Công Nhận Và Cho Thi Hành Tại Việt Nam Bản án, Quyết định Dân Sự ...

Turn on more accessible mode Turn off more accessible mode
  • Cổng thông tin điện tử
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Chức năng nhiệm vụ
    • Cơ cấu tổ chức
  • Hướng dẫn nghiệp vụ
  • Công văn
  • Liên hệ
  • Đăng nhập

Nghiên cứu trao đổi

Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế Khái niệm về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của nước ngoài đã hình thành từ lâu trong tư pháp quốc tế, có thể hiểu đó là một thủ tục tố tụng đặc biệt do cơ quan có thẩm quyền của nước có bên phải thi hành án tiến hành nhằm xem xét để công nhận tính hiệu lực của bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, Quyết định của Trọng tài nước ngoài trên phạm vi lãnh thổ của nước mình. Sau khi bản án, quyết định của nước ngoài đó đã được xem xét và công nhận tính hiệu lực, nó sẽ được đảm bảo cưỡng chế thi hành trên lãnh thổ của nước đã công nhận. Thủ tục đặc biệt này nhằm đảm bảo giải quyết các xung đột về quyền tài phán và đảm bảo tôn trọng quyền tài phán của mỗi quốc gia. Việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định về dân sự (hiểu theo nghĩa rộng[1]) của Toà án nước ngoài và Quyết định của Trọng tài nước ngoài có một ý nghĩa quan trọng, đảm bảo khả năng thi hành các bản án, quyết định đã được cơ quan tài phán nước ngoài tuyên. Từ đó, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án cũng như tránh tình trạng về cùng một vụ việc nhưng lại bị xét xử 2 lần. Cùng với xu thế hội nhập, giao lưu kinh tế văn hoá xã hội giữa các quốc gia, số lượng các bản án, quyết định được tuyên ở một nước nhưng cần được thi hành ở một nước khác ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu hợp tác giữa các nước để thoả thuận công nhận và cho thi hành của nhau các bản án, quyết định dân sự, thương mại của Toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài. 1. Thực trạng pháp luật về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài 1.1.Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. 1.1.1. Các Hiệp định song phương về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết với 14 nước Hiệp định song phương về tương trợ tư pháp, bao gồm: Liên bang Nga, Séc, Xlôvakia, Ba Lan, Hungari, Bungari, CuBa, CHDCND Lào, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Ucraina, Belarut, Pháp, Mông Cổ. Tất cả các Hiệp định song phương này đều có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài. Chế định công nhận và thi hành bản án, quyết định của nước ngoài trong các Hiệp định tương trợ tư pháp thường bao gồm các nội dung: phạm vi công nhận và thi hành; về điều kiện công nhận và thi hành; về nội dung đơn yêu cầu công nhận và thi hành; thủ tục công nhận và thi hành; việc chuyển tiền và tài sản để đảm bảo thi hành quyết định. a/ Phạm vi công nhận và thi hành: các bản án, quyết định của nước ngoài được công nhận và cho thi hành bao gồm: bản án, quyết định dân sự; phần dân sự trong bản án hình sự; các quyết định của Trọng tài thương mại. Đặc biệt trong một số các Hiệp định tương trợ tư pháp ký với các nước còn phân biệt các bản án, quyết định dân sự có tính chất tài sản và bản án, quyết định không mang tính chất tài sản trong việc công nhận và cho thi hành. Điều 51 Hiệp định với Nga quy định đối với các bản án, quyết định dân sự không mang tính tài sản của Bên ký kết này được công nhận trên lãnh thổ của Bên ký kết kia mà không phải qua một thủ tục đặc biệt nào. Như vậy, ở đây có thể hiểu việc Toà án xem xét công nhận và cho thi hành chủ yếu đặt ra đối với các bản án, quyết định có tính chất tài sản và trong tương lai sẽ phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành. b/ Điều kiện công nhận và thi hành: các Hiệp định đều quy định rất cụ thể các điều kiện đặt ra đối với một bản án, quyết định để có thể được công nhận và cho thi hành. Tựu chung lại có 3 điều kiện chính: Thứ nhất, bản án, quyết định phải có hiệu lực pháp luật trên lãnh thổ nước tuyên bản án, quyết định đó. Thứ hai, bản án, quyết định được cơ quan có thẩm quyền tuyên. Thứ ba, các thủ tục tố tụng (liên quan đến luật hình thức) phải được đảm bảo. c/ Đơn yêu cầu: việc công nhận và cho thi hành chỉ đặt ra khi có yêu cầu. Các nước sẽ chỉ đặt ra việc xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của nước ngoài tại nước mình nếu có yêu cầu của đương sự có liên quan hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước đã ra bản án, quyết định đó. Theo các