Củ Năng: Tác Dụng Chữa Bệnh Không Ngờ Từ Loại Củ Quen Thuộc

Nội dung bài viết

  • Củ năng là gì?
  • Tác dụng của củ năng
  • Bài thuốc kinh nghiệm từ củ năng
  • Lưu ý khi dùng củ năng

Củ năng vốn dĩ quen thuộc với đời sống hằng ngày của người Việt. Củ có thể được nấu chè, chế biến trong bữa ăn, mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng. Ngoài ra loại củ này còn có tác dụng đối với sức khỏe như ổn định đường huyết, cầm máu, kháng khuẩn, giải độc. Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây của Bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền Nguyễn Thị Thiên Hương.

Củ năng là gì?

Củ năng còn gọi là củ năn, mã thầy. Củ này có tên khoa học Eleocharis dulcis (Burm.f.), thuộc họ Cói (Cyperaceae).

Cây thảo, sống lâu năm, cây có thân rễ nhỏ mọc bò. Rễ củ hình cầu dẹt, vỏ ngoài có vòng đốt rõ màu tím hoặc đen, ruột màu trắng. Thân hình trụ, mập, rỗng và có thể cao đến 1m. Mặt ngoài có rãnh, mặt trong có những vách ngang, khi khô trở nên xốp. Lá thoái hóa, gốc thân còn lại 2-3 lá chét, bẹ lá mỏng hay bị rách.

Cụm hoa mọc ở ngọn thành bông nhỏ hình trụ, màu vàng đỏ hoặc nâu nhạt, gồm nhiều vảy mọc đứng, xếp lợp lên nhau. Vảy hình trái xoan rộng, có đầu bằng, lưng có nhiều rãnh. Hoa xếp theo dạng xoắn ốc dài 1.5-4 cm.

Quả bế dài bằng 1/3 vảy, hình trứng ngược, hai mặt lồi và hơi có 3 cạnh, dài 2-4 mm.

Củ năng là loại cỏ sống ở nước. Củ của chúng còn được coi như một loại thân ngầm, bởi khà năng mọc chồi thần từ các đỉnh sinh trưởng. Cây trồng bằng nhánh con hay bằng củ, sau tạo thành khóm.

Bộ phận dùng: Củ.

Củ năng có nhiều tác dụng
Củ năng là loại cỏ sống ở nước, còn gọi là mã thầy.

Tác dụng của củ năng

1. Kháng khuẩn

Dịch ép từ củ năng chứa puchiin có tác dụng kháng khuẩn đối với các chủng Staphylococus aureus, E.coli, Enterobacter aerogenes.

Củ chứa 77% carbohydrat và 8% protein. Có tác giả cho biết củ chứa 60% tinh bột, 7% protein và ít đường (Đỗ Tất Lợi, 1999).

2. Bổ dưỡng, giải độc, mát gan

Thường dùng loại củ này như thức ăn – vị thuốc. Lấy củ thái nhỏ đem nấu với bột đậu xanh làm chè lục tàu xá. Hoặc đem hầm củ với dạ dày lợn để thanh nhiệt, bổ dưỡng, giải độc.

3. Giải rượu

Nước ép củ năng và chanh, muối giúp hạn chế chất độc của rượu vào cơ thể và giảm nóng trong người. Do vậy dùng củ này giúp giảm cảm giác nóng bụng sau khi dùng nhiều rượu.

4. Chống oxy hóa

Dịch chiết từ vỏ củ màu nâu đỏ chứa nhiều polyphenol và flavonoid. Hai chất này là chất chống oxy hóa với khả năng chống lại các tổn thương, quá trình stress tế bào. Chúng cải thiện chức năng mạch máu, tim mạch, tiêu hóa, đường huyết.

Do chứa polyphenol có khả năng tăng cường vi khuẩn tốt, giảm lượng khuẩn có hại nên cân bằng được hệ vi sinh đường ruột. Vì vậy dùng củ này có tác dụng bảo vệ tim mạch, ổn định đường huyết và chuyển hóa chất béo, tốt cho đường ruột. Sử dụng củ năng, cà rốt, hành tây nấu kỹ uống thay trà giúp ổn định đường huyết.

5. Cầm máu

Củ năng có tác dụng cầm máu. Theo Đông y, dược liệu này đem sao tồn tính phối hợp với các vị thuốc khác có tác dụng chữa các chứng chảy máu cam, chảy máu chân răng, trĩ ra máu.

