Cuộc Chiến Grab Và Gojek: Những Mặt Trận đối đầu ở Đông Nam Á
Có thể bạn quan tâm
Trong cuộc đua giành ngôi vị siêu ứng dụng, cả hai gã khổng lồ công nghệ đã phân thành các đế chế kỹ thuật số ngày càng phức tạp.
Thuật ngữ “siêu ứng dụng” đã trở thành một từ thông dụng ở Đông Nam Á sau khi hai startup công nghệ của khu vực là Grab và Gojek bắt đầu sử dụng nó.
Thuật ngữ này báo hiệu tham vọng của họ – trở thành ứng dụng “one – stop” (một điểm đến) cung cấp những dịch vụ và giải pháp giúp mọi người giải quyết nhu cầu hằng ngày từ vận chuyển đến thực phẩm hay giải trí, tương tự như vai trò của WeChat ở Trung Quốc.
Cả hai startup này đều được biết đến là những công ty đặt chuyến xe dù họ có khởi đầu khác nhau.
Grab bắt đầu như một công cụ tổng hợp taxi trước khi thêm vào mảng xe ôtô riêng, lấy một phần từ mô hình Uber. Sau đó, họ thêm vào xe gắn máy vì cảm thấy điều này sẽ phù hợp ở một số thành phố của Đông Nam Á.
Gojek đã tiên phong trong việc sử dụng phương tiện xe gắn máy để vận chuyển cá nhân và giao hàng qua ứng dụng, rồi sau đó mới thêm vào vận chuyển bằng ôtô cá nhân và taxi.
Ngày nay, hai nền tảng này đã phát triển vượt xa phạm vi cung cấp ban đầu để đáp ứng các mảng dịch vụ bao gồm lối sống, giải trí và nhu cầu tài chính.
Hiện đang mở rộng trong khu vực Đông Nam Á và cung cấp các phiên bản ứng dụng được địa phương hóa ở từng thị trường, Gojek và Grab có thể vận hành khác nhau tùy thuộc vào thị trường bản địa.
- Xem thêm: Masayoshi Son: SoftBank sẽ đầu tư 2 tỉ USD vào Grab Indonesia
Kênh truyền thông chuyên về doanh nghiệp công nghệ KrAsia đã so sánh các dịch vụ của Grab và Gojek trên khắp Đông Nam Á và ghi nhận những chi tiết tiết lộ về các chiến lược mở rộng của họ.
Grab, với nguồn gốc là một công cụ tập hợp taxi, ngay từ đầu đã đặt mục tiêu trở thành một tên tuổi trong khu vực và hiện đang hoạt động tại tám thị trường Đông Nam Á, cụ thể là Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Myanmar và Campuchia.
Những dịch vụ cơ bản có mặt tại tất cả các thị trường là GrabTaxi và GrabCar, trong khi tùy chọn xe hai bánh GrabBike chỉ có thể được tìm thấy ở các quốc gia nơi xe máy là một lựa chọn giao thông phổ biến như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.
Grab thúc đẩy các phương thức vận chuyển truyền thống ở một số thị trường. Tại Indonesia, Grab cung cấp GrabBajay (xe cơ giới ba bánh); hãng này cũng có ThoneBane ở Myanmar, Tuktuks ở Thái Lan và Remorque ở Campuchia. Các dịch vụ này khá hạn chế về mặt quy mô nhưng có xu hướng thu hút sự chú ý của giới truyền thông.
Grab cũng có những mô hình kinh doanh đa dạng khác như dịch vụ cho thuê xe theo giờ hiện có ở tất cả các thị trường ngoại trừ Philippines và Myanmar. Grab Share là dịch vụ mà một số hành khách với các tuyến tương tự có thể đi cùng nhau để tiết kiệm chi phí, phục vụ ở tất cả các thị trường ngoại trừ Indonesia, Thái Lan và Campuchia, theo thông tin trên trang web của mỗi quốc gia.
