Cuộc đời Nhiều Thăng Trầm Của Vị Vua Yêu Nước Hàm Nghi

Hoàng đế Hàm Nghi là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn - vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Vua Hàm Nghi có tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, Nguyễn Phúc Minh. Vua Hàm Nghi là con thứ năm của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn.

Ông sinh ngày 17 tháng 6 năm Tân Mùi, tức 3 tháng 8 năm 1872. Trong một số tài liệu khác thì ghi rằng vua Hàm Nghi sinh ngày 22 tháng 7 năm 1872 tại Huế. Vua Hàm Nghi là em ruột của vua Kiến Phúc Ưng Đăng và Chánh Mông hay Ưng Kỷ, tức là vua Đồng Khánh sau này.

Sau khi vua Tự Đức qua đời vào tháng 7 năm 1883, các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết nắm trọn quyền hành trong việc phế bỏ vua này, truất ngôi vua khác.

Tuy nhiên, các vị quan đại thần này đều bị động trong việc tìm người trong hoàng gia có cùng chí hướng chống Pháp để đưa lên ngôi. Trước thời Hàm Nghi, cả ba vua Dục Đức, Hiệp Hoà và Kiến Phúc đều lần lượt đi ngược lại đường lối của phái chủ chiến hoặc bị mất sớm, trở thành những phần tử không thể không bị loại bỏ khỏi việc triều chính đang rối ren.

Vua Kiến Phúc đột ngột qua đời trong lúc tình hình đang có lợi cho phái chủ chiến trong triều đình Huế. Sau khi nhà vua mất, đáng lẽ con nuôi thứ hai của vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ lên ngôi. Song do Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết sợ lập một vị vua lớn tuổi sẽ mất quyền hành.

Tranh vẽ chân dung vua Hàm Nghi
Tranh vẽ chân dung vua Hàm Nghi

Hơn nữa, cả Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đều chủ trương dứt khoát lựa chọn bằng được một vị vua ủng hộ lập trường chống Pháp nên đã chọn Nguyễn Phúc Ưng Lịch, tức vua Hàm Nghi.

Theo Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Phúc Ưng Lịch là một người có đủ tư cách về dòng dõi, nhưng chưa bị cuộc sống giàu sang của kinh thành làm vẩn đục tinh thần tự tôn dân tộc.

Chính vì thế, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Trường tin rằng mình có thể giúp vị vua trẻ có được cái nhìn đại cuộc trong mối quan hệ giữa triều đình với thực dân Pháp.

Vua Hàm Nghi từ nhỏ sống trong cảnh bần hàn, dân dã với mẹ ruột chứ không được nuôi dạy tử tế như hai người anh ruột ở trong cung. Khi thấy sứ giả đến đón, cậu bé Nguyễn Phúc Ưng Lịch hoảng sợ và không dám nhận áo mũ người ta dâng lên.

Sáng ngày 12 tháng 6 năm Giáp Thân, tức ngày 2 tháng 8 năm 1884, Nguyễn Phúc Ưng Lịch được dìu đi giữa hai hàng thị vệ, tiến vào điện Thái Hòa để làm lễ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Hàm Nghi. Khi đó Nguyễn Phúc Ưng Lịch mới 13 tuổi.

Khâm sứ Pierre Paul Rheinart thấy Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tự tiện lập vua, không hỏi ý kiến đúng như đã giao kết nên gửi quân vào Huế bắt Triều đình phải xin phép. Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phải làm tờ xin phép bằng chữ Nôm nhưng viên Khâm sứ không chịu, bắt làm bằng chữ Nho.

Hai ông phải viết lại, viên Khâm sứ mới chịu và sau đó đi cửa chính vào điện làm lễ phong vương cho vua Hàm Nghi. Công việc đầu tiên mà vua Hàm Nghi phải thủ vai, dưới sự hướng dẫn của Tôn Thất Thuyết là tổ chức đón phái đoàn Pháp từ tòa khâm sứ ở bờ nam sông Hương sang điện Thái Hoà làm lễ tôn vương cho nhà vua.

Đây là thắng lợi mà phe chủ chiến của triều đình Huế đã đạt được trong việc bảo vệ ngai vàng của Hàm Nghi. Về phía chính người Pháp, sau những yêu sách, đòi hỏi bất thành, họ đành phải nhân nhượng để tránh thêm những rắc rối mới bằng cách chấp nhận một sự việc đã rồi.

