Cuộc Sống ở Nơi Covid-19 Chưa 'chạm' Tới - VnExpress

Các nhà nghiên cứu ở trạm Davis vẫy tay chào Mặt Trời. Ảnh: Science Alert.

Các nhà nghiên cứu ở trạm Davis vẫy tay chào Mặt Trời. Ảnh: Science Alert.

Trạm Davis tọa lạc giữa khung cảnh lạnh lẽo của vùng ven biển Ingrid Christensen, Nam Cực. Đây là nơi 24 con người bám trụ trong mùa đông dài tăm tối. Dù mùa đông kéo tới hàng năm và nhóm nghiên cứu vẫn quan sát khí quyển, sửa camera theo dõi chim biển và trông coi trạm khi Mặt Trời lặn dần, năm nay mọi thứ có vẻ khác biệt. "Đây là khoảng thời gian đáng lo ngại đối với tất cả chúng tôi ở Nam Cực", David Knoff, quản lý trạm Davis, chia sẻ. "Chúng tôi thực sự không nắm được tình hình cuộc sống ở nhà".

Trong khi Covid-19 lan khắp thế giới, có rất ít nơi virus không thể chạm tới. Ở trạm Davis, người cuối cùng của đoàn nghiên cứu mùa hè rời khỏi Nam Cực vào giữa tháng 2/2020, khi tác động toàn cầu của Covid-19 trở nên rõ ràng. "Chưa ai từng nghe tới Covid-19 khi chúng tôi rời khỏi Australia hồi tháng 10 năm ngoái, nhưng dịch bệnh bắt đầu ảnh hưởng tới Chương trình Nam Cực của Australia vào đầu tháng 1. Hậu quả từ dịch bệnh đối với trạm nghiên cứu sẽ vô cùng to lớn vì chúng tôi chỉ có một bác sĩ cùng phòng khám trang bị đầy đủ nhưng rất nhỏ", Knoff chia sẻ.   

Có khoảng 70 trạm nghiên cứu đang hoạt động trên lục địa băng có diện tích lớn bằng nước Mỹ và Mexico gộp lại. Vào mùa đông, các trạm này có khoảng 1.000 người và sang mùa hè, con số tăng lên hơn 4.000 người. Cục Nam Cực Australia hiện nay có 89 thành viên ở 4 trạm. Nhóm nghiên cứu đã chuẩn bị tốt cho mùa đông lạnh lẽo kéo dài ở nơi Mặt Trời không mọc trong suốt hai tuần, nhưng họ đang lo lắng vì ở xa nhà trong khi người thân có nguy cơ nhiễm virus và cuộc sống bị xáo trộn vì dịch bệnh. 24 thành viên đến từ Australia và New Zealand ở trạm Davis đang cố gắng duy trì tinh thần lạc quan. Họ tìm cách giải khuây bằng những bộ phim, lên mạng, ngắm nhìn đàn hải cẩu voi và chim cánh cụt ngoài cửa.

Theo Dan Dyer, nhà khoa học ở trạm Davis, tác động của Covid-19 tới nghiên cứu ở Nam Cực sẽ rõ ràng nhất vào mùa hè tới. Nhiều khả năng một số dự án khoa học đã được lên kế hoạch trong thời gian đó sẽ bị hoãn hoặc thu nhỏ quy mô bởi nhân sự và thiết bị có thể không đến kịp.   

Mỗi mùa hè, các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực kéo tới lục địa băng. Họ ghi chép số lượng chim cánh cụt và chim biển, thu thập dữ liệu từ địa chấn kế và trạm GPS, tiến hành thí nghiệm tìm hạt neutrino và bảo trì trạm quan sát khí quyển đóng vai trò quan trọng đối với lập mô hình thời tiết và nghiên cứu biến đổi khí hậu. "Thật buồn khi chứng kiến công trình nhiều năm bị ảnh hưởng bởi những sự kiện hoàn toàn vượt ngoài tầm kiểm soát như thế này", Dyer chia sẻ.

Nhóm nghiên cứu ở trạm Davis vẫn còn nhiều tháng trước khi tới lịch trở về Australia. Trạm có nguồn thức ăn đủ dùng trong hai năm để đề phòng sự cố. Nhưng dù được bảo vệ ở xứ sở mùa đông, sự xuất hiện của Covid-19 vẫn khiến tương lai trở nên không chắc chắn đối với họ. "Ở giai đoạn này, chúng tôi sẽ trở về Australia vào mùa hè tới theo dự kiến. Có một số điều mà chúng tôi không biết chắc trong những tháng sắp tới do việc đi lại bằng đường biển và đường hàng không đều bị ảnh hưởng. Hy vọng có thể gặp lại tất cả mọi người vào mùa hè năm sau", Knoff nói.   

An Khang (Theo Science Alert)

  • Lục địa duy nhất trên thế giới chưa nhiễm nCoV

Từ khóa » Nơi Covid 19 Chưa Chạm Tới