Hỏi - đáp: COVID-19 Lây Truyền Như Thế Nào?
Có thể bạn quan tâm
Virus gây bệnh COVID-19 lây nhiễm từ người sang người phổ biến nhất bằng đường nào?
Bằng chứng hiện nay cho thấy bệnh COVID-19 lây nhiễm ở người qua đường tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp (qua các vật dụng hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh), hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh qua dịch tiết từ miệng và mũi. Dịch tiết này bao gồm nước bọt, dịch tiết hô hấp hoặc các giọt bắn. Dịch tiết được phát xuất từ miệng hoặc mũi của người nhiễm bệnh khi họ ho, hắt hơi, nói hoặc hát. Người tiếp xúc gần (trong vòng khoảng cách 1 mét) với người đã nhiễm bệnh có thể mắc bệnh COVID-19 khi các giọt bắn nhiễm bệnh này thâm nhập vào miệng, mũi hoặc mắt của người tiếp xúc.
Để tránh tiếp xúc với giọt bắn, quan trọng là cần giữ khoảng cách và cách xa những người xung quanh ít nhất 1 mét, thường xuyên rửa tay và che miệng bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi hắt hơi hoặc ho khạc. Khi không thể giữ khoảng cách tiếp xúc (đứng cách xa nhau ít nhất 1 mét), cần đeo khẩu trang vải để bảo vệ những người xung quanh. Cần rửa tay thường xuyên để phòng tránh mắc bệnh.
Virus COVID-19 còn có thể lây nhiễm qua những đường nào khác?
Những người có virus trong mũi và họng có thể vô tình làm lây những giọt bắn mang mầm bệnh lên các vật dụng và bề mặt (còn gọi là vật mang mầm bệnh) khi họ hắt hơi, ho khạc hoặc chạm lên bề mặt đồ vật như bàn, tay nắm cửa và tay vịn cầu thang. Những người khác có thể bị nhiễm bệnh khi họ chạm tay vào các đồ vật hoặc bề mặt mang mầm bệnh này, sau đó lại chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng mình trước khi rửa tay.
Do đó, cần rửa tay thường xuyên thật kĩ bằng nước và xà phòng hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn, đồng thời thường xuyên lau rửa các bề mặt.
Chúng ta biết gì về sự lây nhiễm qua khí dung?
Một số thủ thuật y tế có thể sinh ra các giọt bắn rất nhỏ (gọi là giọt bắn li ti hoặc khí dung) lơ lửng trong không khí trong thời gian lâu hơn. Khi thực hiện các thủ thuật y tế này trên người nhiễm bệnh COVID-19 tại các cơ sở y tế, khí dung có thể chứa virus COVID-19. Những người khác có thể hít phải khí dung mang mầm bệnh nếu họ không sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp. Do đó, tất cả nhân viên y tế cần thực hiện các biện pháp bảo vệ nhằm phòng tránh lây nhiễm bệnh qua đường không khí khi thực hiện các thủ thuật y khoa, trong đó có việc sử dụng dụng cụ bảo hộ cá nhân phù hợp. Khách thăm không được phép vào các khu vực đang thực hiện các thủ thuật y khoa đó.
Theo báo cáo, dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát ở một số khu vực có môi trường kín như nhà hàng, CLB đêm, khu vực thờ cúng, cầu nguyện hoặc tại các khu vực nơi người dân có thể đang la hét, nói chuyện hoặc hát hò. Tại các khu vực bùng phát dịch này, cũng không loại trừ khả năng bệnh lây nhiễm qua hạt khí dung, đặc biệt tại các địa điểm trong nhà, không gian tập trung đông người và không khí không đủ thông thoáng nơi người nhiễm bệnh có thời gian dài tiếp xúc với những người khác. Cần khẩn trương nghiên cứu thêm để điều tra những trường hợp như vậy đồng thời đánh giá sự lây nhiễm COVID-19 trong môi trường này.
Khi nào người nhiễm bệnh có thể lây truyền virus?
Dựa trên những gì mà chúng ta biết tới thời điểm hiện tại, COVID-19 chủ yếu lây truyền từ những người đã có triệu chứng, và cũng có thể xảy ra ngay trước khi họ xuất hiện triệu chứng, khi họ tiếp xúc gần với những người khác trong thời gian dài. Những trường hợp không có triệu chứng có thể lây virus sang cho người khác, tuy vậy vẫn chưa rõ mức độ lây nhiễm, và cần có thêm nghiên cứu về lĩnh vực này.
Hạn chế tiếp xúc với người nhiễm COVID-19, rửa tay kĩ, thường xuyên đồng thời đeo khẩu trang khi không thể đảm bảo khoảng cách tiếp xúc ít nhất 1 mét giúp ngăn chặn đường lây nhiễm.
Người không có triệu chứng có thể lây truyền virus không?
