Cuộc đời Và Sự Nghiệp Tác Giả Nhà Văn Nguyễn Tuân - Áo Kiểu Đẹp

Nguyễn Tuân (10 tháng 7 năm 1910 – 28 tháng 7 năm 1987) quê ở Hà Nội, là một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, sở trường về tùy bút và kí, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996. Tác phẩm của Nguyễn Tuân luôn thể hiện phong cách độc đáo, tài hoa, sự hiểu biết phong phú nhiều mặt và vốn ngôn ngữ, giàu có, điêu luyện. Sách giáo khoa hiện hành xếp ông vào một trong 9 tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông viết văn với một phong cách tài hoa uyên bác và được xem là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụngtiếng Việt. Hà Nội có một con đường mang tên ông.

Sơ lược tiểu sử

Nguyễn Tuân sinh ngày 10 tháng 7 năm 1910 ở phố Hàng Bạc, Hà Nội, quê ở thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục (tên nôm là làng Mọc), nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông trưởng thành trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn.

Nguyễn Tuân học đến cuối bậc Thành chung Nam Định (tương đương với cấp Trung học cơ sở hiện nay, tiền thân của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định ngày nay) thì bị đuổi vì tham gia một cuộc bãi khóa phản đối mấy giáo viên Pháp nói xấu người Việt (1929). Sau đó ít lâu ông lại bị tù vì đi qua biên giới tới Thái Lan không có giấy phép. Ở tù ra, ông bắt đầu viết báo, viết văn.

Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm 1935, nhưng nổi tiếng từ năm 1938 với các tác phẩm tùy bút, bút ký có phong cách độc đáo như Vang bóng một thời, Một chuyến đi… Năm 1941, Nguyễn Tuân lại bị bắt giam một lần nữa và gặp gỡ, tiếp xúc với những người hoạt động chính trị.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Từ 1948 đến 1957, ông giữ chức Tổng thư kí Hội Văn nghệ Việt Nam.

Các tác phẩm chính sau cách mạng của Nguyễn Tuân là tập tùy bút Sông Đà (1960) là kết quả chuyến đi thực tế vùng Tây Bắc, một số tập ký chống Mỹ (1965-1975) và nhiều bài tùy bút về cảnh sắc và hương vị đất nước. Ông chủ trương chủ nghĩa xê dịch không thích cuộc sống trầm lặng, bình ổn nên ông đi suốt chiều dài đất nước để tìm những điều mới mẻ,độc đáo.

Nguyễn Tuân mất tại Hà Nội vào năm 1987. Năm 1996 ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).

Tính cách

• Nguyễn Tuân yêu Việt Nam với những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Ông yêu tha thiết tiếng Việt, những kiệt tác văn chương của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Tú Xương, Tản Đà…, những nhạc điệu hoặc đài của các lối hát ca trù hoặc dân dã mà thiết tha, nh¬ững nét đẹp rất riêng của Việt Nam

• Ở Nguyễn Tuân, ý thức cá nhân phát triển rất cao. Ông viết văn trước hết để khẳng định cá tính độc đáo của mình, tự gán cho mình một chứng bệnh gọi là “chủ nghĩa xê dịch” . Lối sống tự do phóng túng của ông không phù hợp với chế độ thuộc địa (hai lần bị tù).

• Nguyễn Tuân là con người rất mực tài hoa. Tuy chỉ viết văn nhưng ông còn am hiểu nhiều môn nghệ thuật khác: hội hoạ, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh… Ông còn là một diễn viên kịch nói và là một diễn viên điện ảnh đầu tiên ở Việt Nam. Ông thường vận dụng con mắt của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau để tăng cường khả năng quan sát, diễn tả của nghệ thuật văn chương.

• Nguyễn Tuân nổi tiếng là người sành ăn. Với ông, Ăn là một nghệ thuật, một giá trị thẩm mỹ, một sự khám phá cái ngon mà tạo hóa đã ban cho.

• Nguyễn Tuân là một nhà văn biết quý trọng thật sự nghề nghiệp của mình. Đối với ông, nghệ thuật là một hình thái lao động nghiêm túc, thậm chí “khổ hạnh” và ông đã lấy chính cuộc đời cầm bút hơn nửa thế kỷ của mình để chứng minh cho quan niệm ấy .

Sự nghiệp văn chương

Quá trình sáng tác và các đề tài chính

Nguyễn Tuân không phải là nhà văn thành công ngay từ những tác phẩm đầu tay. Ông đã thử bút qua nhiều thể loại: thơ, bút kí, truyện ngắn hiện thực trào phúng. Nhưng mãi đến đầu năm 1938, ông mới nhận ra sở trường của mình và thành công xuất sắc với các tác phẩm: Một chuyến đi, Vang bóng một thời, Thiếu quê hương, Chiếc lư đồng mắt cua…

Tác phẩm Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám chủ yếu xoay quanh ba đề tài: “chủ nghĩa xê dịch”, vẻ đẹp “vang bóng một thời”, và “đời sống truỵ lạc”.

Nguyễn Tuân đã tìm đến lí thuyết “chủ nghĩa xê dịch” này trong tâm trạng bất mãn và bất lực trước thời cuộc. Nhưng viết về “chủ nghĩa xê dịch”, Nguyễn Tuân lại có dịp bày tỏ tấm lòng gắn bó tha thiết của ông đối với cảnh sắc và phong vị của đất nước mà ông đã ghi lại được bằng một ngòi bút đầy trìu mến, yêu thương và tài hoa (Một chuyến đi).

Không tin tưởng ở hiện tại và tương lai, Nguyễn Tuân đi tìm vẻ đẹp của quá khứ còn “vang bóng một thời”. Ông mô tả vẻ đẹp riêng của thời xưa với những phong tục đẹp, những thú tiêu dao hưởng lạc lành mạnh và tao nhã. Tất cả được thể hiện thông qua những con người thuộc lớp người nhà Nho tài hoa bất đắc chí, tuy đã thua cuộc nhưng không chịu làm lành với xã hội thực dân (như Huấn Cao Chữ người tử tù).

Nguyễn Tuân cũng hay viết về đề tài đời sống truỵ lạc. Ở những tác phẩm này, người ta thường thấy có một nhân vật “tôi” hoang mang bế tắc. Trong tình trạng khủng hoảng tinh thần ấy, người ta thấy đôi khi vút lên từ cuộc đời nhem nhuốc, phàm tục niềm khao khát một thế giới tinh khiết, thanh cao (Chiếc lư đồng mắt cua).

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông chân thành đem ngòi bút phục vụ cuộc chiến đấu của dân tộc, nhưng Nguyễn Tuân luôn luôn có ý thức phục vụ trên cương vị của một nhà văn, đồng thời vẫn muốn phát huy cá tính và phong cách độc đáo của mình. Ông đã đóng góp cho nền văn học mới nhiều trang viết sắc sảo và đầy nghệ thuật ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi nhân dân lao động trong chiến đấu và sản xuất.

Phong cách nghệ thuật

Nguyễn Tuân có một phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc. Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ “ngông”.

