Cuộc đời Và Sự Nghiệp Của Đại Tá Tình Báo Phạm Ngọc Thảo
Có thể bạn quan tâm
Thân thế gia đìnhÔng sinh ngày 14 tháng 2 năm 1922 tại Sài Gòn, nguyên quán Vĩnh Long, (có tài liệu là Bến Tre[1]). Cha ông là Adrian Phạm Ngọc Thuần một địa chủ lớn người Công giáo, có quốc tịch Pháp. Ông Adrian Phạm Ngọc Thuần có tới hơn 4000 mẫu đất và gần 1000 căn nhà rải rác ở khắp các tỉnh Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá, Sa Đéc, Vĩnh Long. Ông Thuần có quốc tịch Pháp nên các con đều được sang Pháp học. Ông còn có tên là Albert Phạm Ngọc Thảo, còn gọi là Albert Thảo. Mọi người thường gọi là Chín Thảo vì ông thứ 8 trong gia đình.Lúc nhỏ ông học một trường tư thục công giáo nổi tiếng ở Sài gòn đó là trường Taberd[1] (Có tài liệu nói học trường Chasseloup Laubat- ngày nay là trường THPT Lê Quý Đôn). Khi học xong tú tài, khác với các anh em khác, ông không sang Pháp du học (do Thế chiến thứ hai xảy ra) mà ra Hà Nội theo học trường Kỹ sư Công chính Hà Nội. Tham gia Việt MinhKhi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, anh cả của ông là Gaston Phạm Ngọc Thuần tham gia Việt Minh ở Vĩnh Long và giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ (sau này làm đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại một nước Đông Âu). Anh trai thứ bảy Phạm Ngọc Hùng học ở Pháp, lấy vợ Pháp rồi về Việt Nam ra chiến khu chiến đấu, làm Uỷ viên Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam. Tốt nghiệp trường Kỹ sư công chánh ở Hà Nội, khi Pháp bội ước quay lại xâm chiếm Việt Nam, ông Phạm Ngọc Thảo tuyên bố huỷ bỏ quốc tịch Pháp và quyết định trở về Vĩnh Long theo anh tham gia kháng chiến, làm việc ở Văn phòng Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Trên đường về, ông bị dân quân Việt Minh bắt hai lần và suýt bị giết chết[cần dẫn nguồn].Năm 1946, trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khai giảng. Ông cùng 12 chiến sỹ Nam Bộ khác được cử ra Sơn Tây học tập. Tốt nghiệp khoá I, ông được điều về Phú Yên nhận nhiệm vụ làm giao liên. Một lần, ông được giao nhiệm vụ đưa một cán bộ về Nam Bộ. Đó chính là Lê Duẩn, người có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tình báo của ông sau này.Sau khi trở về Nam Bộ, ông được giao nhiệm vụ Trưởng phòng mật vụ Ban quân sự Nam Bộ – tổ chức tình báo đầu tiên của cách mạng ở Nam Bộ, rồi được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410, Quân khu 9 (có tài liệu nói là tiểu đoàn 404 hoặc tiểu đoàn 307). Trong thời gian này ông hướng dẫn về chiến tranh du kích cho Trần Văn Đôn, Nguyễn Khánh, Lê Văn Kim... những người sau này trở thành các tướng lĩnh trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa.Những năm 1952-1953, ông là sĩ quan tham mưu trong một số đơn vị chủ lực của Việt Minh tại miền Tây Nam Bộ. Cũng trong những năm ở chiến khu này, ông lập gia đình với bà Phạm Thị Nhiệm, là em ruột giáo sư Phạm Thiều, nguyên đại sứ tại Tiệp Khắc. Giai đoạn bắt đầu hoạt độngSau Hiệp định Genève, các cán bộ của Việt Minh (cả dân sự lẫn quân sự) đều được tập kết ra Bắc. Cũng có nhiều cán bộ Việt Minh đã bí mật ở lại hoạt động. Riêng trường hợp của Phạm Ngọc Thảo, chính Tổng Bí Thư Lê Duẩn đã chỉ thị cho ông không tập kết ra Bắc mà ở lại miền Nam để hình thành "lực lượng thứ ba". Về việc này, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói: “anh Ba Duẩn rất tin cậy Phạm Ngọc Thảo và đã giao cho đồng chí Thảo một nhiệm vụ đặc biệt”.Do đó ông ở lại miền Nam hành nghề dạy học tại một số trường tư thục Sài Gòn. Phạm Ngọc Thảo trở lại Sài Gòn giữa lúc tình hình rất khó khăn: lực lượng Bình Xuyên gây rối khắp nơi. Vì không chịu ký tên vào giấy "hồi chánh" theo qui định của chính quyền miền Nam Việt Nam đối với những người đã đi theo Việt Minh không tập kết ra Bắc, ông bị đại tá Mai Hữu Xuân, Giám đốc An ninh Quân đội lùng bắt nhiều lần nhưng đều trốn thoát.Sau cùng, ông về Vĩnh Long dạy học. Vùng này thuộc giáo phận của Giám mục Phêrô Ngô Đình Thục, vốn quen biết gia đình ông từ lâu. Gia đình anh theo Thiên chúa giáo lâu đời, rất thân thiết với giám mục Ngô Đình Thục. Giám mục Ngô Đình Thục rất quý mến Thảo vì đã từng làm lễ rửa tội cho anh và coi anh như con nuôi. Vì vậy, Giám mục Thục đã bảo lãnh cho ông vào dạy học ở trường Nguyễn Trường Tộ. Sau này, cũng chính Giám mục Thục đã giới thiệu ông với Ngô Đình Nhu và ông được sắp xếp vào làm việc ở Sở Tài chánh Nam Việt.Nhờ chính sách “đả thực bài phong”, khuyến khích những người theo kháng chiến cũ về với “chính nghĩa quốc gia” của Ngô Đình Diệm, ông khôn khéo công khai hết nguồn gốc của mình, kể cả chức tiểu đoàn trưởng cũ, chỉ trừ một điều: mình là Đảng viên Đảng CSVN. Năm 1956, ông được phép đưa vợ con ra Sài Gòn sinh sống, làm việc tại ngân hàng quốc gia; rồi được chuyển ngạch quân sự, mang hàm Đại uý “đồng hóa”.Tháng 5 năm 1956 được sự giới thiệu của ông Huỳnh Văn Lang, Tổng giám đốc Viện Hối đoái và Bí thư Liên kỳ bộ Nam Bắc Việt của đảng Cần Lao, Phạm Ngọc Thảo được cử đi học khóa huấn luyện tại trung tâm Nhân vị tại Vĩnh Long. Và sau đó (tháng 10 năm 1956) ông gia nhập đảng Cần Lao.Sau khi gia nhập đảng Cần Lao, ông phụ trách tổ quân sự, giữ nhiệm vụ nghiên cứu về chiến lược và chiến thuật quân sự và huấn luyện quân sự cho các đảng viên Cần Lao. Tháng 1 năm 1957 Phạm Ngọc Thảo tham gia biên tập bán nguyệt san Bách Khoa - tạp chí của một nhóm trí thức đảng Cần Lao.Hoạt động trong Quân lực Việt Nam Cộng hòaBan đầu, Diệm – Nhu chưa thấy được tài năng của Thảo nên chỉ giao cho anh những chức vụ “hữu danh vô thực” như Tỉnh đoàn trưởng bảo an đoàn, tuyên huấn đảng Cần lao nhân vị...