PHẠM NGỌC THẢO - NGƯỜI TÌNH BÁO ĐẶC BIỆT “CÓ MỘT ...
Có thể bạn quan tâm
PHẠM NGỌC THẢO - NGƯỜI TÌNH BÁO ĐẶC BIỆT “CÓ MỘT KHÔNG HAI” TRONG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM
Ths. Nguyễn Hương Quế-Khoa NNPL
(*) Bài viết kỉ niệm 75 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022)
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVT) Phạm Ngọc Thảo là một trong những huyền thoại xuất sắc nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam. Đồng chí Trần Bạch Đằng đã từng nhận xét: "Các nhà tình báo thông thường có nhiệm vụ giấu mình, thu thập, khai thác tin tức chuyển về trung tâm. Riêng Phạm Ngọc Thảo đi thẳng vào hàng ngũ kẻ thù, tung hoành hoạt động vì Tổ quốc cho tới tận lúc hy sinh, trường kỳ mai phục và độc lập tác chiến. Anh là người tình báo đặc biệt có một không hai"[1]. Còn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: "Anh Phạm Ngọc Thảo đã nhận một nhiệm vụ đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trong công tác cách mạng của chúng ta"[2].
Đánh giá về những nét đặc biệt trong hoạt động tình báo của Phạm Ngọc Thảo có rất nhiều khía cạnh. Bài viết này chỉ xin tóm tắt sơ lược về thân thế và hoạt động cách mạng rất đặc biệt của nhà tình báo xuất sắc, “độc nhất vô nhị” này.
Phạm Ngọc Thảo sinh năm 1922 tại Sài Gòn, trong một gia đình Công giáo. Cha là Adrian Phạm Ngọc Thuần, là đại điền chủ yêu nước, mang quốc tịch Pháp. Phạm Ngọc Thảo còn có tên khác là Albert Thảo, Chín Thảo. Thuở nhỏ Phạm Ngọc Thảo học Trường tư thục Công giáo ở Sài Gòn, sau đó học Trường Cao đẳng Công chánh ở Hà Nội.
- Giai đoạn 1945-1954
Phạm Ngọc Thảo là người trí thức, giỏi tiếng Anh và Tiếng Pháp. Năm 1946, ông cùng với 12 người Nam Bộ khác được chọn ra Sơn Tây học lớp cán bộ tình báo khóa đầu tiên tại Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Trường Sĩ quan Lục quân I). Ngày 26/5/1946, Trường khai giảng khóa đầu tiên tại Sơn Tây, có 288 học viên, trong đó có 12 cán bộ, chiến sĩ từ chiến trường Nam Bộ và Phạm Ngọc Thảo là một trong số đó. Do nhu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến, khóa đào tạo đầu tiên chỉ học trong 5 tháng. Theo một số học viên các khóa học sau này (được các cán bộ nhà trường kể cho biết) thì tuy thời gian học ở trường không dài nhưng Phạm Ngọc Thảo miệt mài, khiêm tốn, học rèn như chiến sĩ mới. Hồi ấy Phạm Ngọc Thảo đã là kỹ sư công chánh nhưng ông không hề thổ lộ với ai, chỉ có giám đốc và chính trị ủy viên biết (qua lý lịch). Trong mấy tháng học, ông đã viết hai chục bài báo đăng trên tờ nguyệt san của trường về nghệ thuật chiến tranh du kích, binh vận, dân vận, bấy giờ là lĩnh vực khá mới mẻ.
Sau khi tốt nghiệp, ông lập tức trở về miền Nam, công tác ở trạm giao liên tỉnh Phú Yên. Đây chính là trạm nối giữa Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong một lần đi qua trạm này, đồng chí Lê Duẩn đã gặp Phạm Ngọc Thảo và đã phát hiện được tài năng của người cán bộ này, nên đã đưa Phạm NgọcThảo cùng trở về Nam Bộ. Đồng chí Lê Duẩn giới thiệu Phạm Ngọc Thảo với đồng chí Mai Chí Thọ, Trưởng Ban địch tình Xứ ủy, Trần Quốc Hương tức Mười Hương (nguyên Bí thư T.Ư Đảng, người trực tiếp tổ chức hoạt động cho những nhà tình báo lừng danh Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ…)
Cuối năm 1947, được cấp trên giao làm Trưởng phòng Mật vụ Nam Bộ (cơ quan tình báo của ta). Đây tổ chức đầu tiên của quân đội ta ở Nam Bộ. Với tinh thần trách nhiệm, trong một thời gian ngắn, ông đã thống nhất được các lực lượng tình báo toàn Nam Bộ.
