Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm: Cuốn Sách Lạ Và Quý

Các bạn đang chuẩn bị tái bản sách Cuộc cách mạng một cọng rơm bảo tôi viết thêm mấy lời giới thiệu. Tôi rất phân vân, bởi đối với nghề nông tôi là người ngoại đạo, có biết được gì mấy đâu. Song rồi nghĩ lại, có hai điều khiến tôi quyết định cầm bút.

Một là: Cuộc cách mạng một cọng rơm không chỉ nói chuyện kỹ thuật canh tác nông nghiệp, cũng không chỉ bàn chuyện thức ăn và cách ăn của con người..., dù về những điều đó tác giả đã nói tuyệt hay. Cuốn sách nhỏ này hóa ra là một tác phẩm lớn của một bậc hiền triết trong thời hiện đại, giữa thế giới hết sức chộn rộn và cực kỳ lộn xộn ngày nay. Masanobu Fukuoka chạm đến vấn đề lớn nhất và sâu xa nhất của con người từ khi trở thành xã hội, là mối quan hệ của con người với tự nhiên.

Từ những mẩu chuyện rất nhỏ, rất gần, rất cụ thể, thiết thân hằng ngày đối với mỗi người, từ “một cọng rơm’’ nhỏ nhoi mà ông trân trọng nhặt lên và ân cần trả lại cho đất, ông rà soát lại mối quan hệ sinh tồn, sinh tử đó, nhỏ nhẹ, từ tốn, nhưng đọc kỹ mà xem, kỳ thực rất ráo riết, rất quyết liệt và nghiêm khắc, ông chỉ ra con người đã làm tha hóa, suy đồi mối quan hệ đó như thế nào, đặc biệt ngày nay, ngày càng trở nên kiêu ngạo trước tự nhiên, và đang tự dẫn mình đến hủy diệt.

Bìa sách Cuộc cách mạng một cọng rơm

Không quá chút nào khi Fukuoka gọi những điều ông nghĩ, làm và nói với chúng ta là một “cuộc cách mạng’’. Cần lắng nghe ông, chăm chú suy nghĩ, nghĩ lại về những điều mỗi chúng ta đã từng nghĩ và tin, từng cho là đã xong rồi, nghĩ lại, nghĩ lại nữa, tự mình tìm một lối ra cho chính mình trong mớ bòng bong rối rít đang vây hãm chúng ta hôm nay.

Và tất nhiên không chỉ để làm nông một cách khác, ăn uống một cách khác, mà là sống một cách khác. Fukuoka nghiêm trang đặt câu hỏi: thế nào là tiến bộ, thế nào là hiện đại, và căn bản hơn nữa: thế nào là hạnh phúc. Cuốn sách này cũng thật thú vị, bởi nó nói về hạnh phúc, điều ta tưởng đã hiểu, mà có khi hóa ra nhầm.

Còn một điều thứ hai khiến tôi muốn cầm bút nhân cuốn sách này: Fukuoka quá gần, quá giống với Tây Nguyên “của tôi’’, Tây Nguyên mà tôi gắn bó và đầy ưu tư. Bốn mươi mốt năm qua từ 1975, với sự tác động của ta, Tây Nguyên đã biến đổi hoàn toàn và theo hướng chẳng hề tốt chút nào, thậm chí rất đáng báo động. Rừng tự nhiên bị phá gần sạch. Tài nguyên mọi mặt cạn kiệt. Nước ở Tây Nguyên, vốn có ý nghĩa chi phối đối với toàn miền Nam Đông Dương, đang ngày càng thiếu nghiêm trọng. Trong 40 năm dân số Tây Nguyên đã tăng cơ học lên hơn 5 lần rưỡi, khiến người nơi khác đến, chủ yếu là người Kinh, chiếm 80% dân cư, người dân tộc tại chỗ chỉ còn 20%...

