Cùng Tìm Hiểu Về Các Bệnh Tự Miễn Thường Gặp - Hello Bacsi

Bệnh tự miễn là tình trạng hệ thống miễn dịch tự tấn công chính tế bào trong cơ thể do nhầm lẫn. Tìm hiểu về các bệnh tự miễn thường gặp sẽ giúp bạn hiểu hơn về những ảnh hưởng mà cơ thể phải chịu khi hệ miễn dịch hoạt động bất thường.

Bình thường, khi có những phần tử lạ từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể như vi khuẩn, virus… thì hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt và huy động một “đội quân’ các tế bào bạch cầu đến để tiêu diệt chúng. Hệ miễn dịch có thể nhận biết được sự khác biệt giữa tế bào lạ và tế bào bình thường trong cơ thể.

Thế nhưng, khi bệnh tự miễn xảy ra tức là hệ miễn dịch đã nhầm lẫn tế bào ở một phần cơ thể, như khớp hay da, là những phần tử lạ cần loại trừ. Khi đó, cơ thể sẽ giải phóng các protein được gọi là tự kháng thể để tấn công vào những tế bào khỏe mạnh bình thường này.

Một số bệnh tự miễn chỉ xảy ra ở một cơ quan, như bệnh đái tháo đường tuýp 1 sẽ phá hủy tuyến tụy. Ngược lại, có bệnh gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, chẳng hạn như lupus ban đỏ hệ thống (SLE). Để hiểu rõ hơn về các bệnh tự miễn thường gặp, mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

Tại sao hệ miễn dịch lại tự tấn công chính tế bào của cơ thể?

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra lý do tại sao lại hệ miễn dịch lại bị rối loạn như vậy. Tuy nhiên, họ nhận thấy một số người có khả năng mắc bệnh tự miễn cao hơn những người khác.

Theo một nghiên cứu năm 2014, tỷ lệ phái nữ mắc các bệnh tự miễn so với phái nam là 2:1 (tương ứng 6,4% phụ nữ với 2,7% đàn ông mắc phải tình trạng rối loạn miễn dịch). Các bệnh này thường xuất hiện trong độ tuổi sinh sản ở nữ giới, từ 15–44 tuổi.

Một số bệnh tự miễn lại phổ biến hơn cho một nhóm dân tộc, ví dụ như bệnh lupus ảnh hưởng nhiều đến người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha hơn so với người da trắng.

Vài bệnh tự miễn khác thì có tính di truyền cao như bệnh đa xơ cứng và lupus. Cho dù không phải mọi thành viên trong gia đình đều sẽ mắc một tình trạng bệnh giống nhau nhưng họ sẽ thừa hưởng các yếu tố dễ gây ra rối loạn tự miễn.

Hơn thế nữa, khi nhận thấy tỷ lệ mắc phải các bệnh tự miễn ngày càng tăng, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng yếu tố môi trường như nhiễm trùng, tiếp xúc với hóa chất hay dung môi độc hại cũng có thể liên quan đến rối loạn này.

Chế độ ăn theo kiểu “phương Tây’ cũng là một yếu tố nguy cơ được nghi ngờ là gây phát triển các bệnh tự miễn thường gặp. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo, nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn có thể có liên quan đến tình trạng viêm, từ đó gây ra những đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên, điều này chưa được chứng minh rõ ràng.

14 bệnh tự miễn thường gặp

Có đến hơn 80 bệnh tự miễn khác nhau nhưng sau đây, Hello Bacsi chỉ đề cập đến 14 bệnh tự miễn thường gặp nhất.

1. Đái tháo đường tuýp 1

Tuyến tụy sản xuất ra hormone insulin, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Trong bệnh đái tháo đường tuýp 1, hệ miễn dịch sẽ tấn công và phá hủy những tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy.

Kết quả là lượng đường trong máu tăng cao, gây tổn thương ở mạch máu cũng như các cơ quan khác như tim, thận, mắt và thần kinh.

2. Viêm khớp dạng thấp

Ở người bị viêm khớp dạng thấp, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công nhầm vào các khớp và gây các triệu chứng đỏ, nóng, đau cùng cứng khớp.

các bệnh tự miễn thường gặp 2

Không giống như bệnh viêm xương khớp thường ảnh hưởng đến những người cao tuổi, viêm khớp dạng thấp có thể xuất hiện sớm hơn, vào những năm 30 tuổi.

3. Vẩy nến/Viêm khớp vẩy nến

Bệnh vẩy nến sẽ khiến cho các tế bào da mới được tạo ra quá nhanh và tích tụ lại, hình thành các mảng đỏ bị viêm. Người bệnh thường có vảy màu trắng hoặc bạc trên da.

Có đến 30% người bệnh vẩy nến phát triển những triệu chứng sưng, cứng và đau khớp. Dạng bệnh này được gọi là viêm khớp vẩy nến.

4. Đa xơ cứng

Bệnh đa xơ cứng phá hỏng lớp vỏ myelin – lớp bảo vệ quanh các tế bào thần kinh trong hệ thần kinh trung ương. Tổn thương này khiến tốc độ truyền và nhận tín hiệu giữa não, tủy sống với các phần còn lại của cơ thể bị chậm lại.