Thể hiện phong cách này, mỗi trang viết của Nguyễn Tuân đều muốn chứng tỏ tài hoa uyên bác. Và mọi sự vật được miêu tả dù chỉ là cái ăn cái uống, cũng được quan sát chủ yếu ở phương diện văn hoá, mĩ thuật.

Trước Cách mạng tháng Tám, ông đi tìm cái đẹp của thời xưa còn vương sót lại và ông gọi là Vang bóng một thời. Sau Cách mạng, ông không đối lập giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Văn Nguyễn Tuân thì bao giờ cũng vậy, vừa đĩnh đạc cổ kính, vừa trẻ trung hiện đại.

Nguyễn Tuân học theo “chủ nghĩa xê dịch”. Vì thế ông là nhà văn của những tính cách phi thường, của những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, của những phong cảnh tuyệt mĩ, của gió, bão, núi cao rừng thiêng, thác ghềnh dữ dội……

Nguyễn Tuân cũng là một con người yêu thiên nhiên tha thiết. Ông có nhiều phát hiện hết sức tinh tế và độc đáo về núi sông cây cỏ trên đất nước mình. Phong cách tự do phóng túng và ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân đã khiến Nguyễn Tuân tìm đến thể tuỳ bút như một điều tất yếu.

Nguyễn Tuân còn có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngôn ngữ văn học Việt Nam.

Sau Cách mạng tháng Tám, phong cách Nguyễn Tuân có những thay đổi quan trọng. Ông vẫn tiếp cận thế giới, con người thiên về phương diện văn hóa nghệ thuật, nghệ sĩ, nhưng giờ đây ông còn tìm thấy chất tài hoa nghệ sỹ ở cả nhân dân đại chúng. Còn giọng khinh bạc thì chủ yếu chỉ là để ném vào kẻ thù của dân tộc hay những mặt tiêu cực của xã hội.

Những tác phẩm nổi tiếng

• Ngọn đèn dầu lạc (1939) • Vang bóng một thời (1940) • Chiếc lư đồng mắt cua (1941) • Tàn đèn dầu lạc (1941) • Một chuyến đi (1938) • Tùy bút (1941) • Thiếu quê hương (1940) • Tóc chị Hoài (1943) • Tùy bút II (1943) • Nguyễn (1945) • Chùa Đàn (1946) • Đường vui (1949) • Tình chiến dịch (1950) • Thắng càn (1953) • Chú Giao làng Seo (1953) • Đi thăm Trung Hoa (1955) • Tùy bút kháng chiến (1955) • Tùy bút kháng chiến và hòa bình (1956) • Truyện một cái thuyền đất (1958) • Tùy bút Sông Đà (1960) • Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972) • Ký (1976) • Tuyển tập Nguyễn Tuân (tập I: 1981) • Cảnh sắc và hương vị đất nước (1988) • Tú Xương • Yêu ngôn (2000, sau khi mất) • Ký Cô Tô(1965)

Tác giả Nguyễn Tuân

Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức. (Vũ Ngọc Phan)

Cho đến nay và mãi nhiều năm về sau nữa, chắc chắn không ai nghi ngờ vị trí hàng đầu trong làng văn Việt Nam hiện đại của Nguyễn Tuân. “Ông là một trong mấy nhà nhà văn lớn mở đường, đắp nền cho văn xuôi Việt Nam thế kỷ XX” (Nguyễn Ðình Thi). Nói đến Nguyễn Tuân là nói đến một giá trị hiển nhiên, gợi nhắc một vùng trời riêng, xôn xao thanh âm ngôn ngữ dân tộc. Sáng tác của ông tồn tại vừa như những giá trị thẩm mỹ độc lập vừa gợi ý, kích thích tìm tòi, sáng tạo nên các giá trị mới.

I. TIỂU SỬ – CON NGƯỜI – QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT

1) Nguyễn Tuân sinh ngày 10-7-1910 tại phố Hàng Bạc, Hà Nội. Gia đình có truyền thống nho học. Nhưng lúc này nho học đã thất thế, nhường chỗ cho Tây học. Cả một thế hệ vốn gắn bó với cửa Khổng sân Trình bỗng dưng trở nên lỗi thời trước xã hội giao thời Tây – Tàu nhố nhăng ; sinh ra tư tưởng bất đắc chí (trong đó có cụ Tú Hải Văn, thân sinh của Nguyễn Tuân). Bối cảnh xã hội, không khí gia đình đặc biệt ấy đã ghi lại dấu ấn sâu sắc trong cá tính, tư tưởng cũng như phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân. Là một trí thức giàu tinh thần dân tộc, Nguyễn Tuân đã phải trải qua những năm tháng vô cùng khổ sở, có lúc bế tắc, tuyệt vọng.

– Năm 1929, bị đuổi học và không được vào làm việc ở bất cứ công sở nào trên toàn cõi Ðông Dương (vì tham gia bãi khóa chống giáo viên Pháp nói xấu người Việt Nam, tại trường trung học Nam Ðịnh). Cùng một nhóm bạn, vượt biên giới sang Lào; bị bắt ở Thái Lan, đưa về giam ở Thanh Hóa. Hơn một năm sau, ra tù. Ði trái phép vào Sài Gòn, đến Vinh thì bị bắt và bị quản thúc ở Thanh Hóa. Kể từ đây, Nguyễn Tuân lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần sâu sắc. Ông lao vào con đường ăn chơi trụy lạc, thành kẻ “đại bất đắc chí”, như một người “hư hỏng hoàn toàn”.

– Năm 1938, tham gia vào đoàn làm phim “Cánh đồng ma”, quay tại Hồng Kông.

– Từ 1942 đến 1945, ngày càng bế tắc, suy sụp ; đã có ý định tự sát.

* Cách mạng tháng Tám đã cứu sống cuộc đời cũng như trang viết Nguyễn Tuân. Ông hân hoan chào đón cuộc đổi đời lịch sử, tự “lột xác” và chân thành đứng vào hàng ngũ nhà văn Cách mạng.

– Năm 1950, vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương. Từ 1948-1958, là tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam.

– Luôn hăng hái tham gia vào hai cuộc kháng chiến. Tiếp tục đi nhiều, có mặt ở tuyến lửa ác liệt, dùng văn chương ngợi ca đất nước và cùng nhân dân đánh giặc.

* Nguyễn Tuân mất ngày 28-7-1987 tại Hà Nội.

2) Nguyễn Tuân là một trí thức dân tộc rất mực tài hoa, uyên bác. Ông am tường cả Hán học lẫn Tây học, đặc biệt, có lòng say mê thiết tha đối với tiếng Việt. Rất mực đề cao và chú tâm gìn giữ nhân cách nghệ sĩ, nên Nguyễn Tuân căm ghét thói xấu xa đê tiện, rởm đời, vô văn hóa.