Nhận ra rằng việc đi lại hằng ngày vẫn là một thách thức lớn đối với nhiều người Indonesia, đặc biệt là tại Jakarta, Grab cung cấp một số dịch vụ bổ sung tại quốc gia này. Công ty đã xây dựng các nhà chờ chính thức tại một số trạm tàu điện ngầm và giới thiệu Trip Planner, một tính năng tích hợp thông tin giao thông công cộng của Jakarta và hướng dẫn toàn bộ các giai đoạn của hành trình trong ứng dụng Grab.
Grab cũng có tính năng “xe buýt” cho phép người dùng đặt vé xe buýt đưa đón ở Jakarta và gần đây nhất, Grab đã triển khai một giải pháp di chuyển bằng xe tay ga điện – Grab Wheels tại một số khu phố ở Greater Jakarta.
Tại Singapore, Grab cung cấp một loạt các dịch vụ vận chuyển bao gồm GrabFamily, một đội xe được trang bị ghế trẻ em đúng chuẩn để mang lại một chuyến đi an toàn hơn cho trẻ em; cũng như dịch vụ GrabPet có những tài xế được đào tạo về xử lý thú cưng. Cả GrabFamily và GrabPet cũng đều hiện diện ở thị trường Philippines.
Dịch vụ vận chuyển của Gojek thì đơn giản hơn.
Tại quê nhà Indonesia, Gojek chỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản dưới dạng dịch vụ xe máy GoRide, GoCar và GoBlueBird hợp tác với nhà điều hành taxi lớn nhất Indonesia là Blue Bird. Tại Singapore, công ty chỉ cung cấp GoCar vì luật pháp quốc gia này không cho phép taxi xe máy hoạt động.
Tại Việt Nam, Gojek hoạt động dưới tên thương hiệu là Go-Viet và tại Thái Lan, họ có tên là GET, cho đến nay Gojek chỉ cung cấp taxi xe máy, mặc dù các công ty con ở địa phương có kế hoạch mở rộng mảng dịch vụ vận chuyển trong tương lai.
Ngay từ đầu, giao hàng thực phẩm là một phần quan trọng trong phương trình của Gojek. Grab đã đi theo ý tưởng này và thấy được sự phát triển mạnh sau khi mua lại Uber và UberEats.
GrabFood hiện có mặt ở tất cả các thị trường của Grab ngoại trừ Myanmar và Campuchia.
Indonesia và Việt Nam là hai thị trường lớn nhất của GrabFood. Trong khi nền tảng này đang cạnh tranh chặt chẽ với GoFood của Gojek ở Indonesia, GrabFood đã có sự tăng trưởng nhanh chóng tại Việt Nam. Một cuộc khảo sát của Kantar TNS vào tháng 1-2019 cho thấy GrabFood là dịch vụ giao thức ăn được sử dụng nhiều nhất tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, dẫn lời 68% số người được hỏi.
Tại Indonesia, dịch vụ GrabFood được bổ sung bởi một sáng kiến mới có tên GrabKitchen. Ra mắt tại Jakarta vào tháng 9-2018, GrabKitchen kết hợp nhiều thương hiệu F & B trong một nhà bếp trung tâm duy nhất và giao thức ăn cho thực khách nhằm phục vụ các khoảng trống trong thị trường ẩm thực của những khu vực cụ thể.
Mặc dù vậy, GrabFood hiện chưa thể đánh bại vị trí của GoFood tại Indonesia.
Tuy nhiên, về độ phủ thị trường, GrabFood đi trước Gojek – chỉ có ở Indonesia, Việt Nam và Thái Lan.
Gojek đã từng cung cấp một dịch vụ có tên Go-Mart, phối hợp với một số siêu thị và chợ nhỏ cho phép người dùng đặt hàng thực phẩm tươi, thực phẩm đóng gói và đồ gia dụng được giao tận nhà. Tuy nhiên, Gojek đã quyết định bỏ Go-Mart khỏi dịch vụ của họ và chưa khởi động lại một dịch vụ mua sắm tạp hóa toàn diện kể từ đó.
