Cuộc Sống Phía Sau Song Sắt Trại Giam | Báo Dân Trí
Có thể bạn quan tâm
Trại giam Đắk P’Lao (Tổng cục VIII, Bộ Công an), đóng trên địa bàn xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông, là nơi thi hành án của hơn 1100 phạm nhân. Trong số đó có nhiều phạm nhân là đối tượng cộm cán ngoài xã hội nên thời gian đầu không chịu chấp hành các quy định của trại, một số khác lại sống thu mình, mang tâm lý mặc cảm, đau đớn, dằn vặt.
Theo Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Giám thị trại giam Đắk P’Lao, để cảm hóa những người này, trại giam phải tạo ra một môi trường cải tạo vừa kỷ luật, vừa gần gũi, tạo điều kiện cho các phạm nhân giao lưu với những phạm nhân khác, giúp họ vơi bớt mặc cảm và “khơi” lại tính thiện trong mỗi con người.
Dẫn chúng tôi đi thăm một số xưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ trong trại, Giám thị trại giam Đắk P’Lao cho biết, những phạm nhân trước đây không có nghề nghiệp ổn định, sẽ được học nghề trong trại. Số phạm nhân khác sẽ tham gia lao động sản xuất nông nghiệp như chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất cây công nghiệp… trong khu vực quản lý.
Ngồi cặm cụi hoàn thiện xong chiếc ghế nhựa, phạm nhân Nguyễn Bá B. (đang thụ án về tội Hiếp dâm trẻ em) tâm sự: “Ngày mới bị bắt, tôi cảm tưởng rằng cuộc sống của mình đã đi vào đường cùng, bởi hơn 50 tuổi còn phải đặt chân vào trại giam chỉ vì một phút nông nổi. Nhưng nhờ có sự quan tâm của ban Giám thị, tôi đã thay đổi được suy nghĩ và phấn đấu cải tạo tốt.
Phạm nhân nào cũng phải lao động sản xuất, tôi đã có tuổi, chậm chạp, mắt kém nên được trại giam bố trí cho làm tại xưởng thủ công. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ nhưng không tốn nhiều sức lực nên hàng ngày tôi làm được khoảng 7-9 sản phẩm”.
Trong khi đó, phạm nhân Nguyễn Hoàng A. (thụ án về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có) chia sẻ, trước khi vào đây anh này chỉ biết chơi bời, lêu lổng, không có việc làm nên mới vướng vòng lao lý. Sau hơn 1 tháng học việc, A. đã thành thạo công việc làm mi giả.
Phạm nhân này cho biết thêm: “Các phạm nhân sẽ lao động sản xuất bắt đầu từ 7h sáng, đến khoảng 3h30 chiều thì kết thúc công việc. Sau giờ lao động, các phạm nhân sẽ trở về trại giam để sinh hoạt cá nhân, tại đây phạm nhân sẽ chơi thể thao, đọc sách báo trong thư viện, tham gia văn nghệ hoặc nghỉ ngơi tại phòng giam của mình”.
Sau khi ra trại, nhiều phạm nhân có thể kiếm sống bằng công việc mà mình đã được học trong thời gian chấp hành án
Tuy nhiên, cuộc sống trại giam không phải dễ dàng đối với phần lớn phạm nhân. Để đưa những phạm nhân “cứng đầu” đi vào khuôn khổ, nghiêm chỉnh chấp hành quy định của trại, chuyện cán bộ quản giáo khác phải đi từng buồng, gặp từng phạm để khuyên nhủ là không hiếm.
40 năm gắn bó với công việc cảm hóa người phạm tội, đại tá Nguyễn Xuân Trường có không ít kỷ niệm về những phạm nhân của mình. Trong số đó, ông nhớ mãi câu chuyện về phạm nhân Nguyễn Thành Đ. (quê Bắc Giang) phạm tôi Hiếp dâm, nổi tiếng khắp trại giam bởi từ khi nhập trại đến khi thụ án xong, anh ta đã hơn 10 lần tự tử.
