Công nghệ thi công cốp pha bay (thi công đúc bê tông cột, vách, dầm trước (có thể bằng “cốp pha trượt”), thi công bê tông sàn sau trên hệ cốp pha bay tấm lớn). Trong công nghệ này, kết cấu dầm bê tông cốt thép lại được coi như thuộc loại kết cấu đứng, phần khuôn đáy dầm thường được cấu tạo thành “khuôn tranh” giống như khuôn lỗ cửa sổ của đi xuyên qua kết cấu vách bê tông cốt thép (cửa thanh máy trong lõi thang máy bê tông cốt thép), nằm kẹp giữa 2 hệ khuôn đúc thành là cốp pha trượt. Trình tự thi công, chia là 2 đợt, gồm:

  Đợt 1, thi công các kết cấu đứng (cột, vách, dầm) (có thể) bằng công nghệ cốp pha trượt (tấm lớn di động đứng): Vị trí liên kết giữa sàn vào các kết cấu cột, vách, dầm đều phải để chờ lại thi công sau (bằng cách đặt xốp tạo hốc chờ và đặt thép chờ, riêng đối với dầm chỉ đổ bê tông phần nách dầm trở xuống).

  Đợt 2, thi công sàn (kết cấu nằm) bằng công nghệ cốp pha bay (tấm lớn di động ngang)

Do các công nghệ thi công nhà có cách chia đợt thi công khác nhau, kèm theo đó là vị trí và số lượng mạch ngừng thi công cũng khác nhau đối với từng phương pháp. Đồng thời, sau mỗi đợt thi công trong tất cả các công nghệ thi công nhà trên, thì công tác cuối cùng luôn là tháo hay di chuyển hệ thống khuôn đúc của các cấu kiện hoặc kết cấu bê tông đã thi công xong. Vì vậy, cần phải có cấu tạo cốp pha phù hợp với việc sử dụng và tháo dỡ hay di chuyển cốp pha trong từng loại công nghệ thi công khác nhau trên

Từ khóa » Kết Cấu Bê Tông Cốt Thép Toàn Khối Là Gì