[cần dẫn nguồn] Nhưng Thảo đã biết cách “bộc lộ” mình bằng cách viết báo[cần dẫn nguồn]. Đại tá Trần Hậu Tưởng, bạn học trường võ bị của ông kể: Lúc học ở Sơn Tây, chúng tôi có phong trào làm báo tường rất mạnh, đại đội nào cũng làm một tờ báo, anh em tập viết báo rất sôi nổi. Có lẽ đó cũng là một “vốn” quý cho Thảo sau này.Thảo còn biết “khai thác” vốn binh pháp Tôn Tử mà thầy Hoàng Đạo Thúy từng dạy để viết báo. Thời gian này, ông cộng tác với tạp chí Bách khoa. Chỉ trong hơn một năm, ông đã viết 20 bài báo nói về các vấn đề chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật chỉ huy, huấn luyện quân sự, phân tích binh pháp Tôn Tử, Trần Hưng Đạo.... Những bài báo đó đã được giới quân sự chú ý và Diệm – Nhu đề cao “tầm” của ông. Năm 1957, ông được điều về làm việc tại Phòng Nghiên cứu chính trị của Phủ tổng thống với hàm thiếu tá. Từ đó, ông lần lượt giữ các chức vụ Tỉnh đoàn trưởng Bảo an tỉnh Vĩnh Long, rồi Tỉnh đoàn trưởng Bảo an tỉnh Bình Dương.Năm 1960, sau khi học một khóa chỉ huy và tham mưu ở Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, Phạm Ngọc Thảo được thăng thiếu tá và được cử làm Thanh tra Khu Trù Mật[cần dẫn nguồn].Biết Phạm Ngọc Thảo từng là chỉ huy du kích Việt Minh, đầu năm 1961 Ngô Đình Nhu đã quyết định thăng ông lên trung tá và cử làm tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa (tức Bến Tre) để trắc nghiệm Chương trình Bình định. Từ khi ông nhậm chức, tình hình an ninh tại vùng này trở nên rất yên ổn, không còn bị phục kích hay phá hoại nữa. Tuy nhiên, do có nhiều tố cáo nghi ngờ ông là cán bộ cộng sản nằm vùng, anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu đã ngưng chức tỉnh trưởng Kiến Hòa và cho ông sang Hoa Kỳ học một khóa về chỉ huy và tham mưu. Từ đó Bến Tre tiếp tục mất an ninh. Trước đó, khi lên tỉnh trưởng, ông đã quyết định thả ngay[cần dẫn nguồn] hơn 2000 tù nhân đang bị giam giữ, liên lạc với bà Nguyễn Thị Định, tạo điều kiện cho khởi nghĩa Bến Tre bùng nổ. Chính sách không cho binh lính đàn áp dân chúng tùy tiện của Phạm Ngọc Thảo đã “bật đèn xanh” cho phong trào “đồng khởi” sau này.Tham gia các cuộc đảo chính.
Lần thứ nhấtTháng 9 năm 1963 Bác sĩ Trần Kim Tuyến nguyên Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị (thực chất là trùm mật vụ) và Phạm Ngọc Thảo âm mưu một cuộc đảo chính. Phạm Ngọc Thảo đã kêu gọi được một số đơn vị như Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, Biệt động quân, Bảo an... sẵn sàng tham gia. Để chấm dứt âm mưu đảo chính này, ngày 6 tháng 9 năm 1963, Tổng thống Diệm đã cử Trần Kim Tuyến đi làm Tổng lãnh sự tại Ai Cập.Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ ngày 1 tháng 11 năm 1963 (cuộc đảo chính do một nhóm tướng lĩnh khác chủ mưu), Phạm Ngọc Thảo được lên chức đại tá, làm tùy viên báo chí trong Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Một thời gian sau, ông được cử làm tùy viên văn hóa của Tòa đại sứ Việt Nam tại Mỹ.
Lần thứ haiĐầu năm 1965, Phạm Ngọc Thảo bị gọi về nước vì chính quyền Sài Gòn đã nghi ngờ, muốn bắt ông. Vì vậy, ông đã đào nhiệm và bí mật liên lạc với các lực lượng đối lập khác để tổ chức đảo chính ở Sài Gòn vì một lí do vô cùng quan trọng. Theo một tài liệu mà ông nắm được, Mỹ và Nguyễn Khánh đã thỏa thuận sẽ ném bom xuống miền Bắc vào 20/2/1965, vì vậy cuộc đảo chính sẽ tiến hành đúng ngày 19/2.Ngày 19 tháng 2 năm 1965, Phạm Ngọc Thảo cùng thiếu tướng Lâm Văn Phát,đại tá Bùi Dzinh và trung tá Lê Hoàng Thao đem quân và xe tăng vào chiếm trại Lê Văn Duyệt, đài phát thanh Sài Gòn, bến Bạch Đằng và sân bay Tân Sơn Nhất. Tướng Nguyễn Khánh đào thoát bằng máy bay ra Vũng Tàu.Ngày 20 tháng 2, hội đồng các tướng lĩnh họp ở Biên Hòa. Các tướng cử Nguyễn Chánh Thi làm chỉ huy chống đảo chính và ra lệnh cho Phạm Ngọc Thảo, Lâm Văn Phát và 13 sĩ quan khác phải ra trình diện trong 24 giờ.Ngày 21 tháng 2 năm 1965, các tướng tiếp tục họp tại Biên Hòa, quyết định giải nhiệm Nguyễn Khánh và cử tướng Trần Văn Minh làm Tổng Tư lệnh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.Ngày 22 tháng 2 năm 1965, Quốc trưởng Phan Khắc Sửu ký sắc lệnh bổ nhiệm tướng Nguyễn Khánh làm Đại sứ lưu động (một hình thức trục xuất khỏi nước cho đi lưu vong). Ngày 25 tháng 2 năm 1965, Nguyễn Khánh rời khỏi Việt Nam.Khi biết tin quyền lãnh đạo đã