Năm 1949, ông được điều sang làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410 chủ lực Khu 9, tiểu đoàn đã chiến đấu nhiều trận thắng lợi lớn, góp phần mở rộng vùng giải phóng.
- Giai đoạn 1954-1965
Sau Hiệp định Geneva 1954, cuối tháng 1-1955, đồng chí Lê Duẩn đã giao cho Phạm Ngọc Thảo nhiệm vụ đặc biệt là tình báo viên hoạt động trong lòng địch, phục vụ cho mục tiêu thống nhất đất nước, tìm cách xâm nhập vào hàng ngũ địch, lấy niềm tin của chúng để leo cao, chui sâu trong chế độ Ngô Đình Diệm, nắm bắt những mưu đồ chiến lược của Mỹ - Diệm, báo cáo cho trung ương; đồng thời chuẩn bị lực lượng ngầm để lật đổ chế độ Mỹ - Diệm, thống nhất Bắc - Nam nếu con đường hòa bình bằng Hiệp định Genève không thành công.
Nhờ trí thông minh và kiến thức uyên bác, tháng 12-1954, ông dần dần được “đồng hóa” vào bộ máy ngụy Sài Gòn. Tháng 5/1956, ông được cử đi học khóa huấn luyện tại trung tâm Nhân vị tại Vĩnh Long. Đến tháng 10/1956, ông gia nhập đảng Cần Lao. Công khai thừa nhận mình là người từng tham gia chỉ huy trong kháng chiến chống Pháp (ông chỉ giữ bí mật thân phận mình là đảng viên Cộng sản), ông được phân công phụ trách tổ quân sự, giữ nhiệm vụ nghiên cứu về chiến lược và chiến thuật quân sự, và huấn luyện quân sự cho các đảng viên Cần Lao. Trong thời gian này, ông cùng với Huỳnh Văn Lang (Tổng giám đốc Viện Hối đoái và là Bí thư Liên kỳ bộ Nam Bắc Việt của Đảng Cần Lao) xúc tiến thành lập tờ Bách khoa, một tờ bán nguyệt san về chính trị, văn hóa của nhóm trí thức Cần Lao. Bách khoa phát hành số 1 vào ngày 1/1/1957. Trên tờ bán nguyệt san này, ông vừa là sáng lập viên, vừa là người tham gia tổ chức, điều hành vừa là cây bút chủ lực trong thời gian đầu. Chỉ riêng trong năm đầu tiên, ông đã viết hàng chục bài. Trong các bài viết, Phạm Ngọc Thảo thể hiện rõ quan điểm của mình là phải yêu nước, thương dân. Ông đề cập nhiều vấn đề chiến lược, chiến thuật trong cầm quân, chỉ huy chiến sĩ cũng như phân tích và cả góp ý đối với binh pháp của Tôn Tử. Những bài viết có tính cách mạng cao và thấm đẫm tính nhân văn của Phạm Ngọc Thảo được độc giả và giới trí thức rất hoan nghênh.
Đặc biệt, qua những bài viết của mình, dưới danh nghĩa là "kinh nghiệm của một quân nhân" như trong tiêu đề của một số bài báo, Phạm Ngọc Thảo đã công khai ca ngợi Việt Minh, ca ngợi lực lượng kháng chiến. Đây có thể coi là điều "tối kị" trong hoàn cảnh chế độ Diệm thi hành chính sách "tố Cộng diệt Cộng" triệt để, trả thù đẫm máu những người kháng chiến. Điều đó cho thấy sự khảng khái, dũng cảm và cũng hết sức khéo léo của Phạm Ngọc Thảo. Phạm Ngọc Thảo cũng gián tiếp phê phán quân đội Sài Gòn mang tiếng là đi "bình định", tức là đi "tiễu trừ phản nghịch" nhưng thực chất là đi giết hại, cướp bóc của dân. Trong bài “Quân đội đi bình định đem lại bình an hay oán hận” (1/9/1957), ông nêu tình trạng quân đội lợi dụng việc đi "tảo thanh bọn lưu manh phiến loạn phá rối an ninh trong xóm làng" để cướp bóc tài sản của dân, hãm hiếp phụ nữ, trả thù cá nhân, lạm sát nhân dân…
Qua thời gian tiếp cập, ông đã được Ngô Đình Diệm tin cậy trong công tác chính trị, an ninh nội bộ và được cử làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre) với cấp bậc trung tá (từ tháng 11-1960 đến tháng 5-1962). Những năm làm tỉnh trưởng, ông đã cung cấp nhiều tin tức, tài liệu liên quan đến các cuộc hành quân của địch trong tỉnh và quân khu, thả hơn 2.000 tù chính trị, đây chính là lực lượng lớn cho cách mạng ở Bến Tre. Và khôn khéo lái các cuộc hành quân “tảo thanh” của địch vào chỗ không người.