Có. Người nhiễm bệnh có thể lây truyền virus cả khi họ có triệu chứng và khi họ không có triệu chứng. Do đó, cần xác định những người nhiễm bệnh bằng xét nghiệm, cách ly, và chăm sóc y tế, tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Thậm chí người đã được xác định mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng cũng cần được cách ly để hạn chế tiếp xúc với những người khác. Các biện pháp này nhằm mục đích ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Luôn giữ khoảng cách tiếp xúc ít nhất 1 mét với những người xung quanh, cần che miệng bằng mặt trong của khuỷu tay hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay thường xuyên và hãy ở nhà nếu bạn thấy người không khỏe hoặc khi được yêu cầu ở nhà. Tại các khu vực dịch bệnh lây lan rộng, người dân cần đeo khẩu trang vải khi không thể áp dụng các biện pháp giãn cách vật lý và các biện pháp kiểm soát khác.
Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về việc sử dụng khẩu trang ở đây.
Sự khác biệt giữa những người không có triệu chứng hoặc tiền triệu chứng là gì? Điều này không có nghĩa là họ đều không có triệu chứng hay sao?
Đúng vậy, cả hai thuật ngữ đều có nghĩa là những người không có triệu chứng. Sự khác biệt là ở chỗ không triệu chứng là nói đến những người đã nhiễm mầm bệnh nhưng không có triệu chứng trong giai đoạn bị nhiễm bệnh, trong khi đó tiền triệu chứng là nói đến những người bị nhiễm bệnh nhưng chưa xuất hiện triệu chứng và các triệu chứng sẽ xuất hiện sau đó.
Việc phân biệt này rất quan trọng trong chiến lược y tế công cộng nhằm kiểm soát lây nhiễm. Ví dụ, số liệu xét nghiệm cho thấy những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhất tại thời điểm xuất hiện triệu chứng hoặc xung quanh khoảng thời gian đó. Do đó, trong hướng dẫn điều tra ca bệnh và truy tìm nguồn tiếp xúc của WHO, theo khuyến cáo này thì những người được coi là ‘người tiếp xúc’ nếu họ đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh từ 2 ngày trước thời điểm người nhiễm bệnh này xuất hiện triệu chứng.
Có cần thêm thông tin để hiểu rõ hơn về cơ chế lây truyền của COVID-19 không?
Có. COVID-19 là một bệnh mới. Trong lúc thông tin ngày càng sẵn có và cập nhật hàng ngày, vẫn còn nhiều câu hỏi về cơ chế lây truyền của bệnh. Nhiều nhóm và mạng lưới nghiên cứu trên toàn thế giới đang triển khai để tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi này.
WHO và các đối tác của WHO đang phối hợp để hiểu rõ hơn về:
- các đường lây truyền, trong đó có đường lây qua giọt bắn với kích thước khác nhau, lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, qua vật mang mầm bệnh, và vai trò của sự lây nhiễm qua đường không khí khi không thực hiện các thủ thuật tạo ra khí dung;
- liều virus cần có để làm lây bệnh;
- đặc điểm của người bệnh và bối cảnh khiến cho việc siêu lây truyền lan rộng như đã từng thấy ở một số sự kiện lây lan trong môi trường kín;
- tỷ lệ người bị nhiễm bệnh mà không có triệu chứng trong suốt quá trình nhiễm bệnh;
- tỷ lệ những người thực sự không có triệu chứng nhưng lây nhiễm virus cho những người khác;
- các yếu tố đặc hiệu lây nhiễm bệnh không triệu chứng và tiền triệu chứng;
- và tỷ lệ tất cả các ca lây nhiễm bị lây từ những người không có triệu chứng và tiền triệu chứng.
WHO khuyến cáo gì để ngăn chặn hoặc phòng tránh COVID-19?
WHO khuyến cáo thực hiện nhóm các biện pháp nhằm ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19 từ người sang người như sau:
- Hạn chế tiếp xúc gần giữa những người nhiễm bệnh và những người khác. Đảm bảo khoảng cách tiếp xúc nhất 1 mét với những người khác. Tại các vùng dịch bệnh COVID-19 đang lưu hành và không thể đảm bảo áp dụng biện pháp này, thì cần đeo khẩu trang.
- Nhanh chóng xác định những người nhiễm bệnh để cách ly và chăm sóc, đồng thời mọi đối tượng tiếp xúc với người này có thể bị cách ly tại các cơ sở phù hợp.
- Rửa sạch tay và luôn che miệng bằng khăn giấy hoặc mặt trong khuỷu tay khi ho khạc hoặc hắt hơi.
- Tránh nơi đông người, những địa điểm tiếp xúc gần và không gian kín và không thông thoáng khí.
- Đảm bảo thông thoáng không khí ở môi trường trong nhà, gồm nhà ở và văn phòng làm việc.