6. Lợi tiểu

Thân cây có tác dụng lợi tiểu. Theo Đông y, loại dược liệu này có tác dụng thanh nhiệt ở phế vị, sinh tân dịch, thanh nhiệt lợi thủy. Có thể dùng củ này với củ cải trắng, gạo để nấu cháo giúp thông tiểu, thanh nhiệt.

7. Tác dụng của củ năng theo Y học cổ truyền

Thân cây có vị đắng, tính bình. Tác dụng hóa thấp nhiệt, lợi tiểu tiện.

Phần ucr có vị ngọt, tính hàn. Củ có tác dụng ích khí, khai vị tiêu thực, giải thực nhiệt, sinh tân chỉ khát.

Củ năng là thức ăn bổ mát. Củ được nấu canh với thịt, có khi nấu chè hoặc làm mứt. Củ được dùng làm thuốc chữa tiểu đường, vàng da, lỵ ra máu, táo bón, mắt sưng đỏ, bệnh sởi ở trẻ em, tăng thị lực.

chè củ năng bổ mát
Chè củ năng bổ mát thanh nhiệt giải độc và giàu dinh dưỡng

Bài thuốc kinh nghiệm từ củ năng

Phù, tiểu tiện khó

Thân cây củ năng 10 – 20 g, lô căn (tươi) 30 g, sắc uống trong ngày.

Đau bụng khó tiêu đầy hơi

Củ năng bỏ vỏ nhồi vào dạ dày lợn, đem khâu kín lại. Đun chín kỹ, ăn cái, uống nước trong ngày.

Ho sốt nhiều đờm đặc

Dùng phần củ, bỏ vỏ, rửa sạch, đem lấy nửa cốc nước. Sắc uống cùng xuyên bối 1.5 g, uống 2 – 3 lần/ngày.

Tiểu rát, tiểu buốt

Dùng 250 g củ năng cả vỏ rửa sạch thái miếng, 30 g rễ cỏ tranh, sắc kỹ hai vị trên để dùng. Hoặc lấy 120 g củ đập dập, nấu uống thay trà.

Hạ sốt sau mọc sởi

Dùng 250 g củ năng, 250 g mía, rửa sạch thái nhỏ, đem nấu kỹ, sau đó ăn củ, uống nước trong ngày.

Táo bón, ho ra máu, trĩ ra máu

Dùng 150 g củ này bóc bỏ vỏ, thái mỏng, 30 g mộc nhĩ đen khô. Mộc nhĩ đem ngâm nước cho nở ra rồi thái miếng. Cho dầu nóng già rồi đem đổ mộc nhĩ, củ năng vào xào, cho thêm nước, gia vị, bột khuấy lên đến lúc sôi sền sệt là dùng được.

Hoặc củ năng 500 g giã nhỏ, địa du 30 g, đường đỏ 150 g sắc trong 1 giờ. Uống 2 lần trong ngày, dùng trong 3 ngày.

Ho gà

Mật ong 50 g, kê nội kim 10 g sao vàng tán bột, tỏi 10 tép ép lấy nước. Củ năng 500 g ép lấy nước, sau đó đun hỗn hợp vời lượng nước vừa phải. Chia uống 2 lần trong ngày

Trẻ viêm miệng

6 củ đem thái nhỏ, sao tồn tính, tán bột trộn dầu vừng bôi lên vết thương.

Chảy máu chân răng

Củ tươi 125 g, 2 quả lê, 250 g ngó sen, sinh địa 15 g, đường, đem sắc uống. Uống 1 thang/ ngày, dùng 3 – 4 ngày liên tục.

Mụn nhọt mủ sưng đau

Củ năng 150 g, da sứa 90 g, da sứa đem ngâm rửa sạch. Tất cả hấp chín chia 2 lần ăn hết trong ngày, ăn liền 10 ngày.

củ năng trị tiểu khó
Củ năng giúp lợi tiểu, trị các chứng tiểu buốt, tiểu rát.

Lưu ý khi dùng củ năng

Vì có tính hàn nên những người tỳ vị hư nhược, tiêu lỏng, chân tay lạnh hạn chế dùng.

Củ năng được sử dụng nhiều trong các món ăn của người Việt. Hầu hết các món chứa củ đều mang sự thu hút bởi vị ngọt mát và dinh dưỡng. Bên cạnh đó, củ còn giúp ổn định đường huyết, cầm máu, giải độc, táo bón. Tuy nhiên khi muốn sử dụng các bài thuốc kinh nghiệm, quý độc giả cần tham vấn ý kiến bác sĩ điều trị để tránh tác dụng không mong muốn.

Từ khóa » Củ Năng Là Gì