CÔNG TY TNHH MTV DỆT 8-3: Dệt Tiếp Những ước Mơ

Được đặt tên theo Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm trong ngày khánh thành. Nhiều năm qua, Công ty TNHH MTV Dệt 8-3 (Dệt 8-3) luôn nhớ lời căn dặn của Bác, trở thành điển hình tiên tiến của Tập đoàn Dệt May Việt Nam sau khi di dời khỏi nội đô, từng bước đưa thương hiệu Sợi của Dệt 8-3 định hình và có chỗ đứng trên thị trường với những sản phẩm sợi chất lượng, có tính đặc thù cao.

Những trang sử hào hùng

Nhắc đến Dệt 8-3, trong ký ức của những cao niên Hà Nội, không ai không biết đến khu liên hiệp Dệt lớn nhất nhì Thủ đô tại khu vực phố Minh Khai. Ngày 8/3/1960, những nhát cuốc đầu tiên trên công trường xây dựng nhà máy được bổ xuống, chính thức đặt những viên gạch đầu tiên trong việc hình thành Dệt 8-3, theo chủ trương của Nhà nước xây dựng một nhà máy Dệt có quy mô lớn tại khu vực Hà Nội để phục vụ sợi và vải cho nhân dân, lực lượng vũ trang… tạo công ăn việc làm cho lao động Thủ đô, nhất là lao động nữ.

Sau 5 năm, vào ngày 8/3/1965, Nhà máy được khánh thành. Buổi chiều cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm nhà máy. Bác đã xuống từng phân xưởng thăm nơi làm việc, nơi ăn chốn ở và trò chuyện cùng CBCNV. Tới phân xưởng nhuộm, bác rất vui lòng khi gặp ở đây nhiều anh chị em từ miền Nam ra tập kết, nay được đào tạo thành những công nhân, cán bộ lành nghề, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng sẽ là lực lượng nòng cốt đảm nhiệm công tác, phát triển kinh tế. Trước hơn 3000 CBCNV của Nhà máy, Bác căn dặn: “Nhà máy Dệt 8-3 ra đời là thành quả đổi bằng mồ hôi, xương máu của bao chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do, lại được mang tên Ngày Quốc tế phụ nữ, vì vậy mỗi cán bộ, công nhân, viên chức nhà máy phải làm việc hết sức mình để xứng với niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao đó”.

Bác Hồ thăm Dệt 8-3 vào ngày 8/3/1965

Nhớ lời căn dặn của Bác, trong suốt giai đoạn 1965 -1975, Dệt 8-3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vừa sản xuất vừa chiến đấu. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 của Đế quốc Mỹ, cùng với Nhà máy Cơ khí Mai Động, Nhà máy Xay Lương Yên, Kẹo Hải Châu… Dệt 8-3 đã tạo ra bản hùng ca với trận địa Vân Đồn máu lửa của 12 ngày đêm chiến đấu, bắn rơi 1 chiếc F4 của quân địch. Hòa bình lập lại, được tôi luyện trong chiến tranh và ý chí quật cường, Dệt 8-3 một lần nữa lại một trong những đơn vị then chốt, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu Nhà nước giao. Sau 25 năm hình thành, bằng những cố gắng không ngừng, Dệt 8-3 đã trở thành một trong những tổ hợp nhà máy Dệt lớn nhất khu vực Hà Nội và miền Bắc, với 2 phân xưởng Sợi, 1 phân xưởng Dệt có 1.310 máy, 1 phân xưởng nhuộm, 1 phân xưởng chỉ khâu, 1 phân xưởng cơ khí, 1 phân xưởng tổng hợp, 1 phân xưởng thoi suốt, 1 phân xưởng động lực… với gần 7.000 CBNV trong đó 78% là nữ.