rơi vào tay các tướng lĩnh khác, Phạm Ngọc Thảo bỏ trốn.Bị bắt và qua đờiNgày 11 tháng 6 năm 1965, Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát tuyên bố trả lại quyền lãnh đạo quốc gia cho quân đội.Ngày 14 tháng 6 năm 1965, Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia đã được thành lập do tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch.Sau đó, Phạm Ngọc Thảo phải rút vào hoạt động bí mật, nhưng ông tiếp tục chuẩn bị tư tưởng cho các hoạt động cách mạng bằng cách xuất bản tờ báo “Việt Tiến”, mỗi ngày phát hành trên 50.000 tờ, tuyên truyền tinh thần yêu nước, chống Mỹ – VNCH. Ông có cả một hàng rào bảo vệ rộng lớn từ các xứ đạo Biên Hòa tới Hố Nai, Thủ Đức, Sài Gòn; có nhiều linh mục giúp đỡ in ấn, phát hành tờ Việt Tiến. Lúc này, ông bị chính quyền Kỳ – Thiệu kết án tử hình và treo giải 3 triệu đồng cho ai bắt được nhưng vẫn liên lạc với cơ sở cách mạng trực tiếp là Sáu Dân (bí danh của Võ Văn Kiệt) để hoạt động tiếp.Ông Võ Văn Kiệt kể lại: “tôi thấy Phạm Ngọc Thảo quá khó khăn nên đi tìm anh để đưa về chiến khu. Nhưng anh bảo vẫn còn khả năng đảo chính thành công quyết tâm ngăn chặn bàn tay đế quốc Mỹ định đưa quân viễn chinh vào miền Nam, cản trở kế hoạch ồ ạt đổ quân vào Đà Nẵng cuối tháng 5/1965...”.Đại sứ quán Mỹ cũng đề nghị đưa ông ra nước ngoài an toàn nhưng ông từ chối.Sau khi nhậm chức, tướng Thiệu quyết định tìm bắt và giết Phạm Ngọc Thảo[cần dẫn nguồn] để trừ hậu họa. Tướng Lâm Văn Phát đã ra trình diện và chỉ bị cách chức, nhưng đại tá Phạm Ngọc Thảo phải trốn nhiều nơi, cuối cùng đến trốn trong Đan viện Phước Lý ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, Biên Hòa.Cuối cùng nơi trú ẩn này cũng bị lộ. Lúc 3 giờ sáng ngày 16 tháng 7 năm 1965, khi ông vừa ra khỏi Đan viện Phước Lý thì bị an ninh quân đội mai phục sẵn bắt rồi đưa về một suối nhỏ gần Tam Hiệp, Biên Hòa, định thủ tiêu.Tuy nhiên Phạm Ngọc Thảo không chết mà chỉ bị ngất vì viên đạn chỉ trúng cằm. Tỉnh dậy, ông cố lết về một nhà thờ. Ông được linh mục Cường, cha tuyên úy của Dòng Nữ tu Đa Minh, Tam Hiệp cứu chữa. Sau đó ông chủ động xin chuyển tới chỗ khác phòng khi An ninh quân đội tới truy tìm, nhưng bị phát giác và ông lại bị an ninh quân đội bắt về Cục an ninh quân đội, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn. Ông bị tra tấn dã man [2]và bị đánh vào hạ bộ đến [3] chết vào đêm 17 tháng 7 năm 1965[1]. Khi đó ông mới 43 tuổi.
Di sảnNhững năm ấy, rất ít người biết Phạm Ngọc Thảo là một nhà tình báo, người ta chỉ biết ông là một sĩ quan có khả năng chính trị và ngoại giao. Sau ngày Việt Nam thống nhất, nhiều đồng đội đã vô cùng chua xót khi thấy mộ ông vẫn chỉ là nấm mồ vô danh. Họ đã sưu tầm tư liệu, đề nghị Nhà nước truy tặng ông danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân... Rất nhiều nước mắt xúc động, cảm thương của những người chiến binh già đã rơi khi kể lại câu chuyện về ông. Năm 1987, Nhà nước Việt Nam truy tặng ông danh hiệu liệt sỹ, với quân hàm đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện nay, mộ Phạm Ngọc Thảo được đưa về nghĩa trang TP.HCM, trên đồi Lạc Cảnh (huyện Thủ Đức). Mộ ông nằm cạnh mộ những tên tuổi nổi tiếng như Lưu Hữu Phước, Phạm Ngọc Thạch, Can Trường...Phạm Ngọc Thảo được coi là một trong 4 tình báo viên xuất sắc nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam (3 người kia là Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ và Lê Hữu Thúy[cần dẫn nguồn]). Một số người còn cho ông là điệp viên xuất sắc nhất[4] bởi 3 đặc điểm chính:
Phạm Ngọc Thảo là tình báo viên hoạt động đơn tuyến, không có đồng đội trực tiếp hỗ trợ, chỉ chịu sự chỉ đạo về chiến lược của Lê Duẩn. Nhiệm vụ của ông không phải là đưa tin mà là tác động đến sự "thay đổi chế độ". Có thể nói, với nhiệm vụ này, tầm quan trọng của Phạm Ngọc Thảo ngang với sức mạnh của một đạo quân.So với các tình báo viên khác, Phạm Ngọc Thảo là người có thể tác động trực tiếp đến chính quyền và quân đội. Là sỹ quan cao cấp trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa, ông có tác động, thậm chí trực tiếp đạo diễn và tham gia chỉ đạo hàng loạt vụ đảo chính làm rung chuyển gây mất ổn định chính quyền Nam Việt Nam những năm 1964-1965.Trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái quân đội, Phạm Ngọc Thảo bị xem là đối tượng nguy hiểm và bị đe dọa tính mạng bất cứ lúc nào. Dù vậy, ông vẫn tiếp tục nhiệm vụ mà không trốn chạy để bảo toàn mạng sống. Thậm chí, cả khi bị bắt và tra tấn đến chết, Phạm Ngọc Thảo vẫn không lộ tung tích của mình. Mãi sau này, khi ông được truy phong, người ta mới biết ông là tình báo viên.Thời gian ở chiến khu, Phạm Ngọc Thảo đã lấy bà Phạm Thị Nhiệm, em ruột của giáo sư Phạm Thiều, đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cambodia (1956–1967) và Tiệp Khắc. Ông có 7 con và vợ ông đi dạy học. Vợ và con ông hiện đang ở Hoa Kỳ. Tất cả các con của ông đều học hành thành tài (có người là bác sĩ, đang ở Quận Cam).
