Lập Siêu ủy Ban Quản Lý Vốn Nhà Nước, Số Phận SCIC Sẽ đi Về đâu?

Tại cuộc họp ngày 16/1 về thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, ngay trong quý I/2018 bảo đảm thành lập được Ủy ban để khẳng định địa vị pháp lý của cơ quan này, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đốc thúc tiến độ cổ phần hoá, bán vốn tại doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2018 theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.

Bài liên quan Cựu Bí thư Cao Bằng làm Chủ tịch 'siêu ủy ban' quản lý 5 triệu tỷ đồngCựu Bí thư Cao Bằng làm Chủ tịch "siêu ủy ban" quản lý 5 triệu tỷ đồng

Trước đó, ngày 15/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 66/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng thực thi việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Điều đáng nói, dù Ủy ban chưa được thành lập, nhưng tại quyết định này, Thủ tướng đã chỉ định nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Nguyễn Hoàng Anh làm Chủ tịch của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nếu không có gì thay đổi, trong năm 2018, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hay còn được gọi là “siêu uỷ ban”, nắm trong tay khối tài sản hàng triệu tỷ đồng sẽ ra đời.

Siêu ủy ban quản lý 5 triệu tỷ đồng

Dự kiến sẽ có 30 doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý, trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của 7 bộ, gồm Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Xây dựng và Bộ Y tế.

Danh sách có 15 tập đoàn và tổng công ty mà Nhà nước hiện vẫn nắm giữ toàn bộ 100% vốn điều lệ. Điển hình là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Đây là hai tập đoàn Nhà nước lớn nhất xét trên vốn chủ sở hữu (431 nghìn tỷ đồng và 205 nghìn tỷ đồng - số liệu theo báo cáo kiểm toán hợp nhất tính năm 2016) và tổng tài sản (770 nghìn tỷ đồng và 692 nghìn tỷ đồng).

EVN

SCIC và hàng loạt tập đoàn, tổng công ty lớn nhà nước dự kiến sẽ chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Một số tập đoàn và tổng công ty trong danh sách đã và đang được cổ phần hóa như Petrolimex, ACV, Tập đoàn Cao su, Vinafor hay Vinafood 2.

Đặc biệt, "siêu ủy ban" có thể cũng sẽ quản lý cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – doanh nghiệp đang quản lý lượng vốn nhà nước rất lớn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và được thành lập với chức năng tương tự như Ủy ban.

Nhìn vào danh sách các tập đoàn, tổng công ty thuộc quyền quản lý của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước có thể thấy Chính phủ ưu tiên nắm quyền kiểm soát đối với năng lượng, tài nguyên khoáng sản, hạ tầng giao thông và đất đai nông nghiệp. Đây đều là các lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế.

Bài liên quan 'Siêu ủy ban' và 'siêu thách thức' trước khối tài sản 5 triệu tỷ'Siêu ủy ban' và 'siêu thách thức' trước khối tài sản 5 triệu tỷ

4 Tập đoàn năng lượng nằm trong danh sách là Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn xăng dầu, Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản.

Bên cạnh năng lượng thì lĩnh vực hạ tầng giao thông với các tập đoàn như Tổng công ty Hàng không (Vietnam Airlines), Tổng công ty Hàng hải (Vinalines), Tổng công ty Đường sắt (Vietnam Railways), Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV)... cũng là lĩnh vực mà Nhà nước ưu tiên kiểm soát.

Trong lĩnh vực công nghệ viễn thông, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC thuộc danh sách quản lý của "siêu ủy ban".

Ủy ban này được thành lập với kỳ vọng chấm dứt tình trạng các Bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”, khi nhiều doanh nghiệp nhà nước sẽ được rút khỏi các Bộ và đưa về quản lý tại siêu ủy ban.

Số liệu công bố trước đó của CIEM cho biết, gần 800 doanh nghiệp mà Nhà nước năm 100% vốn, tổng tài sản của các doanh nghiệp này lên tới 3 triệu tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và trên 50% vốn thì con số này lên đến 5 triệu tỷ đồng.

Về việc thành lập, "siêu ủy ban", đã có một vài phương án được đặt ra.

Phương án thứ nhất, thành lập mới ủy ban quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Ủy ban này sẽ quản lý các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn mà Nhà nước đang nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Phương án hai, thành lập ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để quản lý các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trên cơ sở nâng cấp SCIC.

Phương án ba, tăng cường, củng cố, kiện toàn SCIC trực thuộc Chính phủ, làm chức năng đại diện chủ sở hữu (theo mô hình doanh nghiệp, không phải ủy ban).

Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có phần nghiêng về phương án 1, tức là thành lập một ủy ban mới độc lập do Chính phủ quản lý. Ủy ban sẽ thuần tuý làm nhiệm vụ quản trị chứ không làm nhiệm vụ quản lý nhà nước.

SCIC sẽ ra sao?

Hiện việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn do nhiều đầu mối đảm nhận, bao gồm Chính phủ, các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), SCIC được lập ra để quản lý tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp theo mô hình tiên tiến, chuyên nghiệp chuẩn thế giới. Tuy vậy, vị thế "thấp" của SCIC làm cho cơ quan này khó "điều khiển" các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn. Thực tế, SCIC mới chỉ quản lý được 7-10% vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Năm 1996, Chính phủ đã thành lập Tổng cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước. Sau khi hoạt động hơn bốn năm thì tổng cục này bị giải thể và chuyển thành Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho đến nay.

SCIC

Lãnh đạo SCIC khẳng định sẽ không chuyện SCIC có “chức năng chồng chéo” với “siêu ủy ban" quản lý vốn nhà nước.