- Hãy ở nhà nếu bạn cảm thấy không khỏe, cần liên lạc với nhân viên y tế, cơ sở y tế càng sớm càng tốt để xác định xem bạn có cần chăm sóc y tế không.
- Ở các quốc gia và vùng lãnh thổ dịch COVID-19 đang lưu hành, nhân viên y tế cần phải luôn đeo khẩu trang y tế trong mọi hoạt động thường quy tại các khu vực lâm sàng trong cơ sở y tế.
- Nhân viên y tế cũng cần sử dụng thêm các trang dụng cụ bảo hộ cá nhân và các biện pháp bảo vệ khi chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19. Các chi tiết về nhân viên y tế có tại đây và đây.
- Cần có các biện pháp bảo vệ tại nơi làm việc, chi tiết xem thêm tại đây.
Tôi có thể tự bảo vệ mình trước COVID-19 như thế nào?
Xem thêm thông tin về các biện pháp bảo vệ cho chính bạn tại đây.
Mục đích của báo cáo khoa học tóm tắt về lây nhiễm bệnh là gì?
WHO thường xuyên công bố các báo cáo khoa học tóm tắt nhằm giải thích sâu về các đề tài chuyên môn cho đối tượng là những người làm khoa học. Báo cáo khoa học ngắn gọn về cơ chế lây nhiễm của COVID-19 tóm tắt những kiến thức chúng ta biết về cơ chế lây nhiễm của virus từ người sang người như thế nào, ai là người lây truyền virus và khi nào người này có thể lây nhiễm sang người khác, và ý nghĩa của các biện pháp phòng ngừa. Báo cáo cũng chỉ ra một số lĩnh vực chính cần nghiên cứu thêm và các kết quả nghiên cứu này sẽ giúp cung cấp thông tin cho các khuyến cáo và hướng dẫn.
Thông tin này rất quan trọng nhằm hiểu rõ biện pháp phòng tránh lây nhiễm và hạn chế sự lây lan của virus ở người.
Các báo cáo khoa học tóm tắt của WHO là những tài liệu sống, nghĩa là các báo cáo này được cập nhật mỗi khi có các nghiên cứu mới. COVID-19 là bệnh mới và chúng ta vẫn đang học hỏi hàng ngày về bệnh này.
WHO tổng hợp thông tin như thế nào?
WHO tiếp tục đánh giá lại thông tin từ các nghiên cứu đã được công bố, trong đó có các nghiên cứu ở giai đoạn “tiền in ấn” (bản thảo chưa được bình duyệt nhưng đã được đăng tải lên hệ thống máy chủ trước khi in). WHO cũng xác định những câu hỏi quan trọng cần được trả lời để hiểu rõ thêm và nâng cao khả năng đáp ứng trước dịch bệnh COVID-19 và hướng dẫn định hướng nghiên cứu về các vấn đề này. WHO tổ chức họp trực tuyến thường xuyên với mạng lưới các chuyên gia toàn cầu ở các chuyên ngành khoa học khác nhau nhằm đánh giá tất cả nghiên cứu hiện có, đồng thời xác định các bằng chứng hiện tại, các thực hành tốt nhất và kinh nghiệm của nhân viên tuyến đầu để có thể xây dựng thành các hướng dẫn và khuyến cáo.
Từ khóa » Nơi Covid 19 Chưa Chạm Tới
-
Nơi Covid-19 Chưa Chạm Tới - Đời Sống - Zing
-
Cuộc Sống ở Nơi Covid-19 Chưa 'chạm' Tới - VnExpress
-
Cách Bảo Vệ Bản Thân Và Người Khác | CDC
-
COVID-19 Và Khẩu Trang: Một Số Lời Gợi ý Cho Gia đình - UNICEF
-
[PDF] Bản Hướng Dẫn Việc Xét Nghiệm Coronavirus (COVID-19) Tại Nhà
-
Các Địa điểm Xét Nghiệm COVID-19 MIỄN PHÍ
-
Lưu ý Quan Trọng Khi Tự Làm Test Nhanh COVID-19 Tại Nhà
-
Những Hành động 'nguy Hiểm' Dễ Dẫn đến Mắc Bệnh COVID-19
-
Virus Corona Có Thể Sống Trên Các Bề Mặt Bao Lâu? - BBC
-
Phần Lớn Các Ca Lây Nhiễm COVID-19 Do Tiếp Xúc Rất Gần, Không đeo ...
-
Covid-19: Virus Có Thể Lây Khắp Toà Nhà Chỉ Sau Vài Giờ - BBC
-
HƯỚNG DẪN TỰ LẤY MẪU VÀ THỰC HIỆN XÉT NGHIỆM NHANH ...
-
Hướng Dẫn điều Trị F0 Tại Nhà
-
[PDF] Chăm Sóc Tại Nhà Cho Những Người đã Hoặc Có Thể đã Tiếp Xúc Với