Người bệnh có thể cảm thấy những triệu chứng như tê, yếu, gặp vấn đề khi giữ thăng bằng và khó khăn khi đi lại. Bệnh có nhiều dạng nghiêm trọng tiến triển với tốc độ khác nhau. Theo một nghiên cứu năm 2012, khoảng 50% người bị đa xơ cứng sẽ cần có hỗ trợ khi đi bộ trong vòng 15 năm kể từ khi bệnh hình thành.

5. Lupus ban đỏ hệ thống (SLE)

Mặc dù vào những năm 1800, các bác sĩ đã lần đầu mô tả bệnh lupus là một bệnh ngoài da bởi tình trạng phát ban trông khá thông thường nhưng dạng toàn thân (dạng phổ biến nhất của bệnh lupus) thực sự gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác, bao gồm khớp, thận, não và tim.

Đau khớp, mệt mỏi và phát ban là những triệu chứng phổ biến nhất của lupus ban đỏ hệ thống.

6. Bệnh viêm ruột (IBD)

Bệnh viêm ruột là một thuật ngữ sử dụng để mô tả các tình trạng gây viêm trong lớp niêm mạc thành ruột. Mỗi loại bệnh viêm ruột sẽ ảnh hưởng đến một phần khác nhau của đường ruột.

  • Bệnh Crohn có thể gây viêm bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn.
  • Viêm loét đại tràng chỉ ảnh hưởng đến niêm mạc của đại tràng và trực tràng.

7. Bệnh Addison

Bệnh Addison tác động đến tuyến thượng thận, nơi sản xuất ra hormone cortisol và aldosterone cũng như androgen. Thiếu cortisol có thể gây ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng và dự trữ carbohydrate và đường (glucose). Thiếu aldosterone sẽ dẫn đến mất natri và tăng lượng kali dư thừa trong máu.

Các triệu chứng bệnh bao gồm yếu, mệt mỏi, giảm cân và lượng đường trong máu thấp.

8. Bệnh basedow

Bệnh basedow là tình trạng hệ miễn dịch tấn công vào tuyến giáp ở cổ gây sản xuất quá mức hormone tuyến giáp – nội tiết tố giúp điều hòa quá trình chuyển hóa trong cơ thể.

các bệnh tự miễn thường gặp 1

Khi các hormone này được sản xuất quá nhiều sẽ làm tănng tốc độ các hoạt động trong cơ thể, gây ra nhiều triệu chứng như hồi hộp, tim đập nhanh, khả năng chịu nóng kém (tăng tiết mồ hôi) và giảm cân.

Một dấu hiệu khác có thể thấy ở những người bệnh basedow là mắt lồi, xảy ra ở khoảng 30% người bệnh.

9. Hội chứng Sjogren

Hội chứng này tấn công vào các tuyến tiết dịch cho mắt và miệng. Các triệu chứng đặc trưng cho hội chứng Sjogren là khô mắt và khô miệng. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể gây ảnh hưởng đến khớp hoặc da.

10. Viêm tuyến giáp Hashimoto

Trong bệnh lý viêm tuyến giáp Hashimoto, quá trình sản xuất hormone tuyến giáp giảm chậm đến mức thiếu hụt mức cần thiết. Các triệu chứng bao gồm tăng cân, dễ bị cảm lạnh, mệt mỏi, rụng tóc và tăng sinh tuyến giáp (bướu cổ).

11. Bệnh nhược cơ

Nhược cơ gây ảnh hưởng đến các xung thần kinh giúp não điều khiển cơ bắp. Khi việc truyền tín hiệu từ dây thần kinh đến cơ bắp bị suy yếu, cơ bắp không được điều khiển theo ý muốn.

Triệu chứng bệnh thường thấy nhất là cơ trở nên yếu hơn khi hoạt động và cảm thấy được cải thiện khi nghỉ ngơi. Các cơ bị ảnh hưởng phổ biến là cơ điều khiển chuyển động của mắt, mí mắt, nuốt và các cử động trên mặt khác.

12. Viêm mạch tự miễn

Viêm mạch tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn cống nhầm vào các mạch máu. Tình trạng viêm sẽ làm hẹp các động mạch và tĩnh mạch, khiến lượng máu lưu thông giảm xuống.

13. Thiếu máu ác tính

Tình trạng này gây ra sự thiếu hụt của một loại protein được tạo ra bởi các tế bào lót trong dạ dày, được gọi là yếu tố nội tại cần thiết để ruột non có thể hấp thu vitamin B12 từ thức ăn. Nếu cơ thể không có đủ vitamin này sẽ dẫn đến thiếu máu và khả năng tổng hợp ADN cũng bị ảnh hưởng.

Thiếu máu ác tính thường xuất hiện ở người lớn tuổi.

14. Bệnh celiac

Những người mắc bệnh celiac không thể ăn những thực phẩm có chứa gluten – một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch đen và các sản phẩm ngũ cốc khác. Khi gluten đi vào ruột non, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công vào phần này của đường tiêu hóa và gây viêm.

Trên đây là các bệnh tự miễn thường gặp nhất. Thông thường, các triệu chứng bệnh hay chồng chéo lên nhau khiến cho quá trình chẩn đoán gặp nhiều khó khăn. Phương pháp điều trị thường sử dụng thuốc để làm cho phản ứng miễn dịch giảm bớt hoạt động quá mức và giảm tình trạng viêm xảy ra trong cơ thể.

 

 

 

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Các Loại Bệnh Hệ Thống Là Gì