Tới năm 2003, Chính phủ đã thành lập Công ty Mua bán nợ (DATC) và năm 2005 thành lập Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Ngoài ra còn có Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) và Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội (HANIF) đang làm nhiệm vụ gần giống với SCIC ở hai thành phố lớn nhất nước.

Mục tiêu của việc ra đời Cục Tài chính doanh nghiệp, DATC và SCIC đều rất gần nhau, nhằm xóa bỏ sự can thiệp của các cấp quản lý hành chính vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước mà rõ nhất là các quyết định xử lý công nợ và quyết định đầu tư vốn, sử dụng vốn. Thứ hai là tách chức năng chủ sở hữu của các cơ quan quản lý nhà nước ra khỏi chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp bằng việc chuyển giao các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc ủy ban tỉnh, thành phố sau cổ phần hóa về SCIC.

Các mô hình trên đều đạt được những mục tiêu nhất định, nhưng cho đến nay đều được đánh giá là "nửa vời".

Khi dự thảo về thành lập "siêu ủy ban" quản lý vốn nhà nước được đưa ra, đã có nhiều ý kiến băn khoăn, liệu có sự chồng chéo hay không khi cả SCIC và Ủy ban đều hoạt động với vai trò quản lý vốn nhà nước.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết, Ủy ban và SCIC đều là cơ quan và doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ. Sau này, có khả năng SCIC cũng thuộc quản lý của Ủy ban. Do vậy, lãnh đạo này khẳng định, "sẽ không có chuyện chức năng chồng chéo giữa hai đơn vị".

Bài liên quan Quản lý vốn Nhà nước: Nhìn Temasek của Singapore ngẫm đến SCIC của Việt NamQuản lý vốn Nhà nước: Nhìn Temasek của Singapore ngẫm đến SCIC của Việt Nam

Theo ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc Thường trực SCIC, khi Ủy ban hoạt động chính thức, nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn sẽ chuyển phần vốn nhà nước về cơ quan này quản lý. Còn hoạt động của SCIC sẽ vẫn đảm bảo với kế hoạch nhận và thoái vốn tại những doanh nghiệp còn lại.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của SCIC, tổng tài sản trong năm 2016 của tổng công ty này đạt 66.000 tỷ đồng, giảm hơn 7.300 tỷ đồng so với đầu năm.

Phần lớn tài sản tại SCIC hiện nay được mang đi đầu tư tài chính với tỷ lệ lên tới gần 96% tổng tài sản. Số này gồm 35.826 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, tương đương 54% tổng tài sản và 27.334 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, tương đương gần 42%.

Đáng chú ý, khoản tiền gửi ngân hàng và trái phiếu nắm giữ của SCIC và Quỹ hỗ trợ Sắp xếp và Phát triển Doanh nghiệp đến cuối năm 2016 lên tới 40.471 tỷ đồng, tương đương 61% tổng tài sản công ty.

Năm 2012, SCIC mới đem gửi ngân hàng 19.600 tỷ đồng, sau 5 năm, con số đó đã tăng lên gần gấp đôi.

Lãnh đạo SCIC cho biết, tính đến ngày 31/12/2017, đơn vị này đạt doanh thu 7.380 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế dự kiến 6.616 tỷ đồng, tương đương 133% kế hoạch.

Trong năm 2017, SCIC đã bán vốn thành công tại 38 doanh nghiệp, với giá vốn 424 tỷ đồng, thu được 932 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần giá vốn.

Tuy nhiên, nếu tính cả việc bán vốn lần đầu tại Vinamilk (5,4% vốn điều lệ), giá trị thu được của SCIC trong năm 2017 là 21.208 tỷ đồng, gấp 19,1 lần giá vốn, với chênh lệch bán vốn thu về hơn 20.100 tỷ đồng.

Như vậy, từ khi thành lập, SCIC đã bán vốn tại 986 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp, với giá vốn là 8.084 tỷ đồng và thu về gần 28 nghìn tỷ đồng (gấp 3,5 lần giá vốn).

SCIC trong thời gian qua được nhắc đến nhiều với cái tên gọi là “siêu tổng công ty” và cũng có ý kiến cho rằng SCIC đang nắm giữ một lượng vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân đầu tư lại không cao.

Được thành lập năm 2006 với một mục đích rất lớn là đẩy mạnh sự hiệu quả của vốn đầu tư nhà nước, nhưng đến nay siêu tổng công ty này vẫn đang loay hoay với nhiều phi vụ thoái vốn, ngồi tận hưởng cổ tức “đẻ trứng vàng”, gửi tiền ngân hàng hưởng lãi, đầu tư vào một số các dự án lớn nhưng không hiệu quả như khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Bột giấy Phương Nam, Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (theo báo cáo trình Quốc hội của Kiểm toán nhà nước).

Bài liên quan Quản lý vốn Nhà nước: Nhìn Temasek của Singapore ngẫm đến SCIC của Việt NamQuản lý vốn Nhà nước: Nhìn Temasek của Singapore ngẫm đến SCIC của Việt Nam Đại gia người Hoa - Diệp Dũng: Từ Tổng giám đốc 'SCIC' Tp.HCM đến ông trùm bán lẻĐại gia người Hoa - Diệp Dũng: Từ Tổng giám đốc 'SCIC' Tp.HCM đến ông trùm bán lẻ 'Siêu ủy ban' và 'siêu thách thức' trước khối tài sản 5 triệu tỷ'Siêu ủy ban' và 'siêu thách thức' trước khối tài sản 5 triệu tỷ Cựu Bí thư Cao Bằng làm Chủ tịch 'siêu ủy ban' quản lý 5 triệu tỷ đồngCựu Bí thư Cao Bằng làm Chủ tịch "siêu ủy ban" quản lý 5 triệu tỷ đồng

Từ khóa » Tổng Cục Quản Lý Vốn Và Tài Sản Nhà Nước