Công Ty TNHH Hai Thành Viên Trở Lên Là Gì? Đặc điểm Và Mô Hình Tổ ...
Có thể bạn quan tâm
Mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên là mô hình mang tính chất trung gian giữa mô hình công ty đối nhân và mô hình công ty đối vốn. Vì thế, nó kết hợp được những ưu điểm nổi bật của cả hai mô hình này: tăng khả năng huy động vốn so với doanh nghiệp tư nhân; giảm rủi ro cho thành viên (do chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn); đồng thời, do có hạn chế về thành viên tham gia nên việc quản lý không phức tạp và rủi ro như với công ty cổ phần. Đây là mô hình rất thích hợp đối với những nhà đầu tư vừa và nhỏ.
Mục lục bài viết
- 1 1. Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là gì?
- 2 2. Thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên:
- 3 3. Quyền lợi của các thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên:
- 4 4. Về vốn điều lệ công ty TNHH hai thành viên trở lên:
- 5 5. Trách nhiệm tài sản của thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên:
- 6 6. Chuyển nhượng phần vốn góp công ty TNHH hai thành viên trở lên:
- 7 7. Huy động vốn công ty TNHH hai thành viên trở lên:
1. Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là gì?
Điều 47, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về công ty TNHH hai thành viên trở lên như sau:
“1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó:
a) Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50;
b) Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật này;
c) Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các Điều 52, 53 và 54 của Luật này.Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phần.”
Theo đó, công ty TNHH hai thành viên trở lên có một số đặc điểm như sau:
2. Thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên:
Thành viên của công ty TNHH hai thành viên có tối thiểu là hai và tối đa không quá 50 thành viên. Về tư cách thành viên: thành viên của Công ty TNHH hai thành viên trở lên là cá nhân, tổ chức có thể có quốc tịch Việt Nam hoặc nước ngoài. Tuy nhiên cá nhân, tổ chức này không thuộc các trường hợp cấm thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp quy định tại điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014.
Trong trường hợp kết nạp thêm thành viên dẫn đến vượt quá số thành viên tối đa, công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần (theo quy định tại điều 196, Luật Doanh nghiệp 2014). Công ty TNHH hai thành viên trở lên muốn chuyển đổi thành Công ty Cổ phần có nhiều phương thức chuyển đổi khác nhau. Cụ thể:
+ Chỉ chuyển đổi loại hình Công ty mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn hoặc không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác.
+ Chuyển đổi bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn. Trường hợp này ngoài thay đổi loại hình công ty còn có sự thay đổi về chủ sở hữu; đó là những tổ chức, cá nhân góp thêm vốn và tăng vốn điều lệ.
+ Chuyển đổi bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác. Trường hợp này tuy không có sự thay đổi vốn điều lệ nhưng có sự thay đổi về chủ sở hữu do có sự chuyển nhượng vốn.
+ Kết hợp các phương thức trên.
3. Quyền lợi của các thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên:
Các thành viên trong Công ty TNHH 2 thành viên được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; được chia giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với phần vốn góp khi công ty giải thể hoặc phá sản; được ưu tiên góp thêm vốn vào công ty khi công ty tăng vốn điều lệ. Ngoài ra, các thành viên còn được quy định một số quyền liên quan đến định đoạt phần vốn góp:
+ Mua lại phần vốn góp (Điều 52 Luật Doanh nghiệp năm 2014): Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình, nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết của Hội đồng thành viên về vấn đề về sửa đổi, bổ sung Điều lệ liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, tổ chức lại công ty và các trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.
+ Chuyển nhượng phần vốn góp (Điều 53 Luật Doanh nghiệp năm 2014): Thành viên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác, nhưng phải chào bán cho thành viên còn lại trong công ty theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện. Sau 30 ngày nếu các thành viên còn lại không mua hoặc không mua hết, thành viên chuyển nhượng phần vốn góp mới có quyền chuyển nhượng cho người ngoài.
+ Xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt (Điều 54 Luật Doanh nghiệp năm 2014): Thành viên có quyền dùng vốn góp của mình để trả nợ; Trường hợp thành viên là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của thành viên đó là thành viên của công ty. Trường hợp thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố mất tích thì người quản lý tài sản của thành viên đó theo quy định của pháp luật về dân sự là thành viên của công ty; Trường hợp có thành viên bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự thì quyền và nghĩa vụ của thành viên đó trong công ty được thực hiện thông qua người giám hộ;
+ Trường hợp phần vốn góp của thành viên là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì phần vốn góp đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự;
+ Tuỳ vào thoả thuận của các thành viên. Các thành viên có thể thêm các quyền lợi ngoài các quyền trên vào điều lệ công ty. Miễn rằng quyền hạn không vượt quá quy định của luật doanh nghiệp.
4. Về vốn điều lệ công ty TNHH hai thành viên trở lên:
Theo khoản 1 điều 48 luật doanh nghiệp 2014, vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên là tổng giá trị vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty. Việc góp vốn phải được hoàn thành trong vòng 90 ngày kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn quy định này mà vẫn có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì được xử lý như sau:
– Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;
– Thành viên chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;
– Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên.
Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp.
Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp.
Trong công ty TNHH 2 thành viên, các thành viên không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp mua lại vốn góp, chuyển nhượng vốn góp, xử lý vốn góp trong trường hợp đặc biệt và thay đổi vốn điều lệ công ty.
5. Trách nhiệm tài sản của thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên:
Khoản 3 điều 76 của Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty và tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt các chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với các chi tiêu trên cương vị là Chủ tịch công ty và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc”.
Theo quy định trên thì công ty trách nhiệm hữu hạn là một loại hình công ty theo đó chủ doanh nghiệp hoặc người góp vốn phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty trong phạm vi tài sản vốn góp, cụ thể là tài sản của công ty.
Thành viên của công ty TNHH hai thành viên phải chịu trách nhiệm cá nhân khi nhân danh công ty để thực hiện các hành vi sau:
– Tiến hành kinh doanh hoặc giao dịch khác không nhằm phục vụ lợi ích của công ty và gây thiệt hại cho người khác;
– Thanh toán khoản nợ chưa đến hạn trước nguy cơ tài chính có thể xảy ra đối với công ty.
Về tư cách pháp lý:
Có tư cách pháp nhân kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty chỉ chịu trách nhiệm về các khoảng nợ nằm trong phạm vi số vốn góp vào công ty, chính vì thế có sự tách biệt rõ rệt giữa tài sản của công ty với tài sản của cá nhân, tổ chức khác và công ty sẽ tự chịu trách nhiệm bằng chính tài sản đó của mình.
6. Chuyển nhượng phần vốn góp công ty TNHH hai thành viên trở lên:
Mặc dù là công ty đối vốn, nhưng mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên vẫn mang tính chất đối nhân nhất định, nên việc chuyển nhượng phần vốn góp bị hạn chế (do việc chuyển nhượng này sẽ dẫn đến sự thay đổi thành viên, khi chuyển nhượng, thành viên của công ty sẽ được quyền ưu tiên mua. Việc chuyển nhượng phần vốn góp được quy định tại Điều 52, 53, 54 Luật Doanh nghiệp 2014.
Công ty TNHH hai thành viên trở lên còn mang các đặc trưng của hình thức công ty đối nhân. Bởi đặc tính này, việc chuyển nhượng phần vốn của thành viên bị hạn chế và giữa các thành viên thường có mối quan hệ thân thiết… Thông thường, giữa các thành viên của công ty đã có mối quan hệ gần gũi, tin cậy. Bản thân các thành viên luôn giữ vai trò rất quan trọng trong việc thành lập công ty này. Hay nói cách khác, “công ty tồn tại dựa trên sự quen biết và tin tưởng giữa các thành viên. Mối quan hệ cá nhân giữa họ là nền tảng cho công ty TNHH”. Chính từ sự hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau giữa các thành viên nên công ty TNHH có sự đồng thuận, gắn bó chặt chẽ với nhau. Khi quyết định các vấn đề của công ty sẽ dễ dàng có được sự ủng hộ, đồng tình và sự cố gắng thực hiện từ các thành viên khác. Đây là lợi thế của các loại hình công ty thuộc hình thức của công ty đối nhân mà công ty TNHH hai thành viên trở lên có được.