Đại tá Phạm Ngọc Thảo, tỉnh trưởng Kiến Hòa với môt vị chức sắc Cao Đài. Tháng 4-1961Trong dòng đề tựa trong cuốn Ván Bài Lật Ngửa, nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý đã trân trọng viết "Tưởng nhớ anh Chín T. và những người đã chiến đấu hy sinh thầm lặng". Ông đã sử dụng chính hình tượng của Phạm Ngọc Thảo để xây dựng nhân vật Nguyễn Thành Luân trong tiểu thuyết của mình. Tiểu thuyết này sau được dựng thành phim rất ăn khách (vai Nguyễn Thành Luân do diễn viên Nguyễn Chánh Tín đảm nhiệm).Ông Trần Bạch Đằng, nguyên Phó ban tuyên huấn Trung ương cục miền Nam nhận xét: "các nhà tình báo thông thường có nhiệm vụ giấu mình, thu thập, khai thác tin tức chuyển về trung tâm. Riêng Phạm Ngọc Thảo đi thẳng vào hàng ngũ kẻ thù, tung hoành hoạt động vì Tổ quốc cho tới tận lúc hy sinh, trường kỳ mai phục và độc lập tác chiến. Anh là người tình báo đặc biệt có một không hai". Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt nói: "anh Phạm Ngọc Thảo đã nhận một nhiệm vụ đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trong công tác cách mạng của chúng ta"
Phạm Ngọc Thảo – anh hùng tình báo của Quân đội Nhân dân Việt NamThông minh, uyên bác, giao du rộng, hào phóng, có tài ăn nói, Phạm Ngọc Thảo đã đường hoàng đi vào hàng ngũ địch mà tung hoành, gây bao sóng gió trong lòng chính quyền ngụy. Từ chối quốc tịch kẻ thùPhạm Ngọc Thảo sinh ra trong một gia đình giàu có nhất nhì vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cha anh, ông Adrian Phạm Ngọc Thuần học tại Pháp, đậu kỹ sư đo đạc. Hầu hết các con ông, dù gái hay trai đều được đưa sang Pháp học thành tài mới về nước.Phạm Ngọc Thảo không được sang Pháp học như các anh, các chị mình. Vì khi anh đủ tuổi đi học thì Chiến tranh Thế giới Thứ hai bùng nổ, việc đi lại giữa các nước rất khó khăn, lúc đó chỉ có một phương tiện duy nhất là tàu thủy. Cả gia đình Phạm Ngọc Thảo đều là dân Tây, có đủ quyền lợi như một người Pháp thực thụ.Nhưng khi Phạm Ngọc Thảo vừa tốt nghiệp kỹ sư Công chánh ở Hà Nội về thì cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ nổ ra.Anh rất phẫn uất, gửi một bức điện cho tổng thống Pháp lúc đó là De Gaulle, lên án cuộc xâm lược của Pháp và tuyên bố hủy bỏ quốc tịch Pháp của mình, vì cho rằng mang quốc tịch của kẻ xâm lược là ô nhục. Anh xin phép và chia tay với cha mẹ, hai người em gái, ra chiến khu.Nhưng, vì nóng lòng đi tìm Cách mạng, tới bến phà Mỹ Thuận, Phạm Ngọc Thảo lân la ở mấy hàng quán, hỏi thăm cơ quan của Cách mạng. Hành vi của Phạm Ngọc Thảo không thoát khỏi con mắt của anh em dân quân du kích địa phương.Chờ cho sẩm tối, hai anh thanh niên lực lưỡng bèn bắt giữ Phạm Ngọc Thảo giải đi. Họ xét trong người thấy Phạm Ngọc Thảo có một cây súng sáu do anh mới tìm được trước khi ra chiến khu, mép áo sơ mi lại có hai sọc kẻ xanh đỏ, giống như cờ Pháp. Vậy là họ quyết đoán: Đúng đây là do thám của Pháp...Những người du kích bến phà Bắc Mỹ Thuận đã chờ tới khuya, khi con nước ròng, trói chân tay anh lại, đưa lên một chiếc xuồng nhỏ, ra giữa dòng, choàng thêm một cục đá lớn vô cổ, đẩy anh xuống sông...Vốn là một người thông minh, dũng cảm và có sức khỏe, Phạm Ngọc Thảo bình tĩnh quan sát mọi động thái chung quanh mình. Khi bị đẩy xuống sông, anh nín thở, lộn đầu xuống trước để cho hòn đá choàng trên cổ rơi ra, lặn một hơi dài nương theo dòng nước rồi mới ngoi lên hít thở.Đại tá Phạm Ngọc ThảoTrời tối như bưng, chân tay bị trói, rất khó xoay trở, anh đành phải trườn mình theo dòng nước đang chảy xiết. Tới lúc hai chân đụng phải một chiếc thuyền chìm, anh lặn xuống tìm hiểu con thuyền xem có thể lợi dụng được không. May sao, sau nhiều lần trồi lên, lặn xuống, Phạm Ngọc Thảo đụng được vào một cây sắt, nẹp mui, cứa đứt sợi dây trói tay... Vậy là thoát nạn.Chờ tới sáng, anh giả đò như một người nông dân đi đánh dậm theo mép nước. Cuối cùng anh gặp mấy người bạn cũ cùng hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền phong những ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.Mấy ngày sau, anh ruột Phạm Ngọc Thuần đang làm phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính cho người tới đón Phạm Ngọc Thảo về làm việc ở văn phòng ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Từ đây anh được cử ra miền Bắc học khóa đầu tiên trường võ bị Trần Quốc Tuấn, đặt địa điểm tại Sơn Tây.Trưởng phòng Mật vụ đầu tiênSau nửa năm học tập, Phạm Ngọc Thảo nhận chứng chỉ tốt nghiệp và được lệnh trở về Nam Bộ ngay. Nhưng Phạm Ngọc Thảo chỉ mới tới Phú Yên thì tắc đường. Lúc này Trung ương cử nhiều đoàn cán bộ tăng cường cho miền Nam đang kháng chiến. Trong số các đoàn này có đồng chí Lê Duẩn. Đồng chí Lê Duẩn yêu cầu được đi riêng và cần giữ hoàn toàn bí mật. Bộ Tư lệnh Quân khu 6 trao nhiệm vụ cho Phạm Ngọc Thảo đưa đồng chí Lê Duẩn về Nam Bộ.Khi Xứ ủy Nam Bộ tổ chức Ban quân sự để giúp Xứ ủy về các vấn đề quân sự, Phạm Ngọc Thảo dù là dân Tây, dù là gia đình địa chủ vẫn được đề bạt làm trưởng phòng Mật vụ. Đây là tổ chức tình báo đầu tiên của Cách mạng Việt Nam ở Nam Bộ.Phạm Ngọc Thảo đã mở được nhiều khóa huấn luyện cán bộ tình báo cho các tỉnh, lập nên một hệ thống tình báo của các tỉnh phía Nam, sau này đã giúp việc đắc lực cho các quân khu nắm tình hình địch và làm công tác địch vận rất có kết quả.Khi tướng Nguyễn Bình được cử làm Tư lệnh Nam Bộ, Ban quân sự Xứ ủy Nam Bộ giải thể và phân bố lại các Quân khu 7, Quân khu 8, Quân khu 9, Phạm Ngọc Thảo được phân công về Quân khu 9, là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410.