Trong một tương quan như vậy, theo một thói quen kỳ quặc nhưng lại được coi là đương nhiên, luôn có khẩu hiệu “phấn đấu đưa miền núi tiến kịp miền xuôi’’, “người dân tộc thiểu số tiến kịp người Kinh’’... Gắn bó với Tây Nguyên đã hơn 60 năm, tôi cho rằng có lẽ nên nghĩ và nói ngược lại: muốn khôi phục Tây Nguyên, muốn cứu Tây Nguyên hiện nay, người Kinh, ít ra và trước hết người Kinh ở Tây Nguyên, cần cố hết sức phấn đấu tiến cho bằng kịp người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Trong cách họ nghĩ, cách họ sống với tự nhiên, cách họ làm nông nghiệp, cách hiểu ý nghĩa của cuộc đời và hạnh phúc làm người.

Thật vậy, và thật kinh ngạc, người Tây Nguyên, ít ra là cho đến năm 1975, làm nông đúng hệt như Fukuoka. Họ tuyệt đối không cày đất, gần như không nhổ cỏ, tuyệt đối không bón phân, càng không biết đến phân hóa học, để nguyên rơm trên rẫy sau thu hoạch, không phun thuốc trừ sâu để diệt sạch hết côn trùng trên đất và rừng của mình... Họ để cho tự nhiên làm tất cả những điều cần thiết cho cây lúa, cây bắp trên rẫy cường tráng tự phát triển. Họ không “giúp’’ đất đai và cây cỏ, để không khiến chúng quen thói mà trở nên lười biếng và ngày càng suy yếu đi. Họ tin ở sức mạnh tự có của tự nhiên và kính trọng gìn giữ nó. Họ là những triết nhân của rừng. Họ là những Fukuoka của Việt Nam. Họ sống đàng hoàng, cường tráng, đầy tự tin, và thật đẹp giữa thiên nhiên cường tráng của họ.

Masanobu Fukuoka (1913-2008, Nhật Bản) được xem là ông tổ của nông nghiệp tự nhiên và là một triết gia. Cuộc cách mạng một cọng rơm của ông đến nay đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ và bán ra hơn 1 triệu bản. Ảnh TL

Từ sau 1975, ta đến, và kiêu ngạo một cách kỳ quặc, ta bảo họ ngu dốt, lạc hậu. Ta khinh bỉ cuộc sống ấy, cách sống ấy. Ta yêu cầu họ làm nông nghiệp hiện đại theo ta. Gọi là “cầm tay chỉ việc’’ như đối vởi trẻ con, ta bày họ cày trâu, rồi cày máy, ta bày họ đi rẫy bằng xe máy cày coi là rất tiến bộ, dạy họ khoan sâu xuống đất hằng trăm mét để hút nước ngầm coi là rất văn minh. Ta dạy họ diệt cỏ, rải phân hóa học, phun thuốc diệt hết côn trùng...

Rốt cuộc, mảnh rẫy của họ không còn thể canh tác quay vòng vì người đã quá đông, bị lối canh tác hiện đại của người Kinh đánh cho kiệt quệ, mất hết sức, bạc màu, đành đem bán rẻ cho người Kinh. Còn họ thì lùi mãi vào rừng ngày càng sâu hơn, và bây giờ buộc phá rừng và chết mòn vì rừng cũng chẳng còn mấy... Làng, tế bào của cơ cấu của xã hội Tây Nguyên, tất đổ vỡ. Văn hóa cũng tất suy theo...

Gần đây, tôi có được dự một hội thảo về an toàn nước ở Tây Nguyên, nước mặt và nước ngầm. Phải hội thảo, vì trên mái nhà này nước đã có nguy cơ cạn kiệt. Tôi được nghe các báo cáo thật hay, thật tài giỏi của nhiều giáo sư là chuyên gia các ngành liên quan đến nước và rừng. Họ nghĩ ra thật nhiều cách rất thông minh để giữ cho nước mưa không trôi tuột mất đi ngay trên đất bazan vốn trơn trợt mà thấm sâu xuống tầng nước ngầm, bằng cách tạo ra một hệ thống các giếng nhỏ rải rác và các đường đồng mức để giữ cho nước không trôi đi quá nhanh...

