Vôi Hóa Van Tim Là Gì? Nguyên Nhân, Biến Chứng Và điều Trị

Bệnh vôi hóa van tim thường xảy ra ở những người lớn tuổi. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể đối mặt với nhiều biến chứng như hở van tim, suy tim, dày thất… Trang bị cho mình kiến thức, hiểu biết về tình trạng này là cách hữu hiệu để điều trị kịp thời, ngăn chặn bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn.

Menu xem nhanh:

Toggle
  • 1. Vôi hóa van tim là gì?
  • 2. Nguyên nhân gây vôi hóa van tim 
  • 3. Biến chứng của van tim vôi hóa
    • 3.1 Rối loạn nhịp tim do vôi hóa van tim
    • 3.2 Viêm nội tâm mạc
    • 3.3 Phì đại tâm thất trái
    • 3.4 Suy tim
    • 3.5 Ngừng tim, đột tử – Biến chứng nguy hiểm do vôi hóa van tim
  • 4. Cách phát hiện sớm bệnh van tim bị vôi hóa
  • 5. Điều trị vôi hóa van
    • 5.1 Điều trị van tim vôi hóa bằng thuốc
    • 5.2 Điều trị không dùng thuốc

1. Vôi hóa van tim là gì?

Vôi hóa van tim là tình trạng hình thành các mảng canxi, mô mỡ và các khoáng chất dư thừa trên các van tim, khiến van bị cứng và đóng mở kém linh hoạt

Sự bất thường này dẫn đến tim hoạt động không hiệu quả, giảm lưu lượng máu đi nuôi cơ thể. Bên cạnh đó, lượng máu chảy không đều có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Cục máu đông di chuyển theo dòng máu đến tim và não có thể gây tắc hẹp mạch máu. Hậu quả là tắc mạch vành (nhồi máu cơ tim), tắc mạch não (đột quỵ), ảnh hưởng đến tính mạng.

Theo các chuyên gia tim mạch, các van tim động mạch chủ, van tim 2 lá thường sẽ bị vôi hóa hơn so với các van tim 3 lá, van động mạch phổi. Bởi van động mạch chủ và van 2 lá nằm ở các khu vực dòng máu chảy xoáy, là điều kiện thuận lợi cho canxi lắng đọng.

Vôi hóa van tim là bệnh gì?

Quá trình lão hóa có thể khiến các mảng canxi, mô mỡ và các khoáng chất dư thừa tích tụ trên các van tim, khiến van bị cứng và đóng mở kém linh hoạt.

2. Nguyên nhân gây vôi hóa van tim 

Lão hóa là nguyên nhân gây vôi hóa van thường gặp nhất. Quá trình lão hóa khiến cho các vòng van tim bị thoái hóa, dễ tạo thành các mảng bám vôi hóa. Do vậy, bệnh này thường xảy ra ở những người lớn tuổi.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác  gây vôi hóa van có thể kể đến như:

– Lối sống, thói quen sinh hoạt thiếu lành mạch: Thường xuyên hút thuốc lá, uống bia rượu, ăn nhiều chất béo,… có thể làm gia tăng tình trạng xơ vữa khiến mỡ và canxi tích tụ tại van tim.

– Các bệnh lý nền: Tiêu biểu là bệnh thận mạn tính, tiểu đường. Các bệnh lý này làm tăng nồng độ cholesterol, triglyceride, khiến các mảng bám dễ hình thành hơn.

– Viêm nhiễm: Tình trạng viêm nhiễm van tim gây ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu, gây ra hiện tượng vôi hóa van.

– Xạ trị: Việc xạ trị vùng ngực ở một số bệnh nhân ung thư, bệnh van động mạch chủ cũng có thể gây nên tình trạng vôi hóa van động mạch chủ, làm van dày cứng hơn.

– Các dị tật bẩm sinh: Vôi hóa các van tim đang có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân có thể xuất phát từ những thói quen thiếu lành mạnh hoặc do bệnh hở van động mạch chủ kết hợp với dị tật tim bẩm sinh.

3. Biến chứng của van tim vôi hóa

Van tim vôi hóa nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng như:

3.1 Rối loạn nhịp tim do vôi hóa van tim

Tình trạng vôi hóa ở các van có thể gây ảnh hưởng sự lưu thông máu ra vào tim, dẫn đến ứ trệ tuần hoàn. Khi đó, tim sẽ đập bất thường gây ra rối loạn nhịp tim, khiến người bệnh hồi hộp và đánh trống ngực.

3.2 Viêm nội tâm mạc

Van bị vôi hóa sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn, có thể gây viêm nội tâm mạc. Nếu không được điều trị và phòng ngừa, căn bệnh này có thể gây hỏng van.

