Công Tác Quản Lý Cán Bộ: Thực Trạng Và Giải Pháp

Quản lý cán bộ là một trong những nội dung quan trọng của công tác cán bộ - Nguồn: laodongthudo.vn

Thực trạng công tác quản lý cán bộ

Quản lý cán bộ là một trong những nội dung quan trọng của công tác cán bộ. Từ trước đến nay Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác quản lý cán bộ. Trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ và cả thời kỳ đổi mới, nhiều cán bộ được Đảng, Nhà nước quản lý tốt nên trưởng thành và có nhiều đóng góp cho đất nước. Do quản lý tốt cán bộ nên có nhiều tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nhiều cán bộ đảng viên nêu gương phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt đã cổ vũ được sự phấn khởi, đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, góp phần tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Sau Đại hội XII, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tăng cường công tác quản lý cán bộ nên tình hình có chuyển biến tốt hơn.

Tuy nhiên, công tác quản lý cán bộ vẫn còn nhiều hạn chế. Thời kỳ trước đây số cán bộ vi phạm pháp luật cũng có nhưng chưa nhiều, ảnh hưởng chưa nghiêm trọng. Hiện nay, hầu như không có ngành nào, địa phương nào là không có một bộ phận cán bộ làm việc thiếu trách nhiệm với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân. Đặc biệt tệ tham nhũng, lãng phí của không ít cán bộ đã trở thành vấn đề gây bức xúc nhất trong xã hội. Lĩnh vực quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý đất đai, khoáng sản, xây dựng cơ bản, quản lý tài sản công,... đã làm thất thoát, thiệt hại rất lớn đến ngân sách nhà nước. Công tác quản lý cán bộ trong một số ít cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử,... cũng chưa tốt nên đã để xảy ra một số vụ, việc đáng tiếc.

Thực trạng việc quản lý cán bộ nêu trên có nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, cụ thể là:

Trong cơ chế mới, người cán bộ bị chi phối, tác động của nhiều mối quan hệ, như quan hệ giữa quản lý với sử dụng, quản lý với lợi ích, quản lý với môi trường, điều kiện làm việc,... nhiều hơn, mạnh hơn trước đây. Một bộ phận cán bộ bộc lộ nhiều nhược điểm, như chưa quen quản lý sản xuất, kinh doanh, chưa có kinh nghiệm quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường sinh động, vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh, chưa quen quản lý xã hội bằng pháp luật, bằng cơ chế, chính sách trong lúc trình độ khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế nói chung còn hạn chế nên dễ bị sa ngã, vi phạm pháp luật.

Công tác quản lý cán bộ đang có sơ hở, yếu kém. Quản lý cán bộ còn nặng về quản lý lý lịch gia đình, quản lý trên hồ sơ bằng cấp, chứng chỉ,... mà chưa chú trọng đúng mức đến quản lý chính trị hiện tại của mỗi cán bộ diễn biến hằng ngày theo nhịp sống của thực tiễn, chưa gắn quản lý cán bộ với đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ. Đảng, Nhà nước chưa có các văn bản pháp luật chặt chẽ để kiểm soát được quyền lực, còn có những kẽ hở để cán bộ lợi dụng quyền hạn, trách nhiệm trong thực thi công vụ để tham ô, tham nhũng. Kỷ cương, kỷ luật của Đảng, Nhà nước có những lúc xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời. Chính sách tiền lương quá bất hợp lý lại để kéo dài. Phần đông cán bộ, công chức, viên chức không đủ sống từ lương. Một bộ phận lớn tổ chức cơ sở đảng chưa làm tốt trách nhiệm quản lý đảng viên, buông lỏng công tác tư tưởng, tình trạng nể nang, né tránh, ngại đấu tranh của đảng viên diễn ra phổ biến. Một bộ phận cán bộ thiếu bản lĩnh, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, dẫn đến đặc quyền, đặc lợi, thoái hóa biến chất, không nêu gương, nói không đi đôi với làm dẫn đến tham ô, tham nhũng, ...

Các cơ quan dân cử, như Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa thực hiện đầy đủ chức năng giám sát của mình theo quy định của pháp luật.

Một số giải pháp tăng cường công tác quản lý cán bộ

Con người nói chung, cán bộ nói riêng chịu tác động tổng hòa của nhiều mối quan hệ xã hội, vì thế Đảng, Nhà nước phải có những giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả để quản lý cán bộ tốt hơn.

Thứ nhất, đổi mới tư duy nhận thức về quản lý cán bộ trong thời kỳ mới. Phải xem quản lý, bảo vệ cán bộ là cách làm tốt nhất để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ sự nghiệp cách mạng, bảo đảm cán bộ luôn kiên định tư tưởng, lập trường, phẩm chất chính trị, giữ gìn đạo đức cách mạng, lối sống tốt đẹp, có nhận thức và hành động đúng đắn. Nội dung quản lý cán bộ là quản lý phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn, bảo đảm cho cán bộ luôn trong sạch, trung thực, không sa ngã, thoái hóa, biến chất, không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mọi hoàn cảnh. Cùng với quản lý lịch sử chính trị gia đình, phải đặc biệt coi trọng quản lý chính trị hiện tại, đặc biệt là diễn biến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gắn với các yếu tố phát sinh. Quản lý chính trị hiện tại không chỉ nhằm phòng ngừa kẻ địch cài cắm, mua chuộc, chia rẽ nội bộ, mà còn phòng ngừa, ngăn chặn các khả năng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ. Quản lý cán bộ phải gắn với đổi mới đánh giá cán bộ, xem xét chuyển biến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; sự gia tăng bất thường tài sản mà không giải trình được nguồn gốc tài sản; các mối quan hệ “lợi ích nhóm” phức tạp.