Ðọc văn ông, người đọc không chỉ có khoái cảm thẩm mỹ từ nghệ thuật ngôn từ mà còn được bồi dưỡng thêm tri thức về nhạc, họa, điêu khắc, kiến trúc, lịch sử, địa lý, điện ảnh,… Thực tế ấy chứng tỏ Nguyễn Tuân là một tài năng phong phú, có năng lực ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật.

3) Ðời viết văn hơn nửa thế kỷ của Nguyễn Tuân là một quá trình lao động nghệ thuật thật sự nghiêm túc. Về sau, khi đã ở đỉnh cao nghề nghiệp, ông vẫn không bao giờ tỏ ra lơi lỏng, hời hợt ; mà ngược lại, luôn nghiêm khắc với chính mình. Ðây là một nhà văn “suốt đời đi tìm cái Ðẹp, cái Thật” (Nguyễn Ðình Thi), tự nhận mình là người “sinh ra để thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa”.

– Trước Cách mạng tháng Tám, trong bối cảnh nước mất, xã hội đảo điên “lộn tùng phèo” mọi thứ quan niệm, mọi giá trị, Nguyễn Tuân đã đứng hẳn về phía dân tộc và truyền thống dũng cảm chống lại sức công phá của lối sống xu thời. Sáng tác của ông thời kỳ này dồn sức chủ yếu vào việc phục hiện lại các giá trị văn hóa thuộc lĩnh vực tinh thần và xã hội. Trên trang viết Nguyễn Tuân, những “vẻ đẹp xưa” chợt sống dậy trong niềm xót xa tiếc nuối khôn nguôi. Dù điều kiện bấy giờ không cho phép nhà văn bộc lộ trực tiếp tâm sự u hoài đối với dân, với nước, người đọc vẫn cảm nhận được một tấm lòng chân thành và rất mực thủy chung. Ông đã ghé vai vào chống chỏi, hàn gắn, sắp xếp lại với kỳ vọng gìn giữ những giá trị thiêng liêng nhất vốn hun đúc nên quốc hồn, quốc túy Việt Nam. Nếu có thể ví trang sách như tấm lá chắn hữu hiệu thì nhà văn Nguyễn Tuân – giai đoạn trước 1945 – chính là người cảm tử quân đang chiến đấu với cái Ác, tử thủ ở thành trì Chân – Thiện – Mỹ.

– Từ sau 1945, Nguyễn Tuân viết đều đặn, càng tỏ ra sâu sắc trong tư tưởng nghệ thuật. Nhà văn có dịp đi nhiều, vừa đi vừa mở lòng đón nhận bao nhiêu thanh sắc của cuộc sống mới đang từng giây từng phút sinh sôi. Nếu trước kia chỉ có thể bộc lộ tâm sự yêu nước thương dân một cách kín đáo, thì giờ đây con người tài hoa uyên bác ấy như được tháo cũi sổ lồng, phát huy hết mọi sở trường, cất cao lời ngợi ca đất nước và con người Việt Nam trong thời đại mới.

Nếu trước Cách mạng tháng Tám, quan niệm về cái Ðẹp của Nguyễn Tuân đậm màu sắc chủ quan, “không bà con gì với luân lý thời đại” thì giờ đây, đã có sự hài hòa cần thiết. Bởi cái Ðẹp giờ hiện hữu trong thực tại, là đời sống muôn màu của Nhân Dân ; như có thể cầm lên tay mà nâng niu ngắm nghía. Hoài cổ không còn mang ý nghĩa níu kéo dĩ vãng mà được nâng lên thành ý thức về sự góp mặt của dĩ vãng ở hiện tại.

II. SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC :

* Tác phẩm tiêu biểu :

– Trước 1945 : Một chuyến đi (1938), Vang bóng một thời (1939), Ngọn đèn dầu lạc (1939), Thiếu quê hương (1940), Tàn đèn dầu lạc (1941), Chiếc lư đồng mắt cua (1941), Tùy bút I (1941), Tùy bút II (1943), Tóc Chị Hoài (1943), Nguyễn (1945).

– Sau 1945 : Chùa Ðàn (1946), Ðường vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Thắng càn (1963), Tùy bút kháng chiến và hòa bình (Tập I/1955, tập II/1956), Sông Ðà (1960), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972), Ký (1976), Hương vị và cảnh sắc đất nước (1978), Tuyển tập Nguyễn Tuân (1994).

1) Nguyễn Tuân có một khoảng thời gian thử bút ở một số thể loại trước khi dừng lại và tỏa sáng với tùy bút.

READ: Đặc điểm phong cách nghệ thuật thơ Xuân Diệu

– Do chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Hán học, sáng tác của ông, cho đến trước năm 1937, hầu hết được viết theo bút pháp cổ điển. Những sáng tác buổi đầu ấy chưa gây được tiếng vang. Tuy nhiên, có thể bắt gặp ở một số trang viết tiêu biểu như “Giang hồ hành” (thơ), “Vườn xuân lan tạ chủ” (truyện ngắn) những tín hiệu của một phong cách nghệ thuật lớn. Ðó là tinh thần hoài cựu, luôn chăm chút nhặt nhạnh những vẻ đẹp xưa dù đã tàn tạ, cuối mùa ; là hệ thống nhân vật tài hoa tài tử, nhuốm chút ngông nghênh kiêu bạc ; là lối văn cầu kỳ trúc trắc mà uyên bác hơn người.

– Ðến 1937, Nguyễn Tuân lại xuất hiện trên các báo với những truyện ngắn hiện thực trào phúng, ở đó thường vỡ ra những tràng cười châm biếm thoải mái, đậm đà phong vị dân gian (Ðánh mất ví, Một vụ bắt rượu, Mười năm trời mới gặp lại cố nhân). Tuy nhiên, do trào lưu hiện thực phê phán lúc bấy giờ đã phát triển rất mạnh với nhiều tên tuổi lớn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nam Cao,… cho nên thật không dễ dàng đối với Nguyễn Tuân trong việc tìm một vị trí có hạng trên văn đàn. Vả chăng, có lẽ hơn ai hết, Nguyễn Tuân sớm nhận ra rằng thể loại truyện ngắn vẫn chưa phù hợp với sở trường của mình.

– Nguyễn Tuân chỉ thực sự công nhận như một phong cách văn chương độc đáo kể từ tùy bút – du ký “Một chuyến đi”, năm 1938. Tác phẩm là tập hợp những trang viết từ chuyến du lịch không mất tiền sang Hương Cảng để tham gia thực hiện bộ phim “Cánh đồng ma” – một trong những phim đầu tiên của Việt Nam. Nét đặc sắc nhất ở “Một chuyến đi” chính là giọng điệu. Có thể nói đến đây Nguyễn Tuân mới tìm được cách thể hiện giọng điệu riêng, một giọng điệu hết sức phóng túng, linh hoạt đến kỳ ảo : “Khi thì trang nghiêm cổ kính, khi thì đùa cợt bông phèng, khi thì thánh thót trầm bổng, khi thì xô bồ bừa bãi như là ném ra trong một cơn say chếnh choáng, khinh bạc đấy, nhưng bao giờ cũng rất đỗi tài hoa” (Nguyễn Ðăng Mạnh). Nhân vật chính trong tác phẩm là cái “tôi” ngông nghênh kiêu bạc của nhà văn. Một cái “tôi” sau quá nhiều đắng cay tủi cực đã hầu như hoài nghi tất cả, chỉ còn tin ở cái vốn tình cảm, ý nghĩ, cảm xúc sắc sảo và tinh tế của mình tích lũy được trên bước đường xê dịch.

