Công Nghiệp Vi Mạch Việt Nam: Nhiều Tiềm Năng để Phát Triển

     Hiện nay, ở Việt Nam có 4 ngành nghề được đặc biệt chú trọng là công nghệ vi điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa và công nghệ sinh học. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ đào tạo kỹ sư kỹ thuật điện tử, điện tử – viễn thông và vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu về đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch trong tình hình mới.

     Nói về ngành thiết kế, chế tạo vi mạch của Việt Nam, Gs Đặng Lương Mô cho rằng: Về thiết kế, chúng ta đã có Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch TP.HCM. Hiện nay, Trung tâm này đang được giao thực hiện một dự án của Bộ KH – CN trị giá 145 tỷ đồng để thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc. Với dự án này, trong 3 đến 4 năm tới, chúng ta sẽ thiết kế được những con chip bé hơn. Còn bây giờ, chúng ta đã có sản phẩm bán ra được nước ngoài. Nhưng chúng ta chưa chế tạo được chip, mà mới chỉ dừng lại ở việc thiết kế rồi đưa ra nước ngoài chế tạo. Cho đến giờ phút này, chúng ta thiết kế chip chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước vì trong rất nhiều lĩnh vực chúng ta cần đến chip, thí dụ như máy giặt, điện thoại di động, an toàn hàng hải đều có gắn chip bên trong. Con chip quan trọng với các công nghệ này giống như động cơ với các loại xe gắn máy. Có động cơ thì mới lắp ráp được thành xe máy, ô tô, hoặc thậm chí cả máy bay. Nói chung, tôi gọi chip là cái động cơ, rất cần thiết, nhưng gắn nó vào đâu thì tính sau. Hiện giờ, nếu ví ngành thiết kế, chế tạo vi mạch như một chiếc xe đạp thì có thể nói chúng ta mới chỉ có một bánh xe. Hy vọng ba bốn năm nữa, khi chúng ta có nhà máy, nghĩa là có đủ hai bánh xe thì mới chạy được. Xe đạp một bánh thì cũng có đấy, nhưng đi không an toàn. Mà khi thiết kế rồi đưa ra nước ngoài chế tạo thì phải theo đúng công nghệ của người ta. Mình phải chọn nhà máy và theo quy trình sản xuất của họ, không đưa sang nhà máy khác được, điều đó có nghĩa là chúng ta bị lệ thuộc.

ThS. Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch cho biết: Ngành công nghiệp thiết kế vi mạch của Việt Nam đang được ưu tiên phát triển, được Thủ tướng phê duyệt đứng số 1 trong danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Hiện tại, hai khu công nghiệp đã ra đời và đang được kiến thiết gấp rút ở gần TP.HCM và Hà Nội nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Hiện, với số tiền đầu tư hơn 2000 tỷ đồng của Bộ KH-CN dành cho dự án sản xuất chíp, hiện nhà máy sản xuất chip đã ở giai đoạn đánh giá tiền khả thi.

Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp vi mạch với trên 7.000 người (sinh viên, nghiên cứu sinh, chuyên gia) đang học tập, nghiên cứu và làm việc tại Nhật Bản, Hoa Kỳ. Trong số đó, nhiều người đã trở về Việt Nam làm việc, triển khai nhiều hợp tác đa dạng. Đây là những điều kiện vô cùng thuận lợi để các bản thiết kế vi mạch của Việt Nam có thể được sản xuất ngay trong nước. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng cũng là nhân tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển ngành vi mạch tại Việt Nam.

Các chuyên gia khẳng định, trình độ phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam đã có những bước phát triển, lại thêm có sự quan tâm của giới công nghiệp Nhật Bản như hiện nay, chắc chắn tình hình công nghệ vi mạch của Việt Nam trong tương lai sẽ có nhiều đột phá. Nền công nghiệp vi mạch trên thế giới mới chỉ bắt đầu phát triển 30- 40 năm mà tiên phong là nước Nhật. Kinh nghiệm cho thấy, nếu có chiến lược tốt, sự quyết tâm đầu tư của Chính phủ thì đây là ngành công nghiệp công nghệ cao đóng góp GDP cho xã hội rất lớn.

(Theo  nhandaodoisong.com)

Từ khóa » Vi Mạch Việt Nam