Công Ty Liên Doanh Là Gì? Các Quy định Về Công Ty Liên Doanh?

Mục lục bài viết

  • 1 1. Công ty liên doanh là gì?
  • 2 2. Đặc điểm về công ty liên doanh:
  • 3 3. Các quy định về công ty liên doanh:
    • 3.1 3.1. Đối với công ty liên doanh được thành lập theo hình thức công ty cổ phần:
    • 3.2 3.2. Đối với công ty liên doanh được thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên:
    • 3.3 3.3. Các quy định chung:

1. Công ty liên doanh là gì?

Công ty liên doanh hay doanh nghiệp liên doanh được hiểu là doanh nghiệp do hai hoặc nhiều bên công ty hợp tác thành lập tại Việt Nam hoặc hiệp định ký giữa Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước ngoài; hay là doanh nghiệp do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam; hoặc do doanh nghiệp liên doanh hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở hợp đồng liên doanh.

Về mặt hình thức, công ty liên doanh thường được thành lập dưới dạng công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn

Công ty liên doanh bao gồm các loại sau:

– Liên doanh hội nhập phía trước (Forward integration joint venture):  theo hình thức này, các bên thỏa thuận đầu tư cùng nhau trong các hoạt động kinh doanh thuộc mảng xuôi dòng – điều này được lí giải là các hoạt động tiến dần đến việc sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh hay phục vụ đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng.

– Liên doanh hội nhập phía sau (Backward integration joint venture): là hình thức liên doanh mà ở đó các công ty có dấu hiệu chuyển sang các hoạt động kinh doanh thuộc mảng ngược dòng – tức là các hoạt động tiến dần đến việc sản xuất và khai thác các nguyên liệu thô ban đầu.

– Liên doanh mua lại (Buyback joint venture) là hình thức liên doanh trong đó các đầu vào được cung cấp hoặc/và các đầu ra được tiếp nhận bởi từng đối tác trong liên doanh.

– Liên doanh đa giai đoạn (Multistage joint venture) là hình thức liên doanh trong đó một đối tác hội nhập mảng xuôi dòng (downstream) trong khi đối tác kia hội nhập trong mảng ngược dòng (upstream).

Ưu điểm của công ty liên doanh:

+ Sự chia sẻ rủi ro dành cho các đối tác trong phần đóng góp của mình, điều này làm giảm thiểu gánh nặng so với công ty sở hữu toàn bộ.

+ Có khả năng thâm nhập những thị trường mà một trong các đối tác đang hoạt động. Nhà đầu tư việt nam còn có điều kiện tiếp cận với công nghệ hiện đại, phong cách và trình độ quản lý kinh tế tiên tiến. đối với bên nước ngoài.

+ Nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Nhược điểm của công ty liên doanh:

+ Có thể xảy ra tranh chấp giữa các chủ sở hữu.

+ Việc phân chia lợi nhuận có sự ảnh hưởng trong chính sách của đất nước.

+ Có sự ràng buộc chặt chẽ trong một pháp nhân chung giữa các bên hoàn toàn khác nhau không chỉ về ngôn ngữ mà còn về truyền thống, phong tục, tập quán, phong cách kinh doanh, do vậy có thể phát sinh những mâu thuẫn không dễ gì giải quyết.

Công ty liên doanh trong Tiếng anh là “Joint Venture Company”.

2. Đặc điểm về công ty liên doanh:

– Đặc điểm cốt lõi nhất về công ty liên doanh là có sự phối hợp cùng góp vốn đầu tư sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư Việt Nam.

– Tỷ lệ góp vốn của mỗi bên sẽ quyết định tới mức độ tham gia quản lý doanh nghiệp, tỷ lệ lợi nhuận được hưởng cũng như rủi ro mỗi bên tham gia liên doanh phải gánh chịu.

– Doanh nghiệp liên doanh có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam.

– Đối tác liên doanh là các doanh nghiệp trong nước hoặc ngoài nước.

– Công ty liên doanh được thành lập như một công ty độc lập

3. Các quy định về công ty liên doanh:

3.1. Đối với công ty liên doanh được thành lập theo hình thức công ty cổ phần:

-Chủ thể: Là các pháp nhân theo quy định của pháp luật.

-Hồ sơ đăng ký:

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tưnước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

b) Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

3.2. Đối với công ty liên doanh được thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên:

– Chủ thể: Là các pháp nhân theo quy định của pháp luật.

– Hồ sơ đăng ký:

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

b) Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư

3.3. Các quy định chung:

– Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp

1. Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức sau đây:

a) Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;

b) Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;

c) Đăng ký doanh nghiệp mạng thông tin điện tử

2. Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử bao gồm các dữ liệu theo quy định của Luật này và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy.

3. Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

4. Tài khoản đăng ký kinh doanh là tài khoản được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cấp cho cá nhân để thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Cá nhân được cấp tài khoản đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký để được cấp và việc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

– Mã số doanh nghiệp

1. Mã số doanh nghiệp là dãy số được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, được cấp cho doanh nghiệp khi thành lập và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có một mã số duy nhất và không được sử dụng lại để cấp cho doanh nghiệp khác.

2. Mã số doanh nghiệp được dùng để thực hiện nghĩa vụ về thuế, thủ tục hành chính và quyền, nghĩa vụ khác.

– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp;

2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;

3. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;

4. Vốn điều lệ đối với công ty.

– Tên doanh nghiệp:

1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

a) Loại hình doanh nghiệp;

b) Tên riêng.

2. Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.

3. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

4. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, vănphòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

5. Căn cứ vào quy định tại Điều này và các điều 38, 39 và 41 của Luật này, Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp.

– Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp

1. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.

2. Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

3. Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.

Từ khóa » Các Công Ty Liên Doanh Là Gì