Cuộc Chiến Giành Ngôi Vương Zulu - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

  • Atlantis: Chặng dài đi tìm nền văn minh đã mất

Ngày nay người Zulu đã và đang bỏ nhiều công sức cho việc bảo vệ truyền thống của họ. Nhưng một trong những “rường cột” của nền văn hóa Zulu - ngai vàng Zulu - đang bị đe dọa nghiêm trọng vì cuộc tranh chấp trong chính nội bộ hoàng tộc.

cố vương goodwill zwelithini.jpg -0
Cố vương Goodwill Zwelithini

Người Zulu là ai?

Người Zulu là một nhánh của nhóm dân tộc Bantu nói tiếng Nguni. Zulu cũng là dân tộc đông dân nhất Châu Phi với khoảng 12 triệu người sinh sống, chủ yếu tại những nước miền Nam châu Phi. Tổ tiên người Zulu sống bằng nghề du mục nên họ sớm xung đột với người châu Âu di cư đến châu Phi để lập trang trại. Cuộc chiến giữa người Zulu và đế chế Anh diễn ra vỏn vẹn có 5 tháng trong năm 1879 nhưng đã giết chết hơn 7.000 người. Người Zulu thất bại, Vương quốc Zulu trở thành thuộc địa của người Anh.

Đầu thế kỷ XX, chính quyền Nam Phi dưới chế độ Apartheid đã cho tách lãnh thổ quốc gia thành nhiều tiểu quốc bán độc lập gọi là bantustan. Vô số cộng đồng người da đen bị trục xuất khỏi Nam Phi và buộc tái định cư tại các bantustan. Nhà nước Nam Phi khi làm vậy có thể “phủi sạch trách nhiệm” của mình đối với người da đen trong khi vẫn sử dụng được họ như một nguồn nhân công giá rẻ. Đây là một trong các chính sách phân biệt chủng tộc tàn nhẫn nhất trong lịch sử hiện đại. Đảng Đại hội Dân tộc Phi của cố lãnh tụ Nelson Mandela đã phải mất nhiều thập niên tranh đấu kiên trì mới phá bỏ được chế độ Apartheid và tái nhập các Bantustan vào Nam Phi.

hoàng tử buzabazi kazwelithini.jpg -0
Hoàng tử Buzabazi KaZwelithini

Bantustan KwaZulu của người Zulu nằm tại miền Đông Nam Phi. Đất nước này theo chế độ dân chủ nhưng vẫn có vua của người Zulu. Người Anh giữ lại ngai vàng để giúp họ “danh chính ngôn thuận” thống trị người Zulu. Hoàng tộc Zulu là hậu duệ của Shaka kaSenzangakhona, vị vua vĩ đại đã thống nhất các bộ tộc thành Vương quốc Zulu. Nhưng dưới sự thống trị của đế chế Anh, các đời vua Zulu chỉ còn giữ một vai trò mang tính biểu tượng.

Cố vương Goodwill Zwelithini là người đầu tiên phá bỏ những xiềng xích này. Ông đã chứng kiến việc bantustan KwaZulu được sát nhập lại vào Nam Phi để trở thành tỉnh KwaZulu-Natal. Giữa những hỗn loạn của thời kỳ đó, nhà vua đã đứng lên đóng vai trò dìu dắt con dân của mình vượt qua khó khăn. Người chú của vua, Hoàng tử Mangosuthu Buthelezi, là lãnh tụ đảng Tự do Inkatha và cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Nhà vua trở thành cố vấn của chú mình, có đóng góp quan trọng trong quá trình hàn gắn các sắc tộc khác nhau ở Nam Phi.

Huynh đệ tương tàn

Ngày 12-3-2021, đức vua Goodwill Zwelithini mất sau một thời gian chống chọi với COVID-19. Cái chết của ông là nỗi đau buồn lớn đối với người Zulu sống trong và ngoài Nam Phi. Giữa bối cảnh này, nhiều người mong chờ một vị vua mới sẽ sớm ngồi lên ngai vàng, giúp trấn an tinh thần cho cả dân tộc. Nhà vua không kịp để lại di chúc và cũng không chỉ định ai sẽ nối ngôi mình. Theo dự đoán của nhiều nhà quan sát thì sau ba tháng để tang nhà vua, Hoàng tử Misuzulu Zulu, con trai ông sẽ lên ngôi.