Ngược lại, Grab đã mất nhiều thời gian hơn để thêm vào tính năng này và đã làm điều này thông qua quan hệ đối tác với HappyFresh, một startup chỉ tập trung vào mảng này. HappyFresh hiện được tích hợp vào ứng dụng Grab, dịch vụ giao hàng tạp hóa đã có sẵn cho người dùng Grab ở Indonesia, Thái Lan và Malaysia vì đây cũng là những thị trường chính của HappyFresh.
Grab cung cấp dịch vụ giao hàng ngay trong ngày thông qua GrabExpress, đó là dịch vụ chuyển phát bưu kiện và chuyển phát nhanh theo yêu cầu của Grab, được thực hiện bởi đội ngũ tài xế riêng. Dịch vụ này có ở tất cả các thị trường ngoại trừ Myanmar và Campuchia.
Grab hiện cũng hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ hậu cần Đông Nam Á là Ninja Van cho các chuyến giao hàng vào ngày hôm sau nhằm vào khoảng cách xa hơn. Dịch vụ này dự kiến sẽ tiếp sức cho các doanh nghiệp rất nhỏ, nhỏ và vừa trong khu vực vì họ có thể gửi bưu kiện và gói hàng từ thành phố này sang thành phố khác thông qua ứng dụng.
Dịch vụ chuyển phát nhanh Gojek có thể được tiếp cận tại Indonesia, Việt Nam và Thái Lan. Ngoài GoSend, công ty cũng cung cấp GoBox ở nước sở tại – một dịch vụ vận chuyển xe tải theo yêu cầu để giao nhận hàng hóa và chuyển nhà. Đầu năm nay, Gojek đã tuyên bố hợp tác với Hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia, cho phép khách hàng gửi các gói hàng trên khắp các thành phố Indonesia thông qua Gojek.
Thanh toán không tiền mặt một cách liền mạch thông qua ví di động tích hợp là một khía cạnh quan trọng của bất kỳ nền tảng ứng dụng đại chúng nào. Tuy nhiên, việc có được giấy phép phù hợp để vận hành giải pháp thanh toán điện tử ở thị trường nước ngoài là một thách thức đối với cả Grab và Gojek.
Grab có một khởi đầu trong lĩnh vực này như là giải pháp thanh toán của riêng họ – GrabPay hiện có ở Singapore, Malaysia và Philippines. Tại Indonesia, thanh toán không dùng tiền mặt được cung cấp thông qua sự hợp tác với nền tảng tiền điện tử địa phương Ovo.
Công ty đã theo đuổi một chiến lược tương tự tại Việt Nam, nơi họ hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động hàng đầu là Moca.
Vào tháng 11-2018, Grab đã bảo đảm mối quan hệ hợp tác với Ngân hàng Kasikornbank của Thái Lan để tạo ra một ví điện di động đồng thương hiệu có tên GrabPay by KBank, dự kiến sẽ được ra mắt trong năm nay. Tập đoàn tài chính Thái Lan đã đánh dấu sự hợp tác này với khoản đầu tư 50 triệu USD vào Grab.
Gojek cũng đang đi theo con đường hợp tác. Tại Singapore, công ty đã liên kết với DBS Bank để cung cấp các tùy chọn thanh toán thuận tiện hơn cho người dùng thông qua DBS Paylah! Gojek gần đây cũng đã hợp tác với Siam Commercial Bank (SCB) và đã đưa ra phiên bản beta cho ví điện tử của công ty con GET tại Thái Lan – GetPay.
Có một khả năng là công ty con Go-Viet của Gojek Việt Nam sẽ ra mắt dịch vụ thanh toán di động trong năm nay vì công ty đã tăng tốc tuyển dụng cho nhánh tài chính của mình. Tuy nhiên, không rõ liệu Go-Viet sẽ tung ra GoPay của riêng mình hay hợp tác chiến lược với một nhà cung cấp đã được cấp phép.
Mặc dù Gojek phải đối mặt với những khó khăn trong việc ra mắt dịch vụ gọi chuyến xe tại Philippines, GoPay đã tìm đường vào nước này bằng cách mua lại công ty khởi nghiệp fintech địa phương là Coins.ph vào tháng 1-2019. Startup này được cho là có 5 triệu người dùng đăng ký và những dịch vụ bao gồm thanh toán hóa đơn kỹ thuật số, sử dụng giao thông công cộng và nạp tiền điện thoại.