– Một năm sau, 1939, bằng tập truyện “Vang bóng một thời” Nguyễn Tuân đã vươn đến đỉnh cao của sáng tạo nghệ thuật. Tác phẩm gần đạt đến độ “toàn thiện toàn mỹ” ấy (Vũ Ngọc Phan) góp phần đưa nghệ thuật văn xuôi Việt Nam phát triển thêm một bước mới trên con đường hiện đại hóa. “Vang bóng một thời” vẽ lại những cái “đẹp xưa” của thời phong kiến suy tàn, thời có những ông Nghè, ông Cống, ông Tú thích chơi lan chơi cúc, thích đánh bạc bằng thơ hoặc nhấm nháp chén trà trong sương sớm với tất cả nghi lễ thành kính đến thiêng liêng. Cũng vào thời ấy, tên đao phủ còn chém người bằng đao, người ta còn đi lại trên đường bằng võng, bằng cáng ; vừa đi vừa dềnh dàng đánh cờ bằng miệng, … Thời gian hầu như chưa trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với con người, bởi nó còn được đo bằng mùa, bằng tiết. Nhưng những vẻ đẹp có màu sắc truyền thống ấy đang có nguy cơ bị mai một. Ðau đớn nhận ra điều đó, Nguyễn Tuân ra sức níu giữ, gom góp và phục chế lại bằng tất cả tấm lòng thành kính. “Vang bóng một thời”, vì thế, có thể được xem như một bảo tàng lưu giữ các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.

– Từ sau “Vang bóng một thời” đến năm 1945, sáng tác của Nguyễn Tuân dần đi vào ngõ cụt. Nếu như ở “Thiếu quê hương” (1940), “Chiếc lư đồng mắt cua” (1941) tuy mải mê với những lạc thú trần tục, cái “tôi” vẫn còn đầy tự trọng và giữ được ý thức về bản thân mình thì từ 1942, tình hình có khác đi. Vẫn cái “tôi” ấy nhưng đã có vẻ mất tự tin và niềm tin vào cuộc sống. Trong những năm đen tối này, đời sống tinh thần của Nguyễn Tuân lâm vào tình trạng ngày càng khủng hoảng sâu sắc. Những trang viết thưa dần. Bên cạnh những đề tài cũ (vẻ đẹp xưa, đời sống trụy lạc), xuất hiện thêm các đề tài mới hướng về thế giới của yêu tinh, ma quỷ. Ngay tiêu đề các tác phẩm : “Xác ngọc lam”, “Ðới roi”, “Rượu bệnh”, “Loạn âm” cũng đủ nói lên tình trạng bế tắc của ngòi bút Nguyễn Tuân thời kỳ này.

* Dõi theo quá trình sáng tác của Nguyễn Tuân giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, thật dễ nhận ra sự thay đổi rõ rệt về tư tưởng nghệ thuật, nhất là từ “Vang bóng một thời” trở về sau. Ðiều này hoàn toàn có thể lý giải được nếu nhìn vào quy luật của chủ nghĩa lãng mạn : bao giờ cũng khởi đầu thật ấn tượng bằng việc khám phá và đề cao cái “tôi” cá nhân, để rồi sau giây phút choáng ngợp ấy tất cả vụt trở nên nhỏ nhoi, trống vắng và buồn chán đến nao lòng. Dẫu sao, những trang viết của Nguyễn Tuân vẫn luôn được đón nhận bằng thái độ trân trọng và thông cảm sâu sắc; bởi độc giả nhận ra ở đấy một tấm lòng chân thành, cả trong những thời điểm khắc nghiệt nhất.

2) Những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám, ngoài một vài tùy bút ngắn ghi lại tâm trạng vừa hoang mang vừa đầy ắp hy vọng của một trí thức tự “lột xác” để dấn thân vào cuộc đời mới (Vô đề, Ngày đầy tuổi tôi Cách Mệnh), Nguyễn Tuân còn có “Chùa Ðàn” – một tác phẩm được viết khá công phu và đầy tâm huyết. “Chùa Ðàn” là truyện về một nhân vật mắc căn bệnh cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ đến tàn nhẫn ; nhưng từ sau 1945, như được uống liều thuốc cải lão hoàn đồng, tự cải tạo vươn lên thành con người mới, sống chan hòa với xung quanh. Có nhiều ý kiến đánh giá chưa thật thống nhất đối với tác phẩm này. Mới đọc qua, dễ có ấn tượng về một quá trình đổi thay có vẻ giản đơn, công thức. Nhưng nếu xem xét tác phẩm trong cả quá trình sáng tác của nhà văn thì không thể không công nhận “Chùa Ðàn” là một cố gắng đáng trân trọng.

– Tiếp theo, hai tập tùy bút : “Ðường vui” (1949) và “Tình chiến dịch” (1950) – ghi nhận chuyển biến thật sự sâu sắc của ngòi bút Nguyễn Tuân. Ðáp lời kêu gọi của Ðảng, Nguyễn Tuân hăng hái xốc ba lô lên vai dấn thân khắp các nẻo đường chiến dịch. Cái “tôi” giờ đây không còn phá phách, ngông nghênh nữa mà rưng rưng hòa nhập, sẻ chia với đồng bào đồng chí. Giọng điệu văn chương trở nên sôi nổi tin yêu, tràn ngập một tình cảm chân thành đến hồn nhiên đối với quê hương đất nước, với Cách mạng và kháng chiến. Ngỡ như sau phút dừng chân bên đường để định phương hướng, Nguyễn Tuân lại tiếp tục bôn ba trên hành trình đi tìm cái Ðẹp, cái Thật. Có điều khác là những giá trị ấy giờ đây không phải mất công tìm kiếm ở cõi quá vãng hoặc vô hình nào mà hiện hữu ngay trong cuộc đời thực đang từng giây từng phút sinh sôi cuồn cuộn trước mắt. Nguyễn Tuân như chuếnh choáng say sưa trước niềm hạnh phúc vô biên ấy. Ông vốc từng vốc lớn chất liệu hiện thực và bày biện một cách hết sức tài hoa, tinh vi lên trang viết để thết đãi cả nhân dân mình. Hàng loạt tùy bút đặc sắc ra đời trong mạch cảm hứng ấy : “Phở”, “Cây Hà Nội”, “Con rùa thủ đô”, “Tìm hiểu Sê Khốp”,…

– “Sông Ðà”, viết từ 1958 đến 1960, là cái mốc quan trọng, đỉnh cao mới trong sáng tác của Nguyễn Tuân từ sau Cách mạng tháng Tám. Tác phẩm như một dòng thác lớn thanh âm ngôn ngữ, cảm xúc, tư tưởng được khơi đúng nguồn mạch chính, hệt con sông Ðà “hung bạo và trữ tình”, chảy băng băng qua vùng Tây Bắc hùng vĩ và ngạo nghễ với thời gian. Ðọc “Sông Ðà”, thấy trữ lượng cái Ðẹp – chất “vàng mười” của đất nước và con người Việt Nam trong cuộc sống mới – quả là nhiều vô kể. Cánh cửa tâm hồn tài hoa, lãng tử của Nguyễn Tuân như mở toang ra cho cái Ðẹp ùa vào :

“Ðời sống Tây Bắc ngày nay là một tấm lòng tin tưởng không bờ bến, tin mình tin người, mấy chục dân tộc miền cao và đồng bằng tin cậy lẫn nhau, và nhất là tin chắc vào cái chế độ đẹp sáng do tay mình đắp cao mãi lên trên chỗ cao nguyên tiềm tàng sức sống này”.