Lúc 9 giờ sáng ngày 17 tháng 8 năm 1884, phái đoàn Pháp gồm Đại tá Guerrier, khâm sứ Rheinart, thuyền trưởng Wallarrmé cùng 185 sĩ quan binh lính kéo sang hoàng thành Huế. Đại tá Guerrier buộc triều đình Huế phải để toàn bộ quân Pháp tiến vào Ngọ Môn bằng lối giữa, là lối chỉ dành cho vua đi, nhưng Tôn Thất Thuyết nhất định cự tuyệt.

Cuối cùng chỉ có 3 sứ giả được vào cổng chính, còn lại các thành phần khác thì đi cổng hai bên. Cả triều đình Huế và phái đoàn Pháp đều mang tâm trạng không vừa lòng nhau, nhưng buổi lễ thọ phong cuối cùng cũng kết thúc êm thấm.

Lúc phái đoàn Pháp cáo từ, Tôn Thất thuyết đã ngầm cho quân lính đóng cửa chính ở Ngọ Môn lại nên đoàn Pháp phải theo hai lối cửa bên để về. Một học giả đã nhận định về sự kiện này:

“Vua Hàm Nghi đã giữ được tính chất thiêng liêng đối với thần dân mình. Vô tình vị vua trẻ tuổi đã làm một việc có ảnh hưởng vang dội khắp nước: với ý chí cương quyết độc lập và dù người Pháp có đóng quan tại Huế, triều đình An Nam vẫn biểu dương một thái độ không hèn.

Thái độ ấy do hội đồng phụ chính đề ra. Hội đồng ấy rất có lý mà tin chắc rằng dân chúng trông vào thái độ của nhà vua để noi theo, xem thái độ ấy như mệnh lệnh (chống lại người Pháp) không nói ra bằng lời...”.

Vào năm 1885, thống tướng De Courcy được chính phủ Pháp cử sang Việt Nam để phụ lực vào việc đặt nền bảo hộ. Tướng De Courcy muốn vào yết kiến vua Hàm Nghi nhưng lại muốn là toàn thể binh lính của mình, 500 người, đi vào cửa chánh là cửa dành riêng cho đại khách.

Triều đình Huế xin để quân lính đi cửa hai bên, chỉ có các bậc tướng lĩnh là đi cửa chính cho đúng với nghi thức triều đình, nhưng De Courcy nhất định không chịu. Đêm 22 rạng 23 tháng 4 âm lịch (tức ngày 5, 6 tháng 7 năm 1885), Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, vì thấy người Pháp khinh mạn vua mình như vậy, nên quyết định ra tay trước.

Hai ông đã đem quân tấn công trại binh của Pháp ở đồn Mang Cá. Đến sáng thì quân Pháp phản công, quân triều Nguyễn thua chạy, rời bỏ kinh thành Huế. Tôn Thất Thuyết vào cung báo lại việc giao chiến trong đêm và mời vị hoàng đế trẻ Hàm Nghi cùng tam cung lên đường.

Lễ cưới của vua Hàm Nghi và người vợ ngoại quốc
Lễ cưới của vua Hàm Nghi và người vợ ngoại quốc

Vua Hàm Nghi ngồi trong kiệu bị chao đảo liên tục, đầu bị va đập nhiều lần vào thành kiệu rất đau. Sau cùng nhà vua phải xuống nằm trên võng cho lính cáng. Nguyễn Văn Tường cho người rước vua Hàm Nghi tới thành Quảng Trị để lánh nạn.

Chiều ngày 6 tháng 7 thì cả đoàn mới tới Quảng Trị. Nhưng sau đó Nguyễn Văn Trường lại ra trình diện với quân Pháp. Tướng De Courcy hẹn cho Nguyễn Văn Tường 2 tháng phải tìm cách để rước vua về. Nguyễn Văn Tường viết sớ ra Quảng Trị xin rước vua về nhưng ông Tôn Thất Thuyết cản thư không cho vua biết.

Hết hạn 2 tháng, cả gia đình Nguyễn Văn Tường bị De Courcy đày ra Côn Đảo, sau đó đưa tới đảo Tahiti ở Thái Bình Dương. Một thời gian sau Nguyễn Văn Tường qua đời, thi thể được đưa về Việt Nam. Ngày 9 tháng 7, vua Hàm Nghi lên đường đi Tân Sở.

Vua Hàm Nghi ở Tân Sở rồi về vùng Tuyên Hóa, Quảng Bình. Vua Hàm Nghi đã phải chịu nhiều khổ ải vì phải luồn lách giữa núi rừng hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, giữa muôn vàn thiếu thốn, bệnh tật, đói khát và sự hiểm nguy về tính mạng luôn đe dọa.

