Cú Sốc Và Bước Ngoặt đầu đời Của Tôi - The Present Writer

Ngày mai tôi sẽ thuyết trình lần đầu tiên về đề án tốt nghiệp Tiến sĩ của mình với đề tài: Nguyện vọng vào đại học của học sinh phổ thông tại Việt Nam. Đây cũng là một phần đề tài tốt nghiệp Thạc sĩ và tốt nghiệp Đại học của tôi 4-6 năm trước. Điều kỳ lạ ở đây là mặc dù trong những năm qua, tôi từng làm nghiên cứu về rất nhiều đề tài khác nhau (thậm chí các nghiên cứu được xuất bản của tôi ở thời điểm hiện tại đều không liên quan đến giáo dục Việt Nam) nhưng cứ đến khi bắt tay vào làm đề án tốt nghiệp — một dự án lớn, cần nhiều nguồn lực và tâm huyết — tôi lại trở lại với đề tài này. Tại sao? Tôi chưa từng có một câu trả lời nào thỏa đáng cho câu hỏi này, cho tới tận ngày hôm qua.

Hôm qua, trong khi đang chuẩn bị tài liệu cho bài thuyết trình, tôi chợt nghĩ đến hành trình của mình từ một cô bé con đi học lớp 1 nói bé lí nhí suốt ngày bị cô giáo kéo ra góc lớp đánh thước vào tay đến ngày hôm nay là một nghiên cứu sinh ngành Giáo Dục tại Mỹ và tự hỏi: “Đâu là điểm khởi đầu đưa tôi đến đây?” Sau khi kéo lại tất cả các sợi dây đầu mối trong ký ức, tôi nhận ra rằng những thay đổi lớn nhất trong cuộc đời tôi đều quy lại một sự kiện duy nhất — một cú sốc vào năm lớp 12 — một bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi lớn về định hướng tương lai của tôi. Vì cú sốc này liên quan mật thiết đến kỳ thi đại học ở Việt Nam, một cách vô thức, tôi luôn quay trở lại đề tài này ở những thời điểm quyết định; thẳm sâu bên trong, nó mang một ý nghĩa rất cá nhân đối với tôi.

Cú sốc và bước ngoặt đầu đời của tôi

Vào thời điểm giữa thập niên 90, khi tôi mới cắp sách đến trường và bắt đầu sự nghiệp “đại học chữ to” – như cách bố tôi vẫn hay đùa, tôi đã cảm nhận được áp lực của việc thi cử ngày càng đè nặng lên tương lai của mình. Mọi người bắt đầu nói về “cái đích duy nhất” của việc học, đó là 12 năm chuẩn bị cho một kỳ thi lớn nhất, có tính chất quyết định cuộc đời — kỳ thi đại học. Cả một hệ thống giáo dục từ trên xuống dưới vần vũ xoay quanh kỳ thi này. Ai cũng nói đại học không phải con đường duy nhất, nhưng là con đường tốt nhất để dẫn tới thành công; nhà nhà sốt sắng đầu tư cho con đi học chính rồi học phụ; thầy cô quay cuồng dạy cho nhanh chương trình để bắt đầu luyện thi sớm; cả nước sôi sục lên như một chảo lửa mỗi đợt thi đại học … Tất cả, một lần nữa, đều chỉ vì một kỳ thi. Cũng phải nói thêm rằng ở thời điểm tôi chuẩn bị thi đại học — khoảng giữa những năm 2000 — Việt Nam chưa có nhiều trường đại học tư và bán công tốt như ngày nay, cũng không có nhiều trung tâm, hội thảo tư vấn du học, hướng nghiệp để vạch ra một con đường khác cho tương lai thanh niên sau khi tốt nghiệp phổ thông. Bởi vậy, kỳ thi đại học mang nhiều ý nghĩa tuyệt đối và hà khắc hơn bây giờ rất nhiều.

