Công Văn 1490TC/TCDN Tổ Chức Tổng Cục ...

BỘ TÀI CHÍNH ********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ********

Số: 1490TC/TCDN

Hà Nội, ngày 09 tháng 5 năm 1996

CÔNG VĂN

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 1490 TC/TCDN NGÀY 9 THÁNG 5 NĂM 1996 VỀ VIỆC TỔ CHỨC TỔNG CỤC QLV VÀ TSNN

Kính gửi:

- Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ - Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và cải cách một bước tổ chức bộ máy quản lý hành chính Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 10 NQ/TW ngày 17-3-1995 của Bộ Chính trị: "Tiếp tục đổi mới để phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhằm thu gọn đầu mối thực hiện nguyên tắc một đầu mối cho từng chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp".

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/CP ngày 27-5-1995 về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Tổng cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.

Luật doanh nghiệp Nhà nước đã quy định quyền chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước như sau:

- Chính phủ thống nhất tổ chức thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, phân cấp hoặc uỷ quyền cho các Bộ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số quyền của chủ sở hữu.

- Tổng cục quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp giúp Bộ Tài chính thực hiện quyền đại diện và sở hữu vốn và tài sản theo uỷ quyền của Chính phủ.

- Hội đồng quản trị và Giám đốc doanh nghiệp có nhiệm vụ quản lý và sử dụng vốn nhà nước giao cho doanh nghiệp.

Vừa qua trong mối quan hệ quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp giữ các Bộ, UBND tỉnh, thành phố với Bộ Tài chính nảy sinh một số vướng mắc khó khăn mà nguyên nhân chủ yếu là do chưa có văn bản hướng dẫn của Chính phủ về mục 2 Điều 27 Luật doanh nghiệp Nhà nước. Thường trực Chính phủ đã họp với Bộ Tài chính, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ và các Bộ liên quan cho ý kiến chỉ đạo xử lý theo tinh thần sắp xếp hợp lý đầu mối các tổ chức tài chính ở địa phương, đồng thời tăng cường vai trò quản lý nhà nước của UBND các tỉnh, thành phố đối với tất cả các doanh nghiệp đóng trên địa bàn không phân biệt kinh tế Trung ương, kinh tế địa phương.

Theo báo cáo số 95/TH-m ngày 6-5-1996 của Văn phòng Chính phủ riêng về Tổng cục quản lý vốn và tài sản thì tổ chức lại các Cục quản lý vốn và tài sản ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành bộ phận thích hợp đặt tại Sở Tài chính và chịu sự lãnh đạo song trùng của Bộ Tài chính và Uỷ ban Nhân dân tỉnh.

Theo tinh thần trên, Bộ Tài chính đã bàn và thống nhất ý kiến với Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ về chức năng nhiệm vụ của Tổng cục được bổ sung sửa đổi theo hướng như sau:

- Loại nhiệm vụ do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định sau khi có ý kiến thoả thuận của Thủ trưởng cơ quan của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố như cấp vốn ban đầu, giao vốn cho doanh nghiệp, bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn nước ngoài.

- Loại nhiệm vụ do Thủ trưởng cơ quan của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt sau khi có sự thoả thuận của Bộ Tài chính như phương án cho thuê, chuyển nhượng, thế chấp tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, phương án huy động vốn, đầu tư vốn vượt quá thẩm quyền của doanh nghiệp.

- Loại nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính như kiểm tra giám sát việc sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, phê duyệt tổng hợp quyết toán của doanh nghiệp.

Chấp hành sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang cùng Ban Tổ chức Chính phủ soạn thảo phương án cụ thể các vấn đề nói trên trình Chính phủ xem xét quyết định để ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 34/CP.

Hệ thống Tổng cục quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương vẫn hoạt động bình thường cho tới khi có văn bản chính thức của Chính phủ về điều hành chức năng, nhiệm vụ và tổ chức sắp xếp lại bộ máy các Cục ở địa phương.

Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên chỉ đạo các Cục và sử dụng như công cụ quản lý của địa phương trong quản lý tài chính tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn.

Bộ Tài chính mong nhận được sự hợp tác chặt chẽ và giúp đỡ của các Bộ, UBND trong quá trình triển khai chuẩn bị phương án theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.

Hồ Tế

(Đã ký)

Từ khóa » Tổng Cục Quản Lý Vốn Và Tài Sản Nhà Nước