Việc chuyển nhượng phần vốn trong công ty TNHH hai thành viên tương đối khó khăn. Sở dĩ như vậy là vì chính bản thân các thành viên giữ vai trò rất quan trọng trong việc thành lập công ty. Về nguyên tắc, thành viên có nhu cầu chuyển nhượng chỉ được chuyển nhượng vốn cho người không phải là thành viên trong trường hợp đã chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại và chỉ khi các thành viên còn lại này của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán. Bởi lẽ, “công ty TNHH mang tính chất một công ty đối nhân, vì việc chuyển nhượng phần hội cũng cần phải được sự đồng ý của các hội viên. Mọi chuyển nhượng phần hội cho người ngoài đều phải được sự đồng ý của các hội viên”. Qua đó cho thấy, việc thay đổi thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở nên khá khó khăn và phức tạp.
7. Huy động vốn công ty TNHH hai thành viên trở lên:
Công ty TNHH hai thành viên trở lên không được phát hành cổ phần. Việc huy động vốn có thể được thực hiện bằng các hình thức như: vay từ các tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu, huy động thêm vốn từ các thành viên hoặc kết nạp thêm thành viên mới (trong phạm vi số thành viên tối đa, nếu quá có thể chuyển sang mô hình công ty cổ phần).
Pháp luật quy định công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu khi đáp ứng các điều kiện của luật định. Tuy nhiên, ngay cả khi công ty được phép huy động vốn bằng phương pháp phát hành trái phiếu thì cũng phải thỏa mãn các quy định không mấy dễ dàng của pháp luật chứng khoán và các văn bản hướng dẫn phát hành chứng khoán. Mặt khác, do số lượng thành viên của công ty bị giới hạn, nên khả năng huy động vốn của công ty luôn gặp nhiều khó khăn trên thực tế.
Hạn chế rất lớn của công ty TNHH hai thành viên trở lên là luôn bị pháp luật ràng buộc, không cho phép ít hơn 02 thành viên và không được vượt quá 50 thành viên. Điều này gây khó khăn rất lớn, vì với biến động kinh doanh và nhu cầu phát triển thì khó có thể khẳng định trước rằng, đến giai đoạn nào, công ty cần phải mở rộng quy mô, hoặc có thêm nhu cầu huy động vốn.
Từ khóa » đặc điểm Cty Tnhh 2 Thành Viên Trở Lên
-
Đặc điểm Của Công Ty TNHH 2 Thành Viên Trở Lên - LuatVietnam
-
Công Ty TNHH 2 Thành Viên Là Gì ? Đặc điểm Công ... - Luật Minh Khuê
-
Khái Niệm, đặc điểm Công Ty TNHH Hai Thành Viên Trở Lên ?
-
Công Ty TNHH Hai Thành Viên Trở Lên Là Gì ? Khái Niệm Và đặc điểm
-
Đặc điểm Của Công Ty TNHH 2 Thành Viên Trở Lên - THAIHA LAW
-
Khái Niệm, đặc điểm Công Ty TNHH Hai Thành Viên Trở Lên - AZLAW
-
Công Ty TNHH 2 Thành Viên Là Gì - Luật Hoàng Phi
-
Đặc điểm Của Công Ty TNHH Hai Thành Viên Trở Lên
-
Đặc điểm Công Ty TNHH 2 Thành Viên Trở Lên
-
Luật Công Ty TNHH Hai Thành Viên Trở Lên - Thành Lập Doanh Nghiệp
-
Khái Niệm & đặc điểm Công Ty TNHH Hai Thành Viên Trở Lên
-
Công Ty Tnhh 2 Thành Viên Là Gì? (Khái Niệm Và đặc điểm) 2022
-
Đặc điểm Pháp Lý Của Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Hai Thành Viên ...
-
Đặc điểm Của Công Ty TNHH 2 Thành Viên - Luật Sư Online