Cứng đa Khớp Bẩm Sinh - VnExpress Sức Khỏe

"...Ở quê em có quan niệm là bố mẹ ông bà ăn ở độc ác nên con cháu phải tàn tật, có đúng không? Vết mổ cũ có liên quan gì tới sự phát triển thai nhi không?".

Trả lời:

Dị tật bẩm sinh là các khuyết tật có ngay khi sinh ra, có thể do di truyền, tác động của môi trường hoặc do một số bệnh mà thai phụ mắc phải. Nó hoàn toàn không có liên quan gì tới việc mổ lấy thai của lần sinh trước, càng không liên quan đến việc bố mẹ, ông bà đứa trẻ ăn ở thế nào.

Cứng đa khớp bẩm sinh có tỷ lệ mắc là 1/3.000. Đôi khi có thể phát hiện hội chứng này qua hình ảnh siêu âm trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Việc phát hiện bệnh sớm rất có ích cho sự tiên lượng cuộc đẻ, để có phương án dự phòng, tránh các tai biến có thể gặp khi sinh.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là một số khớp bị cứng, biến dạng, co quắp, không cử động được hoặc cử động hạn chế. Sự hạn chế vận động của khớp bắt nguồn từ sự giảm vận động của bào thai trong thai kỳ. Khớp hạn chế hoặc không cử động sẽ dẫn tới sự suy yếu cơ bắp. Cơ bắp teo dần sẽ lại ảnh hưởng trở lại sự vận động của khớp. Các khớp hay bị tổn thương là bàn tay, cổ tay, bàn chân, cổ chân... Phần cột sống lưng ít bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân: Ở phần lớn trường hợp, bệnh lý khởi đầu từ ống tủy, nơi xuất phát của các dây thần kinh ngoại biên chi phối sự vận động của cơ bắp. Đôi khi tình trạng này kết hợp với các dị dạng khác.

Rất may là hội chứng cứng đa khớp bẩm sinh không phải là loại bệnh lý có tính tiến triển; bệnh không tiếp tục diễn biến xấu đi. Tuy nhiên, hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể áp dụng các kỹ thuật phục hồi chức năng, vận động liệu pháp hoặc phẫu thuật chỉnh hình để cố gắng giải thoát ít nhiều tình trạng khớp bị cứng kẹt, tạo điều kiện cho bệnh nhân cử động khớp được tốt hơn và hòa nhập xã hội.

BS Lê Quang Hồng, Sức Khỏe & Đời Sống

Từ khóa » Cứng đa Khớp Bẩm Sinh