Thời kỳ 1990 – 2000 là một trong những giai đoạn bản lề của Dệt 8-3 trong việc hội nhập với kinh tế thị trường. Năm 1993, Nhà máy được đổi tên thành Nhà máy liên hợp Dệt 8-3 và sau đó 1 năm được đổi tên thành Công ty Dệt 8-3. Xác định rõ mục tiêu khi trở thành công ty, Dệt 8-3 đã từng bước tinh gọn bộ máy, xác định thị trường, khách hàng, cơ cấu thị trường… từng bước gặt được những thành quả ban đầu với việc đầu tư mở rộng các nhà máy mới như nhà máy Sợi có quy mô 2,1 vạn cọc sợi, bổ sung 28 máy Dệt kiếm Picanol…

Vượt qua khó khăn

Giai đoạn 2000 – 2010 là một trong những thời điểm thực sự khó khăn của Dệt 8-3 khi thực hiện chủ trương di dời các Nhà máy, Xí nghiệp ra khỏi nội đô của Chính phủ và UBND TP. Hà Nội. Giai đoạn này, để chuẩn bị cho công tác di dời, Dệt 8-3 đã phải tạm dừng đầu tư các dự án mới cũng như thay thế các thiết bị đã cũ. Do đó năng suất, hiệu suất bị giảm đi đáng kể, trong khi đó nhiều thiết bị không sử dụng vẫn phải trích tiền khấu hao. Đồng thời, công ty cũng phải chi trả một số chi phí như lãi ngân hàng, nguyên phụ liệu, giải quyết chế độ cho người lao động nghỉ việc theo Bộ Luật lao động.

Đến năm 2011, Dệt 8-3 chính thức hoàn thành di dời, chuyển nhà máy Dệt ra khu đất công ty mua tại Yên Mỹ, Hưng Yên, đồng thời chuyển nhà máy Sợi ra khu đất thuê tại Phú Xuyên. Ông Phạm Văn Tuyên – Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Dệt 8-3 cho biết, đây là thời điểm đặc biệt khó khăn của Dệt 8-3 khi vừa mất đi lực lượng lao động, chỉ có một phần rất nhỏ người lao động đi cùng nhà máy, thiết bị di dời từ nhà máy cũ đã lạc hậu, năng suất thấp. Điều này đã khiến cho công ty phải tìm kiếm và đào tạo lại nguồn lao động, cũng như tính toán các phương án để đầu tư, nâng cấp các thiết bị cũ. Với khoản kinh phí được đền bù sau di dời, cùng sự hỗ trợ và đồng ý của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, HĐTV của công ty đã quyết định tái cấu trúc lại toàn bộ hoạt động của công ty và các khoản đầu tư.

Đến năm 2014, Công ty đầu tư nhà máy Sợi đầu tiên quy mô 2 vạn cọc tại Yên Mỹ (Hưng Yên). Tuy nhiên, theo lãnh đạo Dệt 8-3, với nguồn lực có hạn, quy mô nhà máy được đầu tư còn rất khiêm tốn. Mặt khác, đây là thời điểm mà đơn vị phải bắt đầu xây dựng lại từ thị trường, cho tới nguồn lao động có tay nghề… phải tuyển dụng và đào tạo lại toàn bộ lao động, cho tới các vị trí quản lý.

“Sau một thời gian ngắn, ngay năm đầu tiên đi vào hoạt động (cuối năm 2015), bằng những biện pháp quản lý mới, môi trường sản xuất luôn luôn được cập nhật, cải tiến, nên ngay trong năm đầu Dệt 8-3 đã có thị trường, cùng với sản xuất tương đối tốt, nên năm đầu tiên đưa nhà máy vào sản xuất (năm 2016) đã có lợi nhuận và liên tục từ năm 2016 đến 2018 đều có hiệu quả”- Ông Phạm Văn Tuyên cho biết.