Hiệp định tương trợ tư pháp, đơn yêu cầu có thể gửi qua hai kênh: - Qua kênh ngoại giao hoặc qua cơ quan tư pháp có thẩm quyền: theo đó, các cơ quan tư pháp đã tuyên bản án, quyết định có thể trực tiếp hoặc thông qua cơ quan trung ương chuyển đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành cho cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia. (Hiệp định tương trợ tư pháp với Hungary, Bunggary...). - Các đương sự trực tiếp gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành. d/ Thủ tục xem xét đơn công nhận và thi hành: tất cả các Hiệp định đều quy định Toà án là cơ quan xem xét và ra quyết định công nhận và thi hành bản án, quyết định của nước ngoài. Ở đây, Toà án không xem xét lại nội dung bản án, quyết định. Thẩm quyền tài phán của Toà án, trọng tài đã tuyên bản án, quyết định được tôn trọng và bảo đảm. Thủ tục công nhận chỉ nhằm xem xét tính khánh quan của quá trình ra bản án, quyết định đó. e/ Các vấn đề về thi hành bản án, quyết định: Các Hiệp định tương trợ tư pháp chủ yếu chỉ đề cập đến trình tự, thủ tục, điều kiện công nhận và thi hành bản án, quyết định của các Bên ký kết. Tuy vậy, một phần quan trọng không kém là khi đã được công nhận và cho thi hành thì cơ chế để thi hành như thế nào? Hầu hết các Hiệp định chỉ quy định việc chuyển tiền và tài sản thi hành bản án, quyết định ra nước ngoài. Các nội dung liên quan đến việc cưỡng chế thi hành bản án, quyết định được hiểu là do pháp luật của nước thi hành bản án, quyết định đó quy định. 1.1.2. Công ước về công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài ngày 10/6.1958 (Công ước NewYork năm 1958): Việc công nhận và thi hành các quyết định của Trọng tài nước ngoài hiện nay được hầu hết các nước áp dụng theo Công ước NewYork năm 1958. Trong các Hiệp định tương trợ tư pháp mà nước ta ký thời gian gần đây (Hiệp định với Nga, Trung Quốc, Pháp) cũng quy định đối với việc công nhận và thi hành các quyết định của Trọng tài thực hiện theo các quy định của Công ước này. Nội dung Công ước New York quy định các nước thành viên phải công nhận các phán quyết Trọng tài được đưa ra ngoài lãnh thổ của họ và các phán quyết không được coi là phán quyết trong nước của các nước thành viên. Các phán quyết Trọng tài nước ngoài sẽ được thi hành như những quyết định của Toà án địa phương và hệ thống các cơ quan tư pháp của Nhà nước có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành phán quyết. Khi tham gia Công ước, Nhà nước ta đã tuyên bố 3 điểm bảo lưu: 1/ Chỉ áp dụng Công ước đối với việc công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài được tuyên tại lãnh thổ của các quốc gia thành viên của Công ước; đối với quyết định của Trọng tài nước ngoài tuyên tại lãnh thổ của quốc gia chưa ký kết hoặc tham gia Công ước, Công ước được áp dụng tại Việt Nam theo nguyên tắc có đi có lại. 2/ Chỉ áp dụng Công ước đối với tranh chấp phát sinh từ các quan hệ pháp luật thương mại. 3/ Mọi sự giải thích Công ước trước Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của Việt Nam phải tuân theo các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. 1.2. Pháp luật trong nước. Vấn đề công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài hiện đã được điều chỉnh trong Bộ Luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004. Bộ luật đã luật hoá hai Pháp lệnh trước đây điều chỉnh về vấn đề này là Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 17/4/1993 và Pháp lệnh công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 14/9/1995. Phần thứ sáu của Bộ luật tố tụng dân sự “Thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài” với 31 điều (từ Điều 342 đến Điều 373) quy định một cách chi tiết không chỉ về thủ tục, trình tự xét công nhận và cho thi hành mà cả các quy định mang tính nguyên tắc cơ bản của việc công nhận và cho thi hành. 1.2.1. Về nguyên tắc công nhận và cho thi hành. Theo quy định tại Điều 343 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì Toà án Việt Nam xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài theo 2 nguyên tắc cơ bản: - Thứ nhất, dựa trên cơ sở điều ước quốc tế: “a) Bản án, quyết định dân sự của Toà án của nước mà Việt Nam và nước đó đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề này;” (Điểm a, Khoản 1 Điều 343 BLTTDS); “Toà án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài trong trường hợp quyết định được tuyên tại nước hoặc của Trọng tài của nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề này.” (Khoản 2 