Cụ ông 76 Tuổi Vôi Hóa Nặng động Mạch Vành được điều Trị Thành ...

Ông H. năm nay 76 tuổi, cách đây 4 năm ông bị tai biến mạch máu não và tăng huyết áp. Điều đáng nói là, tháng trước ông H. vừa có cơn nhồi máu cơ tim cấp đã được các bác sĩ can thiệp đặt 2 Stent ở động mạch vành phải cứu sống ông trong gang tấc. Hiện nay, ông H. còn tổn thương hẹp vôi hóa nặng động mạch vành trái và đau ngực nên tiếp tục vào viện để can thiệp chủ động động mạch vành trái.

Qua kiểm tra 2 stent cũ tại động mạch vành phải vẫn hoạt động tốt, động mạch vành trái vôi hóa nặng gây hẹp 60% thân chung, hẹp 90% động mạch liên thất trước (LAD) đoạn I - II, hẹp 90% nhánh động mạch mũ (LCX) đoạn II. Kíp can thiệp tiến hành đặt 2 stent LM - LAD nhưng thất bại do xơ vữa vôi hóa cứng chắc, bóng không nở ra được khi nong bóng trước đặt Stent, không đưa Stent qua được tổn thương. Do vậy, người bệnh H. được các bác sĩ can thiệp bằng Kỹ thuật Rotablator để xử trí các mảng xơ vỡ vôi hóa nặng nhằm khai thông động mạch vành trái.

Tổn thương vôi hóa nặng không thể thực hiện đặt stent thường quy.

Thông thường, với những trường hợp hẹp khít động mạch vành với tổn thương xơ vữa canxi hoá cao mà các biện pháp can thiệp như dùng bóng nong hay đặt stent bị thất bại, thì những người bệnh này sẽ được chỉ định phẫu thuật bắc cầu nối mạch chủ vành.

Việc áp dụng kỹ thuật khoan cắt mảng xơ vữa trong lòng động mạch (Rotablator) được coi là phương pháp tối ưu, giúp các bác sĩ có thể dễ dàng xử trí các mảng xơ vữa vôi hóa, sau đó tiếp tục tiến hành biện pháp can thiệp thông thường. Điều này giúp người bệnh tránh được một cuộc phẫu thuật lớn mang nhiều nguy cơ biến chứng xảy ra, nhất là đối với những người bệnh cao tuổi có nhiều bệnh nền nguy hiểm, phức tạp.

Sử dụng Rotablator để tái thông lòng mạch bị hẹp tắc

Khoan cắt mảng xơ vữa trong lòng động mạch (Rotablator) là kỹ thuật mới, hiện đại với việc dùng mũi khoan đính kim cương đường kính 1-1,5mm được đưa vào tổn thương động mạch vành qua một dây dẫn nhỏ và được điều khiển với tốc độ quay siêu tốc khoảng 150.000 – 200.000 vòng/phút để khoan cắt các mảng xơ vữa không đàn hồi vì bị canxi hoá tạo thành các vi hạt, các vi hạt này sẽ bị đại thực bào trong máu tiêu hủy. Sau khi khoan cắt mảng xơ vữa vôi hóa sẽ để lại bề mặt trơn, nhẵn cho lòng động mạch vành, giúp các bác sĩ có thể tiếp tục xử trí hẹp khít dễ dàng.

Ths.Bs Cao Việt Cường (Trưởng khoa Tim mạch can thiệp) cho biết: Việp áp dụng kỹ thuật Rotablator để xử trí các mảng xơ vữa vôi hóa, đã giúp kíp can thiệp dễ dàng đặt 02 stent vào lòng động mạch bị hẹp khít giúp khai thông dòng chảy ở động mạch vành trái. Sau can thiệp người bệnh hồi phục tốt đặc biệt không còn triệu chứng đau ngực.

Khoan cắt mảng xơ vữa bằng Rotablator đã và đang là một công cụ hỗ trợ can thiệp hiệu quả đối với các trường hợp người bệnh bị tổn thương mạch vành vôi hóa nặng mà không thể thực hiện bằng các kỹ thuật can thiệp nong bóng thông thường. Để thực hiện thành công kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao. Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những bệnh viện tiên phong đưa vào triển khai kỹ thuật Rotablator của khu vực miền Bắc. Việc áp dụng thành công kỹ thuật này trong lĩnh vực can thiệp đang mở ra nhiều cơ hội cứu sống người bệnh bị tắc mạch vành nặng mà không phải đi tới các bệnh viện tuyến Trung ương như thời gian trước đây.

Tác giả: Thành Tuyên

Từ khóa » Xơ Vữa Không Vôi Hóa Là Gì