Đặc biệt trong số 2.000 tù chính trị được thả, có đồng chí Võ Viết Thanh - sau này là Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an. Sau này, chia sẻ lại trong một lần về thăm lại Bảo tàng Bến Tre, ông kể, ông đã có 3 lần được gặp trực tiếp nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo (khi ấy ông không biết). Có lần, ông được gọi lên đứng cạnh chỗ ông Phạm Ngọc Thảo ngồi để ông ấy hỏi chuyện. Ông Võ Viết Thanh chia sẻ, Phạm Ngọc Thảo hỏi tôi: “Em ở trong tù có khổ lắm không?”. Lúc ấy, tôi cứ nghĩ ông ấy là người của địch nên trả lời ngắn gọn là: “khổ!”. Phạm Ngọc Thảo lại hỏi tiếp: “Em có chịu đựng nổi không?”, tôi trả lời: “Không chịu nổi cũng phải ráng chịu!”. Sau đó, thì ông không hỏi nữa. Ngày 7-7-1961, ông Võ Viết Thanh được chở từ khám đến Dinh tỉnh trưởng, tại đây, ông lại được gặp mặt Phạm Ngọc Thảo một lần nữa. Sau vài câu trò chuyện, Phạm Ngọc Thảo đã nói với ông: “Hôm nay, qua trả tự do cho em. Nếu khi em ra tù, em muốn trở lại học văn hóa thêm, gặp khó khăn gì hãy đến gặp qua giúp đỡ”. Tôi đứng dậy cầm tờ giấy trả tự do và nói: Cảm ơn Tỉnh trưởng. Đây là lần đầu tiên tôi có chút lễ phép và cũng là lần cuối cùng tôi không bao giờ còn gặp lại Phạm Ngọc Thảo”, ông Thanh xúc động nhớ lại. “Từ đó, tôi được trả tự do và tiếp tục trở về hoạt động cách mạng. Mãi đến sau, tôi mới được biết, ông là người cán bộ cách mạng của mình”[3].
Những đóng góp này của Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã góp phần quan trọng vào việc bảo toàn lực lượng cách mạng, góp phần thắng lợi của phong trào Đồng Khởi Bến Tre.
Cuối năm 1963, cao trào chống đối Ngô Đình Diệm dâng cao, nhưng các tướng, tá còn nghi ngờ lẫn nhau nên chưa đứng vào một nhóm để hợp lực hành động. Tháng 9/1963, Trần Kim Tuyến (Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị và xã hội Phủ tổng thống) và Phạm Ngọc Thảo bí mật làm cuộc đảo chính. Do bị lộ, Tổng thống Diệm đã cử Trần Kim Tuyến đi làm Tổng Lãnh sự ở Ai Cập. Ngày 1/11/1963, chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ do một nhóm tướng lĩnh khác. Sau khi đảo chính, ông được nhóm sĩ quan cầm đầu thăng quân hàm đại tá. Sau đó ông được tướng Nguyễn Khánh mời làm phát ngôn viên báo chí trong “Hội đồng quân nhân Cách mạng”, ông được cử làm tùy viên báo chí và quân sự của Sứ quán Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ.