Điều 343 BLTTDS). - Thứ hai, dựa trên nguyên tắc có đi có lại: “Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài cũng có thể được Toà án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trên cơ sở có đi có lại mà không đòi hỏi Việt Nam và nước đó phải ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề đó. (Khoản 3, Điều 343 BLTTDS). Đây là nguyên tắc mới đối với việc công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của Toà án nước ngoài. Trước đây, nguyên tắc có đi có lại mới chỉ đặt ra cho việc công nhận và cho thi hành các quyết định dân sự của Trọng tài nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tiễn còn vướng mắc do pháp luật chưa định ra được thẩm quyền, trình tự cũng như thủ tục cho việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại. 1.2.2. Về thủ tục và trình tự xem đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án, quyết định của Trọng tài nước ngoài. a/ Giai đoạn nhận đơn, thụ lý đơn, yêu cầu giải thích và chuẩn bị việc xét đơn yêu cầu: Theo quy định tại Điều 350 BLTTDS thì Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối trong việc tiếp nhận các hồ sơ giấy tờ yêu cầu công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án, quyết định của trọng tài nước ngoài sau đó kiểm tra tính hợp pháp, hợp thức của các giấy tờ, hồ sơ, chuyển hồ sơ đến Toà án có thẩm quyền giải quyết, thông báo kết quả giải quyết đơn yêu cầu, đơn kháng cáo. Việc nhận đơn chỉ được tiến hành trong trường hợp người phải thi hành đang cư trú hoặc làm việc tại Việt Nam, hay người đó có tài sản liên quan đến việc thi hành tại Việt Nam vào thời điểm gửi đơn. Về thẩm quyền xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài, theo quy định tại Điều 352 BLTTDS là Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và các giấy tờ hợp lệ kèm theo, Bộ Tư pháp phải chuyển đơn cho Toà án có thẩm quyền. Trong giai đoạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành, nếu Toà án thấy có vấn đề gì chưa rõ trong bản án, quyết định của Toà án hoặc quyết định của Trọng tài nước ngoài, thì Toà án có quyền yêu cầu Toà án, trọng tài đã ra bản án, quyết định đó giải thích. Sau 4 tháng kể từ ngày thụ lý, Toà án phải ra quyết định mở phiên toà xét đơn yêu cầu nếu không có căn cứ tạm đình chỉ, đình chỉ. Trong giai đoạn này ngoài việc xem xét, nghiên cứu hồ sơ vụ việc, Toà án còn phải tiến hành một số công việc khác như: xác minh về nơi cư trú của người phải thi hành, tài sản liên quan đến việc thi hành. b/ Phiên toà xét đơn: Theo quy định tại Điều 355 BLTTDS, thì phiên toà xét đơn yêu cầu bao gồm những người sau đây: + Việc xét đơn yêu cầu do một Hội đồng gồm ba thẩm phán tiến hành, trong đó có một thẩm phán do chánh án chỉ định làm chủ toạ. + Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên toà. Trường hợp kiểm sát viên vắng mặt, thì phải hoãn phiên toà. + Phiên toà được tiến hành với sự có mặt của người có nghĩa vụ phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó. Những người này được triệu tập đến phiên toà theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc xét đơn yêu cầu vẫn được tiến hành nếu người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó yêu cầu Toà án xét đơn vắng mặt không có lý do chính đáng. Sau khi xem xét đơn và các giấy tờ kèm theo, nghe ý kiến của người triệu tập, của kiểm sát viên, Hội đồng xét đơn yêu cầu thảo luận và quyết định (theo đa số) công nhận và cho thi hành hoặc quyết định không công nhận bản án, quyết định của nước ngoài. Sau phiên toà sơ thẩm, quyền kháng cáo của đương sự được đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các đơn kháng cáo, kháng nghị sẽ được Toà án nhân dân tối cao xem xét lại theo thủ tục phúc thẩm. Điểm đặc biệt lưu ý là theo quy định tại Khoản 4 Điều 355 BTTDS là khi xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án, quyết định của Trọng tài nước ngoài, Toà án Việt Nam không được xét xử lại vụ kiện mà chỉ xem xét xem các thủ tục về mặt tố tụng của việc tuyên bản án,quyết định đó có đảm bảo không (chỉ xem xét các quy định của luật hình thức mà không xem xét các quy định của luật nội dung). Hiện nay, khi xét đơn yêu cầu ở một số vụ việc xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài, một số Hội đồng xét đơn yêu cầu đã xem xét luôn lại nội dung vụ kiện đó. Lỗi thường hay gặp phải là Hội đồng xét đơn yêu cầu so sánh việc áp dụng luật của nước ngoài với pháp luật trong nước, để xem lại nội dung vụ kiện có đúng với pháp luật của Việt Nam hay không, sau đó mới ra quyết định công nhận và cho thi hành hay không công nhận. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của nước ngoài theo pháp luật hiện này cũng còn lỏng lẻo. Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối, trực tiếp tiếp nhận hồ sơ từ đương sự, thu lệ phí và có trách nhiệm như là "cầu nối" giữa các cơ quan có thẩm quyền trong nước với cá nhân, tổ chức yêu cầu thi hành án (phần lớn là ở nước ngoài). Tuy vậy, khi các Toà án tiến hành thụ lý đơn cũng như trong quá trình xét xử, có một thực tế là các Toà án hoàn toàn không có thông báo cũng như báo cáo Bộ Tư pháp về các hoạt động của mình, dẫn đến việc Bộ Tư pháp hoàn toàn bị động trước các vấn đề mà cá nhân, tổ chức nước ngoài hỏi hoặc yêu cầu. Về hướng dẫn giải quyết các vụ việc này, Toà án nhân dân tối cao hiện nay cũng chưa quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng mỗi toà án giải quyết theo một kiểu, không nhất quán và gây tâm lý không tốt cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài. 2. Những vấn đề đặt ra đối với hoạt động công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam hiện đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và mở rộng quan hệ đối ngoại phục vụ mục tiêu hội nhập quốc tế, do đó việc xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài cần theo hướng tạo ra những điều kiện pháp luật thuận lợi nhằm đảm bảo quyền lợi của bên yêu cầu công nhận và cho thi hành (là người nước ngoài cũng như công dân của mình), qua đó góp phần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia và cùng có lợi. Trên cơ sở đó, hoạt động công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới chắc chắn sẽ có phát sinh nhiều vụ việc đòi hỏi phải có sự thay đổi cả về mặt quy định của pháp luật cũng như thực tiễn thực hiện để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội. 2.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật. Để đổi mới và hoàn thiện hoạt động này trong hoàn cảnh của nước ta hiện nay, điều cần thiết là phải nghiên cứu và áp dụng có chọn lọc các quy tắc riêng biệt của tư pháp quốc tế, phù hợp với pháp luật và thực tiễn của ta. Trong thời gian qua, điều này đã được xem xét vận dụng trong quá trình xây dựng phần thứ bảy của Bộ luật dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, chương XI của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Luật Thương mại, Bộ Luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, để các quy định này đi vào cuộc sống đòi hỏi các văn bản hướng dẫn cũng phải được ban hành một cách kịp thời và đồng bộ. Đặc biệt, cần sớm ban hành Luật tương trợ tư pháp, một trong những luật chuyên ngành nhằm giải quyết hàng loạt vấn đề có liên quan đến hoạt động công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài hiện nay như: áp dụng nguyên tắc có đi có lại, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, uỷ thác tư pháp… 2.2. Nhận thức đúng đắn về bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, công dân, pháp nhân Việt Nam trong quan hệ đối ngoại. Chúng ta đều biết, trong việc thi hành án dân sự nước ngoài tại Việt Nam, thì bên được thi hành án thường là người nước ngoài hoặc pháp nhân nước ngoài; còn bên phải thi hành án thường là công dân Việt Nam hoặc pháp nhân Việt Nam. Cũng có trường hợp ngược lại, song rất hãn hữu. Do đó, vấn đề đặt ra trước nhất ở đây là hiểu và vận dụng như thế nào nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, công dân và pháp nhân Việt Nam trong việc thi hành án nước ngoài? Trong nhiều trường hợp, yêu cầu thi hành án dân sự nước ngoài thường liên quan đến tài sản. Biện pháp thông dụng để thi hành án về tài sản là cho phép chuyển tiền hoặc tài sản của bên phải thi hành án ra khỏi lãnh thổ của nước đó. Trong trường hợp bên phải thi hành là công dân Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam hoặc pháp nhân (tổ chức) Việt Nam có trụ sở tại Việt Nam, thì biện pháp thi hành án ở đây là Nhà nước Việt Nam đảm bảo việc chuyển ra ngoài lãnh thổ Việt Nam số tiền hoặc tài sản của bên phải thi hành đó cho bên được thi hành là người nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài hoặc cho pháp nhân nước ngoài có trụ sở ở nước ngoài. Về vấn đề nêu trên, mặc dù pháp luật nước ta đã có quy định, song nhận thức của các cơ quan nhà nước, cán bộ thực thi pháp luật, đặc biệt của đại bộ phận nhân dân không thống nhất. Nhiều người cho rằng, nếu Nhà nước cho phép (thậm chí cưỡng chế) chuyển tiền của công dân (pháp