Nhưng vấn đề của tôi là, ngay khi mới bắt đầu đi học, tôi đã nhận ra rằng mình thường xuyên thể hiện kém trong các kỳ thi chuẩn hóa. Không phải là kém trong cái cách mà mọi người hay an ủi: “Học tài, thi phận” thôi đâu, mà kém trong cái cách mà 90-100% tất cả những lần bước ra khỏi phòng thi, tôi đều cảm thấy tệ hại vì biết mình làm bài kém hơn khả năng thực tế nhiều lần. Có một vài lý do cho việc này, may rủi cũng có, không cẩn thận cũng có, nhưng lớn nhất vẫn là tâm lý. Tôi thường quá hồi hộp trong các kỳ thi lớn, đặc biệt ở những môn không phải là thế mạnh như Toán, Lý, Hóa… Do vậy, từ khi còn rất nhỏ, tôi đã ý thức được rằng nếu muốn nắm chắc tấm vé vào một trường đại học tốt, tôi cần tìm cách tránh khỏi kỳ thi đại học. Ngày đó, cách duy nhất để được đặc cách miễn thi và tùy ý chọn trường đại học là có giải Ba trở lên trong kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia. Biết được quy chế này từ sớm, tôi bắt đầu nuôi một tham vọng lớn: Thi đấu giành giải quốc gia môn thế mạnh của tôi – môn Văn để được tuyển thẳng vào đại học. Đây là động lực và cũng là áp lực lớn nhất của tôi trong suốt 12 năm học phổ thông tại Việt Nam.

Nhìn lại thời kỳ này, tôi cảm thấy dường như mình đã lựa chọn sai ngay từ đầu. Những ai đã từng học, từng thi, hay từng dạy đội tuyển học sinh giỏi thì cũng biết rằng đây là một kỳ thi còn căng thẳng, cạnh tranh, và khó khăn hơn kỳ thi đại học gấp nhiều lần. Bởi vì mỗi một địa phương chỉ được lựa chọn một vài cá nhân xuất sắc đi thi, ở TP. Hà Nội đông đúc nơi tôi từng theo học, việc cạnh tranh để có được một suất trong đội tuyển thôi cũng đã là vô cùng khó, chứ đừng nói là được giải. Chưa kể, để có khả năng tranh giải, học sinh cần được rèn luyện từ rất sớm – như luyện “gà nòi” vậy. Học sinh có khả năng thường phải tự thi vào được các trường chuyên, lớp chọn, được giáo viên đầu ngành hướng dẫn mới biết được đường hướng đi thi. Bởi vậy, học sinh không những phải chịu nhiều áp lực lớn để thi vào các lớp chuyên, mà nếu vào được những lớp này, môi trường học tập cũng rất cạnh tranh và phức tạp bởi các bạn học vô hình chung trở thành “đối thủ” của nhau trong các kỳ thi học sinh giỏi. Có thể nói, đó là một con đường không dễ chịu gì hơn cho lắm so với việc thi đại học. Nhưng có một cái gì đó ở môn Văn, đặc biệt ở lý luận Văn học, làm tôi thực sự đam mê. Có thời điểm, niềm đam mê của tôi lớn tới mức khao khát vào được đội tuyển học sinh giỏi để được học thêm về lý luận Văn học – học những thứ ngoài phạm vi chương trình học trên lớp . (Bây giờ nhìn lại, tôi nghĩ đó là điểm khởi đầu cho niềm đam mê nghiên cứu, chỉ là tôi chưa biết gọi tên nó là gì). Vậy là trong 7 năm liền, trải qua vô vàn những kỳ thi lớn nhỏ, tôi thi đỗ và theo học lớp chuyên Văn ở một trong những trường cấp 2 và cấp 3 tốt nhất tại Hà Nội.