- Xem thêm: Gojek làm mới thương hiệu, phản ánh định vị siêu ứng dụng
Cả Grab và Gojek đều muốn đảm bảo rằng tiền kỹ thuật số của họ không chỉ được sử dụng cho các dịch vụ trong ứng dụng, chẳng hạn như gọi chuyến xe và giao hàng thực phẩm. Họ đã thêm vào nhiều sản phẩm kỹ thuật số, chẳng hạn như vé, phiếu mua hàng và nạp tiền điện thoại mà người dùng có thể chi tiền qua Go-Pay và GrabPay. Ngoài ra, tiền kỹ thuật số cũng được người bán buôn ngoại tuyến chấp nhận nhiều hơn tại các quán cà phê và trung tâm bán hàng rong.
Bộ dịch vụ tài chính tương đối mới của Grab và Gojek có lẽ là phân tán và khó theo dõi nhất. Một phần là do các dịch vụ này thường hướng đến các tài xế và thương nhân sử dụng nền tảng, chứ không phải người tiêu dùng, vì vậy các dịch vụ này ít lộ diện ra bên ngoài.
Các dịch vụ này cũng có xu hướng được triển khai theo từng giai đoạn và được điều chỉnh khi cần thiết, điều này gây khó khăn cho việc nhận định xem dịch vụ nào đã thực sự hiện diện trên thị trường.
Grab, thông qua Grab Financial Group, đã đưa ra một chương trình cho vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và bảo hiểm vi mô cho các tài xế ở Singapore vào đầu năm nay. Công ty cũng giới thiệu lộ trình “Phát triển với Grab”, bao gồm một loạt các dịch vụ mới khác như dịch vụ thanh toán trả sau và trả góp.
Công ty cũng đã hợp tác với tập đoàn ngân hàng toàn cầu để hỗ trợ thúc đẩy mảng dịch vụ tài chính, bao gồm hợp tác với Citigroup để ra mắt thẻ tín dụng Citi-Grab trên khắp Đông Nam Á, bắt đầu từ Philippines. Thẻ tín dụng này sẽ có mặt ở Thái Lan vào cuối năm nay trước khi được tung ra tại các thị trường khác trong khu vực. Grab cũng hợp tác với MasterCard để phát hành thẻ trả trước cho phép người dùng mua hàng trên toàn thế giới.
Trong khi đó, Gojek gần đây đã công bố một khoản đầu tư mới và quan hệ đối tác chiến lược với công ty thanh toán toàn cầu Visa có trụ sở tại Hoa Kỳ. Mặc dù không có thêm thông tin chi tiết nào, GoPay được cho là sẽ hợp tác với Visa để cung cấp nhiều tùy chọn thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp Đông Nam Á.
Tại sân nhà, Gojek dường như hơi dẫn đầu so với Grab khi nói đến việc cung cấp các dịch vụ tài chính và sản phẩm bảo hiểm cho đối tượng khách hàng rộng hơn.
Gojek gần đây đã giới thiệu tính năng PayLater cho phép khách hàng trì hoãn thanh toán cho các dịch vụ cho đến cuối tháng.
Công ty cũng vừa tung ra một tính năng bảo hiểm trực tuyến mới có tên GoSure hợp tác với nhà cung cấp bảo hiểm vi mô địa phương PasarPolis. Hiện tại GoSure chỉ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm du lịch, nhưng dự kiến sẽ tiếp tục bổ sung thêm các dịch vụ bao gồm bảo hiểm hủy vé xem phim và sự kiện cho người dùng mua vé qua Go-Tix.
Tính năng này là một phần mở rộng của sự hợp tác giữa hai công ty từ năm 2017 thông qua Go-Proteksi, một sản phẩm bảo hiểm dành cho người lái xe Go-Jek.
Cùng với Gojek, PasarPolis đã mở rộng sang Thái Lan và Việt Nam để cung cấp dịch vụ bảo hiểm vi mô cho các tài xế cả hai thị trường, với kế hoạch mở rộng dần các sản phẩm hướng tới người tiêu dùng tại những nơi này.
