Nguy Cơ Bùng Phát Bệnh Tự Miễn ở Bệnh Nhân Sau Mắc COVID-19 ...

Bệnh tự miễn là gì?

Bệnh tự miễn là bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch không phân biệt được thành phần của cơ thể mình (tự kháng nguyên) với những chất lạ (kháng nguyên), làm kích hoạt bạch cầu sản xuất ra các tự kháng thể tấn công các tế bào của chính mình.

Có hơn 100 bệnh tự miễn với nhiều biến chứng nguy hiểm đã được phát hiện

Hình 1. Có hơn 100 bệnh tự miễn với nhiều biến chứng nguy hiểm đã được phát hiện

Những nguyên nhân nào gây ra bệnh tự miễn?

Có hai nguyên nhân rất thường gặp: thứ nhất, hệ miễn dịch bị rối loạn chức năng; thứ hai do các chất lạ có cấu tạo rất giống với những chất có trong cơ thể người, khiến hệ miễn dịch nhận diện sai lầm.

Bệnh tự miễn có nguy hiểm không? Lợi ích của việc phát hiện sớm bệnh tự miễn?

Người mắc bệnh tự miễn có nguy cơ bị tổn thương đa cơ quan, lâu dài có thể tiến triển thành suy đa tạng và tử vong. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể thuyên giảm tốt và ngăn ngừa được hầu hết các biến chứng nguy hiểm.

Vì sao nhiễm COVID-19 lại gây bùng phát bệnh tự miễn?

Trong quá trình giải mã bộ gen của COVID-19, các nhà khoa học đã phát hiện có ít nhất 28 protein của virus mang đặc điểm tương tự với protein ở người.

Cho tới nay đã phát hiện được 15 loại tự kháng thể với các tỷ lệ xuất hiện khác nhau, chẳng hạn như: 35,6% số người sau nhiễm COVID-19 xuất hiện tự kháng thể kháng nhân (ANA), tỷ lệ này của kháng thể kháng Ro/SSA là 25%, yếu tố dạng thấp là 19%, chất chống đông dạng lupus 11%...

Trong hội nghị y học tổ chức tại Dresden – Đức lần thứ 15 vào tháng 9 năm 2021, các chuyên gia y khoa hàng đầu về miễn dịch học đã công bố 10 bệnh tự miễn khác nhau thực sự đã khởi phát ở người bị nhiễm COVID-19.

Các loại tự kháng thể và bệnh tự miễn khởi phát sau nhiễm COVID-19

Hình 2. Các loại tự kháng thể và bệnh tự miễn khởi phát sau nhiễm COVID-19

Các triệu chứng nào gợi ý nguy cơ bị bệnh tự miễn?

Các triệu chứng có thể gặp trong bệnh lý tự miễn, bao gồm mệt mỏi, phát ban, đau cơ, đau khớp, nặng hơn là viêm đa mạch, huyết khối tắc mạch, viêm cơ tim... Đáng lưu ý, đây đều là những triệu chứng có thể gặp phải ở người sau nhiễm COVID-19.

Xét nghiệm nào giúp bạn phát hiện sớm bệnh tự miễn?

Trước hết, cần hiểu rằng các nguyên nhân hình thành bệnh tự miễn là do các tự kháng thể tấn công các tế bào bình thường. Do đó, muốn phát hiện sớm và dự phòng nguy cơ mắc bệnh tự miễn, bác sĩ thường yêu cầu làm các xét nghiệm tự kháng thể, xem bạn có dương tính với một loại tự kháng thể nào đó hay không. Các tự kháng thể hay gặp nhất, là kháng thể kháng nhân (ANA), yếu tố dạng thấp (RF), kháng thể kháng peptide citrullin mạch vòng (anti-CCP), kháng thể kháng phospholipid (APL), kháng thể kháng tế bào chất của bạch cầu trung tính (ANCA)...

Kháng thể kháng nhân ANA (Antinuclear antibodies)

Tự kháng thể này tấn công vào nhân của tất cả các tế bào trong cơ thể. Do đó tất cả các tế bào, các cơ quan đều có thể bị tổn thương và biểu hiện thành nhiều loại bệnh lý tự miễn phức tạp, như:

- Lupus ban đỏ hệ thống.

- Xơ cứng bì hệ thống.

- Viêm khớp dạng thấp.

- Viêm đa cơ, viêm da cơ.

- Viêm tuyến giáp tự miễn…

Xét nghiệm máu giúp phát hiện sự tồn tại của tự kháng thể ANA.

Kết quả xét nghiệm:

- Ở người bình thường: < 1,5 index (Âm tính).

- Dương tính: ≥ 1,5 index. Có tồn tại tự kháng thể ANA trong máu, cần phối hợp với các triệu chứng lâm sàng và gặp bác sĩ có kinh nghiệm để được tư vấn.

