Công Ty 'lên Sàn' Chứng Khoán Khi Nào? - PLO

Bạn đọc NNTT gửi câu hỏi về cho PLO với nội dung: “Công ty của em là công ty cổ phần kinh doanh bất động sản. Em làm đã lâu năm; thấy công ty lương, thưởng rất tốt so với mặt bằng chung nhưng sao công ty em vẫn chưa niêm yết trên sàn chứng khoán. Có phải công ty em chưa đủ mạnh hay không? Hay là niêm yết trên sàn có bất lợi gì nên lãnh đạo công ty em chưa cho lên sàn?”.

Trả lời cho câu hỏi trên, ThS Lưu Minh Sang (giảng viên môn luật Tài chính - ngân hàng - chứng khoán, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) cho biết:

Theo quy định của pháp luật chứng khoán hiện hành, cổ phiếu được giao dịch tại các sàn giao dịch chứng khoán đều là cổ phiếu của một công ty cổ phần đã trở thành công ty đại chúng.

Theo đó, công ty cổ phần sẽ trở thành công ty đại chúng nếu thuộc vào một trong ba trường hợp sau: (1) Đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; (2) Có cổ phiếu được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán; (3) Có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỉ đồng trở lên.

Khi trở thành công ty đại chúng, tùy vào điều kiện thực tế và chiến lược của công ty, cổ phiếu của công ty sẽ được giao dịch một trong ba trường sàn giao dịch sau: (1) Hệ thống giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCOM); (2) Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX); (3) Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Ảnh: TẤN THẠNH/NLĐ

Theo đó, công ty muốn đưa cổ phiếu niêm yết tại HOSE hoặc HNX thì phải đáp ứng nhiều điều kiện theo quy định pháp luật và quy chế niêm yết do Sở Giao dịch ban hành, bao gồm:

Về vốn điều lệ: Công ty phải có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 120 tỉ đồng trở lên (tại HOSE) và 30 tỉ đồng trở lên (tại HNX) tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán.

Về thời gian hoạt động: Có ít nhất hai năm hoạt động (tại HOSE), ít nhất một năm hoạt động (tại HNX) dưới hình thức công ty cổ phần tính đến thời điểm đăng ký niêm yết.

Về hiệu quả kinh doanh: (1) Tỉ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm gần nhất tối thiểu là 5%; (2) Không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm; (3) Không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký niêm yết; (3) Tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán báo cáo tài chính.

Về cơ cấu cổ đông: Điều kiện tại HOSE yêu cầu tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ. Tại HNX yêu cầu tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ.

Về cam kết nắm giữ cổ phần: Cổ đông là cá nhân, tổ chức có đại diện sở hữu là thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, giám đốc (tổng giám đốc), phó giám đốc (phó tổng giám đốc) và kế toán trưởng của công ty; cổ đông lớn là người có liên quan với thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, giám đốc (tổng giám đốc), phó giám đốc (phó tổng giám đốc) và kế toán trưởng của công ty phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian sáu tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu này trong thời gian sáu tháng tiếp theo, không tính số cổ phiếu thuộc sở hữu Nhà nước do các cá nhân trên đại diện nắm giữ.

Về thủ tục niêm yết: Có hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu hợp lệ theo quy định.

Một số điều kiện áp dụng riêng tại HOSE: (1) Hoạt động kinh doanh của hai năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi; (2) Công khai mọi khoản nợ đối với công ty của người quản lý, Ban kiểm soát, cổ đông lớn và những người có liên quan (chỉ áp dụng tại HOSE).

Đối với những công ty đại chúng không đủ điều kiện niêm yết hoặc đủ điều kiện niêm yết nhưng chưa niêm yết trên HOSE hoặc HNX hoặc bị hủy niêm yết thì phải đăng ký giao dịch tại sàn UPCOM.

Lợi, hại của việc niêm yết trên sàn chứng khoán

Việc cổ phiếu của một công ty được giao dịch tại sàn giao dịch có tổ chức như HOSE, HNX, UPCOM sẽ là một ưu thế rất lớn đối với công ty trong việc tiếp cận nguồn vốn từ thị trường chứng khoán thông qua hoạt động chào bán cổ phiếu dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Đồng thời, công ty cũng sẽ hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn dưới sự giám sát của công chúng đầu tư. Mặt khác, cổ đông có thể dễ dàng thoái vốn hoặc thay đổi chiến lược đầu tư nhờ tính thanh khoản có được từ việc giao dịch cổ phiếu qua sàn giao dịch.

Khi công ty cổ phần đã là công ty đại chúng thì phát sinh thêm một số chi phí tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý đặc thù như: Nghĩa vụ đăng ký, lưu ký cổ phiếu; nghĩa vụ quản trị công ty với khuôn khổ riêng và chặt chẽ hơn; nghĩa vụ công bố thông tin.

Việc tuân thủ nghĩa vụ này phần nào sẽ phát sinh thêm chi phí tuân thủ. Thêm vào đó, việc giao dịch cổ phiếu dễ dàng qua sàn cũng phát sinh nguy cơ công ty bị thâu tóm, cơ cấu cổ đông không ổn định.

Tuy vậy, việc đại chúng hóa công ty cổ phần và đưa cổ phiếu vào giao dịch tại các sàn giao dịch vẫn đang là xu hướng tất yếu và mang lại nhiều lợi ích to lớn.

ThS LƯU MINH SANG, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

Hai công ty của bầu Đức bị đưa vào diện kiểm soát
(PLO)- Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa đưa ra quyết định với hai công ty của bầu Đức là Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) lần lượt vào diện cảnh báo và kiểm soát. HOA THI Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » điều Kiện Lên Sàn Chứng Khoán Hnx