Năm 2017, Dệt 8-3 tiếp tục đầu tư thêm Nhà máy Sợi 2 có quy mô tương tư Nhà máy Sợi 1. Đúc kết các kinh nghiệm trong việc đầu tư nhà máy Sợi 1, đây là nhà máy có thời gian xây dựng nhanh nhất, đồng bộ nhất trong các nhà máy của Vinatex lúc bấy giờ. Quá trình triển khai dự án, từ khi động thổ cho tới khi nhà máy được vận hành chỉ vỏn vẹn trong 10 tháng. Mà theo lãnh đạo của công ty, đó là thời gian xây dựng nhanh kỷ lục, ngay cả các đơn vị tư nhân hay FDI có nguồn lực mạnh cũng có thể không hoàn thành nhanh như vậy. Điều này một phần từ sự ủng hộ của Tổng Công ty Dệt May miền Bắc Vinatex (VNC) và Tập đoàn Dệt May Việt Nam nên việc triển khai đầu tư thuận lợi và khẩn trương. Đồng thời, trong quá trình triển khai xây dựng Nhà máy Sợi 2, Dệt 8-3 còn thay thế một số thiết bị cũ tại Nhà máy Sợi 1 để nâng cao năng suất, cũng như đưa vào vận hành các loại sợi mới, phục vụ thị trường.

Nâng cao được quy mô và năng lực sản xuất nhưng Dệt 8-3 lại đứng trước thách thức mới. Năm 2018-2019, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành Sợi, trong đó có Dệt 8-3. Tới năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đã khiến cho thị trường Sợi đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh thương mại lại thêm phần “bất ổn”. Đứng trước những thách thức mới, khi thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, Dệt 8-3 đã chủ động linh hoạt, thích ứng, sản xuất các mặt hàng sợi cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty thừa nhận rằng hiệu quả của 3 năm 2018 – 2020 không cao. Nhưng, trải qua 3 năm vô cùng khó khăn, tính đến 31/12/2020, lợi nhuận lũy kế của 2 nhà máy vẫn dương. Đây có thể được coi là một trong những tín hiệu tích cực cũng như giúp Dệt 8-3 là một trong số ít các đơn vị có lợi nhuận trong những năm ngành Sợi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nhân lên niềm tự hào

Trải qua nhiều năm thị trường sợi khó khăn, ngay từ cuối năm 2020 và đầu 2021 thị trường ngành Sợi đã bắt đầu ấm lên với nhiều tín hiệu khởi sắc. Cùng công tác điều hành, quản trị sản xuất, tiết giảm chi phí, tinh giản bộ máy, Dệt 8-3 với quy mô “khiêm tốn” với 4 vạn cọc sợi đã có lợi nhuận chạm ngưỡng 3 con số.

“Để đạt được con số đó, ngoài những thuận lợi và khó khăn, đó là sự cố gắng của toàn thể CBNV và NLĐ. Từ những người đứng đầu công ty là HĐTV, cơ quan điều hành, cho tới toàn bộ CBNV đã xây dựng môi trường đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ… Ở đó luôn hiển hiện khí thế khẩn trương, hăng say làm việc trong một môi trường nhân văn, phát triển và cảnh quan ngày một tươi mới. Đây có lẽ “điểm khác biệt” ấn tượng của Dệt 8-3 cũng như Vinatex, khi Lãnh đạo Tập đoàn, đối tác, khách hàng nước ngoài, đồng nghiệp đến làm việc tại Nhà máy đều đánh giá cao về môi trường, không khí làm việc nơi đây. Đặc biệt, trong thời điểm 3 tại chỗ hay ngay tại thời điểm này, mặc dù thiếu lao động do nhiều lao động bị nhiễm Covid-19 phải cách ly theo qui định của địa phương, nhưng với sự điều hành linh hoạt, cùng với sự chia sẻ, đồng lòng tương trợ nhau của NLĐ, Công ty vẫn giữ được sản lượng, không bị tăng chi phí sản xuất, giữ được đơn hàng. Lợi nhuận đã có được ngay từ Quý 1/2022”-Tổng Giám đốc Dệt 8-3 nhấn mạnh.