nhân) Việt Nam ra nước ngoài để thi hành án, tức là chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của người nước ngoài mà không chú ý bảo vệ quyền lợi về tài sản của công dân (pháp nhân) Việt Nam. Có thể nói, do bị ảnh hưởng bởi tư tưởng bao cấp, nên lâu nay nhiều người vẫn quen với tâm lý được nhận hơn là phải trả. Cho nên trên thực tế, trong thập kỷ 80 và 90, có nhiều bản án, quyết định của Toà án nước ngoài được gửi đến Việt Nam yêu cầu công dân Việt Nam (chủ yếu là đàn ông) thi hành quyết định về cấp dưỡng nuôi con, song chưa có một vụ nào được thi hành. Thậm chí có người còn cho rằng, việc không phải chuyển ra nước ngoài tiền và tài sản của công dân Việt Nam, là phù hợp với nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, công dân và pháp nhân Việt Nam. Đây là một sự nhận thức sai lầm, xuất phát từ tư tưởng "hại người lợi mình", ích kỷ, cần xem xét lại. Điều nguy hại hơn là nhiều Thẩm phán của Toà án nhân dân cũng cùng một nhận thức như vậy. Vì thế nên đến nay, hầu như chưa có một hoạt động chuyển tiền và tài sản nào từ Việt Nam ra nước ngoài để thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài theo các quy định nêu trên của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc cần thống nhất nhận thức lại về nội dung của nguyên tắc quan trọng đã nêu trên đây. Trong việc bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, công dân và pháp nhân Việt Nam, không có nghĩa là viện ra mọi lý do để cố tình từ chối, lẩn tránh thi hành quyết định về tài sản trong bản án, quyết định của nước ngoài. Cần nghĩ đến cái lớn hơn, tức là phải đặt lợi ích của quốc gia, của Nhà nước lên trên lợi ích của một cá nhân con người cụ thể. Nói cách khác, không thể chỉ vì tâm lý "sợ mất" tiền, tài sản của cá nhân (pháp nhân) mà làm ảnh hưởng đến vị thế, danh dự và uy tín của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên trường quốc tế. Các cơ quan nhà nước, nhất là Toà án nhân dân, không thể lấy lý do này để vin cớ là "bảo vệ lợi ích" của công dân Việt Nam. Như thế, vô hình chung, càng tiếp tay cho sự vi phạm và bất chấp pháp luật. Đó là chưa kể sau nhiều lần từ chối công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Toà án và Trọng tài nước ngoài, thì uy tín, danh dự của Toà án Việt Nam cũng bị giảm sút đối với dư luận quốc tế. Đây thực sự là điều quá bất lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu thu hút ngày càng nhiều đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. 2.3. Thực hiện tốt nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, trung thực, cùng có lợi. Đây là nguyên tắc quan trọng, làm căn cứ pháp lý cho quá trình bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài. Chúng ta đều biết, theo công pháp quốc tế, các quốc gia đều bình đẳng với nhau trong quan hệ quốc tế. Bình đẳng về chủ quyền là cơ sở cho sự tồn tại của các cam kết hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực và cùng có lợi. Cho nên khi một quốc gia sẵn sàng cho thi hành trên lãnh thổ của mình bản án của Toà án nước kia, thì nước kia cũng sẽ đảm bảo cho thi hành trên lãnh thổ của mình bản án của Toà án nước ngoài đó, trên nguyên tắc có đi có lại, cùng có lợi. Bảo vệ quyền lợi công dân là trách nhiệm của mỗi nhà nước. Cho nên, việc quốc gia này đảm bảo bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài, cũng tức là đã tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ quốc gia kia hoàn thành trách nhiệm đối với công dân của họ. Qua đó lại càng củng cố quan hệ hợp tác giữa các quốc gia, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước. Thông qua việc nghiêm chỉnh thi hành bản án, quyết định của nước ngoài, kể cả việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, càng củng cố và nâng cao hiệu lực của hệ thống pháp luật quốc gia và năng lực của đội ngũ cán bộ công chức nhà nước cũng như góp phần giáo dục công dân thực hiện nếp sống tôn trọng và tuân thủ pháp luật, để từ đó ngăn ngừa và hạn chế các tranh chấp, rủi ro trong các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại nhất là trong các giao dịch có yếu tố nước ngoài./. Đặng Trung Hà [1] Điều 342 - Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định:“1. Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài là bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Toà án nước ngoài và bản án, quyết định khác của Toà án nước ngoài mà theo pháp luật của Việt Nam được coi là bản án, quyết định dân sự.” In bài viết Gửi phản hồi Gửi Email