Đại tá Tăng Thiện Kim, nguyên Chính trị viên phó kiêm phó bí thư Tiểu đoàn 410, người đã kết nạp Phạm Ngọc Thảo vào Đảng, tại rạch Bà Đăng, Thới Bình, rất quý mến Phạm Ngọc Thảo, cho biết, Phạm Ngọc Thảo là người rất ham học các kỹ thuật, chiến thuật trong chiến đấu cũng như các vấn đề chiến lược của cuộc kháng chiến. Anh còn ham mày mò, chế tạo ra chiếc cò nẩy cho súng cối. Có cái cò này, súng cối bắn chính xác hơn trước nhiều.Khi có lệnh cho đơn vị học tập cách đánh đặc công, Phạm Ngọc Thảo đã cùng trinh sát bò vào đồn địch ban đêm để nghiên cứu cách bố phòng của địch và về đơn vị làm sa bàn, trình bày kế hoạch tiến công. Anh đã tham gia nhiều trận đánh, từ những trận đánh tiểu đoàn độc lập tới những trận đánh phối hợp trong chiến dịch. Nhiều trận đã đem lại thắng lợi to lớn...Vào giữa năm 1953, Phạm Ngọc Thảo được cấp trên triệu tập đi học lớp huấn luyện trung cao của Xứ ủy Nam Bộ. Lớp học bế mạc sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Gieneve về Việt Nam. Phạm Ngọc Thảo đã được gọi ra Việt Bắc và đích thân đồng chí Lê Duẩn trao nhiệm vụ vào hoạt động ngay trong lòng địch.Nghĩa là Phạm Ngọc Thảo cần tìm mọi cách thâm nhập được vào chính quyền ngụy, cố gắng lọt được vào gia đình Ngô Đình Diệm... Anh có lợi thế là gia đình Thiên Chúa giáo lâu đời, thân thiết với linh mục Ngô Đình Thục đã từng cai quản giáo xứ Vĩnh Long là quê quán của Phạm Ngọc Thảo. Chính linh mục Ngô Đình Thục đã làm lễ rửa tội cho Phạm Ngọc Thảo và cũng yêu mến anh như con nuôi của mình...Phạm Ngọc Thảo công khai mọi công tác, hành động của mình khi đi kháng chiến chống Pháp, chỉ trừ việc là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Là người Việt Nam yêu nước, nay trở về với tất cả niềm tự hào đã góp phần chiến thắng thực dân Pháp, hợp tác với chính quyền mới của Ngô Đình Diệm thường tuyên bố bài phong đả thực, hoan nghênh những người kháng chiến cũ cộng tác với chính nghĩa quốc gia...Phạm Ngọc Thảo không có trách nhiệm báo cáo chuyện gì với ai... Thảo không phải là một cán bộ tình báo thông thường, cũng không phải là một điệp báo. Khi có việc cần thiết, Phạm Ngọc Thảo có quyền trao đổi với một cán bộ nào đó mà anh thấy thực sự tin cậy.Như vậy, Phạm Ngọc Thảo sẽ không quan hệ với ai là bạn bè kháng chiến cũ, kể cả những người lãnh đạo, đề phòng họ đầu hàng... Tuy vậy, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu chưa tin cậy ngay. Họ còn cần thời gian để thử thách.Mới đầu Phạm Ngọc Thảo là Tỉnh đoàn trưởng Bảo an Vĩnh Long. Sau đó anh được cử làm thanh tra Bảo an đoàn, rồi tuyên huấn đảng Cần lao Nhân vị của anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu. Đó chỉ là những chức hữu danh vô thực.Chinh phục kẻ thù bằng trí thông minh, kiến thức uyên bácPhạm Ngọc Thảo tự xuất hiện bằng cách viết báo. Cộng tác với tạp chí Bách khoa, chỉ trong hơn một năm, Phạm Ngọc Thảo đã viết hơn 20 bài báo trình bày rõ quan điểm của mình là phải yêu nước, thương dân. Anh đã đề cập đến nhiều vấn đề chiến lược, chiến thuật trong cầm quân và chỉ huy chiến sĩ. Anh còn phân tích cả chiến sách của Tôn Tử trong sách lược dùng quân và bình thiên hạ.Những bài viết đầy nhiệt tình cách mạng và tính nhân văn của Phạm Ngọc Thảo được độc giả và trí thức rất hoan nghênh. Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục đã nghiên cứu kỹ những bài viết của Phạm Ngọc Thảo: giọng điệu thì như Cộng sản, nhưng chính nghĩa quốc gia của họ cũng đâu có thể nào nói lời ngược lại.Cuối cùng, anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu đành khâm phục Phạm Ngọc Thảo là một trí thức uyên bác. Bởi chung quanh họ chỉ có đám võ biền, thô bạo, tham nhũng, còn Phạm Ngọc Thảo xuất hiện như một ngôi sao sáng chói. Ngô Đình Diệm đã đích thân phong tặng Phạm Ngọc Thảo cấp bậc trung tá và cử làm Tỉnh trưởng Bến Tre.Trước khi nhận nhiệm vụ mới, anh đề nghị trực tiếp với Ngô Đình Diệm ba yêu cầu:Một, ổn định tình hình tỉnh Bến Tre không phải bằng bạo lực mà chính trị. Vì anh không thể hành động như những quân nhân võ biền khác. Mục đích của anh là không phải đàn áp phong trào đấu tranh của Bến Tre đang lên cao độ.Hai, nếu bắt được Việt cộng, có đủ bằng chứng, cho lập phiên tòa xét xử. Với yêu cầu này, Phạm Ngọc Thảo sẽ có cớ để trừng trị bọn đầu hàng, bọn chỉ điểm.Ba, Tỉnh trưởng Bến Tre được đặc cách chỉ báo cáo với Tổng thống, không qua một ban, bộ nào. Như vậy, Phạm Ngọc Thảo sẽ tránh được những kẻ gièm pha, ton hót...Ngô Đình Diệm đã chấp thuận cả ba yêu cầu của Phạm Ngọc Thảo. Khi nhận chức tỉnh trưởng, việc đầu tiên của anh là ký quyết định thả 2.000 tù nhân đang bị giam giữ... và lập tòa án trừng trị bọn phản bội, đầu hàng. Nhiều phản ứng của phía chính quyền và quân đội ngụy đều được Phạm Ngọc Thảo bác bỏ bằng luận thuyết rằng, Ngô Đình Diệm đang thí nghiệm một luận thuyết mới: Luận thuyết thân dân, phải có thì giờ kiểm nghiệm.Nhưng chẳng bao lâu sau, ngay trong các tầng lớp dân chúng Bến Tre cũng xì xào rằng: Hình như Phạm Ngọc Thảo là... một Việt cộng nằm vùng.Do chính sách của Phạm Ngọc Thảo không cho phép quân lính thuộc quyền đàn áp dân chúng, điều đó đã góp phần cho các cuộc nổi dậy của nhân dân Bến Tre đạt được thắng lợi. Đó chính là phong trào đồng khởi của đội quân tóc dài mà lịch sử sau này mãi mãi ghi công.Chức tỉnh trưởng Bến Tre của Phạm Ngọc Thảo bị thay thế, nhưng Ngô Đình Diệm chỉ cho rằng anh còn non nớt, chưa có kinh nghiệm cai trị nên cho anh ra nước ngoài học tập một thời gian, khi trở về chuyển làm phát ngôn viên chính phủ vì anh có trình độ học thức cao...Trong giới tướng lĩnh ngụy, Phạm Ngọc Thảo rất có uy tín vì anh thông minh, giao du rộng, hào phóng, có tài ăn nói... tất cả các tướng lĩnh của chính quyền ngụy đều khâm phục và muốn lôi kéo về mình. Thậm chí, bác sĩ Trần Kim Tuyến, giám đốc Cơ quan nghiên cứu chính trị (một tổ chức tình báo của chính quyền ngụy), tướng Đỗ Mậu phụ trách an ninh quân đội ngụy... cũng bị Phạm Ngọc Thảo thuyết phục.