– Từ sau “Sông Ðà”, Nguyễn Tuân tiếp tục đi và viết nhiều, chủ yếu vẫn ở thể tùy bút, được tập trung in trong các tác phẩm tiêu biểu : “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” (1972), “Ký” (1976), “Hương vị và cảnh sắc đất nước” (1978). Nhìn chung, sáng tác thời kỳ này có thể phân thành hai mảng chính : mảng thứ nhất viết về tình cảm Bắc – Nam và đấu tranh chống Mỹ – Ngụy chia cắt đất nước ; mảng thứ hai tiếp tục khai thác vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam, của truyền thống văn hóa Việt Nam trong thời đại mới. Công cuộc chống Mỹ đã đưa dân tộc ta lên tầm cao của thời đại mới. Tinh thần quyết thắng từ tầm cao lịch sử ấy là âm hưởng chung của văn học thời kỳ này. Tuy nhiên, Nguyễn Tuân đã thể hiện tinh thần ấy theo một cách riêng. Dưới ngòi bút của ông, người Việt Nam vừa đánh Mỹ vừa sản xuất trong tư thế ung dung, sang trọng và đầy tài hoa ; tư thế của một dân tộc không chỉ giành được chính nghĩa trong chiến đấu giữ nước mà còn có bề dày truyền thống văn hóa lâu đời. Nhiều bài ký khiến người đọc phải ngỡ ngàng trước một sức bút kỳ lạ với vốn sống ngồn ngộn, tinh tế ; vừa đầy ắp liên tưởng bất ngờ, thú vị vừa nóng hổi tính thời sự. Giai đoạn này, bọn xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai như lọt vào đúng tầm ngắm của Nguyễn Tuân. Sự đối lập rõ rệt giữa truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta với dã tâm của kẻ thù tạo nên nguồn cảm hứng lớn cho sáng tác. Ông đã nã những phát cực kỳ lợi hại, bóc trần bản chất xảo quyệt của chúng, dù được chúng ngụy trang rất khéo léo ; góp phần động viên và tăng cường nhận thức của quần chúng về chiến tranh chống Mỹ, cứu nước.

III. PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT :

1) Giáo sư Nguyễn Ðăng Mạnh có nhận định : “Hạt nhân của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể gói gọn trong một chữ ngông. Cái ngông vừa có màu sắc cổ điển, kế thừa truyền thống tài hoa bất đắc chí của những Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Ðà,… và trực tiếp hơn là cụ Tú Lan, thân sinh nhà văn ; vừa mang dáng vẻ hiện đại, ảnh hưởng từ các hệ thống triết lý nổi loạn của xã hội tư sản phương Tây như triết lý siêu nhân, quan niệm về con người cao đẳng, thuyết hiện sinh…”

Ngông là biểu hiện của sự chống trả mọi thứ nền nếp, phép tắc, định kiến cứng nhắc, hẹp hòi của xã hội bằng cách làm ngược lại với thái độ ngạo đời.

Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân chơi ngông một cách cực đoan. Mọi sở thích, quan niệm riêng đều được đẩy lên thành các thứ chủ nghĩa : chủ nghĩa duy mỹ, chủ nghĩa xê dịch, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa ẩm thực,…. Thực ra, chủ nghĩa độc đáo trong đời sống cũng như trong nghệ thuật mà biểu hiện là thú chơi ngông của Nguyễn Tuân không chỉ đơn thuần là phản ứng tâm lý của một cá nhân trước tấn kịch xã hội. Nó còn bao hàm cái khí khái của người trí thức yêu nước không cam tâm chấp nhận chế độ thực dân, tự đặt những nghịch thuyết để tách mình ra và vượt lên trên cái xã hội của những kẻ xu thời, thỏa mãn với thân phận nô lệ. Như vậy, từ bản chất, cái ngông đó bao hàm một nội dung luân lý đạo đức truyền thống. Sau 1945, Nguyễn Tuân không còn lý do để mà gây sự, mà ném đá vào đời như trước nữa. Cái ngông tự mất đi phần cực đoan, chỉ giữ lại cái cốt cách vốn tạo nên nét độc đáo cho trang biết. Thói quen và sở thích tìm cách nói mới lạ, không giống ai khiến ngòi bút ông luôn tràn đầy sáng tạo và có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Do đó, hoàn toàn có thể khẳng định : cái ngông tồn tại như hạt nhân, chi phối toàn bộ các phương diện khác của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân ; từ đề tài, hệ thống nhân vật cho đến thể loại, giọng điệu, ngôn ngữ.

2) Mới, lạ, không giống ai – là những đặc điểm dễ nhận thấy ở hệ thống đề tài. Mọi thứ Nguyễn Tuân bày biện đều có hương vị đặc sản, từ những nguồn “chưa ai khơi” nên thường tạo được cảm giác rất mạnh, ấn tượng rất sâu. Ðến với những trang viết của ngòi bút tài hoa ấy một mặt người đọc thấy say sưa trước cảnh, tình và tri thức phong phú các các loại được bày biện một cách đẹp đẽ ; mặt khác, khi cảm giác nhất thời qua đi, bao giờ người ta cũng thấy như quý yêu thêm một chút, tự hào thêm một chút về dân tộc mình, về thời đại mình đang sống. Hóa ra những điều tưởng chừng tủn mủn, lặt vặt kia được Nguyễn Tuân gọi về để làm sống dậy trong chúng những ý nghĩa có tính tư tưởng cao cả, chứ không nhằm thỏa mãn cảm giác hiếu kỳ, hời hợt.