Xét nghiệm ANA được dùng để chẩn đoán nhiều loại bệnh lý tự miễn

Hình 3. Xét nghiệm ANA được dùng để chẩn đoán nhiều loại bệnh lý tự miễn

Yếu tố dạng thấp – RF (Rheumatoid Factor)

RF là tự kháng thể được hệ miễn dịch sinh ra chống lại vùng Fc của globulin miễn dịch IgG. Tự kháng thể này thường xuất hiện trong bệnh lý viêm khớp tự miễn với các triệu chứng: sưng đau bất thường các khớp bàn ngón tay, thường ở vị trí đối xứng 2 bên, cứng khớp vào buổi sáng trên 30 phút…

Ngoài ra, RF còn tăng trong các bệnh tự miễn khác:

- Hội chứng Sjogren

- Bệnh mô liên kết hỗn hợp

- Lupus ban đỏ hệ thống

- Xơ cứng hệ thống …

Xét nghiệm máu xác đinh RF có giá trị tham chiếu ở người bình thường là 0 - 30 U/ml.

Kháng thể kháng peptide citrullin mạch vòng (anti-CCP)

Anti-CCP thường được bác sĩ chỉ định cùng với yếu tố dạng thấp RF, phối hợp với các triệu chứng trên lâm sàng để chẩn đoán xác định bệnh lý viêm khớp dạng thấp và đánh giá sự tiến triển của bệnh lý này.

Viêm khớp dạng thấp nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ để lại những tổn thương khớp vĩnh viễn

Hình 4. Viêm khớp dạng thấp nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ để lại những tổn thương khớp vĩnh viễn

Ở người khỏe mạnh, nồng độ của anti-CCP ở mức < 17 U/mL (âm tính); nếu giá trị anti-CCP ≥ 17 U/mL được coi là dương tính.

Tuy nhiên, nếu trên lâm sàng có các triệu chứng điển hình nhưng xét nghiệm tự kháng thể RF và anti-CCP đều âm tính, bác sĩ vẫn có thể chẩn đoán viêm khớp dạng thấp.

Kháng thể kháng phospholipid (Anti Phospholipid Antibodies- APL)

Là những tự kháng thể xuất hiện trong hội chứng kháng phospholipid (Antiphospholipid antibodies syndrome – APS). Hội chứng này đặc trưng bởi tình trạng huyết khối ở hệ tim mạch dẫn đến tắc nghẽn, thiếu máu, hoại tử các cơ quan. Hậu quả là suy thận, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tắc mạch phổi. Đặc biệt ở những phụ nữ đang mang thai, tình trạng huyết khối nhau thai có thể làm sảy thai, thai chết lưu…

Để xác định một người có mắc APS hay không, ngoài các triệu chứng trên lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm kiểm tra tình trạng đông máu và xác định sự có mặt (dương tính) của các tự kháng thể APL hay không. Các kháng thể này bao gồm:

- Kháng thể kháng Cardiolipin IgG và/hoặc IgM

- Anti phospholipid IgG và/hoặc IgM

- Anti β2-Glycoprotein IgG và/hoặc IgM

- Lupus anticoagulant (LA)

Kháng thể kháng tế bào chất của bạch cầu trung tính (Antineutrophil Cytoplasmic Antibodies - ANCA)

Tự kháng thể ANCA thường xuất hiện trong các bệnh lý tự miễn có viêm mạch máu, như:

- U hạt viêm đa khớp Wegener (GPA)

- Viêm đa động mạch nút (MPA)

- Viêm mạch và đa u hạt dị ứng (EGPA)

- Hội chứng Churg-Strauss (CSS) …

Tình trạng viêm mạch máu của các bệnh lý tự miễn này đều có nguy cơ dẫn tới tắc nghẽn, thiếu máu, phình mạch hoặc hoại tử mạch máu … làm suy giảm chức năng các cơ quan bị tổn thương, thậm chí nặng hơn, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng suy đa tạng và tử vong. Do đó, việc phát hiện sớm tự kháng thể ANCA là rất có giá trị.

Triệu chứng bệnh lý viêm mạch máu tự miễn

Hình 5. Triệu chứng bệnh lý viêm mạch máu tự miễn

Mặc dù, các tự kháng thể nói trên vẫn có một tỷ lệ nhỏ xuất hiện ở những người bình thường, không có triệu chứng. Nhưng liệu rằng các tự kháng thể này về lâu dài có khởi phát bệnh tự miễn hay không, cho tới nay chưa hoàn toàn được hiểu rõ. Do vậy, sự hình thành nhiều loại tự kháng thể sau nhiễm COVID-19 nên được phát hiện sớm và theo dõi sát sao.

Khi có các triệu chứng dai dẳng hậu COVID-19, bạn cần sớm đi kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế uy tín.

Nên chọn khám sức khỏe hậu COVID-19 ở đâu uy tín?

Với lịch làm việc tất cả các ngày trong tuần, cùng đội ngũ giáo sư bác sĩ đầu ngành đầy kinh nghiệm, quý khách hàng hoàn toàn có thể an tâm đến khám chữa bệnh tại các cơ sở của hệ thống MEDLATEC.

MEDLATEC chúng tôi tự hào là đơn vị đạt được các chứng nhận chất lượng xét nghiệm về ISO 15189:2021 và là đơn vị y tế đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận CAP - Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm của Hiệp Hội Hoa Kỳ (College of American Pathologists).

MEDLATEC rất hân hạnh được đồng hành cùng bạn và gia đình trên con đường chăm sóc sức khỏe toàn diện và lâu dài.

Từ khóa » Các Loại Bệnh Hệ Thống Là Gì