Có rất nhiều kỷ niệm học chuyên Văn mà tôi không thể nào quên, nhưng đáng nhớ nhất vẫn là những kỳ thi. Tôi nhớ lần đầu tiên nhận được một giải thưởng lớn, giải Nhì môn Văn toàn TP. Hà Nội vào năm lớp 9. Khi đó, tôi sung sướng vô cùng, cảm giác như đã chạm được một tay vào giải thưởng quốc gia danh giá – “tấm vé vàng” để vào cổng trường đại học. Tôi cũng nhớ năm lớp 12 vô cùng căng thẳng, chỉ tiêu vào đội tuyển quốc gia của TP. Hà Nội năm đó rút xuống từ 10 người xuống 7 người. Với tổng số hàng trăm thí sinh toàn thành phố dự thi, có cơ hội vào được đội tuyển có lẽ còn khó hơn cả trúng xổ số. Nhưng bất ngờ thay, năm đó tôi “trúng xổ số” thật. Tôi là 1 trong 7 thành viên của đội tuyển Văn TP. Hà Nội năm đó đi thi Học sinh giỏi Quốc gia. Tôi còn nhớ lưu bút của mình ngập tràn những lời chúc của các bạn cùng lớp: “Chúc cậu được giải quốc gia vào thẳng đại học nhé!”, “Thi tốt nhé!”, “Cố lên!”. Tôi cảm thấy bỗng chốc, mình như có được cả thế giới vậy.

Nhưng niềm vui đó chỉ nhen nhóm được đúng một tuần.

Tuần thứ hai sau khi biết được tin trúng vào đội tuyển, Bộ Giáo dục đột ngột ra thông báo: Năm nay, có giải Quốc gia cũng không được vào thẳng đại học. Học sinh có giải sẽ vẫn phải thi như bình thường. Trời đất dường như đổ sụp xuống. Tôi thật sự thất vọng. Tôi cảm thấy mình bị lừa dối một cách trắng trợn, bao mồ hôi, nước mắt bỏ ra trong 12 năm học, trong 7 năm học chuyên Văn, qua hàng chục kỳ thi lớn nhỏ giờ chẳng để làm gì. Mục đích lớn nhất không còn, tôi cảm thấy bao nỗ lực mình đổ ra tan như bọt biển chỉ sau một đêm – sau một chính sách (mà vài năm sau đã bị hủy) của “một ai đó trên Bộ”. Đây là một cú sốc rất lớn đối với tôi, ở tuổi 17. Người ngoài có thể nhìn vào và bĩu môi: “Trời, có gì đâu mà làm quá lên thế, chỉ là một kỳ thi thôi mà!” nhưng nếu đặt mình vào vị trí của một đứa trẻ mới lớn, tất cả cuộc đời trong 12 năm đi học chỉ gói gọn trong một mục tiêu duy nhất, nay không còn; ước mơ bị vùi dập, nỗ lực bị tước đoạt, tương lai đang tươi sáng bỗng trở nên mờ mịt. Cảm giác bẽ bàng, phản bội, tuyệt vọng thật khó diễn tả.

Nhưng điều tệ nhất của việc này chính là khi tôi nhận ra mình không những có khả năng trượt đại học mà còn trượt cả tốt nghiệp cấp 3! Sự thật là từ đầu năm lớp 12, khi bắt đầu được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi, tôi đã được đặc cách miễn học chính khóa và miễn thi tất cả các môn học bình thường để tập trung vào một môn Văn. (Đây là một quy chế phổ biến ở các trường chuyên đối với học sinh trong đội tuyển). Điều này đồng nghĩa với việc, tôi hầu như không biết gì về các môn học khác. Họa vô đơn chí tiếp tục giáng xuống đầu tôi khi Bộ tiếp tục ra thông báo về môn thi tốt nghiệp năm đó: Toán, Văn, Ngoại Ngữ, Lý, Hóa, Sử – tất cả các môn này vốn đã là ác mộng đối với học sinh ban Khoa học xã hội, nhưng thực sự là thảm họa đối với một người mất gốc hoàn toàn như tôi.

Khi đó chỉ còn 3 tháng là tới kỳ thi tốt nghiệp, 5 tháng tới kỳ thi đại học. 