Đề tựa cuốn tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm, nhà văn Nguyễn Trường Thiên Lý (tức Trần Bạch Đằng) ghi "Tưởng nhớ anh Chín T." Chín T. là Đại tá, liệt sỹ Phạm Ngọc Thảo. Tiểu thuyết sau được chuyển thể thành bộ phim Ván bài lật ngửa, với nhân vật chính Nguyên Thành Luân lấy nguyên mẫu từ ông.Tung hoành trong lòng địchTrước cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu ngày 1/11/1963, Phạm Ngọc Thảo bàn với Dương Văn Minh, nhưng Minh quá nhát, không dám hưởng ứng. Tiếp đó Phạm Ngọc Thảo bàn với Trần Thiện Khiêm. Quả nhiên cuộc đảo chính thắng lợi. Tuy vậy, Dương Văn Minh cũng được cử đứng đầu Hội đồng quân nhân cách mạng... Tất cả các tướng lĩnh tham gia cuộc đảo chính đều được lên chức, lên lon. Phạm Ngọc Thảo vì chưa qua lớp cao cấp nên không được đề bạt.Đại sứ Mỹ rất biết việc này, muốn nắm Phạm Ngọc Thảo về sau, liền đề nghị với chính quyền ngụy đưa Phạm Ngọc Thảo sang Mỹ học trường võ bị cao cấp, cùng với đề nghị đưa chị Phạm Thị Nhiệm vợ ông sang Mỹ làm giáo sư dạy tiếng Việt cho những lớp sĩ quan Mỹ trước khi được đưa qua Việt Nam.Trong khi Phạm Ngọc Thảo đi Mỹ học thì ở trong nước, Nguyễn Khánh làm đảo chính Dương Văn Minh lên nắm chính quyền. Nhưng Nguyễn Khánh chỉ là một tên võ biền, không có chủ trương chính sách gì khả dĩ ổn định được tình hình rối loạn khắp nơi cũng như không dám đương đầu với đám tướng lĩnh, chỉ huy các đơn vị tham nhũng, buôn lậu. Nhiều cuộc biểu tình của dân chúng và học sinh, sinh viên đòi Nguyễn Khánh ra đối chất, Nguyễn Khánh ú ớ không trả lời được.Vì vậy khi Phạm Ngọc Thảo tốt nghiệp Học viện cao cấp quân sự ở Hoa Kỳ về, liền được Nguyễn Khánh phong ngay quân hàm đại tá và cử làm phát ngôn viên chính phủ.Phạm Ngọc Thảo - thứ hai từ trái sangCó Phạm Ngọc Thảo, công việc bàn thảo và những kế hoạch đảo chính lại được tiếp tục. Trần Thiện Khiêm muốn đảo chính Nguyễn Khánh bằng kế hoạch bắt cóc trong một bữa tiệc gia đình nhưng không thành, lập tức Trần Thiện Khiêm đi làm đại sứ ở Mỹ đã yêu cầu có Phạm Ngọc Thảo đi theo để phụ trách nhiệm vụ tùy viên quân sự và báo chí. Nguyễn Khánh chấp thuận.Làm tùy viên quân sự và báo chí bên cạnh Trần Thiện Khiêm, chỉ một thời gian ngắn Phạm Ngọc Thảo đã nắm được kế hoạch của Lầu năm góc đang chuẩn bị đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam.“Khác với các nhà tình báo khác, mà nhiệm vụ chủ yếu của họ là khéo giấu mình, tổ chức thu thập, tuyển chọn các tin tức cần thiết chuyển về Trung Tâm, Phạm Ngọc Thảo (1918-1965) đã đi thẳng vào hàng ngũ kẻ thù, không hề che giấu sự tự hào của mình đã từng cầm quân Cách mạng chống thực dân Pháp và đã trụ vững, tung hoành trong hàng ngũ địch trong một thời gian dài cho đến tận lúc hy sinh. Đó mới thật là đặc biệt, chỉ có riêng ở Phạm Ngọc Thảo...” (Lời đồng chí Trần Bạch Đằng, nguyên Bí thư Khu 1 Sài Gòn).Nhiều khu căn cứ bí mật đã được thành lập để huấn luyện cho quân đội Mỹ quen thuộc với địa hình đầm lầy và rừng rậm Việt Nam. Đế quốc Mỹ đang chờ thời cơ để có thể ký được với chính phủ bù nhìn nào đó ở Việt Nam một hiệp định cho Mỹ có quyền đưa quân đội viễn chinh vào chiếm đóng ở miền Nam Việt Nam.Nguyễn Khánh muốn cắt bớt vây cánh của Trần Thiện Khiêm đề phòng nguy hiểm về sau, liền lệnh cho Bộ Ngoại giao Sài Gòn triệu hồi Phạm Ngọc Thảo về nước và phải trình diện trước ngày 18/2/1965. Biết rõ âm mưu của Nguyễn Khánh, Phạm Ngọc Thảo đã bàn với Trần Thiện Khiêm về việc cần làm cuộc đảo chính Nguyễn Khánh ngay.Đảo chính lần này sẽ do chính Phạm Ngọc Thảo đứng ra chỉ huy.Cuộc đảo chính được hoạch định với những mục tiêu quan trọng như các cơ quan chính quyền, đài phát thanh, dinh thự của Nguyễn Khánh... phải giải quyết xong vào lúc 13 giờ ngày 19/2/1965.Đúng như kế hoạch, Phạm Ngọc Thảo đã chiếm được trụ sở làm việc của Nguyễn Khánh, cho xe tăng trở mũi về đài phát thanh thì bất ngờ một số nhà báo trông thấy Phạm Ngọc Thảo ngồi trên nóc một chiếc xe tăng chạy ngang qua công trường Mê Linh. Họ xúm tới phỏng vấn.Là phát ngôn viên chính phủ, Phạm Ngọc Thảo quen biết rất nhiều nhà báo nên không nỡ từ chối một ai, đành phải trả lời và để họ quay phim, chụp ảnh. Anh tới đài phát thanh trễ mất nửa giờ.Nhiệm vụ bắt Nguyễn Khánh được trao cho trung tá Lê Hoàng Thao, nhưng không may đơn vị bị lạc đường, phải có người đi tìm dẫn đường tới nơi. Cũng trễ nửa giờ.Nguyễn Khánh đã ăn trưa xong và về nghỉ tại biệt thự riêng cũng trong Bộ Tổng tham mưu và thấy có đơn vị đảo chính đang xông vào liền lẻn qua một cổng riêng chạy qua sân bay quân sự. Y gặp Nguyễn Cao Kỳ ở đây. Hai người chui hàng rào chạy thoát thân tới sân bay Biên Hòa.