Thông báo

  • Cập nhật thông tin về việc thực hiện ủy thác tư pháp tống đạt giấy tờ đi một số nước và hiệu lực của Công ước thu thập chứng cứ đối với Việt Nam (Công văn số 6382/BTP-PLQT ngày 05/11/2024)
  • Cập nhật thông tin về việc thực hiện ủy thác tư pháp tống đạt giấy tờ đi một số nước và hiệu lực của Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam với Thái Lan (Công văn số 3799/BTP-PLQT ngày 17/7/2024)
  • Cập nhật thông tin về việc thực hiện ủy thác tư pháp tống đạt giấy tờ đi một số nước và hiệu lực của Công ước thu thập chứng cứ đối với Việt Nam (Công văn số 1779/BTP-PLQT ngày 09/4/2024)

Liên kết website

-- Liên kết website -- Bộ Tư pháp---Cục công nghệ thông tinBáo điện tử---VnExpress---Báo 24h

Thư viện ảnh Thư viện video

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP
  • RSS
  • Sơ đồ website
  • Thư viện file

Địa chỉ: 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 04.62739718 - Fax: 04.62739359. Email: banbientap@moj.gov.vn; cntt@moj.gov.vn.

Giấy phép cung cấp thông tin trên internet số 28/GP-BC ngày 25/03/2005.

Trưởng Ban biên: Tạ Thành Trung - Phó Cục trưởng Cục CNTT

Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.

134

Từ khóa » Xét Xử Lại Bản án