Tại Tân Sở, vua Hàm Nghi tuyên hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy chống Pháp giành độc lập. Sự ủng hộ, che chở giúp đỡ và tham gia nhiệt tình của đồng bào các địa phương từ Quảng Trị qua tới đất Lào cũng như trong vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Dân chúng nổi dậy rất đông, nhưng vì rải rác các nơi nên lực lượng không mạnh. Vua Hàm Nghi đã hai lần xuống dụ Cần vương trong đó có một lần gửi thư cầu viện cho tổng đốc Vân Quý của triều Mãn Thanh và rất nhiều chỉ dụ khác tới các quan lại, lãnh tụ của phong trào chống Pháp.

Tên của vua Hàm Nghi đã trở thành ngọn cờ của nền độc lập quốc gia. Trong suốt thời gian kháng chiến của vua Hàm Nghi, vua Đồng Khánh và ba thái hậu liên tục gửi thư kêu gọi vua trở về nhưng vua Hàm Nghi khẳng khái từ chối.

Do đó, toàn quyền Pháp ở Đông Dương là Paul Bert cũng đã định lập Hàm Nghi làm vua của bốn tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh Bình nhưng không thành. Vua Hàm Nghi thường nói mình ưa chết trong rừng hơn là trở về làm vua mà ở trong vòng cương tỏa của người.

Tại căn cứ địa lãnh đạo phong trào Cần Vương, vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết cử con là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp hộ giá bảo vệ, cùng đề đốc Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân chia nhau phòng thủ và tấn công lực lượng Pháp trong vùng.

Tháng 9 năm 1888, suất đội Nguyễn Đình Tình ra đầu thú với Pháp tại đồn Đồng Cá. Nguyễn Đình Tình lại dụ được Trương Quang Ngọc về đầu thú. Sau đó Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc tình nguyện với Pháp đem quân đi vây bắt vua Hàm Nghi.

Đêm khuya 26 tháng 9 1888, vua Hàm Nghi bị bắt khi đang ngủ, Tôn Thất Thiệp bị đâm chết. Khi bị bắt, vua Hàm Nghi mới được 17 tuổi và đã theo con đường chống Pháp được ba năm. Lúc bị bắt, vua Hàm Nghi đã chỉ thẳng vào mặt Trương Quang Ngọc mà nói rằng:

“Mi giết ta đi còn hơn là mi mang ta ra nộp cho Tây”. Từ đêm hôm đó ở bờ khe Tá Bào, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, Trương Quang Ngọc mang vua Hàm Nghi về các đồn Thanh Lạng, Đồng Ca rồi sang Quảng Khê.

Đến chiều ngày 14 tháng 11 năm 1888 thì Trương Quang Ngọc đưa vua Hàm Nghi về đến đồn Thuận Bài. Quân Pháp tổ chức chào đón vua rất long trọng nhưng vua đã tỏ ra không hiểu, không nhận mình là Hàm Nghi.

Viên Trung uý chỉ huy quân đội Bonnefoy đã chuyển bức thư của Tôn Thất Đàm gửi cho vua Hàm Nghi xem. Song vua Hàm Nghi ném lá thư xuống bàn và làm như không có can hệ gì đến mình. Viên đề đốc Nguyễn Hữu Viết được Pháp cử tới để thăm hỏi và nhận mặt thì nhà vua giả như không hay biết.

Nhưng khi thầy học cũ là Nguyễn Nhuận đến xem thì nhà vua vô tình đứng dậy vái chào. Đến lúc đó thì người Pháp mới yên trí đó là vua Hàm Nghi. Từ Thuận Bài, người Pháp chuyển vua Hàm Nghi qua Bố Trạch rồi vào Đồng Hới và tới cửa Thuận An ngày 22 tháng 11 năm 1888.

Lúc này, triều đình Huế đã biết tin Hàm Nghi bị bắt, vua Đồng Khánh sai quan lại và bộ binh ra đón để đưa về Huế. Tuy nhiên, người Pháp sợ dân tình sẽ bị kích động khi thấy mặt vị vua kháng chiến nên Pháp đã báo cho viện cơ mật rằng vua Hàm Nghi lúc này tính tình khác thường, về kinh e có điều bất tiện, cần phải đưa đi tĩnh dưỡng nơi khác một thời gian.