Cuộc đảo chính ngày 19-2-1965 nhầm lật đổ Nguyễn Khánh do Đại tá Phạm Ngọc Thảo chỉ huyNguyễn Cao Kỳ là Tư lệnh không quân của chính quyền Sài Gòn, cho một máy bay nhỏ đưa Nguyễn Khánh chạy ra Vũng Tàu. Nguyễn Cao Kỳ cũng lên một máy bay khác trốn khỏi sân bay Biên Hòa. Y cho máy bay lượn trên vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất dùng loa gọi xuống lệnh cho quân đảo chính rời khỏi Tân Sơn Nhất, nếu không y sẽ cho thả bom sân bay Tân Sơn Nhất.Lúc này ở sân bay Tân Sơn Nhất đang có một số đơn vị Mỹ đóng trong một khu doanh trại. Đại sứ Mỹ nghe được tuyên bố của Nguyễn Cao Kỳ liền phái tướng Rowland chạy tới Dinh Độc Lập gặp Phạm Ngọc Thảo đang họp báo ở đó.Phạm Ngọc Thảo đồng ý lên trực thăng riêng của đại sứ Mỹ cùng tướng Lâm Văn Phát lên Biên Hòa gặp Nguyễn Cao Kỳ. Hai bên thương lượng. Nguyễn Cao Kỳ chấp thuận loại Nguyễn Khánh ra khỏi Hội đồng quân nhân mà hiện nay y làm chủ tịch đổi lấy việc quân đảo chính rút khỏi sân bay Tân Sơn Nhất.Như vậy là cuộc đảo chính không đạt được mục tiêu.Vào 20 giờ cùng ngày các tướng lĩnh đảo chính họp và đồng ý giải tán để chờ cơ hội khác sẽ lại cùng nhau hợp tác.Báo Việt Tiến - kế hoạch hành động mớiLàm lại từ đầu, lần này Phạm Ngọc Thảo thận trọng hơn trong việc lựa chọn đơn vị tham gia. Đối với những người chỉ huy, anh lựa kỹ càng hơn; về kế hoạch hành quân cũng như những biện pháp phải đối phó, anh vạch ra tỉ mỉ hơn.Anh xuất bản một tờ báo lấy tên là Việt Tiến tuyên truyền về tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam quyết đánh đuổi bọn xâm lược và tay sai, tinh thần dũng cảm của người lính khi lâm trận, phân tích những thiếu sót về cuộc đảo chính vừa qua và những biện pháp cần khắc phục. Báo Việt Tiến phát hành tới từng tiểu đội sẽ tham gia đảo chính lần thứ hai và được đông đảo nhân dân ủng hộ...Lúc này Nguyễn Khánh đã bị phế truất, Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu chính phủ mới mà họ gọi là “ủy ban Hành pháp Trung ương”. Cả Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đều sợ Phạm Ngọc Thảo. Cao Kỳ ngấm ngầm cho bọn an ninh quân đội đi khắp nơi dò la tin tức của Phạm Ngọc Thảo.Cũng cùng thời gian này, đại sứ quán Mỹ tìm cách liên lạc với Phạm Ngọc Thảo hứa sẽ đưa anh ra nước ngoài nếu anh chấp nhận không trở về Việt Nam nữa. Đại sứ quán Campuchia cũng chuyển lời của Sihanouk mời Phạm Ngọc Thảo qua Campuchia tị nạn.Với cả hai nơi, anh đều có lời cám ơn và nói rằng: Nếu có chết cũng xin chết trên đất nước Việt Nam.Quả thật Phạm Ngọc Thảo có một vòng rào bảo vệ rất rộng lớn và vững chắc ở các xứ đạo từ Biên Hòa tới Hố Nai, Thủ Đức, Sài Gòn. Nhiều linh mục cộng tác với anh đủ mọi công việc, từ việc in ấn, phát hành tờ Việt Tiến. Nhiều linh mục đã tham gia viết bài cho tờ báo. Nhiều thương gia, trí thức yêu nước sẵn sàng giao cả nhà của mình cho lực lượng đảo chính sử dụng hội họp.Bên cạnh Phạm Ngọc Thảo bao giờ cũng có linh mục Nguyễn Quang Lãm và một người trợ lý, Phạm Ngọc Thảo liên lạc với các đầu mối, vạch chương trình làm việc hàng ngày, những người cần tiếp xúc, bố trí những địa điểm cần thay đổi để giữ bí mật.“Nếu chết, xin chết trên đất nước Việt Nam”Bữa ấy linh mục Nguyễn Quang Lãm sắp xếp cho Phạm Ngọc Thảo tiếp một người khách ở nhà dòng Phước Sơn. Cuộc tiếp xúc xong thì đáng ra Phạm Ngọc Thảo rời địa điểm. Nhưng còn có nhiều việc phải làm nên nấn ná qua bữa sau.Sáng hôm sau, ngày 16/7/1965, hai chiếc xe Citroen chạy thẳng vào nhà dòng Phước Sơn, đậu ngay trước cửa phòng Phạm Ngọc Thảo. Một toán người mặc đồ đen tung cửa vào khi anh đang ngồi bên bàn trước ly cà phê để tính toán công việc. Phạm Ngọc Thảo chưa kịp phản ứng đối phó thì họ đã xông tới ôm chặt Phạm Ngọc Thảo, xốc nách lôi ra xe.Sự việc xảy ra nhanh quá khiến người trợ lý của anh không kịp trở tay. Chúng đưa anh tới