Hoàng tử Misuzulu Zulu là con trai của nhà vua Goodwill Zwelithini và hoàng hậu Mantfombi Dlamini. Bà Mantfombi thực ra là vợ thứ ba của vua, cố vương đã có vài người con trai khác với hai bà vợ đầu của mình. Tuy vậy, Misuzulu là hoàng tử lớn tuổi thứ hai còn sống. Về mặt huyết thống, mẹ ông là công chúa, con gái vua Sobhuza nước Eswatini, một tiểu quốc ở miền Đông Nam Phi giáp Mozambique. Hoàng tử còn được hưởng một nền giáo dục phương Tây và đã lấy bằng quan hệ quốc tế tại Đại học Florida, Mỹ. Trong mắt rất nhiều người, Misuzulu Zulu là sự lựa chọn tốt nhất cho ngai vàng.

Bảy tuần sau khi Vua Goodwill Zwelithini qua đời, Hoàng hậu Mantfombi Dlamini cũng mất trong khi đang giữ chức vụ nhiếp chính. Theo di chúc, hoàng hậu chỉ định con trai cả của mình làm người nối nghiệp vua. Nếu như trước kia thì Hoàng tử Misuzulu sẽ được lên ngôi ngay, nhưng hiện nay tỉnh KwaZulu-Natal theo chế độ quân chủ lập hiến. Quyết định của Hoàng hậu phải được tòa án chấp thuận thì vị hoàng tử mới được chính thức làm vua.

hoàng tử misuzulu kazwelithini (giữa) thực hiện một nghi lễ.jpg -0
Hoàng tử Misuzulu KaZwelithini (giữa) thực hiện một nghi lễ

Quyết định của Hoàng hậu Mantfombi đã gặp phải sự phản đối gay gắt ngay từ đầu trong chính hoàng tộc. Dẫn lời báo Africa Daily: “Sau khi di chúc của Hoàng hậu được đọc xong, đã xảy ra cãi nhau giữa các thành viên trong gia đình hoàng gia. Một số người tỏ vẻ không bằng lòng với sự lựa chọn Hoàng tử Misuzulu. Lại có những người khác đặt câu hỏi liệu Hoàng hậu Mantfombi thật sự có quyền để chỉ định ngôi vương không?”.

Trước lúc mất, Vua Goodwill có để lại di ý rằng, việc chỉ định người nối ngôi sẽ được ông giao cho Hoàng hậu Mantfombi. Nhà vua còn ký vào văn bản viết ra ý nguyện này cùng với luật sư làm chứng nhưng không phải ai cũng tin vào tính trung thực của văn bản này. Vào hồi giữa năm 2021, bà Sibongile Winifred Dlamini, người vợ đầu của nhà vua quá cố cùng hai con gái đã đệ đơn kiện lên tòa án thành phố Pietermaritzburg. Họ kiện Hoàng hậu Mantfombi tội làm giả chữ ký Vua Goodwill trong văn bản nói trên.

Vấn đề còn trở nên rắc rối hơn vì tính hợp pháp của cuộc hôn nhân giữa nhà vua và hoàng hậu. Người Zulu có tục đa thê, nhưng nhà nước Nam Phi chỉ công nhận hôn nhân một vợ một chồng. Vì vậy mới xảy ra chuyện tréo ngoe rằng chỉ có bà Sibongile được pháp luật Nam Phi công nhận là vợ hợp pháp của cố vương, còn Hoàng hậu Mantfombi thì không. Luật sư, chuyên gia về các vấn đề dân tộc Zulu Nhlanganiso Sigcau nhận xét: “Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thừa kế giữa những người con vợ cả, vợ hai là vô cùng rắc rối và thường được xử lý ngoài tòa án. Chính phủ Nam Phi vẫn chưa đưa ra những quy định rõ ràng nhằm giải quyết dứt khoát điểm khúc mắc này”.