Hệ thống nhân vật của Nguyễn Tuân bao giờ cũng mang dáng vẻ riêng, độc đáo và rất đẹp – vẻ đẹp của tài hoa, của nhân cách. Ở cả hai giai đoạn sáng tác, nhà văn luôn trân trọng những “đấng tài hoa” và say mê miêu tả, chiêm ngưỡng họ. Mỗi nhân vật thường sành hơn người ở một thú chơi hoặc một ngón nghề nào đó, đầy tính nghệ thuật. Ðó là cụ Kép, cụ Sáu, cụ Nghè Móm, ông Phó Sứ, ông Cử Hai,… những nghệ sĩ bậc thầy của nghệ thuật uống trà, uống rượu, chơi đèn kéo quân và đánh bạc bằng thơ (trong “Vang bóng một thời”). Là ông Thông Phu lắm tài nhiều tật, cuối cùng đã gục chết trên một ván cờ đất vì uất ức (trong “Chiếc lư đồng mắt cua”). Tài hoa, một khi đi kèm với nhân cách cao thượng thì càng đáng kính trọng. Nhân vật Huấn Cao tài hoa với khí phách, nghị lực phi thường là một tính cách tiêu biểu, được Nguyễn Tuân rất mực yêu thích.

Sự chuyển dịch của ý thức nghệ thuật theo hướng đưa văn học về với cuộc sống, phục vụ công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước đã dẫn tới việc mở rộng thế giới nhân vật của trang viết Nguyễn Tuân. Nhưng không vì thế mà nhà văn đánh mất tính độc đáo, bất biến của phong cách.Ðó là niềm say mê phát hiện và ngợi ca những vẻ đẹp của tài hoa, khí phách, của văn hóa dân tộc : “Có cái như là Hoa Kỳ vừa đánh Hà Nội, vừa thử tài sức và trí lực Hà Nội. Trong cuộc đọ súng đọ lửa với giặc Hoa Kỳ, quân và dân thủ đô càng đánh càng phát huy truyền thống chống xâm lược của dân tộc mình. Chắc tay súng, đúng tầm đạn, chiều 5 tháng 5 vừa qua, tất cả cỡ súng Hà Nội có nòng và tên lửa không nòng đã quần cho một trận tơi bời (…). Chợ Ngọc Hà không phải vỡ chợ, mà chính là xác thù đã vỡ tan trên một buổi chợ chiều : mớ rau, xóc cua đồng, mẹt tôm riu đều nhấp nhánh mảnh vụn đuy ra F.105. Cô gái trại hàng hoa vứt đó cái ô-dòa sắp tưới vườn chiều, cầm vội tay súng và theo dõi trận mưa đuy-ra đang phá vườn hoa hợp tác”.

Hình ảnh người lao động mới trong “Sông Ðà (1960) cũng thật đẹp đẽ, lung linh giữa vùng hào quang của tài hoa. Chính họ, chứ không ai khác, là những kỹ sư, nghệ sĩ đang tự nguyện tự hào góp cái tài cái trí của mình để đắp xây cuộc sống mới, nền văn hóa nghệ thuật mới.

READ: Cuộc đời và sự nghiệp tác giả Xuân Diệu

3) Tìm đến với tùy bút cũng là con đường tất yếu của cá tính và phong cách Nguyễn Tuân. Dường như ông chỉ có thể gắn bó với lối văn nào thật sự tự do và chấp nhận những cảm xúc đậm màu sắc chủ quan. Trong tay ông, thể tùy bút đã đạt đến đỉnh cao của khả năng ghi nhận và thể hiện đời sống.

– Xét đến cùng, cái duyên riêng không lẫn lộn, không ai bắt chước được của tùy bút Nguyễn Tuân chính ở sự linh hoạt, phong phú đến thần tình của giọng điệu văn chương. Có nhiều chi tiết tưởng rất bình thường nhưng bằng giọng điệu độc đáo, khả năng quan sát sắc sảo, thông minh, hóm hỉnh cộng với hệ thống lý lẽ khúc chiết, những triết lý có chiều sâu – nhà văn đã khiến nó trở nên lung linh kỳ ảo, gợi mở nhiều liên tưởng mới lạ. Giọng điệu của tùy bút Nguyễn Tuân thường là giọng kể. Người dẫn chuyện luôn đóng vai trò quan trọng, trực tiếp tham gia vào câu chuyện và có quan hệ thân mật, tin cậy với các nhân vật khác. Người ấy thường có giọng lịch lãm, đôi khi tỏ ra hoài nghi, đùa bỡn nhưng vẫn đảm bảo độ mãnh liệt của cảm xúc và tầm cao tư tưởng bằng rất nhiều từng trải.

Ðặc điểm nổi bật của giọng điệu tùy bút Nguyễn Tuân chính là sự phong phú, đa thanh, thỏa mãn đến hoàn hảo những sắc thái tình cảm tinh tế nhất. Trong mọi tình huống nhà văn luôn có cách nói phù hợp, không chung chung, tạo được không khí cần thiết cho ý đồ nghệ thuật của mình. Dường như một khi đã bắt đúng giọng thì không còn giản đơn là viết nữa, nhà văn trở thành nghệ sĩ, mặc sức vẫy vùng múa lượn trên đỉnh cao sáng tạo nghệ thuật. Như dòng sông Ðà “vừa hung bạo vừa trữ tình”, mạch văn có lúc cuồn cuộn, ầm ào, gân guốc ; có lúc đằm thắm, sâu lắng, thiết tha :

“Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại, réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tung rừng lửa, rừng lửa càng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá”.

” Con sông Ðà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”.

– Nguyễn Tuân có lối ví von, so sánh thật chính xác, mới lạ ; sự vật được miêu tả trong trường liên tưởng, cảm giác chuyển đổi tinh tế, bất ngờ :

“Nước bể Cô Tô sao chiều nay nó xanh quá quắt đến như vậy ? (…) Cái màu xanh luôn luôn biến đổi của nước bể chiều nay trên biển Cô Tô như là thử thách cái vốn từ vị của mỗi đứa tôi đang nổi gió trong lòng. Biển xanh như gì nhỉ ? Xanh như lá chuối non ? Xanh như lá chuối già ? Xanh như mùa thu ngả cốm làng Vòng ? Nước biển Cô Tô đang đổi từ vẻ xanh này sang vẻ xanh khác. Nó xanh như cái màu áo Kim Trọng trong tiết Thanh Minh ? Ðúng một phần thôi. Bởi vì con sóng vừa dội lên kia đã gia giảm thêm một chút gì, đã pha biến sang màu khác. Thế thì nước biển xanh như cái vạt áo nước mắt của ông quan Tư Mã nghe đàn tì bà trên con sóng Giang Châu thì có đúng không ? (…) Sóng cứ kế tiếp cái xanh muôn vẻ mới, và nắng chiều luôn luôn thay mầu cho sóng. Mà chữ thì không tài nào tuôn ra kịp với nhịp sóng”.