rừng cao su Phước Tân thuộc họ đạo Tân Mai. Chúng dừng xe, bịt mắt anh và dẫn đi một đoạn đường. Biết mình bị nguy hiểm, anh chuẩn bị đối phó, dù chúng nắm hai tay anh thật chặt.Có tiếng lên đạn, Phạm Ngọc Thảo vốn có sức khỏe, vùng vẫy muốn thoát ra.Chúng sợ anh vuột mất liền nhắm đầu anh nổ súng.Phạm Ngọc Thảo ngã vật ra. Ngay lúc đó những người công nhân đi cạo mủ buổi sáng, nghe tiếng súng vội ù chạy. Chúng sợ bị lộ liền quay xe chạy mất...Phạm Ngọc Thảo nằm bất tỉnh một lúc lâu... Anh giơ tay mở khăn bịt mặt... ở xa xa có mấy người mon men tới gần, có người còn sợ. Phạm Ngọc Thảo giơ tay vẫy gọi. Họ vẫn rón rén, một hai người bước tới, sau dần dần đông...Phát súng trúng hàm dưới trổ ra phía trước, gãy mất mấy cái răng. Máu ra rất nhiều, ướt đẫm chiếc áo linh mục anh mặc trên người. Mọi người nâng Phạm Ngọc Thảo dậy, nghĩ đây là một linh mục bị bắt cóc và bị ám sát nên tạm đưa anh về trại định cư Tam Hiệp.Máu từ vết thương vẫn ra đầy miệng, anh ra hiệu mượn giấy bút, viết mấy chữ cho cha xứ dòng Đa Minh. Cha xứ dòng Đa Minh là linh mục Cường, biết tin linh mục Jacobert lâm nạn liền tập tức tới nơi. Cha Cường làm lễ rửa tội, mọi người biết ý lui ra.Thảo yêu cầu linh mục đưa anh đi ngay khỏi chốn này, vì bọn an ninh quân đội thế nào cũng sẽ quay lại. Cha Cường mướn một chiếc xe lam đưa anh về xứ đạo Đa Minh nhờ các bà sơ thay quần áo và băng bó vết thương.Nhưng, bọn cảnh sát quốc gia và an ninh quân đội cũng tìm ra nơi anh nằm và chúng đã tới bắt anh... Từ Biên Hòa, chúng dùng trực thăng đưa anh về Sài Gòn. Tại Tân Sơn Nhất có Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia và nhiều tên sĩ quan an ninh quân đội đón anh. Anh Thảo vẫn một mình từ trực thăng nhảy xuống đất, nghĩa là vết thương ở miệng không làm anh mất sức.Nguyễn Thành Luân (Chánh Tín đóng) trong phim Ván bài lật ngửa - lấy nguyên mẫu từ Phạm Ngọc ThảoNguyễn Ngọc Loan chở ngay anh Thảo về an ninh quân đội Sài Gòn. Nơi đây đại tá Đặng Như Tuyết bị bắt từ hôm đảo chính 20/2/1965 nằm phòng bên cạnh có nghe được phần nào cuộc hỏi cung anh Thảo. Sau này anh Đặng Như Tuyết có kể được một đoạn:An ninh quân đội hỏi anh Thảo:- Nếu đại tá được tự do trở lại thì đại tá sẽ làm gì?Anh Thảo trả lời:- Tôi sẽ tiếp tục sứ mạng của tôi cho tới thành công.An ninh quân đội lại hỏi:- Đại tá cho biết những ai giúp đại tá sống trong mấy tháng qua?- Đó là những người ơn nghĩa của tôi, giúp tôi trong công việc chung. Tôi không thể cho các anh biết.Đêm về khuya, ở phòng kế bên, anh Đặng Như Tuyết nghe tiếng đánh đá nhiều lần và sau cùng nghe anh Thảo la thất thanh rồi im lặng luôn. Lúc đó vào khoảng 1, 2 giờ sáng thứ sáu, ngày 17/7/1965.Hôm sau, báo chí Sài Gòn đăng thông báo của cảnh sát là đại tá Phạm Ngọc Thảo đã chết vì vết thương ngày hôm trước. Có báo đăng hình anh Thảo nằm chết trên ghế bố.Sự thật, Phạm Ngọc Thảo chết vì Nguyễn Ngọc Loan ra lệnh cho sĩ quan và người của an ninh quân đội đánh đập đến tắt thở.Năm ấy Phạm Ngọc Thảo 43 tuổi.-----------------------Tổng hợp từ Internet
Từ khóa » điệp Viên Phạm Ngọc Thảo
-
Chú Tôi, đại Tá Albert Phạm Ngọc Thảo Qua Hồi ức Của Gia đình - BBC
-
Phạm Ngọc Thảo - Điệp Viên 'có Một Không Hai'
-
Đại Tá Phạm Ngọc Thảo Điệp Viên Xuất Sắc, đi Thẳng Vào Lòng địch
-
Đại Tá PHẠM NGỌC THẢO - Nhà Tình Báo KHÉT TIẾNG ... - YouTube
-
NHÀ TÌNH BÁO PHẠM NGỌC THẢO | NHÂN VẬT LỊCH SỬ #18
-
Giải Mã Cuộc Đời Điệp Viên Đại Tá Phạm Ngọc Thảo - YouTube
-
Bài 3: Phạm Ngọc Thảo: Điệp Viên “có Một Không Hai”
-
Những điệp Viên 'có Một Không Hai' Trong Lịch Sử Quân Sự Việt Nam
-
PHẠM NGỌC THẢO - NGƯỜI TÌNH BÁO ĐẶC BIỆT “CÓ MỘT ...
-
Dấu ấn Lịch Sử Về Nhà Tình Báo Phạm Ngọc Thảo - Báo Đồng Khởi
-
Tin Tức Tức Online 24h Về Phạm Ngọc Thảo - Pham Ngoc Thao - Zing
-
Giải Mật Tài Liệu Của CIA Về điệp Viên Phạm Ngọc Thảo - Dân Việt