Cũng theo Lãnh đạo Công ty, để phát huy hiệu suất lao động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đơn vị chủ trương xây dựng mô hình tổ chức quản lý tinh gọn, nâng cao hiệu lực hiệu quả của bộ máy, xây dựng văn hoá Công ty, hướng tới môi trường làm việc tốt nhất cho NLĐ không chỉ trong xưởng sản xuất mà cả cảnh quan xung quanh. CBNV-NLĐ được quan tâm cả đời sống vật chất và tinh thần dựa trên cơ sở quan hệ lao động hài hoà. Bên cạnh đó, Công ty chú trọng tuyển dụng, đào tạo, sàng lọc để có được bộ máy quản lý, kỹ thuật mạnh. Không ngừng đổi mới quản lý cho phù hợp tình hình mới, áp dụng KHKT, CNTT vào quản trị sản xuất, tiếp tục bổ sung và đầu tư thêm các nhà máy mới theo hướng hiện đại cao (tự động hóa) – Smart Factory…

Cùng với chiến lược chung của Tập đoàn Dệt May Việt Nam tới năm 2025, tầm nhìn 2030, Dệt 8-3 sẽ tiếp tục là một trong những mắt xích quan trọng của khu vực miền Bắc trong việc cung ứng các mặt hàng Sợi, khâu đầu tiên của chuỗi cung ứng. Trước định hướng lâu dài sẽ chỉ phát triển ngành Sợi, Dệt 8-3 sẽ là đơn vị duy nhất trong Vinatex sản xuất các mặt hàng sợi có chi số thấp (Ne 13) mà rất ít các đơn vị trong nước sản xuất. Nhằm chuyên biệt và khác biệt hóa, Dệt 8-3 còn sản xuất các sản phẩm sợi siro thường, sợi bọc spandex, sợi siro slub, sợi đa thành phần nguyên liệu… phục vụ sản xuất các mặt hàng như quần jean, kaki, đồ bảo hộ. Đồng thời cùng với định hướng phát triển bền vững của ngành Dệt May, Dệt 8-3 cũng sẽ nghiên cứu, thăm dò thị trường để sản xuất các mặt hàng sợi recycle, sợi organic… thân thiện với môi trường.

Định hướng tới năm 2025, Dệt 8-3 sẽ tiếp tục nâng quy mô, đầu tư thêm 1 Nhà máy 3 vạn cọc sợi để nâng công suất lên 7 vạn cọc sợi trước năm 2025. Đến năm 2030, Dệt 8-3 sẽ có quy mô 10 vạn cọc sợi, cùng với 1 Nhà máy sợi OE có quy mô khoảng 250 – 300 tấn/tháng. Đồng thời, Dệt 8-3 cũng sẽ chủ động áp dụng mô hình chuyển đổi số trong quản trị sản xuất, cập nhật trực tiếp về SXKD trong hệ thống các đơn vị của Vinatex.

Năm 2010, để ghi lại dấu ấn một thủa vàng son của Dệt 8-3, một con phố mang tên 8-3 đã ra đời gắn liền với các khu tập thể, trường mầm non của Nhà máy Dệt cũ. Ở đó vẫn còn rất nhiều những “nhân chứng sống”, những cô thợ Dệt đã cùng Dệt 8-3 vun đắp lên những trang sử hào hùng về một thương hiệu gắn liền với ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Với lịch sử hơn 55 năm xây dựng và phát triển, chắc chắn cái tên Dệt 8-3 sẽ tiếp tục viết tiếp những dấu ấn tự hào về một đơn vị đặt những nền móng đầu tiên của ngành công nghiệp nhẹ miền Bắc, cũng như ngành Dệt May Việt Nam.

Bài: Quang Nam

Từ khóa » Nhà Máy Dệt 8/3