Nhà văn như mê mẩn trong ma lực của ngôn từ và truyền được trọn vẹn đến người đọc chất men say nhiều khi kỳ quái ấy. Nguyễn Tuân có một kho từ vựng hết sức phong phú do cần cù tích lũy cả đời, với lòng yêu say mê tiếng mẹ đẻ. Không chỉ góp nhặt những từ sẵn có, ông còn luôn có ý thức sáng tạo từ và cách dùng từ mới, lạ. Rất nhiều từ ngữ tưởng như đơn nghĩa hoặc cũ mòn, nhưng khi vào tay ông, chợt trở nên dồi dào sức biểu hiện. Hãy xem cách ông dùng hai từ “góa bụa” và “lõa lồ” :

“Hiu quạnh sống trong người mình và chung quanh mình, cái gì cũng gợi đến những ý vắng, lạnh và cũ và mỏi và ngừng hết. Ngồi ăn một mình cả một mâm cơm chiều nay, tự nhiên tôi có cái cảm tưởng gở dại là mình đã trở nên một người góa bụa, hoàn toàn góa bụa. Góa vợ con, thân thích, anh em bạn, góa nhân loại, góa tất cả. Bát cơm và vào miệng, chỉ là những miếng thê lương”.

“Mãi đến bây giờ về gần đến Phố, tôi mới nhớ ra trong xe còn có thêm một hành khách nữa. Ấy là một người đàn bà, một thứ đàn bà tồi. Tồi ở chỗ lõa lồ trong câu nói tiếng cười. Tồi ở cái cách phục sức rẻ tiền mà cứ gắng làm ra lộng lẫy cho kỳ được”.

Vốn từ vựng ấy, có lúc Nguyễn Tuân dùng để chơi ngông với đời, hoặc để trêu ghẹo thiên hạ và xót xa cho thân mình. Ông tự nhận xét : “Ngôn ngữ của Nguyễn lủng cà lủng củng, dấm dẳn cứ như đấm vào họng. Ðọc lên nghĩa tối quá lời sấm ông trạng. Nguyễn cứ lập ngôn một cách bướng bỉnh vì đời nó ngu thế thì không bướng bỉnh sao được”. Từ sau Cách mạng tháng Tám, không còn cực đoan nữa, Nguyễn Tuân dùng ngôn từ như công cụ đắc lực để cất cao lời ngợi ca tổ quốc, ngợi ca nhân dân mình và giáng những đòn thật cay độc vào bản chất tàn bạo của kẻ thù.

IV. KẾT LUẬN :

Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Tuân thật xứng đáng ở tầm cỡ nhà văn lớn. Nói đến ông, người ta nghĩ ngay đến một sự nghiệp sáng tác đồ sộ, rất mực tài hoa và độc đáo. Không thể tưởng tượng nổi sẽ lạnh lẽo và tiêu điều tới mức nào nếu đại ngàn văn chương dân tộc thiếu vắng những nghệ sĩ ngôn từ bậc thầy như nhà văn Nguyễn Tuân.

Ðặc biệt, Nguyễn Tuân “lớn” ở cả hai thời kỳ, từ cuộc đời cũ đến cuộc đời mới ; vừa là cây bút nổi bật của xu hướng văn học lãng mạn trước năm 1945 với đủ thứ “tật bệnh điển hình”, vừa ở trong hàng ngũ những nhà văn thành tâm chào đón và chân thành đi theo Cách mạng đến cùng. Trong hành trình gian khổ hơn nửa thế kỷ ấy có lúc va vấp, có lúc chênh vênh, cũng có lúc phải tự “lột xác” đớn đau, nhưng nhà văn vẫn luôn giữ vẹn được nhân cách, bản ngã của mình. Cái ngông, suy đến cùng, lại như một giá trị, được đảm bảo bởi sức bền vững của tài hoa và tầm cao tư tưởng nghệ thuật. Trên đỉnh cao sáng tạo vừa chói lòa vinh quang vừa cực kỳ cheo leo hiểm trở, nhà văn phải dốc đến kỳ cùng sức lực để không trở nên nhạt nhẽo, vẫn luôn giữ được nét độc đáo của phong cách nghệ thuật.

Tinh thần tự nguyện dấn thân, bám trụ ở thành trì cái Ðẹp là biểu hiện sinh động của một nhân cách văn hóa lớn. Nhà văn Nguyễn Tuân “đặc Việt Nam” (chữ dùng của Vũ Ngọc Phan) từ quan niệm cho tới thực tế sáng tác. Chất văn hóa như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là cái phần cơ bản nhất làm nên giá trị vĩnh hằng cho văn nghiệp của ông.

Do đó, vẻ đẹp của trang viết Nguyễn Tuân là kết quả tất yếu từ một cách viết mang chiều sâu, bề rộng và tầm cao văn hóa. Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, đặc biệt biểu hiện ở thái độ thành kính trân trọng tiếng mẹ đẻ và các giá trị truyền thống chính là động lực bên trong, thôi thúc nhà văn không ngừng tìm tòi, khơi nguồn vốn cũ và sáng tạo nên giá trị mới. Ông xứng đáng được mệnh danh là “chuyên viên cao cấp tiếng Việt”, là “người thợ kim hoàn của chữ” (Ý của Tố Hữu). Trong lâu đài văn chương nghệ thuật dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20, rất dễ nhận ra phần chạm trổ tinh xảo của người nghệ sĩ ngôn từ Nguyễn Tuân.

Tô Hoài viết về Nguyễn Tuân

Vừa qua, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức Lễ tưởng niệm một năm ngày mất của một trong những đại thụ văn chương nước nhà: nhà văn Tô Hoài. Với cuộc đời hưởng dương hơn chín mươi năm, minh mẫn cho đến những ngày cuối cùng, lại cầm bút từ năm mười bảy, mười tám tuổi, với bút lực năng động và dồi dào, Tô Hoài đã để lại một gia tài văn chương đồ sộ, trong đó có chân dung các bạn văn.

Đọc ông, có thể hiểu rõ hơn về cuộc sống, về phong tục, tập quán của nhiều vùng đất trong đó nổi bật nhất là vùng ngoại ô Hà Nội, quê ông. Đặc biệt, trong hơn một thập niên cuối thế kỷ 20, bạn đọc bừng ngộ trước một đặc sắc mới của Tô Hoài khi ông cho ra đời Cát bụi chân ai và Chiều chiều. Ông đã làm sống lại một thời chưa xa với một số gương mặt văn sĩ thân quen và về bản thân ông, cả phần dương bản và phần âm bản, qua đó là đời sống xã hội của một thời kỳ đầy biến động.

Việc Tô Hoài chọn Nguyễn Tuân làm nhân vật trung tâm của Cát bụi chân ailà một lựa chọn thấu tình đạt lý. Nguyễn Tuân là một nhà văn nổi danh từ trước cách mạng, với văn cách độc đáo. Ông cũng là người quyết liệt trong việc lột xác để hòa mình với cách mạng, với cuộc sống mới, cho nên qua mỗi thời kỳ kháng chiến ông đều có tác phẩm hay. Là nhà văn từng giữ cương vị cao trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn, Nguyễn Tuân cũng là người có uy trong giới văn nghệ. Đặc biệt ông là người sống rất có cá tính mà nói như họa sĩ Nguyễn Sáng là thuộc diện không coi ai ra gì! Có nhiều người rất thích, rất quý văn tài của ông nhưng cũng lại rất sợ ở ông cái tính khủng khiểng, kiêu ngạo và không ít khi ác khẩu. Tô Hoài quen Nguyễn Tuân từ trước, hiểu và biết về ông nhiều, bao phen cùng sống, cùng làm việc, cùng đi thực tế với nhau, tuy cá tính hai người chưa hẳn đã giống nhau. Chọn Nguyễn Tuân như một tâm điểm cho hồi ký, Tô Hoài muốn thể hiện sự hợp nhất của những tính cách vốn rất khác nhau về hoàn cảnh, sở trường, lối sống cùng hoạt động dưới mái nhà văn nghệ cách mạng, về sức mạnh tiềm ẩn có trong mỗi con người để vượt qua rào cản khách quan và chủ quan khi cùng hướng đến mục đích cao nhất.