Khi biết tin, tôi ngồi lại với bố mẹ và nói rằng tôi cảm thấy vô vọng, rằng kỳ thi học sinh giỏi không còn nhiều ý nghĩa nữa so với kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học phía trước, và rằng tôi cần sự giúp đỡ để học lại từ đầu tất cả các môn bị lãng quên trong năm qua. Năm đó, tôi cũng không có nhiều điều kiện để đi học ở đâu quá cao sang, chỉ bắt đầu bằng việc mời một chị sinh viên Bách Khoa năm thứ nhất đến nhà dạy cho một tuần 2 buổi Toán và Lý; sau đó tôi đi học thêm một lớp Hóa tự tổ chức tại nhà một người bạn, rồi tôi cố gắng chen chúc ngồi vào hai lớp tiếng Anh ở trung tâm luyện thi đông nghẹt thở. Còn lại, tất cả đều phải tự học. Tự học rất nhiều. Tôi còn nhớ buổi gia sư Toán đầu tiên, chị sinh viên cho tôi làm một bài tập ở chương đầu tiên của quyển sách giáo khoa Toán 12 – đó là một bài về véc-tơ. Tôi nhìn xuống đề bài rồi  lại nhìn lên chị gia sư, đó là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy đầu óc mình trống rỗng đến vậy: “Chị ơi, véc-tơ nghĩa là gì?” – tôi hỏi, cổ họng khô đắng. Đây là một trong những ví dụ đơn giản nhất cho thấy rằng ở thời điểm đó, kiến thức của tôi đã chạm đáy đến như thế nào.

Nhưng có một điểm mạnh về bản thân mà tôi vẫn luôn biết về mình, đó là: Tôi có khả năng tập trung vô cùng cao độ – điều mà tôi có niềm tin mãnh liệt rằng dù hoàn cảnh có xấu đến như thế nào, không ai và không có điều gì có thể lấy đi của tôi được cả. Buổi thứ hai chị gia sư Toán quay lại, tôi đã tự học được gần nửa quyển Toán 12, làm hết tất cả các bài tập trong sách chính khóa và nâng cao, và bắt đầu giải các bài toán đồ thị đầu tiên của bộ đề thi đại học. Tôi còn nhớ chị gia sư rất ngạc nhiên và nói rằng nếu tôi tự học được tốt, hai chị em sẽ “cày” hết chương trình Toán 12 trong 2 tuần. Và đúng thế thật. Không chỉ Toán, mà chương trình Lý, Hóa, Anh, Sử tôi cũng lấy lại được gốc trong vòng 1 tháng . Nhưng đạt được điều đó không dễ dàng chút nào. Toàn bộ năng lượng của tôi ở thời điểm đó đều dồn vào việc học, tôi học ngày, học đêm, ngủ gật xuống bàn lại táp nước vào mặt cho tỉnh ngủ rồi lại học tiếp; cà phê, chè đặc, nước tăng lực, thuốc giúp trí nhớ… tất cả những gì có thể giữ được cho mình tỉnh táo tôi đều từng dùng qua. Nghĩ lại, tôi vẫn còn cảm thấy rùng mình. Nhưng đó là thời gian làm việc hiệu quả nhất và học được nhiều nhất (!) mà tôi từng làm được; chưa có giai đoạn nào, kể cả cho tới hôm nay, tôi có thể làm được gần đến mức độ đó.

Rút ngắn đến cái kết của câu chuyện: Tôi đỗ tốt nghiệp và đỗ đại học vào trường nguyện vọng 1 của mình. Một cái kết có hậu. Nhưng nó không nói hết được những gì tôi đã học được qua cú sốc năm lớp 12 và tại sao đây lại là bước ngoặt thay đổi định hướng tương lai của tôi sau này. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi viết lại một cách nghiêm túc những bài học này:

1. Mọi thứ trên đời đều có thể học được, nếu ta thực sự để tâm vào nó

Nếu có điều gì về cú sốc năm lớp 12 dạy cho tôi thì đó là tiềm năng con người là rất lớn, có những điều ta tưởng như không thể nhưng dưới sức ép về thời gian, tiền bạc, sự nghiệp, sống còn… đều trở thành có thể. Bởi vậy, đừng bao giờ đánh giá thấp về khả năng học tập của bản thân, dù là học kiến thức trên trường lớp hay kỹ năng ngoài xã hội. Tất cả đều có thể học được, nếu ta thực sự để tâm vào nó. Cách đây 11 năm, nếu bạn nói với tôi ở tuổi 17 rằng: “Cô sẽ học lại toàn bộ chương trình, Toán, Lý, Hóa, Anh, sẽ đỗ tốt nghiệp, rồi đỗ đại học mà không cần đến tấm vé miễn thi”, tôi sẽ trả lời rằng bạn thật điên rồ, rằng tôi không thể nào học được Toán, Lý, Hóa, chứ chưa nói đến thi được môn Toán và môn Anh khối D để cạnh tranh vào một trường tốp đầu. Nhưng sự thật là tôi đã làm được – biến những điều không thể thành có thể. Cho đến tận bây giờ, mỗi lần gặp hoàn cảnh khó khăn, phải đối diện với những thứ rất khó để học, tôi thường nhìn lại những gì mình đã vượt qua năm lớp 12 và nghĩ: “Ngày xưa mình đã làm được một lần thì không có lý do gì bây giờ mình không làm được lần thứ hai” và tiếp tục nỗ lực theo đuổi cho đến cùng. Hãy tin tôi, mọi thứ trên đời đều có thể học được, nếu bạn thực sự để tâm vào nó!

2. Luôn mang mơ ước của mình ra soi dưới ánh sáng của thực tế

Bạn có đang tự hỏi, điều gì đã xảy ra đối với kỳ thi học sinh giỏi quốc gia của tôi năm đó? Tôi vẫn đi thi nhưng không được giải, một phần vì tôi còn không đầu tư thời gian vào việc luyện thi nhưng phần nhiều là vì tôi thực sự không còn quan tâm đến kết quả. Tôi đã có một định hướng khác cho tương lai. Sau khi vào đội tuyển thi quốc gia, tôi có cơ hội được gặp và được đào tạo bởi những thầy cô giáo, những nhà nghiên cứu Văn học hàng đầu Việt Nam (những tên tuổi lớn trên sách bình giảng Văn học thời bấy giờ) nhưng càng tiếp xúc với họ, tôi càng nhận ra rằng mình thực sự không muốn theo con đường văn chương. Đừng hiểu lầm ý tôi, các thầy cô dạy tôi là những người vô cùng tuyệt vời và tôi vẫn còn niềm đam mê Văn học, nhưng nhờ có việc học đội tuyển, tôi mới nhận ra rằng ước mơ của mình trên thực tế có hình hài hoàn toàn khác so với tưởng tượng. Lần đầu tiên, sau 7 năm học chuyên Văn, tôi mới tự hỏi; “Nếu mình theo đuổi môn Văn đến cùng, mình sẽ đi tới đâu?”. Ở mức cao nhất, tôi có thể trở thành giáo viên, giảng viên Văn học, nhà bình luận Văn học … – nói cách khác, trở thành chính những người đang dạy tôi trong đội tuyển thi học sinh giỏi bấy giờ. Nhưng thành thật mà nói, mặc dù rất tôn trọng các thầy cô, tôi không nhìn thấy hình ảnh mình ở tương lai trong họ. Tôi nhận ra mình muốn làm một việc gì đó khác, những việc mà ngôn ngữ được sử dụng như một công cụ, chứ không phải là trung tâm của công việc. Chính vì sự nhìn nhận thực tế về bản chất của ước mơ và mong muốn cho tương lai của mình (những điều mà có thể tôi sẽ không bao giờ biết đến nếu không vào đội tuyển năm đó), tôi thay đổi hoàn toàn hướng chọn trường và chọn ngành của mình. Tôi không hướng đến những chuyên ngành thiên về ngôn ngữ nữa mà chọn những chương trình dùng ngôn ngữ như công cụ để học chuyên ngành khác (đọc “Đại Học hay ‘Học Đại'”). Đây là lựa chọn mang tính bước ngoặt của tôi ở thời điểm đó và mãi cho tới sau này. Ngôn ngữ, văn học, và viết lách sẽ mãi mãi là niềm đam mê của tôi nhưng không phải là con đường chính mà tôi chọn cho tương lai của mình. Điều này tôi học được trong những ngày tháng khó khăn đó, khi cú sốc đầu đời buộc tôi phải đưa ước mơ của mình ra soi dưới ánh sáng của thực tế.

