Công Trình Nghìn Tỷ Chưa Hoàn Thành đã Có Dấu Hiệu Xuống Cấp

Những dấu hiệu bất thường

DA hệ thống thủy lợi Tân Mỹ là công trình cấp I có dung tích 219,8 triệu m3 nước, được triển khai từ tháng 3/2012 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021.

Đây là DA trọng điểm có mức đầu tư 5.951 tỷ đồng, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, đầu tư. Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư hợp phần công trình đầu mối. Các hợp phần còn lại do địa phương làm chủ đầu tư. Tham gia thi công có nhiều đơn vị: Công ty Cổ phần Xây dựng 47, Công ty Tư vấn giám sát là Ban Quản lý dự án điện 1, Công ty Sông Đà 9...

Ngày 14/9/2021, chúng tôi có mặt tại xã Phước Hòa, huyện Bác Ái để xác thực thông tin do người dân cung cấp về những dấu hiệu kém chất lượng của các hạng mục thuộc DA hệ thống thủy lợi Tân Mỹ.

Theo ghi nhận, trên bề mặt đập phụ số 1, nhiều vết nứt chằng chịt xuất hiện trên một diện tích lớn bề mặt bê tông chạy dài theo thân đập. Những vết nứt này đã được đơn vị thi công trám bịt bằng keo, nhưng ngay cả mép keo mới bịt cũng lộ ra vết nứt, bề mặt vết keo trám có những chỗ có chiều rộng tới 2cm. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đây là đoạn bê tông do Công ty Sông Đà 9 thi công.

Tại bề mặt của thân đập chính (đoạn do Công ty Cổ phần 47 thi công), chúng tôi ghi nhận một đoạn mặt đập có chiều dài ước tính khoảng 250m xuất hiện chằng chịt những vết rạn nứt kéo dài và tỏa đi nhiều hướng. Tại đây, một đội công nhân đang gấp rút thi công những khoảng bê tông còn lại và khắc phục những vết rạn nứt bằng keo. Những vết rạn nứt này xuất hiện trên hầu khắp các tấm bê tông có chiều dài khoảng 5m, mặc dù đã được trám keo nhưng vết trám nhiều nơi vẫn không liền do mép vết trám và mép bê tông không gắn kết.

Tại hành lang dưới vai phải của đập chính, chúng tôi quan sát thấy hiện tượng nhiều đốt cấu kiện đúc sẵn trong quá trình ghép nối đã bị xô lệch tới khoảng 5 - 7cm so với mép cấu kiện liền kề, nhiều khe mép nối có hiện tượng thấm nước ra bề mặt.

Cũng tại hành lang này, nhiều vị trí bê tông đổ tại chỗ có hiện tượng rỗ. Một công nhân đi cùng chúng tôi còn nói: “Bê tông gì mà rời rạc như kẹo đậu phộng thiếu đường anh nhỉ”.

Tại nhiều đoạn ống thu nước từ thân đập, nước vẫn rò rỉ xuống nền hành lang mặc dù đã được lắp ống nhựa khá lớn dẫn nước thoát. Lượng nước từ những vị trí như thế này cũng làm cho nền hành lang biến thành hồ nước.

Đơn vị thi công và ban quản lý nói gì?

Để làm rõ vấn đề trên, chúng tôi đã gửi đề nghị đến Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7. Tại Công văn số 1114/BQL-NT, ông Trần Văn Phi, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7, cho rằng: “Về vết nứt trên mặt đập tại vị trí tiếp giáp giữa đập chính và đập phụ 1, đây là vị trí tiếp giáp là khối đổ bê tông cuối cùng chuyển tiếp giữa 2 đập nên chỉ trong phạm vi hẹp. Các vết nứt này là các vết nứt sinh ra do co mềm (khi bê tông trong giai đoạn đông kết và chưa có cường độ) và thay đổi nhiệt độ trong điều kiện khí hậu nóng, bề rộng vết nứt nằm trong phạm vi cho phép và không ảnh hưởng đến chất lượng công trình”.

