Cười Ra Nước Mắt Với Nhiều Bài Thi Văn - Báo Phụ Nữ

Thể thơ... “thất ngôn bát quái”

Một giáo viên chấm thi môn văn nhận xét với đề thi năm nay, phần lớn bài làm đạt điểm 5-6 vì có những câu cơ bản rất dễ lấy điểm trung bình. Tuy vậy, cũng có nhiều bài thi bị điểm kém và phần lớn thí sinh này gần như không có kỹ năng làm văn.

Các thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022 môn văn tại điểm thi Trường THPT Phong Phú (H.Bình Chánh) - ẢNH: P.T.
Các thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022 môn văn tại điểm thi Trường THPT Phong Phú (huyện Bình Chánh) - Ảnh: P.T.

Chẳng hạn, với phần đọc hiểu được đánh giá là đơn giản, nhưng không ít thí sinh làm sai một cách ngô nghê. Phần đọc hiểu đưa ra trích đoạn Con đường của những vì sao của Nguyễn Trọng Tạo, đối với yêu cầu xác định thể loại thơ, chỉ cần trả lời “thơ tự do” là được trọn 0,75 điểm. Nhưng một số em lại nhầm lẫn thể loại thơ với phương thức biểu đạt, cho nên trả lời thể loại thơ là “tự sự”, “miêu tả biểu cảm”...

“Hài hước hơn, có em nhầm hẳn sang thể thơ “thất ngôn bát cú”, mà lại còn ghi thành... “thất ngôn bát quái”. Điều này cho thấy thí sinh gần như không có khái niệm gì về xác định thể loại mà chỉ ghi đại. Đối với yêu cầu xác định tác dụng của biện pháp tu từ là “gợi hình, gợi cảm”, thì có thí sinh nhầm thành... “ngoại hình, ngoại cảm”. Với thí sinh không lấy được điểm ở phần cơ bản nhất là đọc hiểu văn bản tiếng Việt, tôi cho rằng các em gần như không học được gì về môn văn”, giáo viên này đánh giá.

Một số thí sinh không chỉ yếu về kỹ năng làm văn mà còn hạn chế về kiến thức xã hội. Một giáo viên chấm thi khác cho biết, đối với câu nghị luận xã hội, đề yêu cầu học sinh viết đoạn văn “trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước” được đánh giá là phù hợp với độ tuổi 18 đang chuẩn bị bước sang giai đoạn trưởng thành. Tuy nhiên, nhiều bài làm của các em vừa không đảm bảo được hình thức, cấu trúc của đoạn nghị luận xã hội, mà còn thể hiện sự ngô nghê trong nhận thức. Có thí sinh còn “xin hứa sẽ cố gắng chăm ngoan, học giỏi”, đọc có cảm tưởng như bài viết của học sinh... tiểu học.

Không chỉ những bài điểm kém, mà đa số bài thi viết còn chung chung, lặp đi lặp lại ý, không phân tích được sâu vào ba khía cạnh là thái độ, nhận thức và hành động của thế hệ trẻ. Điều này cho thấy dù ở lứa tuổi chuẩn bị bước vào đại học nhưng đa phần các em còn hạn chế về kiến thức xã hội.

“Trúng tủ” nhưng “lệch ngăn”

Nhiều bài thi cũng cho thấy đang có không ít học sinh vẫn sa vào tình trạng học “tủ” môn văn. Trong đó, có nhiều em ôn “tủ” bài Người lái đò sông Đà nên nhầm lẫn kiến thức với tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa được đưa ra trong đề thi. Do đó, trong bài làm, thay vì bối cảnh của Chiếc thuyền ngoài xa ở vùng biển miền Trung thì các em đưa hẳn câu chuyện ra tận... Tây Bắc của Người lái đò sông Đà. Đồng thời, nhiều chi tiết về thời gian sáng tác, nội dung tác phẩm, nhân vật chính cũng “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Mặt khác, theo một giáo viên chấm thi, nhiều thí sinh thấy phấn khởi khi “trúng tủ” tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa nhưng thực tế khi chấm bài cho thấy không ít bạn “trúng tủ” nhưng... “lệch ngăn”. Bởi đề thi đưa ra đoạn trích thiên về tả cảnh và yêu cầu phân tích đoạn trích nhưng nhiều thí sinh học “tủ” nên sa đà phân tích hình tượng nhân vật. Dẫn đến có bạn tập trung vào người đàn bà hàng chài - nhân vật nữ chính trong câu chuyện - hoàn toàn trật yêu cầu của đề.

Có bạn thì “bê nguyên tủ” ở một thể loại làm văn khác bằng cách mở đầu với câu “Tôi là Phùng đây”, và trong suốt bài viết bạn nhập vai Phùng - nhân vật nam chính của tác phẩm - để kể lại toàn bộ câu chuyện.

Phần đoạn trích trong Chiếc thuyền ngoài xa với luận điểm khá ít ỏi nên muốn phân tích hay, đạt điểm giỏi đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng làm văn tốt, có tư duy mở rộng và nâng cao vấn đề. Do đó, với câu hỏi này, nhiều bài thi viết rất chung chung, ngô nghê, không có độ sâu khi phân tích. Thậm chí, có em kết thúc bài viết còn có câu: “P/S (tái bút): Nếu thầy cô muốn biết rõ hơn thì có thể mở YouTube Cánh đồng cừu”.

Từ thực tế bài thi văn năm nay, nhiều giáo viên nhận định hướng ra đề rất hay vì cho dù thí sinh “trúng tủ” tác phẩm cũng chưa chắc làm đúng, bởi trong “tủ” có nhiều “ngăn”, cũng như một tác phẩm có nhiều hướng ra đề mà thí sinh không thể đoán biết được đề sẽ yêu cầu phân tích khía cạnh nào. Hướng ra đề này nên được duy trì, bởi đảm bảo được tính phân hóa rất tốt.

Trong đó, thí sinh chăm chỉ dễ dàng đạt điểm trung bình, còn để đạt điểm giỏi phải thực sự có kiến thức xã hội, kỹ năng diễn đạt tốt và khả năng thẩm thấu văn chương. Đề làm văn cũng tránh được việc học thuộc lòng văn mẫu, học “vẹt”, học “tủ”, tiếp cận hướng giáo dục và giảng dạy theo chương trình mới, trong đó đòi hỏi học sinh phải chú trọng rèn luyện kỹ năng làm văn và nâng cao kiến thức xã hội.

Phương Thanh

Từ khóa » Trúng Tủ Lệch Ngăn Là Gì