​Một Cọng Rơm Cũng Cần được Hiểu - Tuổi Trẻ Online

Năm 25 tuổi, sau một cơn bệnh nặng, Masanobu Fukuoka bỏ việc ở bộ phận thanh tra cây trồng thuộc Cục Hải quan Yokohama. Bị thúc đẩy bởi những suy tư về sự vô nghĩa của con người trước vạn vật vô biên, ông quay lại trang trại của cha và bắt đầu thực hành “nông nghiệp vô canh” để xác nhận những điều mình tin.

Những ham muốn phi tự nhiên

Nghiên cứu những nguyên tắc làm nông hữu cơ cơ bản ở phương Tây, Fukuoka nhận thấy chúng hầu như không khác so với nông nghiệp truyền thống phương Đông, đó là một nền nông nghiệp có sự tham gia của động vật, cây trồng và con người, kết hợp như một thể thống nhất. Ruộng vườn của ông không cày xới, không dùng phân hóa học hay vi sinh, thuốc diệt cỏ hay các loại hóa chất khác.

Ông rải rơm còn nguyên chưa cắt trở lại mặt ruộng để trả cho đất lớp mùn tự nhiên, trồng cỏ ba lá hoa trắng nhằm hạn chế cỏ dại và để côn trùng, chim chóc cùng các con vật nhỏ tự cân bằng mọi thứ như chúng vẫn làm trong tự nhiên từ ngàn đời... Ngũ cốc và hoa trái ông thu được nhiều không kém gì, thậm chí còn hơn những trang trại dùng công nghệ cao, lại rất tươi ngon và giàu dinh dưỡng.

Nhiều năm nay, nhu cầu vô độ của con người đã biến nông nghiệp thành một ngành sản xuất ngày càng thiếu lành mạnh. Công nghệ hiện đại cung cấp những loại thực phẩm to, nhiều và trông rất đẹp, nhưng gây mất cân bằng tiến trình hóa học trong cơ thể và khiến người ta càng trở nên ham muốn thực phẩm phi tự nhiên.

“Điều cần cân nhắc đầu tiên phải là sống làm sao để bản thân thức ăn ăn vào ngon miệng, nhưng thay vào đó, ngày nay tất cả mọi nỗ lực lại là tập trung vào việc thêm thắt tính ngon miệng cho thức ăn. Mỉa mai thay, những thức ăn ngon lành chẳng thấy đâu mà chỉ biến mất tiệt” - nhận xét từ 40 năm trước của ông Fukuoka đến nay đã trở nên thấm thía đối với những cư dân sống trong đô thị ô nhiễm và ngày ngày phải ăn thực phẩm vừa đắt đỏ vừa độc hại.

Nông nghiệp vô canh

Masanobu Fukuoka (1913-2008) là một nông dân, nhà nghiên cứu và triết gia Nhật Bản. Ông đã đi nhiều nơi trên thế giới để nghiên cứu về “nông nghiệp tự nhiên” hay “nông nghiệp vô canh”, xuất bản một số sách và bài viết, trong đó nổi tiếng nhất là cuốn Cuộc cách mạng một - cọng - rơm (1975) đến nay đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng. Ông nhận được nhiều giải thưởng danh tiếng và được coi là một trong năm nhân vật lớn thúc đẩy trào lưu nông nghiệp hữu cơ trên thế giới.

Thành tựu của Fukuoka được chú ý từ những năm 1970, nhưng sự tiếp nhận còn dè dặt. Theo ông, một trong những lý do là “thế giới đã trở nên chuyên biệt hóa tới mức người ta không thể nắm bắt được bất cứ cái gì trong sự toàn vẹn của nó nữa”.

Phương pháp của ông bị nghi ngờ, rằng sự tốt đẹp đơn giản như vậy khó có thể nhân rộng. Nhưng suốt cuộc đời mình, ông đã miệt mài chứng minh điều ngược lại, rằng nông nghiệp tự nhiên rất gần gũi, không hề tốn kém và phức tạp so với các phương pháp hiện thời. Nó không chỉ giải quyết tận gốc khủng hoảng lương thực và ô nhiễm, mà còn có thể giúp con người đạt được hạnh phúc viên mãn.

Cách làm nông tự nhiên kiểu rộng trong quan niệm của ông không chạy theo bắt chước tự nhiên, mà ở bất cứ vùng đất nào cũng tuân theo tự nhiên như nó vốn có và tuân theo tâm trí con người như nó vốn là. Sự đơn giản trong kỹ thuật trồng trọt này không lộn xộn tùy hứng, mà dựa trên nhận thức toàn diện về tự nhiên và con người. Nó đòi hỏi tính kiên nhẫn, tâm lý hài hòa và niềm vui của người làm nông nghiệp.

Theo ông, 100% dân số làm nông mới là lý tưởng. Con người nên tự trồng trọt cho mình, nhờ thế mà thấu hiểu thế giới thường ngày mình đang sống, rằng mọi thứ đều liên quan đến nhau và đều cần được hiểu, dù là một cọng rơm nhỏ bé. Nông nghiệp tự nhiên chiếm ít thời gian lao động, đó không phải là cuộc chạy đua bất tận mà giống một cuộc hôn nhân hoàn hảo. Bởi vậy Lão Tử mới cho rằng có thể sống một cuộc sống trọn vẹn và tươm tất trong một ngôi làng nhỏ.

Những cuốn sách như Cuộc cách mạng một - cọng - rơm (*) cho thấy con người đã bỏ lỡ những gì, cũng như đã có thể đạt được điều gì.

Một cuốn sách mỏng nhưng có rất nhiều thứ để đọc. Được trình bày một cách thong thả, cuốn hút, từng chi tiết thấm đượm tinh thần trong sáng của tác giả, có thể coi đây là cuốn sách về nông nghiệp, cũng là một cuốn sách thiền dành cho tâm hồn.

(*): Masanobu Fukuoka, XanhShop biên dịch, Phoenix Books và NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2015.

Từ khóa » Cọng Rơm Cứu Mạng Là Gì