Tại Singapore, Gojek có quan hệ đối tác với công ty bảo hiểm địa phương Gigacover, nhưng sản phẩm được thiết kế để phục vụ cho các tài xế của họ.
Trong khi Grab tập trung mạnh vào các dịch vụ vận chuyển, Gojek chú ý nhiều hơn đến việc phát triển các tính năng lối sống, ít nhất là tại quê nhà ở Indonesia.
Dưới thương hiệu GoLife, một gói dịch vụ đã được đưa vào một ứng dụng riêng biệt, qua đó, Gojek cung cấp liệu pháp massage tại nhà (Go-Massage) và trị liệu làm đẹp (Go-Glam), vệ sinh tại nhà (Go-Clean), sửa chữa xe theo yêu cầu (Go-Auto) và dịch vụ giặt ủi (Go-Giặt ủi).
Công ty cũng đã giới thiệu các tính năng mới trong ba tháng qua, bao gồm tính năng thương mại điện tử Go-Mall hợp tác với JD.id và Blibli cũng như tính năng đặt phòng khách sạn Go-Travel phối hợp với tiket.com.
Hơn nữa, Gojek cung cấp một tính năng nhắn tin cho người dùng với các dịch vụ bổ trợ có tên là Go-Chat và gần đây nhất, công ty đã ra mắt nền tảng phát video độc lập GoPlay.
Trong khi đó, các dịch vụ lối sống của Grab, bao gồm truyền phát video theo yêu cầu phối hợp với Hooq, tính năng đặt phòng khách sạn hợp tác với Agoda, Booking.com và đặt vé cho các sự kiện như buổi hòa nhạc hay chiếu phim.
Gojek ở Indonesia cũng quan tâm lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thông qua quan hệ đối tác với nền tảng công nghệ y tế Halodoc của Indonesia. Halodoc là một ứng dụng độc lập nhưng được liên kết từ bên trong ứng dụng chính của Gojek, và đội lái xe Gojek hỗ trợ bộ phận vận chuyển thuốc của Halodoc.
Halodoc hiện được coi là một công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ y tế của Indonesia. Startup này đã huy động được 65 triệu USD vào tháng 3 và tuyên bố có hơn 2 triệu người dùng và đối tác tích cực hằng tháng với hơn 20.000 bác sĩ được cấp phép.
Còn Grab, năm ngoái họ cũng đã công bố kế hoạch thâm nhập vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Họ hợp tác với Ping An Good Doctor để thành lập một liên doanh cung cấp các dịch vụ y tế khác nhau bao gồm tư vấn trực tiếp, giao thuốc và đặt lịch hẹn, khá giống với Halodoc. Tại Indonesia, Grab hiện đang phát triển tính năng công nghệ y tế sẽ được ra mắt trên ứng dụng Grab vào tháng 8.
Cả hai siêu ứng dụng cuối cùng đều muốn đạt được một kết quả tương tự – đó là hàng triệu người dùng sẽ dành rất nhiều thời gian và tiền bạc trên các ví di động tương ứng của họ. Nhưng dường như hai công ty đã chọn các chiến lược khác nhau để giành chiến thắng trên thị trường.
Grab cắm rễ vững chắc trong một loạt các dịch vụ vận chuyển vì hệ thống giao thông không đầy đủ là một vấn đề lớn ở hầu hết các nước Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore và Malaysia. Bằng cách giải quyết vấn đề này, Grab có khả năng có được những khách hàng trung thành sử dụng dịch vụ của họ để đi lại hằng ngày trên khắp Đông Nam Á. Tuy nhiên, dịch vụ vận chuyển cũng tốn kém và Grab sẽ cần cải thiện năng lực tài chính thông qua các dịch vụ có lợi nhuận cao hơn, chẳng hạn như giao đồ ăn.
Họ đã chọn cách xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các công ty khởi nghiệp khác, như HappyFresh, Ninja Van và Hooq.