3. Trân trọng tất cả những gì mình đạt được

Có rất nhiều người bạn của tôi sau này khi học được 1-2 năm đầu đại học ở Việt Nam thì bỏ để đi du học nước ngoài. Mặc dù cũng rất muốn được đi du học, tôi không thể bỏ học ở Việt Nam giữa chừng. Bởi vì hành trình đưa tôi đến cổng trường đại học thực sự rất vất vả, tôi muốn đi đến hết con đường để bù đắp lại công sức mình đã bỏ ra. Nếu việc học và thi đại học của tôi dễ dàng hơn hay nếu tôi chuẩn bị tâm lý tốt hơn cho việc thi đại học như các bạn khác, có lẽ tôi sẽ dễ buông bỏ hơn. Nhưng việc ở lại Việt Nam học hết đại học rồi tìm cơ hội sang nước ngoài học cao học đã dạy cho tôi rất nhiều điều (đọc “Gửi tôi 18”), trong đó là sự trân trọng những gì mình đã đạt được, không xem bất kỳ điều gì là hiển nhiên, là tự nhiên mà có được cả. Mọi thứ đều đánh đổi bằng mồ hôi, công sức, máu, và nước mắt – những thứ quý giá nhất trên đời.  

4. Luôn đặt bản thân mình vào vị trí của người khác

Cú sốc xảy ra năm lớp 12 dạy cho tôi thấy rằng những người làm chính sách giáo dục ở trên cao không hiểu hết được những gì đang diễn ra với học sinh, thầy cô giáo, phụ huynh dưới cơ sở. Một sự thay đổi chính sách, tưởng như nhỏ nhoi thôi, có thể làm ảnh hưởng đến cả một thế hệ, làm thay đổi cuộc đời của nhiều con người. Bởi vậy, càng lên vị trí cao, ta lại càng phải đặt bản thân vào vị trí của người khác, để hiểu được ảnh hưởng quyết định của mình tới đến đâu, có thực sự mang lại lợi ích tích cực cho người khác hay không. Đây là lý do tại sao tôi quyết định làm nghiên cứu về chính sách giáo dục và chọn góc nhìn của học sinh để đưa ra phản hồi về chính sách. Ở góc độ quan hệ con người, đặt bản thân mình vào vị trí của người khác thực sự là điều tuyệt vời nhất chúng ta có thể làm cho nhau.

5. Mọi việc xảy ra đều có lý do của nó

Soren Kierkegaard từng nói: Life can only be understood backwards; but it must be lived forwards” (tạm dịch “Cuộc đời chỉ có thể hiểu được khi ta nhìn lại; nhưng ta phải sống về phía trước”). Câu nói này có nghĩa là những việc xảy ra trong cuộc đời ta ở thời điểm này, ta chưa chắc hiểu được trọn vẹn; nhưng một thời gian sau này, khi mọi chuyện đã qua đi, ta sẽ nhìn lại và hiểu được hết ý nghĩa của chúng. Tôi tin mọi việc xảy ra đều có lý do của nó. Nếu như tuổi 17 của tôi trôi qua bình yên, tôi lẳng lặng nhận được suất vào thẳng đại học, không gặp cú sốc nào, tôi có lẽ sẽ không bao giờ trở thành tôi của ngày hôm nay. Tôi có thể sẽ không bao giờ hiểu được tiềm năng của mình lớn như thế nào dưới sức ép, tôi có thể sẽ mất rất nhiều năm mới nhận ra ước mơ của mình không phải là Văn học, tôi có thể sẽ không theo đuổi ngành Giáo dục … Và chắc chắn, sẽ không viết ra được bài viết này :). Nếu bạn đang gặp vấn đề gì khúc mắc trong cuộc sống, hãy tin tưởng rằng mọi việc xảy ra đều có lý do của nó, bạn có thể chưa hiểu hết được ngay bây giờ, nhưng rồi một ngày nọ, bạn sẽ nhìn lại và cảm ơn những gì mình đang trải qua ngày hôm nay. Bởi vì những gì xảy ra hôm nay tạo nên con người bạn của ngày mai. 

“Life can only be understood backwards; but it must be lived forwards”

Be Present,

Chi Nguyễn

*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận

** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog 

RSSFollow by EmailFacebookFacebook

Từ khóa » Cú Sốc đầu đời Nghĩa Là Gì