Tôi thật sự cảm phục tài năng và sự tận tụy của các chuyên gia. Nhưng rồi, tôi đã nghĩ lại và phải xin lỗi mà nói với các giáo sư đấy là một sự thông thái và tài tình... hơi buồn cười! Tất cả các cơ chế phức tạp được các giáo sư công phu tạo nên đó... hóa ra là những thứ, những chức năng rừng vốn vẫn làm trước đây, chắc chắn là tinh vi, toàn diện và hiệu quả hơn trăm ngàn lần, qua hàng vạn hay hàng triệu năm sinh sôi và tồn tại của rừng. Bây giờ ta phá sạch hết rừng rồi, ta đi bắt chước rừng làm được đôi ba thứ chắc chắn là vụng về, nghèo nàn và què quặt hơn nhiều..., rồi ta vui vẻ khen nhau tài giỏi và thông minh!

Vả chăng, còn có điều mà Fukuoka đã cảnh cáo: trong khi đào các giếng ‘’khôn ngoan’’ và đánh các đường đồng mức để khiến nước mưa không trôi trượt đi quá nhanh, đủ thời gian thấm xuống tầng nước ngầm, ta đã giúp cho đất, và cũng rất có thể vô tình tạo nên một thói lười biếng cho đất, khiến nó suy yếu và thụ động đi... Vậy thì làm sao đây? Khi rừng đã gần mất sạch như hiện nay, chắc con người không thể không ra tay làm công việc “giúp đỡ’’ ấy đến một mức nào đó. Song vẫn phải rất cẩn thận. Vẫn phải coi đó là một thứ nhân tạo, tức giả tạo bắt buộc cấp thời. Đừng quá làm thay tự nhiên. Cơ bản và lâu dài, vẫn phải là bằng mọi cách khôi phục lại rừng, và là rừng đa tạp nhiều tầng, nhiều lớp thực vật, như Tây Nguyên tuyệt đẹp xưa từng có, để khôi phục lại cơ chế tự nhiên tuyệt hảo của rừng. Tận tụy, chăm chỉ, kiên định. Trong 100 năm. Không thể ít hơn đâu. Phá bao giờ cũng dễ hơn làm lại. Ta đã phá gần nửa thế kỷ, làm lại mất một thế kỷ là còn quá ít. Như Fukuoka đã dành trọn cả một cuộc đời.

***

Vậy đó, cuốn sách triết học này của Fukuoka có chỗ rất đặc biệt. Nó nói những điều trọng đại, có thể là trọng đại nhất cho mãi mãi, nhưng cũng lại là cụ thể, gần gũi, thiết thực cho ngay hôm nay; nó bàn với chúng ta về những mối âu lo từng ngày của chúng ta ngay bây giờ. Nó nói về cấy trồng và ăn uống của con người, nhưng cũng là về lẽ sống hạnh phúc và mất còn của nhân quần.

Một cuốn sách thật lạ và thật quý.

Dự án Sách Hay (www.SachHay.org) là một dự án văn hóa - giáo dục phi lợi nhuận do gần 100 anh em đồng sự tâm huyết và Trường PACE khai lập năm 2007. Từ 2011, Dự án được điều hành bởi Viện IRED (www.IRED.edu.vn) và từ 2015 có thêm thành viên điều hành là Quỹ Phan Châu Trinh.

Sứ mệnh mà Dự án Sách Hay theo đuổi là “ Góp phần nâng cao dân trí và khai minh xã hội thông qua các hoạt động đa dạng liên quan đến sách hay”.

Giải Sách Hay (GSH) là giải thưởng thường niên của Dự án. Tính đến nay, GSH đã sáu lần trao giải.

Giải Sách Hay 2016 gồm sáu hạng mục truyền thống (Nghiên cứu, Giáo dục, Kinh tế, Quản trị, Văn học, Thiếu nhi) và hai hạng mục mới là Phát hiện mới và Người trẻ chọn sách cho người trẻ.

Dịch phẩm Cuộc cách mạng một cọng rơm của Masanobu Fukuoka được trao GSH trong hạng mục Phát hiện mới.

Danh sách các tác phẩm được GSH 2016 đã đăng đầy đủ tại http://nguoidothi.vn.

Nguyên Ngọc

Từ khóa » Cọng Rơm Cứu Mạng Là Gì