Gojek từng đã và sẽ tiếp tục chú ý nhiều nhất đến thị trường quê nhà Indonesia và muốn kiểm soát các dịch vụ mà họ cung cấp, từ dọn dẹp nhà cửa đến giải trí video.
Họ được yêu thích bởi người dùng ở quê nhà. Theo một khảo sát gần đây của công ty khảo sát Alvara, Go-Jek là ứng dụng được sử dụng nhiều nhất trong nhu cầu chuyến đi, giao thức ăn và thanh toán kỹ thuật số đối với người dùng thế hệ thiên niên kỷ của Indonesia, đánh bại Grab – thường được coi là một lựa chọn thứ hai với nhiều người tiêu dùng Indonesia.
- Xem thêm: Hành trình qua các vùng đất ở văn phòng Grab
Ở các quốc gia ngoài Indonesia, Gojek vẫn còn nhiều điều phải chứng tỏ, đặc biệt là ở mảng vận chuyển bằng xe hơi. Giao hàng thực phẩm, sức mạnh của Gojek tại Indonesia, cũng là một chiến trường khó khăn cho công ty này ở các quốc gia như Thái Lan và Việt Nam – nơi họ phải đối mặt với Grab và các đối thủ địa phương khác.
Khi nói đến các dịch vụ tài chính và bảo hiểm vi mô, hai nền tảng này dường như có một chiến lược tương tự nhau. Từ việc tăng cường sự hiện diện về thanh toán di động và thâm nhập vào thế giới ngoại tuyến thông qua thanh toán bằng mã QR đến việc cung cấp thẻ tín dụng ảo được tích hợp với hệ thống của họ, cả Grab và Gojek đều nhận thức được tầm quan trọng của việc tiếp cận khoảng 400 triệu cá nhân không sử dụng dịch vụ ngân hàng ở Đông Nam Á.
Sự thiếu vắng các dịch vụ tài chính truyền thống trong khu vực cũng chính là một thị trường lớn và Grab cũng như Gojek, với khả năng tiếp cận hàng triệu người dùng và thói quen chi tiêu của họ sẽ có những lợi thế riêng trong việc nắm bắt cơ hội này hơn là những công ty fintech khác. Do đó, sẽ không quá ngạc nhiên khi thấy Grab và Gojek tăng cường sự hiện diện trong lĩnh vực này ở tương lai gần.
________
LONG HỒ Hình ảnh: TƯ LIỆU Đồ hoạ: NAM HẢI
Từ khóa » Gojek Có Phải Của Grab
-
Grab Và Gojek 'bàn Tính Sáp Nhập, Thống Lĩnh Thị Trường Đông Nam Á'
-
Grab Sáp Nhập Gojek: Có Gì Hot Trong Vụ M&A Giữa Hai "kỳ Lân" Tỷ ...
-
Liệu Thương Vụ Sáp Nhập Gojek – Grab Có đáng Lo Ngại? | VTV.VN
-
Grab Và Gojek: Hơn Cả Cuộc Chiến Của Những Chiếc Xe - VietNamNet
-
So Sánh Giá Cước đặt Xe Gojek Và Grab - Thủ Thuật
-
Nên Chạy Grab Hay Gojek Trong Năm 2022? Lựa Chọn Nào Tốt ...
-
Gojek Lấy Gì Cạnh Tranh Với Be, Grab ở Mảng Gọi Xe 4 Bánh? - Dân Trí
-
Đàm Phán Với Grab Bế Tắc, Gojek Tính Sáp Nhập Với Startup Quê Nhà
-
Grab, Be Và Gojek đang Thu Những Loại Phụ Phí Gì?
-
Điều Gì Sẽ Xảy Ra Nếu Grab Và Gojek Về Chung Nhà? - Zing
-
Grab, Gojek Tăng Giá Cước, Be 'ngược Dòng' Giảm Chiết Khấu 10%
-
Grab Và Gojek Có Thể đang đàm Phán để Sáp Nhập
-
Gojek 'quyết đấu' Với Grab Tại Thị Trường Việt Nam
-
Cạnh Tranh Giữa Grab Và Gojek Không Còn Là 'cuộc Chiến đường Phố'