Song, trên thực tế, thực dân Pháp đã có âm mưu đầy vua Hàm Nghi sang Algérie ở Bắc Phi. Rheinart đã báo cho vua Hàm Nghi rằng thái hậu đang ốm nặng, nếu nhà vua muốn thăm hỏi thì sẽ cho rước về gặp mặt.

Nghe Rheinart nói, vua Hàm Nghi đáp rằng: “Tôi thân đã tù, nước đã mất, còn dám nghĩ gì đến cha mẹ, anh em nữa”. Nói xong, vua Hàm Nghi lặng lẽ cáo từ về phòng riêng. Vào 4 giờ sáng ngày 25 tháng 11 năm 1888, vua Hàm Nghi bị đưa xuống tàu đi vào Lăng Cô.

Trước phút rời xa quê hương, nhà vua nhìn lên bờ, không nén được cảm xúc vì nỗi niềm riêng và vận nước nên đã oà khóc. Từ Sài Gòn, ngày 13 tháng 12 năm 1888, vua Hàm Nghi bị đưa xuống chiếc tàu mang tên “Biên Hoà” đi Bắc Phi.

Do không quen đi trên biển, nhà vua bị say sóng liên miên nhưng vẫn không hề thốt ra một lời kêu ca, oán thán. Chiều chủ nhật, 13 tháng 1 năm 1889, vua Hàm Nghi đến thủ đô Alger của Algérie. Lúc này nhà vua vừa bước qua tuổi 18.

Mười ngày đầu, vua Hàm Nghi tạm trú tại tòa nhiếp chính. Sau đó, ông được chuyển về ở biệt thự rừng thông thuộc làng El Biar, cách Alger 5 cây số.

Ngày 24 tháng 1, toàn quyền Tirman của Algérie tiếp kiến và mời Hàm Nghi ăn cơm. Ít ngày sau, qua toàn quyền Tirman, vua Hàm Nghi nhận được tin mẹ mình là bà Phan Thị Nhàn, vợ thứ của Kiên Thái Vương, hoàng tử thứ 26 của vua Thiệu Trị đã mất vào ngày 21 tháng 1 năm 1889 tại Huế.

Trong 10 tháng đầu sống trên đất khách, vua Hàm Nghi nhất định không chịu học tiếng Pháp vì ông cho đó là thứ tiếng của dân tộc xâm lược nước mình. Vua Hàm Nghi vẫn dùng khăn lượt, áo dài theo nếp cũ ở quê hương.

Mọi việc giao thiệp đều qua thông ngôn Trần Bình Thanh. Nhưng về sau, thấy người Pháp ở Algérie thân thiện, khác với người Pháp ở Việt Nam, nên từ tháng 11 năm 1889 vua Hàm Nghi bắt đầu học tiếng Pháp. Vài năm sau, vua Hàm Nghi nói và viết tiếng Pháp rất sõi.

Vua Hàm Nghi cũng có mối quan hệ với một số trí thức Pháp nổi tiếng. Năm 1899, vua Hàm Nghi có sang thăm Paris và đến xem một triển lãm của danh họa Paul Gauguin. Về sau khi vẽ tranh, vua Hàm Nghi cũng chịu ảnh hưởng bởi phong cách của Gauguin.

Hơn 100 năm sau, bức tranh “Déclin du jour” – “Chiều tà” của vua Hàm Nghi được phát hiện với nghệ danh Xuân Tử. Bức tranh được bán đấu giá ở Paris ngày 24 tháng 11 năm 2010 bán được với giá 8.800 euro.

Vào năm 1904, vua Hàm Nghi đính hôn với bà Marcelle Laloe. Marcelle Laloe là con gái của ông Laloe, chánh án tòa Thượng phẩm Alger. Đám cưới của vua Hàm Nghi đã trở thành một sự kiện văn hóa của thủ đô Alger.

Điều đặc biệt là ngay trong lễ thành hôn của mình, vua Hàm Nghi vẫn thể hiện tinh thần dân tộc một cách đậm nét khi cô dâu Marcelle vận một chiếc váy cưới lộng lẫy còn mình thì mặc đúng chiếc áo dài đen cổ truyền của quê hương, đầu đội khăn xếp.

Hàm Nghi cùng bà Marcelle Laloe có 3 người con. Đó là công chúa Như Mai sinh năm 1905, mất năm 1999, công chúa Như Lý hay còn được gọi là Như Luân, sinh năm 1908, mất năm 2005 và hoàng tử Minh Đức sinh năm 1910, mất năm 1990.