3.3 Phì đại tâm thất trái

Vôi hóa van động mạch chủ nặng sẽ gây thu hẹp lỗ van động mạch chủ. Khi đó lượng máu cung cấp cho các cơ quan sẽ giảm do dòng máu từ tâm thất trái đến động mạch chủ sẽ bị cản trở. Để bơm đủ máu đi nuôi khắp cơ thể, tim phải co bóp nhiều hơn, lâu dần có thể dẫn đến phì đại thất trái.

3.4 Suy tim

Việc tim phải làm việc trong thời gian dài như trên sẽ dẫn đến suy tim. Ở những người suy tim, dịch tích tụ ở các mao mạch phổi, có thể dẫn đến ứ huyết ở phổi. Do vậy, người bệnh thường cảm thấy khó thở, ho khan hoặc có đờm bọt hồng… Bên cạnh đó, máu không trở về tim, gây phù ở các chi.

3.5 Ngừng tim, đột tử – Biến chứng nguy hiểm do vôi hóa van tim

Đây là một biến chứng ít gặp nhưng rất nguy hiểm. Nếu người bệnh xuất hiện biến chứng này cần phải tiến hành can thiệp, phẫu thuật tim nhanh chóng theo chỉ định của bác sĩ.

Biến chứng của van tim vôi hóa

Van tim bị vôi hóa có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, suy tim, ngừng tim, đột tử…

4. Cách phát hiện sớm bệnh van tim bị vôi hóa

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng van tim vôi hóa thường chưa rõ rệt. Chỉ đến khi bệnh nặng hơn, các triệu chứng mới xuất hiện rõ ràng với tần suất nhiều hơn. Cụ thể đó là các biểu hiện đau đầu, đau thắt ngực, khó thở khi gắng sức, đánh trống ngực, chóng mặt… Đây có thể là các triệu chứng do biến chứng của vôi hóa van gây ra. 

Để phát hiện sớm vôi hóa van, người bệnh nên thăm khám chuyên khoa tim mạch định kỳ. Đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao như: người bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu, người cao tuổi…

5. Điều trị vôi hóa van

5.1 Điều trị van tim vôi hóa bằng thuốc

Dùng thuốc vẫn là lựa chọn đầu tiên trong điều trị vôi hóa van. Tùy từng tình trạng bệnh cụ thể mà các bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp. Người bệnh nên tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. 

Những nhóm thuốc thường được sử dụng để điều trị lắng đọng canxi ở van tim bao gồm:

– Thuốc hạ mỡ máu nhóm statin: Nhằm giảm sự tích tụ cholesterol ở van tim. 

– Thuốc chẹn giao cảm: Có thể giúp điều hòa nhịp tim trong trường hợp nhịp nhanh do hẹp – hở van tim, suy tim còn bù.

– Thuốc chống đông máu: Giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim. Thường sử dụng cho các bệnh nhân đã có biến chứng rung nhĩ, buồng tim giãn… 

Khi bệnh nặng hơn, các bác sĩ có thể xem xét chỉ định các phương pháp can thiệp, phẫu thuật phù hợp.

5.2 Điều trị không dùng thuốc

Đối với những người đã có van tim bị xơ cứng, chế độ ăn và tập luyện là rất quan trọng.

Người bệnh cần hạn chế các thực phẩm có chứa nhiều chất béo. Tiêu biểu là mỡ động vật, các loại thịt đỏ như thịt lợn, thịt bò. Đồng thời nên bổ sung nhiều chất xơ hòa tan, thường có trong các loại rau, quả tươi và omega-3 trong các loại cá biển.

Người bệnh nên dành 30 phút mỗi ngày để tập các bài thể dục nhẹ nhàng, vừa sức. Việc này giúp tăng cường lượng máu tới tim, giúp tim hoạt động hiệu quả. Đồng thời tránh được quá trình tích tụ mỡ, hạn chế nguy cơ vôi hóa van. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần thăm khám tim mạch định kỳ (6 tháng/lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ). 

Khám và điều trị van tim bị vôi hóa như thế nào?

Khi được chẩn đoán vôi hóa van, bệnh nhân cần điều trị sớm theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa tim mạch để ngăn ngừa các biến chứng.

Điều trị bệnh vôi hóa van tim sẽ đơn giản hơn nhiều khi được phát hiện sớm. Ngược lại nếu không điều trị kịp thời sẽ gây những biến chứng nguy hiểm. Do vậy không nên chủ quan với căn bệnh này. Hãy theo dõi sức khỏe, nếu có bất kỳ triệu chứng nào bất thường hoặc nguy hiểm cần phải đến gặp các bác sĩ tim mạch sớm để có phương pháp điều trị kịp thời.

Từ khóa » Xơ Vữa Không Vôi Hóa Là Gì