Về dấu hiệu thấm nước tại hành lang đập chính, công văn này nêu: “Đập chính gồm 2 hành lang, hành lang thứ nhất tại cao trình + 164,9m, hành lang thứ 2 tại cao trình +144m, 2 hành lang thông nhau bằng giếng đứng, trong hành lang bố trí hệ thống lỗ khoan thoát nước dưới nền để giảm áp lực thấm, khi hoàn thiện sẽ lắp đặt hệ thống bơm tiêu nước ra phía hạ lưu (đối với đập chính, lưu lượng cho phép thấm vào hành lang là 24,4lít/giây)”.

Phía đơn vị này cũng cho biết thêm: “Việc có nước trong hành lang là nước mưa chảy qua lỗ khoan tiêu nước (hiện chưa được bịt do đang trong quá trình thi công) và từ lỗ thoát nước nền và không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, hiện nay nhà thầu đang tổ chức bơm cạn để hoàn thiện”.

Trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 cũng như lãnh đạo Công ty Cổ phần Xây dựng 47 về các vết nứt trên bề mặt bê tông, chúng tôi được trả lời: Việc xuất hiện các vết nứt bề mặt là có, nhưng những vết nứt về cơ bản là do bê tông bị co ngót do biên độ nhiệt. Các vết nứt đó đã được sửa lỗi bằng cách cắt tạo rãnh và trét keo, cho nên nó chỉ ảnh hưởng ít nhiều về mặt mỹ quan chứ hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Mặc dù Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 và đơn vị thi công DA này trả lời như vậy, nhưng khi chúng tôi tham khảo ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, công tác tư vấn và kiểm định các công trình xây dựng, thì được biết: Trong trường hợp bê tông co ngót mềm nứt trong quá trình hình thành cường độ, phạm vi nhỏ và phải xử lý (tức là bê tông có khuyết điểm không được như yêu cầu ban đầu). Trường hợp bề mặt có thiết kế khe định hướng co giãn thì trong lúc thi công phải đặt các thanh dẫn hướng, hoặc phải tiến hành cắt khe đúng thời điểm để dẫn hướng nứt. Trong trường hợp điều kiện khí hậu nắng nóng, nền nhiệt cao thì đơn vị thi công phải thực hiện các biện pháp che phủ, bảo dưỡng và thi công trong khung giờ phù hợp.

Tuy nhiên, nhiều công nhân ở đây lại cho biết: "Thời điểm thi công bê tông mặt, thời tiết hay nắng buổi sáng nhưng chiều tối lại mưa, nên chúng tôi thường đổ bê tông vào buổi trưa".

Theo nội dung trả lời tại Công văn 1114 của Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7, quá trình thi công các đơn vị đã lập quy trình giám sát chất lượng thi công công trình. Chủ đầu tư giám sát chặt chẽ về công tác kiểm soát chất lượng, từng khối đổ bê tông đều tổ chức lấy mẫu đúc tại hiện trường và đã khoan lấy nõn tại thân các đập, kết quả đều đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình đã tổ chức kiểm tra 6 lần trong quá trình thi công. Các đợt kiểm tra Hội đồng đều kết luận công trình đảm bảo yêu cầu chất lượng ...

Theo trả lời trên, quá trình thi công đảm bảo chất lượng, được các tổ chức chuyên môn giám sát bài bản, nhưng tại sao thực tế lại đầy rẫy vết nứt như vậy? Việc chủ đầu tư và nhà thầu thi công cho rằng những phản ánh tại hiện trường mà chúng tôi ghi nhận không ảnh hưởng đến chất lượng công trình có là thỏa đáng?

Từ những dấu hiệu bất thường trên có thể thấy, công trình trọng điểm có mức đầu tư “khủng” nhưng chưa đưa vào nghiệm thu, bàn giao sử dụng đã bộc lộ nhiều dấu hiệu bất thường về chất lượng. Những biểu hiện đó là đáng quan ngại và cần được khắc phục triệt để trong thời gian sớm nhất để không ảnh hưởng đến kết cấu, an toàn cũng như mỹ quan của công trình. Bên cạnh đó, cần thanh tra làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nếu có hành vi “rút ruột” công trình khiến chất lượng không đảm bảo thì phải xử lý nghiêm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Từ khóa » đường ống Dẫn Nước ở Hồ Tân Mỹ Ninh Thuận