Đại tá Trường kể: “Do thụ án ở trại giam cách quê nhà cả ngàn cây số nên Đ. không có người nhà vào thăm nuôi như những phạm khác. Nghĩ mình bị gia đình đã cự tuyệt, hắt hủi nên anh này xé quần áo, chăn màn để tìm đến cái chết”.
Biết chuyện cán bộ quản giáo đã tìm gặp, nói chuyện với Đ. Cả buổi, phạm nhân này không nói một lời nào, nhưng khi nhắc đến bố mẹ ở nhà, anh ta ôm mặt khóc nức nở. Sau đó, cán bộ này nhờ người liên hệ với gia đình phạm nhân ngoài quê và động viên họ sắp xếp thời gian vào thăm con. Được gặp mặt gia đình, Đ. thay đổi hoàn toàn tâm tính, không còn ý định tự tử nữa và quyết tâm làm lại cuộc đời.
Ngoài học nghề, các phạm nhân còn được dạy chữ và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao
Trong trại, số phạm nhân phạm tội mua bán trái phép chất ma túy cũng không ít, trong số này có nhiều người đã nghiện nặng, chính vì thế trại giam còn trở thành nơi cai nghiện cho họ. Khi vào đây, nhờ sự động viên của các cán bộ quản giáo và bạn tù, nên chỉ sau 3-4 lần lên cơn, những phạm nhân này sẽ tự cắt cơn và cai nghiện thành công.
“Trong quá trình phạm nhân cai nghiện, chúng tôi cũng gặp không ít trường hợp, con nghiện đau đớn, vật vã nên tìm cách liên hệ người nhà “tuồn” thuốc vào trong trại giam. Sau đó, người nhà phạm nhân sẽ giấu ma túy vào trong thức ăn hoặc thư từ để đưa vào trại. Tuy nhiên, tất cả đều bị quản giáo phát hiện và thu giữ từ ngay cổng kiểm soát đồ”, Trung tá Nguyễn Quốc Thanh, Phó giám thị trại giam cho biết thêm.
Ngoài ra, một số đối tượng cộm cán, không chấp nhận cảnh tù túng nên lợi dụng lúc lao động sản xuất đã tìm cách bỏ trốn, nhưng tất cả đều bị bắt lại trong vòng 24 giờ đồng hồ. Đối với các phạm nhân này, thời gian chấp hành án của họ sẽ tăng lên do hành vi đào tẩu.
Dương Phong
Từ khóa » đi Tù Khổ Thế Nào
-
Đi Tù Phải Làm Những Gì? Làm Việc Có được Trả Công Không?
-
Phạm Nhân đi Tù được ăn Uống, Mặc Quần áo Như Thế Nào? - YouTube
-
Ám ảnh Khu Biệt Giam Của Những Tử Tù... Ngóng Tết - YouTube
-
Phía Sau Cánh Cổng Trại Tạm Giam - Báo Quảng Ninh điện Tử
-
Chấp Nhận đi Tù Do Sống Khổ Sở Trong Covid-19 - VnExpress
-
"Chỗ Tốt" Trong Tù - Giá Bao Nhiêu? - Báo Thanh Niên
-
Việt Nam: Phòng Giam Giữ Hay Là Nơi đày đọa Con Người? - BBC
-
Gặp Những Người Ngồi đếm Cuộc đời - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
-
Tình Trạng Tù Nhân Trong Các Trại Giam ở Việt Nam
-
Mẫu Nam 9x được Thả Sau 3 Tháng đi Tù Khổ Sai, Còn đâu Gương Mặt ...
-
Cảnh Lao động Phía Sau Cánh Cửa Nhà Tù - Pháp Luật - Zing
-
Người Thân đi Tù, được Gửi Những Loại Quà Gì? - Thư Viện Pháp Luật
-
Kẻ Hiếp Dâm được Bạn Tù “dạy Dỗ” Thế Nào? - Dân Luật
-
Đi Tù Có được Dùng điện Thoại Không? - Luật Sư X