Vụ kiện liên quan không chỉ ngôi vương mà còn cả khối tài sản trị giá 20 triệu USD của nhà vua Zulu. Ngoài những tài sản vật chất như biệt thự, xe hơi, du thuyền, trang trại,… Vua Goodwill còn làm đại diện cho Quỹ Ingonyama. Quỹ này được lập ra từ thời bantustan với mục đích nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người Zulu và bảo tồn những giá trị văn hóa cổ truyền của họ. Quỹ sở hữu 29.67% diện tích đất tại KawaZulu-Natal, tức khoảng 28.000km2 đất. Nhà vua vừa là đại diện, vừa là thành viên hội đồng quản trị quỹ. Khó có thể kể hết quyền lực của Quỹ Ingonyama đối với sự phát triển của tỉnh KawaZulu-Natal.

Bà Sibongile cho rằng với tư cách vợ chính thức của mình, bà đáng lẽ được hưởng một nửa tài sản do nhà vua để lại. Không phải ai cũng đồng tình với suy nghĩ này, nhưng cũng không dễ để cãi lại trước tòa án. Nhà báo Nam Phi Leone Kim nhận xét: “Tôi có cảm giác rằng bà Sibongile sẽ tìm mọi cách để lùi lại thời điểm Hoàng tử chính thức lên ngôi cho đến khi phía hoàng tử phải “xuống thang” thương lượng với bà. Khi đó thì bà ta và các con dễ dàng nhận được phần thừa kế lớn hơn”.

Ngoài bà Sibongile và các công chúa con bà còn một số thành viên hoàng tộc khác không muốn hoàng tử Misuzulu lên ngôi. Cuối năm ngoái, em trai của cố vương là Hoàng tử Mbonisi Zulu đã gửi đơn lên tòa yêu cầu ngăn chặn việc tổ chức lễ đăng quang bí mật cho Misuzulu. Hoàng tử Misuzulu và một số nhân vật quan trọng khác sau đó đã lên tiếng phủ nhận rằng có buổi lễ như vậy diễn ra. Khi đó họ vẫn đang chờ phiên xử dự định diễn ra vào ngày 7-12-2021 nhưng Hoàng tử Mbonisi đã rút đơn kiện và cho biết là ông đã bị dao động bởi “những lời đồn vô cớ”.

Nhưng liệu mọi chuyện có đơn giản đến vậy? Tờ Africa Daily đã dẫn nguồn tin nội bộ cho biết trong hoàng tộc đã có người chia phe ủng hộ hoàng tử Buzabazi kaZwelithinim, là anh trai của Misuzulu. Theo họ thì để Hoàng tử Buzabazi lên ngôi thay em cùng cha khác mẹ (Buzabazi là con vợ hai của vua) thì sẽ giải quyết được cuộc tranh giành hiện thời. Không có quá nhiều thông tin về Buzabazi, nhưng theo các cá nhân thân thiết với ông, vị hoàng tử là người từ tốn, rộng lượng, lịch lãm, và trung thực. Hoàng tử Mbonisi được biết nằm trong số những người ủng hộ Buzabazi. Rất có khả năng lá đơn của ông là một cách “thêm dầu vào lửa” để khiến nhiều người khác quay ra giải pháp mang tên Buzabazi.

Chưa có hồi kết

Ngày 2-3-2022, tòa án cấp cao tại tỉnh KwaZulu-Natal đã ra phán quyết công nhận Hoàng tử Misuzulu KaZwelithini là người thừa kế ngai vàng duy nhất. Tuy nhiên, đây chưa phải là phán quyết cuối cùng và hoàn toàn có khả năng bị kháng cáo.

Trong bối cảnh đó, có lẽ Hoàng tử Misuzulu sẽ còn chưa tổ chức lễ đăng quang ngay. Về mặt hành chính thì ông đã nhậm chức nhà vua từ tháng 5-2021. Misuzulu cũng đang tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa thuộc trách nhiệm của nhà vua. Nhưng với tư cách là người bảo vệ nền lịch sử - truyền thống của dân tộc Zulu, việc không tổ chức một lễ đăng quan chính thức thật chẳng khác nào một cú đòn vào uy tín của vị tân vương.

  • Nền văn minh bí ẩn ở Tây bán cầu

Từ khóa » đất Nước Zulu