Các con của vua Hàm Nghi đều là những người có chí, học tập và đạt được nhiều học vị cao. Công chúa Như Mai là một người cởi mở, rất năng nổ và làm việc tốt. Công chúa Như Mai đậu đầu kỳ thi Thạc sĩ nông học vào năm 1925.

Ra trường, công chúa Như Mai làm việc tại viện nghiên cứu nông nghiệp Pháp. Những năm cuối đời, công chúa Như Mai sống trong một ngôi nhà nhỏ bên cạnh mẹ. Bà mới qua đời vào ngày 1 tháng 11 năm 1999 trong một Viện dưỡng lão.

Công chúa Như Lý tốt nghiệp tiến sĩ y khoa và lập gia đình với Công tước François Barthomivat de la Besse. Trong khi đó, hoàng tử Minh Đức từng là sĩ quan trong quân đội Pháp. Hoàng tử mất ngày 7 tháng 8 năm 1990 tại Bệnh viện Val de Grace Paris.

Hoàng tử Minh Đức lấy một người phụ nữ Pháp tên là Dolly, tuy nhiên, hai người không có con. Giống như cha mình, những người con của vua Hàm Nghi luôn mang trong mình tinh thần yêu nước và hướng đến đồng bào, dân tộc Việt.

Hoàng tử Minh Đức, mặc dù trở thành một sĩ quan Pháp song vào năm 1946, khi nhận được lệnh sang Đông Dương làm nhiệm vụ, Hoàng tử Minh Đức đã kiên quyết từ chối. Hoàng tử nói: “Tôi không thể cầm súng bắn lại đồng bào tôi.

Nếu Chính phủ Pháp muốn đưa tôi ra trước tòa án quân sự thì tôi phải chịu. Nhưng tôi không thể đi sang Việt Nam đánh giặc cho người Pháp và chống lại người Việt Nam”. Vậy nên, người Pháp đã đưa hoàng tử Minh Đức sang phục vụ cho một đơn vị lính ở Algerie.

Có thể nói vua Hàm Nghi rất yêu nước nhưng ông phải lấy vợ Pháp, sinh con tại Pháp, các con học hành ở Pháp và lập gia đình với người Pháp nên ông thường dạy các con: “Vous ne pouvez pas être de bon Vietnamien, soyez de bien Francais” – “Con không thể là người Việt Nam tốt thì hãy là một người Pháp tốt”.

Vua Hàm Nghi mất vào ngày 14 tháng 1 năm 1944 tại Alger. Vua Hàm Nghi mất vì bệnh ung thư dạ dày. Lúc đó các con vua Hàm Nghi đều ở Pháp. Nước Pháp đang bị quân Đức của Hitler chiếm đóng nên không một người con nào có thể ra khỏi Pháp để qua Alger dự đám tang của vua Hàm Nghi được cả.

Ngoài những người Việt phục vụ vua Hàm Nghi ở bên Việt cử qua từ trước, không một người Việt nào khác có mặt trong đám tang vua Hàm Nghi. Lúc ấy chính quyền Pháp do Pétain thân Hitler đứng đầu kiểm soát nước Pháp rất chặt chẽ, nên việc dân Pháp và dân thuộc địa của Pháp ra khỏi nước Pháp để sang Algérie là rất khó khăn.

Mãi đến sau tháng 6 năm 1944, quân Đồng Minh đổ bộ lên Normandi rồi nước Pháp được giải phóng, thì mới có người Việt làm việc cho Pháp có thể đến được Algérie. Lúc này, các con vua Hàm Nghi cũng mới sang Algerie thì vua Hàm Nghi đã qua đời hơn nửa năm.

Tài sản vua Hàm Nghi để lại quý giá nhất là những bức tranh. Gia đình vua Hàm Nghi chưa bao giờ bán tranh của vua Hàm Nghi. Tuy nhiên, khi công chúa Như Mai gặp lại những người đã từng yêu mến vua Hàm Nghi thì thường lấy tranh của vua Hàm Nghi tặng họ để kỷ niệm.

Có thể nói rằng, ngoài những bức tranh thì một tài sản lớn khác mà vua Hàm Nghi đã để lại chính là tinh thần dân tộc không bao giờ mai một của một vị vua yêu nước phải sống cuộc đời lưu vong đến lúc cuối đời.

  • Hùng Hoàng

Từ khóa » đôi Nét Về Vua Hàm Nghi