Đầu năm 1965, ông bị gọi về nước, vì chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ đã nghi ngờ ông hoạt động cho đối phương, muốn bắt ông. Mặc dù rơi vào hoàn cảnh rất nguy hiểm nhưng ông vẫn tìm cách bám trụ lại Sài Gòn và móc nối với các lực lượng đối lập khác như tướng Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát để lật đổ chế độ. Cuộc đảo chính nổ ra trưa 19/2/1965 ở Sài Gòn chỉ làm chủ Đài Phát thanh trong một thời gian ngắn, nhưng mục tiêu quan trọng hàng đầu là bắt sống Nguyễn Khánh đã không thực hiện được. Các cuộc đảo chính này đã gây mất ổn định nghiêm trọng chế độ ngụy Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam.
Sau hai cuộc đảo chính bất thành, mặc dù cấp trên yêu cầu rời khỏi Sài Gòn nhưng Phạm Ngọc Thảo vẫn quyết trụ lại để tiến hành cuộc đảo chính cuối cùng. Việc lớn không thành, ông bị bắt và bị tra tấn rất dã man, tuy nhiên, ông không để lộ tung tích của mình. Ông mất vào đêm 17/7/1965 khi mới 43 tuổi. Cho đến lúc hy sinh, không ai biết ông là một chiến sỹ tình báo cộng sản.
3. Sự ghi nhận về những chiến công của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo
Chiến công của Phạm Ngọc Thảo lập nên là vô cùng to lớn, nhưng thời bấy giờ do hoàn cảnh chiến tranh, cuộc đấu tranh giữa ta và địch diễn biến rất quyết liệt, nên không thể đề cập trên các phương tiện truyền thông được.
Cho đến nay, Phạm Ngọc Thảo vẫn được xem là một bí ẩn khó có thể giải mã của báo chí quốc tế. Còn Thiếu tướng tình báo Nguyễn Đức Trí (tức Nguyễn Văn Khiêm, nguyên Thủ trưởng Cơ quan tình báo Miền nam) nhận xét: “Trong lịch sử tình báo nước ta, câu chuyện ly kỳ như Phạm Ngọc Thảo là hãn hữu, nếu bỏ qua không nghiên cứu đến nơi đến chốn là thiếu trách nhiệm đối với công cuộc tích tụ kho tàng tình báo Việt Nam”[4].
Phạm Ngọc Thảo được đánh giá là nhà tình báo đặc biệt có một không hai. Sau này, trong dòng đề tựa trong cuốn Ván bài lật ngửa, nhà văn Trần Bạch Đằng, với bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý, đã trân trọng viết "Tưởng nhớ anh Chín T. (Thảo) và những người đã chiến đấu hy sinh thầm lặng".
Riêng đối với Trung tướng Võ Viết Thanh, người từng ba lần trực tiếp được nói chuyện với ông thì nói rằng: “Có thể nói, Đại tá Phạm Ngọc Thảo là nhà tình báo chiến lược cao cấp, “siêu đẳng” trong giới tình báo thời kỳ bấy giờ. Ông đã lập được những chiến công rất lớn, làm khuynh đảo cả chế độ Sài Gòn và nổi tiếng đến cả Hoa Kỳ. Điều đặc biệt là ông hoạt động một mình trong lòng địch, vì bên ngoài không thể kết nối được với điều kiện khi ấy. Ông có thể trở ra chiến khu nhưng vẫn chấp nhận ở lại trong lòng địch, bám lại Sài Gòn để làm những công việc trọng đại hơn cho cách mạng”[5].
Trong cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo”, nhà sử học người Mỹ Larry Berman đã dẫn lời điệp viên Phạm Xuân Ẩn: "Nhiệm vụ được giao cho Phạm Ngọc Thảo khác với nhiệm vụ của tôi. Ông ấy có nhiệm vụ làm mất ổn định của chế độ Diệm và vạch âm mưu đảo chính, còn tôi là một nhà tình báo chiến lược. Nhiệm vụ của ông Phạm Ngọc Thảo nguy hiểm hơn nhiệm vụ của tôi rất nhiều"[6].