Thứ hai, thường xuyên phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý cán bộ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, trong đó chú trọng các yêu cầu, nội dung, giải pháp về công tác cán bộ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016, của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 26/CT-TTg, ngày 05/9/2016, của Thủ tướng Chính phủ “về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp”,...

Các cấp ủy đảng, cả hệ thống chính trị phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, để mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tính tiên phong, gương mẫu trước quần chúng, tự giác chấp hành pháp luật, chấp hành các quy định của Đảng. Đây là giải pháp rất quan trọng vì khi cán bộ không tốt thì dù văn bản pháp luật có chặt chẽ đến đâu, cơ quan quản lý cán bộ có trách nhiệm đến mấy cũng không ngăn cản được lòng tham, ham muốn không chính đáng của cán bộ. Thực hiện việc rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị mình, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác cụ thể trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đồng thời quán triệt, triển khai đối với cán bộ việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc, bảo đảm cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cấp trên.

Thứ ba, Đảng bổ sung các quy định, quy chế quản lý cán bộ, đảng viên chặt chẽ, cụ thể hơn, như quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ; các chức danh theo phân cấp quản lý, có cơ chế phát hiện, trọng dụng người có đức có tài, bổ nhiệm cán bộ đúng người, đúng việc, thực sự vì việc để chọn người. Đối với cấp ủy, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm về lãnh đạo, chỉ đạo và công tác quản lý cán bộ của đơn vị mình. Thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch các quy định về quản lý cán bộ trong tất cả các khâu: tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, chuyển ngạch, nâng ngạch, đi nước ngoài và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, quy chế chi tiêu nội bộ, kiên quyết không để xảy ra sai phạm, tiêu cực. Ví dụ, như vấn đề nhận xét, đánh giá cán bộ cần có quy định, đánh giá thế nào cho đúng, dựa vào nhân dân, tổ chức, đảng viên đánh giá cán bộ như thế nào chứ không chỉ đưa ra tập thể cấp ủy và quyết định. Quy định đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ làm sao cho dân chủ và công bằng. Phải công bố cho đơn vị, tổ chức, địa phương đó biết đề bạt ai, đề bạt đúng quy trình như thế nào,...

Cần cụ thể hóa những quy định, quy chế của Đảng và Nhà nước thành quy chế, quy định thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Một yêu cầu cấp thiết hiện nay là sớm cụ thể hóa các quy chế trong thực hiện Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19-12-2017, của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Các cơ quan quản lý cán bộ cấp trên hằng năm, hằng nhiệm kỳ phải làm tốt việc đánh giá cán bộ và công khai việc đánh giá đến cán bộ, nhân dân nơi cán bộ công tác và cư trú. Trước khi nhận xét phải lấy được các kênh thông tin đánh giá hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và chỉ số hài lòng của cán bộ, người dân về cán bộ đó. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật gắn với mở rộng, phát huy dân chủ trong Đảng. Có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, để mỗi tổ chức cơ sở đảng đều vững mạnh, trong sạch, thực chất. Kiểm tra, làm tốt việc phát triển đảng viên có chất lượng đi đôi với tăng cường giáo dục, quản lý đảng viên, trên cơ sở đó thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Thứ tư, Nhà nước sớm bổ sung các văn bản pháp luật để kiểm soát tốt quyền lực. Quy định rất chặt chẽ, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm các chức danh quản lý nhà nước, thực hiện tốt cải cách hành chính, khắc phục triệt để cơ chế “xin - cho”, tăng cường thanh tra nhà nước, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời, từng bước tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm mạnh biên chế và sớm cải cách chế độ tiền lương. Có cơ chế kiểm soát được thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức của cả hệ thống chính trị, quản lý được việc kê khai minh bạch tài sản. Trên cơ sở đó làm cho cán bộ không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng (như một số nước đã làm thành công).

Thứ năm, phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân trong công tác quản lý cán bộ. Trước hết các cơ quan dân cử được nhân dân tín nhiệm, giao phó, như Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp phải đề cao trách nhiệm trước cử tri để giám sát chặt chẽ các cơ quan nhà nước (kể cả lực lượng vũ trang, các cơ quan tư pháp, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước), giám sát cán bộ quản lý các cấp trong thực thi nhiệm vụ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp được đông đảo đoàn viên, hội viên tin tưởng, lựa chọn cũng phải nêu cao vai trò trách nhiệm giám sát cán bộ, đảng viên theo quy định để góp phần quản lý tốt cán bộ trong cơ chế thị trường. Đảng, Nhà nước tiếp tục phát huy, tạo điều kiện cho lực lượng phóng viên báo chí, các cơ quan truyền thông tăng cường bám sát thực tiễn, bám sát cơ sở để phản ánh kịp thời cả gương người tốt, việc tốt lẫn việc phát hiện sai phạm của cán bộ. Vừa qua, đây là kênh phản ảnh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kịp thời và hiệu quả. Tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích phát huy quyền làm chủ của người dân trong tham gia quản lý cán bộ. Các cơ quan chức năng tăng cường làm tốt việc tiếp nhận và trình xử lý kịp thời, đúng pháp luật những phản ánh, đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân nơi công tác, nơi cư trú liên quan đến cán bộ./.

Nguyễn Thế Trung - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Theo: tapchicongsan.org.vn

Từ khóa » Nguyên Tắc Quản Lý Cán Bộ Công Chức Cấp Xã