Công Văn 1587/CT-TTHT Về Chi Phí Sửa Chữa Tài Sản Cố định Do Cục ...

TỔNG CỤC THUẾ CỤC THUẾ TP. HỒ CHÍ MINH --------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------

Số: 1587/CT-TTHTV/v: Chi phí sửa chữa TSCĐ.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 3 năm 2012

Kính gởi:

Công ty CP Công nghiệp và Thương mại Lidovit Địa chỉ: Lô D5 Đường số 3, KCN Bình Chiểu, Phường Bình Chiểu, Quận Thủ Đức. Mã số thuế: 0303171396.

Trả lời văn thư số 08/CV-LDV ngày 20/02/2012 của Công ty về chi phí sửa chữa tài sản cố định (TSCĐ), Cục Thuế TP có ý kiến như sau:

Căn cứ Khoản 13 Điều 2 Phần A; Khoản 2 Điều 7 Phần B; Khoản 1 Điều 9 Phần C Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài Chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định (có hiệu lực từ ngày 01/01/2010):

“Sửa chữa tài sản cố định: là việc duy tu, bảo dưỡng, thay thế sửa chữa những hư hỏng phát sinh trong quá trình hoạt động nhằm khôi phục lại năng lực hoạt động theo trạng thái hoạt động tiêu chuẩn ban đầu của tài sản cố định.”;

“Các chi phí sửa chữa tài sản cố định không được tính tăng nguyên giá TSCĐ mà được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ, nhưng tối đa không quá 3 năm.

Đối với những tài sản cố định mà việc sửa chữa có tính chu kỳ thì doanh nghiệp được trích trước chi phí sửa chữa theo dự toán vào chi phí hàng năm. Nếu số thực chi sửa chữa tài sản cố định lớn hơn số trích theo dự toán thì doanh nghiệp được tính thêm vào chi phí hợp lý số chênh lệch này. Nếu số thực chi sửa chữa tài sản cố định nhỏ hơn số đã trích thì phần chênh lệch được hạch toán giảm chi phí kinh doanh trong kỳ”;

“Tất cả TSCĐ hiện có của doanh nghiệp đều phải trích khấu hao, trừ những TSCĐ sau đây:

- TSCĐ đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn đang sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

- TSCĐ chưa khấu hao hết bị mất.

- TSCĐ khác do doanh nghiệp quản lý mà không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ TSCĐ thuê tài chính).

- TSCĐ không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp.

- TSCĐ sử dụng trong các hoạt động phúc lợi phục vụ người lao động của doanh nghiệp (trừ các TSCĐ phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch, nhà để xe, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, xe đưa đón người lao động, cơ sở đào tạo, dạy nghề, nhà ở cho người lao động do doanh nghiệp đầu tư xây dựng).

- TSCĐ là nhà và đất ở trong trường hợp mua lại nhà và đất ở đã được nhà nước cấp quyền sử dụng đất lâu dài thì giá trị quyền sử dụng đất không phải tính khấu hao.

- TSCĐ từ nguồn viện trợ không hoàn lại sau khi được cơ quan có thẩm quyền bàn giao cho doanh nghiệp để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

- TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất”.

Trường hợp Công ty có phát sinh khoản chi phí sửa chữa TSCĐ như: duy tu, bảo dưỡng, thay thế sửa chữa những hư hỏng phát sinh trong quá trình hoạt động nhằm khôi phục lại năng lực hoạt động theo trạng thái hoạt động tiêu chuẩn ban đầu của TSCĐ thì không được hạch toán tăng nguyên giá TSCĐ mà được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ, nhưng tối đa không quá 3 năm, nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định. Công ty không được trích khấu hao đối với TSCĐ đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn đang sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cục Thuế TP thông báo Công ty biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này.

Nơi nhận: -Như trên -Phòng Pháp chế -Phòng Kiểm tra thuế số 1 -Lưu (TTHT, HC) 0353 (47215-24/02/12)-CTT

TUQ. CỤC TRƯỞNG TRƯỞNG PHÒNG TUYÊN TRUYỀN HỖ TRỢ NGƯỜI NỘP THUẾ Trần Thị Lệ Nga

Từ khóa » Chi Phí Sửa Chữa Tscd