Thậm chí, những người bên kia chiến tuyến cũng đánh giá cao về tài năng, cốt cách đặc biệt của ông. Theo dịch giả Lê Đỗ Huy, trong công văn tháng 6-1965 của tình báo Mỹ, có tài liệu nhan đề Đại tá Phạm Ngọc Thảo (Colonel Pham Ngoc Thao, 4-6-1965). Điện mật này đánh số 00780, do William Colby, Phó giám đốc về kế hoạch cơ quan CIA ở Sài Gòn viết như sau: “….5.Vấn đề thứ hai là cốt cách của Thảo. Ông ta tin vào sứ mạng cứu nhân độ thế, xả thân vì dân tộc mình, như một thiên sứ. Ông ta biết rõ mình phải làm gì. Lung lạc được Thảo bởi tiền tài hay hình phạt, kể cả tử hình, để ông ta ngừng tạo ra tình thế chỉ có lợi cho một mình Việt Cộng, rõ ràng là điều không thể…”[7].
Để ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ông, ngày 30-8-1995, đồng chí Phạm Ngọc Thảo được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; được truy phong quân hàm Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam và được công nhận liệt sĩ./.
Tài liệu tham khảo:
- https://giaoducthoidai.vn/nha-tinh-bao-vi-dai-pham-ngoc-thao-viet-bao-post572959.html
- https://tienphong.vn/ba-lan-giap-mat-nha-tinh-bao-pham-ngoc-thao-post1406503;
- https://baotintuc.vn/nhan-vat-su-kien/pham-ngoc-thao-diep-vien-co-mot-khong-hai-20170214152758053.htm
- https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/bai-3-pham-ngoc-thao-diep-vien-co-mot-khong-hai-258985
- https://baodongkhoi.vn/dau-an-lich-su-ve-nha-tinh-bao-pham-ngoc-thao-17072021-a88525.html
- http://www.cuuchienbinhtphcm.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=7198:anh-hung-tinh-bao-phm-ngc-tho-cu-hc-vien-trng-vo-b-trn-quc-tun-&catid=85:tu-lieu-chien-tranh&Itemid=195
- https://cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Nha-tinh-bao-Pham-Ngoc-Thao-cong-khai-ca-ngoi-Viet-Minh-tren-bao-Sai-Gon-i304388/
- Tài liệu “Bến Tre - Đất và Người” do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Bến Tre ấn hành năm 2020.
[1]https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/bai-3-pham-ngoc-thao-diep-vien-co-mot-khong-hai-258985
[2]https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/bai-3-pham-ngoc-thao-diep-vien-co-mot-khong-hai-258985
[3]https://tienphong.vn/ba-lan-giap-mat-nha-tinh-bao-pham-ngoc-thao-post1406503;
[4]https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/bai-3-pham-ngoc-thao-diep-vien-co-mot-khong-hai-258985
[5]https://baodongkhoi.vn/dau-an-lich-su-ve-nha-tinh-bao-pham-ngoc-thao-17072021-a88525.html
[6] https://tuoitre.vn/diep-vien-hoan-hao---ky-5-con-lai-mot-minh-221777.htm
[7] https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/bai-3-pham-ngoc-thao-diep-vien-co-mot-khong-hai-258985
Từ khóa » điệp Viên Phạm Ngọc Thảo
-
Chú Tôi, đại Tá Albert Phạm Ngọc Thảo Qua Hồi ức Của Gia đình - BBC
-
Phạm Ngọc Thảo - Điệp Viên 'có Một Không Hai'
-
Đại Tá Phạm Ngọc Thảo Điệp Viên Xuất Sắc, đi Thẳng Vào Lòng địch
-
Đại Tá PHẠM NGỌC THẢO - Nhà Tình Báo KHÉT TIẾNG ... - YouTube
-
NHÀ TÌNH BÁO PHẠM NGỌC THẢO | NHÂN VẬT LỊCH SỬ #18
-
Giải Mã Cuộc Đời Điệp Viên Đại Tá Phạm Ngọc Thảo - YouTube
-
Bài 3: Phạm Ngọc Thảo: Điệp Viên “có Một Không Hai”
-
Cuộc đời Và Sự Nghiệp Của Đại Tá Tình Báo Phạm Ngọc Thảo
-
Những điệp Viên 'có Một Không Hai' Trong Lịch Sử Quân Sự Việt Nam
-
Dấu ấn Lịch Sử Về Nhà Tình Báo Phạm Ngọc Thảo - Báo Đồng Khởi
-
Tin Tức Tức Online 24h Về Phạm Ngọc Thảo - Pham Ngoc Thao - Zing
-
Giải Mật Tài Liệu Của CIA Về điệp Viên Phạm Ngọc Thảo - Dân Việt