Nguyễn Tuân xuất hiện bao giờ cũng là nhân vật gây ấn tượng, không chỉ lúc về già với cái ba toong cầm tay trong những bước đi chậm rãi, với mái tóc bạc phất phơ và cái mũi cà chua. Văn hóa ăn mặc của Nguyễn Tuân bao giờ cũng có sự khác người. Trong hồi ký Tô Hoài, ngày còn trẻ, ông đã “khăn lượt vố, áo gấm trần, tay chống dọc chiếc quạt thước thay ba-toong, chân bít tất bận giày mõm nhái Gia Định”. Trong bữa tiệc tiếp khách, “Nguyễn Tuân thường đứng một mình… đứng phía trong phòng tiệc – mà chỉ có khách thạo uống mới khám phá ra góc thân ái ấy. Những năm bao cấp khó khăn nhưng Nguyễn Tuân không mặn mà với tiệc tùng. Ông không ăn đồ đun lại, dù ngon, mà chỉ ăn gói muối lạc mang theo – như lần tổ làm phim Vợ chồng A Phủmổ bò chiêu đãi; ăn phở chỉ độc món phở chín và không dùng gia vị -cốt để thưởng thức vị ngọt của nước xương. Ông là người rất ý thức về bữa ăn gia đình: đi ăn tiệc đâu cũng chỉ ăn lấy lệ rồi về ăn cơm vợ nấu. Hút thuốc, uống rượu với Nguyễn Tuân cũng được Tô Hoài thể hiện như là một sinh hoạt tao nhã, từ cách uống, cách cầm tuýp, cách hút, đến cách mời. Là người khá nổi tiếng ăn chơi, nhưng ông cũng là người rất yêu và có nghĩa với vợ. Tô Hoài cho biết: yêu ghét ai, Nguyễn Tuân tỏ ngay thái độ. Ông ghét thói hợm hĩnh – như lần “đuổi” họa sĩ Nguyễn Sáng ra khỏi nhà vào sáng mồng ba Tết vì ông ấy “không coi ai ra gì, ai cũng không bằng mình” dù ông rất mến Nguyễn Sáng; hoặc gặp người ghét giơ tay bắt, ông cũng không chìa tay ra. Nhiều người từng truyền nhau câu nói của Nguyễn Tuân “bao giờ tôi chết thì nhớ chôn theo tôi một thằng phê bình để ở dưới ấy trao đổi cho đỡ buồn”. Tuy nhiên, ông vẫn biết nhìn ra và chấp nhận ở người khác mình, như với chính Tô Hoài. Có năm Nguyễn Tuân chán không nhìn mặt ông nhưng “lâu lâu không được tào lao vài ba câu lại thấy văng vắng”…

Nguyễn Tuân có thú xê dịch khác người. Thích là đi, dù đi vào thời điểm nào. Như một lần ông lặn lội sang Hương Cảng, tiếng là đóng phim nhưng chỉ xuất hiện mấy giây trước ống kính, dù lúc bấy giờ đã năm hết Tết đến. Như một lần ông cùng người bạn tên Thiệp sang Tháilan, vừa đặt chân đến nơi đã bị bắt, rồi bị giam, bị giải về như một tù nhân. Máu xê dịch ấy, được thỏa chí khi hòa bình lập lại, ông đi khắp nơi, từ Lũng Cú, đến giới tuyến Vĩnh Linh, đi Sa Pa, Sông Đà, vào trại giam giặc lái Mỹ, đi khắp Hà Nội để quan sát… Đến đâu ông cũng phát hiện ra những đặc sắc của miền đất đó, những đặc sắc mà người không tinh tế, không giàu cảm quan thì không thể thấy, cũng như không có tài năng thì không thể hiện ra được như người đọc cảm nhận từ những trang ký, những tùy bút tuyệt hay. Về văn chương, ngay từ trước cách mạng, có người mê Nguyễn Tuân như điếu đổ từng chữ, có người mới chỉ lướt qua một đoạn đã không chịu nổi cái giọng khụng khiệng, khệnh khạng. Nhưng ai biết vượt qua được cảm giác đó, sẽ thấy được một Nguyễn Tuân nghệ sĩ đích thực, tài hoa, suốt đời đi tìm cái đẹp. Với những câu chuyện mà Tô Hoài biết, quan sát được, cả những điều ông nghĩ, những thư từ trao đổi giữa hai người, Tô Hoài cho chúng ta biết hơn về Nguyễn Tuân – một tính cách mà đằng sau cái “lạ” là một bản lĩnh văn hóa trong làng văn thời bấy giờ… Nguyễn Tuân đã chấp nhận và dung hòa khi tận dụng được điều kiện mà cơ chế ưu tiên cho văn nghệ sĩ để thể hiện năng lực, sở trường của một người thích đi, thích khám phá, có tài nắm bắt được cái hồn cốt, chiếm lĩnh được đối tượng của mình. Ông là một người văn hóa, yêu nước. Điều đó không chỉ thể hiện qua những trang văn đẹp mà còn cả trong hoạt động văn nghệ, hoạt động cách mạng của ông. Những cuộc phỏng vấn phi công trong trại giam càng khẳng định điều này. Và những người làm quản lý cấp trên cũng vậy: tôn trọng tài năng nhưng cũng biết chấp nhận cá tính của Nguyễn Tuân, tạo điều kiện cho ông đi cả trong và ngoài nước, để ông đóng góp vào văn học cách mạng. Nên mới tồn tại một cá tính sáng tạo như vậy trong số những người điều hành hoạt động của Hội Nhà văn.

Toàn bộ những gì Tô Hoài viết về Nguyễn Tuân đã cho thấy được con người đầy bản lĩnh Nguyễn Tuân và cách ứng xử của nhân cách ấy với bạn bè, nghề viết và cơ chế xã hội.

Hay hay:

  1. Em hãy phân tích giá trị tư tưởng và nghệ thuật của đoạn văn tả cảnh Huấn Cao “cho chữ”
  2. Trình bày hoàn cảnh ra đời Nhật ký trong tù?
  3. Trình bày sự chuyển biến trong tình cảm của cái tôi trữ tình trong bài thơ “Từ ấy”
  4. Cuộc đời và sự nghiệp tác giả nhà văn Thạch Lam

Từ khóa » Tìm Hiểu Tác Giả Nguyễn Tuân