“Cuộc Chiến” Giữa Taxi Truyền Thống Và Uber, Grab Ngày Một Căng

Tại các thành phố được phép thí điểm xe Uber và Grab, người dân có điện thoại smartphone có thể cài đặt phần mềm ứng dụng để đặt xe. Ưu điểm của xe ứng dụng công nghệ là xác định rõ lộ trình điểm đi và điểm đến, số điện thoại của tài xế và báo cước phí. Những ưu điểm này đã loại bỏ được hạn chế cố hữu của các xe taxi thông thường như: quãng đường ngắn tài xế ngại đi, cước phí không minh bạch và lái xe có thể đi lòng vòng để tính thêm tiền cước… 

Anh Nguyễn Văn Dũng ở quận Nam Từ Liêm chia sẻ, các xe taxi thông thường rất hay từ chối phục vụ khi khách đi quãng đường ngắn, nhất là thời điểm trời mưa to: “Tôi thì thường xuyên đi Grab. Tôi thấy đi Grab quãng đường rõ ràng hơn và giá không cố định, có thêm nhiều chương trình khuyến mại bởi vậy thu hút nhiều người đi.”

Nhiều hãng taxi dán băng rôn tố Uber và Grab trốn thuế.
Theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải, xe ứng dụng công nghệ như Grab, Uber được phép triển khai thí điểm xe trong 2 năm (từ tháng 1/2016 đến 1/2018) ở 5 tỉnh, thành phố, với những điều kiện kinh doanh vận tải taxi được nới lỏng khá nhiều.

Ví dụ như xe Uber và Grab được chủ động tăng, giảm giá ở từng thời điểm trong ngày, số lượng xe thí điểm không bị giới hạn, không biển hiệu nên có thể chở khách vào đường cấm;… Số lượng xe chạy Grab, Uber sau 20 tháng thí điểm tăng lên 50.000 xe.

Trong khi đó, các hãng taxi đang hoạt động vận tải cùng có đối tượng khách hàng như Uber và Grab thì lại phải chịu những quy định rất chặt chẽ trong kinh doanh vận tải theo Nghị định 86 của Chính phủ, như phải phát triển số lượng xe theo đúng quy hoạch, đảm bảo các quy định về an toàn giao thông, nộp thuế theo doanh thu với tỷ lệ là 4,5%/tháng. Ngoài ra, các taxi phải có màu, biển tên rõ ràng, thậm chí còn bị cấm đường trong khung giờ nhất định, trong khi Grab và Uber không bị ràng buộc bởi những quy định này.

Theo quy định nộp thuế đối với kinh doanh vận tải là 4,5% (như các hãng taxi) thì số thuế công ty kinh doanh vận tải Grab và Uber phải nộp ngân sách là 67,5 tỉ đồng/tháng và trong một năm là 810 tỉ đồng. Tuy nhiên trên thực tế, năm 2016, công ty TNHH Grab taxi chỉ nộp ngân sách gần 5,8 tỷ đồng. Còn Công ty TNHH Uber từ khi thành lập đến nay chỉ nộp gần 10 tỷ đồng. Như vậy, việc nộp thuế của Uber và Grab đang có “vấn đề”.

Các hãng taxi khác cho rằng, cùng hoạt động kinh doanh vận tải tương đồng, nhưng mức thuế nộp có sự chênh lệch lớn đã khiến cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực này không công bằng. Chính mức thuế nộp thấp là một lợi thế để Uber và Grab có thể đưa ra những chương trình khuyến mại khủng để thu hút khách hàng. 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Chúng tôi kiến nghị từ đầu năm nay phải thanh tra thuế của Uber và Grab nhưng không kiểm tra, công bố việc Uber và Grab thực hiện nộp thuế. Còn việc kiểm tra này rất đơn giản, công cụ ngân hàng chuyển tiền ra nước ngoài như thế nào chúng ta nắm được, quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước phải ra tay, trả lời rõ, việc quản lý đến đâu".

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, để giành lại thị phần, 10 hãng xe taxi thông thường đang đầu tư công nghệ kết nối đặt xe, không chỉ bằng điện thoại mà trên nhiều nền tảng công nghệ khác mang lại thuận lợi cho người sử dụng. Hãng taxi Vinasun đã áp dụng công nghệ tương đồng Uber và Grab là thí điểm phần mềm V.CAR. Tập đoàn taxi Mai Linh đang tiếp tục tăng thêm số đầu xe, kêu gọi người có xe nhàn rỗi tham gia hợp tác với ứng dụng "Mai Linh Car", tương tự như các hãng taxi công nghệ Uber, Grab. 

Mới đây, đại diện Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Thủ tướng đã phê duyệt đề án thí điểm, thẩm quyền quản lý các phương tiện là của địa phương. Theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố sẽ xem xét quyết định dừng hay tiếp tục cấp phép cho các phương tiện trên cơ sở đáp ứng được nhu cầu của người dân, phù hợp với điều kiện phát triển hạ tầng của địa phương. Trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa có những câu trả lời thỏa đáng thì “cuộc chiến” giữa taxi thông thường và xe ứng dụng công nghệ vẫn chưa có tín hiệu hồi kết./.

Taxi truyền thống dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab VOV.VN - Các hãng taxi ở Hà Nội đã lần lượt dán các bảng hiệu phản đối Quyết định 24 của Bộ GTVT về thí điểm Uber, Grab.

Từ khóa » Cuộc Chiến Uber Grab Và Taxi Truyền Thống